Sunday 29 November 2020

Tỉnh thức và sẵn sàng


Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm B

Lời Chúa: Is 63,16-19; 64,2-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37


Chúng ta bắt đầu năm phụng vụ mới. Năm phụng vụ là chu kỳ thời gian theo đó Giáo Hội sống lại toàn bộ mầu nhiệm của Chúa Kitô, từ khi nhập thể cho đến khi Người trở lại trong ngày cánh chung. Năm phụng vụ khởi đầu với Mùa Vọng với bốn tuần chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh.


Tin Mừng mà chúng ta suy niệm trong năm B là Tin Máccô. Theo truyền thống, cũng như một số nơi trong Tân Ước xác nhận, Máccô là môn đệ và là “thông dịch viên” của Phêrô. Ông viết lại những ký ức và bài giảng của Phêrô. Dựa trên chứng tá mắt thấy tai nghe rất có thế giá, Máccô viết Tin Mừng ở Rôma, nơi Phêrô hoạt động trong những năm cuối đời. Đây là Tin Mừng đầu tiên, như một “cuốn giáo lý” của các Kitô hữu! Nhờ sự ngắn gọn và phong cách kể chuyện, Tin Mừng Máccô là phương tiện lý tưởng để đến với Chúa Giêsu.

Chúng ta lắng nghe lại một vài đoạn của bài Tin Mừng hôm nay:

“Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: Anh em phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay lúc nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải tỉnh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Điều thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là; phải canh thức” (Mc 13,35-37).

Những lời của Chúa Giêsu hàm chứa một cái nhìn rất chính xác về cuộc sống và thế giới. Chúng ta có thể tóm tắt lại thế này: Thời gian hiện tại chỉ như một đêm dài; đời sống đang sống chỉ như là một giấc ngủ; hoạt động chúng ta đang làm như một giấc mơ. Thánh Phaolô diễn tả điều này khi viết: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến” (Rm 13,12). Ngài muốn nói rằng cuộc sống này là “đêm” và đời sống tương lai mới là “ngày.”

Từ xa xưa trong hầu hết các nền văn hóa, người ta đồng hóa giấc ngủ với sự chết, nhưng đối Kinh Thánh thường đồng hóa giấc ngủ với sự sống. Đời sống là một giấc ngủ; còn cái chết mới là sự thức dậy. Vì thế, cái chết của các thánh chính là ngày sinh nhật, ngày bước vào sự sống. Một văn sĩ Tây Ban Nha thế kỷ VI, Calderon de la Barca, đã viết vở kịch nổi tiếng có tựa đề này: “Đời là giấc mơ” (Vida es sueño). Thánh Augustinô cho rằng: “Cuộc đời này là một mảnh đất lắm người đang ngủ hơn là những người đang sống.” Như là một giấc mộng, đời sống con người có những đặc điểm sau:

Trước hết nó thật ngắn ngủi. Như mọi sự xảy ra trong giấc mơ trôi qua rất nhanh, cuộc sống này qua đi rất nhanh, đời người ngắn ngủi như bông hoa sớm nở tối tàn, đời nó cũng không còn vết tích. Đó là hình ảnh về sự ngắn ngủi của đời sống con người. Khi tới tuổi già, chúng ta nhìn lại quá khứ và cảm tưởng rằng tất cả không khác gì như một hơi thở, một giấc mơ.

Một đặc tính khác nữa đó là tính hão huyền hay hư vô. Như một người có thể mơ thấy mình đang có mặt tại một bữa tiệc và ăn uống thỏa thuê; nhưng khi tỉnh dậy, anh cảm thấy bụng mình vẫn còn đói meo. Như một người nghèo, một đêm tối, anh mơ được trở nên giàu có. Khi mơ, anh vui mừng, anh huênh hoang, anh khinh thường cả cha mình, anh giả vờ như không biết gì. Nhưng khi tỉnh giấc, anh nhận thấy mình vẫn nghèo rớt mùng tơi.

Nhưng ngay cả khi một người giàu có của cải vật chất, thình lình tử thần ập tới, anh có thể mang đem được gì theo mình sau cái chết nếu không phải là hai bàn tay trắng. Mọi sự sẽ là hư vô!

Tuy nhiên, có một đặc điểm của giấc mơ, đó là tính trách nhiệm không được áp dụng. Bạn có thể mơ giết chết hoặc ăn cắp; khi bạn tỉnh dậy, bạn không có chịu hậu quả tội lỗi này, vì đó chỉ là mơ, không phải thực. Nhưng cuộc sống không như mơ. Điều mà một người làm trong đời sống là để lại dấu ấn và hậu quả không thể xóa nhòa. Bởi thế, như có lời nói rằng: “Ngày đó, Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm” (Rm 2,6).

Trên phạm vi thể lý, có những thứ ru ngủ chúng ta, đó là thuốc ngủ mà ngày nay y học sản xuất để chữa bệnh mất ngủ. Trên phạm vi luân lý, có một thứ thuốc ngủ kinh khủng, đó là thói quen. Dĩ nhiên, ta không nói đến những thói quen tốt, những nhân đức, nhưng là những thói quen xấu, hoặc những việc làm máy móc, không còn một xác tín, một cảm nghiệm nội tâm nào. Người ta ví thói quen giống như loài muỗi hút máu. Khi hút máu, nó chích vào người ta một thứ gây mê, gây ngủ, làm cho không đau đớn gì, nên nó có thể hút máu bao nhiêu nó muốn. Theo một nghĩa nào đó, thói quen còn nguy hiểm hơn con muỗi hút máu. Thật thế, nó không thể làm cho người ta ngủ, nhưng nó chỉ tấn công những ai đã ngủ; ngược lại, trước hết thói quen xấu làm con người buồn ngủ, sau đó, nó hút máu là những năng lực, cố gắng, lòng tốt, bằng cách chích vào một loại thứ gây mê làm cho người ta cảm thấy dễ chịu.

