Friday 22 May 2020

Sao còn đứng nhìn trời?

LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI
Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20

Trong bài đọc I, một thiên thần nói với các môn đệ: “Hỡi người xứ Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,11).
Đây là một dịp để chúng ta làm sáng tỏ một lần cho tất cả khái niệm “thiên đàng” hay “trời” mà chúng ta nói đến có ý nghĩa gì. Trong quan niệm của hầu hết mọi người, nói đến trời là nói đến nơi cư ngụ của Thần Linh. Ngay cả Kinh Thánh cũng sử dụng ngôn ngữ theo nghĩa không gian này: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14).
Nhưng với sự ra đời của kỷ nguyên khoa học, tất cả những ý nghĩa tôn giáo này được áp dụng cho từ “trời” hôm nay bị khủng hoảng. Các tầng trời là không gian mà trong đó hành tinh của chúng ta và toàn bộ thái dương hệ di chuyển, và không có gì khác. Có lẽ tất cả chúng ta đều nghe lời tuyên bố của phi hành gia Liên Xô, sau khi trở về từ chuyến đi của mình vào không trung: “Tôi đã bay vào không trung một thời gian dài và tôi không hề gặp thấy Thiên Chúa ở đâu cả!”
Do đó, thật là quan trọng để cố gắng làm sáng tỏ những gì mà chúng ta hiểu khi nói: “Lạy Cha chúng con ở trên trời” hoặc khi nói rằng có ai đó “đã lên thiên đàng.” Trong những trường hợp này, Kinh Thánh tự thích nghi với cách nói thông thường. Đó cũng là điều mà ngay cả trong kỷ nguyên khoa học, chúng ta vẫn nói rằng mặt trời “lên” và mặt trời “lặn.” Nhưng Kinh Thánh biết rõ và dạy rằng Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, trên thiên đàng, trên trái đất và trong tâm hồn mọi người. Như thế, khi nói “Chúa ở trên trời” có nghĩa là Người “ở trong ánh sáng không thể tới gần được;” như “trời cao hơn đất thế nào” thì Người cách xa chúng ta như vậy.
Chúng ta, những Kitô hữu, cũng đồng ý rằng khi nói về trời như là nơi ở của Thiên Chúa, chúng ta hiểu nó như một trạng thái của sự hiện hữu hơn là một nơi chốn. Nếu chúng ta nói về Thiên Chúa, thật là vô lý khi nói rằng Người ở “trên” hay “dưới,” “lên” hay “xuống” theo nghĩa đen. Do đó, chúng ta không nói trời không tồn tại mà chỉ vì chúng ta thiếu các phạm trù để có thể diễn tả nó một cách đầy đủ và tương xứng, nên mới nói như thế. Chẳng hạn, khi chúng ta yêu cầu một người mù bẩm sinh mô tả cho chúng ta các màu sắc khác nhau: màu đỏ, màu xanh, hay xanh lam... Anh ấy không thể nói với chúng ta bất cứ điều gì bởi vì anh không có nhận thức được màu sắc như chúng ta nhận thức qua cặp mắt của chúng ta. Điều này giống như những gì liên quan quan đến “trời” và cuộc sống vĩnh cửu đối với chúng ta, nó ở ngoài không gian và thời gian.
Trong ý nghĩa mà chúng ta vừa nói, việc chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu lên trời có nghĩa là gì? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong Kinh Tin Kính: “Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Và Người sẽ trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết.”
Như thế, Chúa Kitô đã lên trời có nghĩa là Người “ngồi bên hữu Chúa Cha,” nghĩa là, như một con người, Người đã bước vào thế giới của Thiên Chúa; Người đã được đặt làm Đức Chúa và là đầu của mọi sự, như thánh Phaolô nói trong bài đọc II.
Đối với chúng ta, “lên thiên đàng” hay về “thiên đàng” có nghĩa là bước theo và “sống với Chúa Kitô” (x. Pl 1,23). Thiên đàng của chúng ta là Đấng Kitô Phục Sinh cùng với những ai mà chúng ta sẽ “làm nên” một “thân thể” trong ngày phục sinh của chúng ta. Đôi lúc chúng ta ước ao có ai đó trở về từ thiên đàng để bảo đảm với chúng ta rằng thiên đàng thật sự tồn tại chứ không phải là một ảo tưởng đạo đức. Nhưng điều đó không xảy ra. Có một Người, nếu chúng ta biết nhận ra Người – đã từ trời đến với chúng ta mỗi ngày qua bí tích Thánh Thể, để bảo đảm cho chúng ta và làm mới lại lời hứa của Người, đó là Đấng Phục Sinh.
Những lời của các thiên thần nói: “Hỡi người xứ Galilê, sao còn đứng nhìn trời?” cũng ẩn chứa một lời khiển trách: chúng ta không nên chỉ “đăm đăm nhìn trời” và suy đoán những điều xa xăm, nhưng tốt hơn chúng ta phải sống trong sự chờ đợi Người trở lại, bước theo Người, rao giảng Tin Mừng cho đến ngày tận thế, cải thiện cuộc sống hiện tại trong thế giới này.
Chúa Giêsu đã lên trời nhưng Người không xa rời trái đất. Người không còn hiện diện hữu hình với chúng ta nữa, nhưng Người hiện diện một cách vô hình với chúng ta. Như Người đã hứa với chúng ta trong Tin Mừng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Nên mừng lễ Chúa Giêsu lên trời mang lại niềm vui và hy vọng cho chúng ta cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Amen!


CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH
Phục Sinh, sứ điệp truyền giáo
Cv 1,12-14; 1 Pr 4,13-16; Ga 17,1-11a

Chúa Kitô phục sinh là biến cố lịch sử đã xảy ra cách đây hơn hai mươi thế kỷ qua. Biến cố này là nền tảng của niềm tin Kitô giáo. Thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15,14). Biến cố Chúa phục sinh là trung tâm điểm làm đảo lộn mọi suy nghĩ của con người. Từ biến cố này, Giáo Hội được đứng vững và phát triển, sứ mạng của Giáo Hội được thực hiện.
1- Phục sinh là biến cố truyền giáo
Đọc Lời Chúa trong mùa Phục Sinh chúng ta thấy rằng: Tất cả những ai đã gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh đều đã cảm thấy nhu cầu loan báo về Ngài cho người khác. Tất cả những ai gặp gỡ Đấng Phục Sinh đều đón nhận sứ điệp loan báo Tin Mừng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Một điều làm cho chúng ta ngạc nhiên, đó là những người đầu tiên loan tin Chúa Phục Sinh lại là những người phụ nữ. Đối với văn hóa Do Thái, phụ nữ không được đọc sách Luật, nói gì đến việc truyền giáo. Thế nhưng, Tin Mừng nói tới nhiều bà: bà Maria Mađalêna (theo Máccô là người được Chúa trừ khỏi bảy quỷ (x. Mc 16,9), bà Gioanna, bà Maria, mẹ của Giacôbê và một số bà khác là những người đầu tiên gặp Chúa Kitô Phục Sinh và họ là những người đầu tiên đón nhận sứ điệp loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho người khác.
Có người cho rằng: các bà mau mồm, mau miệng, nên Chúa dùng các bà để truyền giáo (Thánh Giáo Hoàng Gioan cũng có lần hài hước nói như thế trong một bài giảng). Vì kinh nghiệm cho thấy: mọi “bí mật” nếu nói với các phụ nữ thì sẽ bị “bật mí” hết! Có lẽ phần nào đúng chăng? Nhưng thiết nghĩ Tin Mừng muốn nói tới điều sâu hơn: Đó là trái tim tuyệt vời của những phụ nữ này, một trái tim mênh mông niềm tin và lòng yêu mến Chúa. Tình yêu đó, niềm tin đó là động lực sâu xa nhất thúc đẩy các bà đến với Chúa, đi tìm Chúa, yêu mến Chúa ngay cả những lúc bi đát nhất, đau khổ nhất và tuyệt vọng nhất của cuộc đời. Chúa đã chết, nhưng họ không bỏ Chúa, họ ra viếng mộ và xức dầu thơm cho Chúa. Như thế, chỉ ai yêu mến Chúa mới có khả năng truyền giáo.