Thói quen xấu ru ngủ lương tâm, hành vi đó lặp đi lặp lại nhiều lần và làm cho ta không còn khả năng phân biệt đúng sai, cảm thức tội lỗi, ý thức điều ác trong mình.

Bởi thế, để có thể thoát khỏi tình trạng này, chúng ta cần phải thức dậy từ giấc mê tinh thần này. Đây là điều mà Lời Chúa thường xuyên mời gọi chúng ta sống tỉnh thức trong Mùa Vọng: “Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia (Rm 13,11). “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi (Ep 5,14).

Nhưng ở đây, tỉnh thức có nghĩa là gì? Chúa Giêsu mời gọi nhiều lần trong Tin Mừng: “Anh em hãy tỉnh thức và hãy canh chừng!” “Anh em hãy tỉnh thức và hãy sẵn sàng!” “Anh em hãy tỉnh thức và hãy cầu nguyện.”  Hãy sẵn sàng có nghĩa là hướng về hay chú tâm đến một điều gì đó sắp xảy ra. Những thợ săn, khi nhắm đối tượng nào đó, họ chú tâm và tập trung biết bao! Vâng, chúng ta cũng phải tập trung như thế, không chỉ để bắt một con chim nhỏ, nhưng để không hụt mất mục đích tối hậu của toàn bộ đời sống, đó là sự sống vĩnh cửu. Quả thật, chúng ta được tiền định cho sự vĩnh cửu. Điều đáng sống và bền vững không gì khác là chúng ta được sống đời đời.

Để giúp ta biết sống sẵn sàng như thế nào, Chúa Giêsu giải thích bằng hình ảnh người quản gia, luôn sẵn sàng mở cửa khi ông chủ trở về: “Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình…, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức.”

Người quản gia phải là người biết lo lắng, sẵn sàng, chờ đợi, lắng nghe, tường trình lại công việc… ông luôn mở con mắt quan sát người đến người đi, sẵn sàng chỗi dậy khỏi giường để mở cửa khi biết rằng ông chủ về bất cứ lúc nào.

Hơn nữa, tỉnh thức có nghĩa là cầu nguyện. Giữa bao tiếng ồn ào, cuồng nhiệt của cuộc sống làm chúng ta phân tán, mất tập trung, tỉnh thức có nghĩa là dành thời gian nào đó để thinh lặng, đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, nhìn lại chính mình, suy nghĩ về đời người. Cầu nguyện như khung cửa giúp ta có thể nhìn về một thế giới khác, thế giới Thiên Chúa, hướng về nhà Cha trên trời. Vì thế, tỉnh thức có tầm quan trọng trong đời sống. Thánh Augustinô nói: tỉnh thức là tìm kiếm và canh chừng kẻ trộm.” Lý do chúng ta phải tỉnh thức vì như Chúa nói: “Anh em hãy canh chừng, hãy tỉnh thức, bởi vì không biết lúc nào giờ đó xảy ra.” Chúng ta không được tự an ủi mình khi cho rằng còn lâu mới kết thúc thế giới. Có một điều chắc chắn sẽ xảy ra đối với mọi người đó là cái chết. Lúc đó Chúa sẽ trở lại với chúng ta. Thế giới này sẽ qua đi và kết thúc khi chúng ta kết thúc cuộc đời này.

Theo đó, có biết bao người mỗi ngày phải từ giã thế giới này? Đó là giờ kết thúc, giờ Chúa đến đối với họ. Đó là lý do tại sao Phụng Vụ gửi chúng ta thông điệp tỉnh thức trước ngưỡng cửa năm mới. Có lẽ Thiên Chúa muốn làm phiền chúng ta, và không muốn điều tốt cho chúng ta chăng? Không, vì yêu chúng ta, nên Người sợ chúng ta đánh mất chính mình. Khi con tàu Titanic hành trình, có những tín hiệu nguy hiểm được phát ra từ rada, từ những con thuyền khác về những tảng băng ngầm trên hành trình. Nhưng người ta đang tổ chức một lễ hội nhảy múa; người ta không muốn quấy rầy các thực khách. Xem ra không có gì nguy hiểm. Nhưng điều phải đến thì đã đến. Con tàu va chạm vào những tảng băng đó, và đã chọc thủng con tàu, nước biển đã nhận chìm con tàu và tất cả hành khách. Chúng ta nhớ lại điều mà Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng, về thế hệ loài người khi lụt hồng thủy: “Thiên hạ ăn uống, dựng vợ gã chồng… cho đến khi nước lũ ấp tới và nhấn chìm tất cả” (Mt 24,38-39). Bởi con người không còn tỉnh thức và sẵn sàng!

Chúng ta kết thúc với Lời của Chúa Giêsu rằng cả trong lúc đó, chúng ta hãy phó thác và hy vọng vào Chúa: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12,37). Amen!



No comments:

Post a Comment