Trong khi đó những người đàn ông đều bỏ chạy hết: một Giuđa phản bội bán Chúa ba mươi đồng; một Phêrô đã có lần tuyên bố: “Nếu ai đụng đến Thầy thì hãy bước qua xác con,” nhưng ông lại run sợ chối Chúa ba lần trong đêm Chúa bị bắt. Các Tông Đồ khác đâu rồi? Chạy hết! 72 môn đệ đã từng theo Chúa đâu rồi? Chạy hết! Tất cả đều bỏ cuộc sau khi chứng kiến Chúa bị đóng đinh và mai táng trong mồ. Mọi sự đã kết thúc với cái chết. Không một người nào đến với Chúa, chỉ còn lại các bà, những người phụ nữ được chúc phúc, vì lòng mến yêu không lay chuyển của các bà! Còn đàn ông, những người hay thay đổi như bài hát của nhạc sỹ Ngọc Lễ diễn tả: “Ađam, đàn ông là như thế đó. Ðàn ông là như thế đó đam mê thật nhiều, cô đơn thật nhiều, yếu đuối thật nhiều, ngu ngơ thật nhiều... Ðàn ông là như thế đó, con tim mệt nhoài, tham lam một đời, lỡ lầm một đời, rồi ăn năn một đời.”
Nhưng cũng may mắn thay cho đàn ông, dù lầm lỡ một đời, nhưng biết ăn năn một đời. Chúng ta có những mẫu gương tuyệt vời được Tin Mừng nói tới: Hai môn đệ Emmaus trên đường về quê, gặp Chúa Phục Sinh. Họ nhận ra Người và đã mau mắn quay trở lại báo tin cho các bạn biết. Phêrô theo sách Công Vụ Tông Đồ, từ một người nhát đảm, chối Chúa, rồi ăn năn, sau khi gặp Đấng Phục Sinh đã trở thành một nhà truyền giáo nhiệt tình và rất can đảm. Phêrô mạnh mẽ rao giảng Tin Mừng Chúa Phục Sinh cách công khai cho mọi người. Trong bài giảng hùng hồn về Chúa Phục Sinh, Phêrô đã thu hoạch được mẻ cá lớn, 3000 người trở lại và chịu Phép Rửa (x. Cv 2,36-41). Dù bị cưỡng chế, cấm cách và tù đày, nhưng không ai ngăn cản được bước chân truyền giáo của các Tông Đồ (x. Cv 4). Phêrô, Phaolô và các Tông Đồ đã đi truyền giáo ở khắp nơi, sang Hy lạp và tới đế quốc Rôma. Cả hai vị thánh này đều tử đạo tại Rôma.
Người ta kể rằng: khi Phêrô truyền đạo cho người La Mã, nhiều người trở lại. Phêrô nghe tin mình sẽ bị bắt. Ông sợ hãi và tìm cách trốn thoát khỏi Rôma. Trên đường trốn chạy khỏi thành, Phêrô bỗng nhiên gặp Chúa Giêsu đang vác thập giá vào thành Rôma. Ông ngạc nhiên hỏi Chúa: “Quo vadis, Domine? Thưa Thầy, Thầy đi đâu?” Chúa trả lời: “Thầy đi vào thành Rôma để chịu đóng đinh lần thứ hai.” Ngay lúc đó Phêrô trực giác rằng: Chúa muốn ông trở lại với đoàn chiên của mình, dù có tù đày hay có chết chóc. Và Phêrô trở lại Rôma, ông bị bắt và bị đóng đinh trên đồi Gianicolo. Khi đóng đinh, ông xin cho được đóng đinh đầu ngược, vì ông cảm thấy không xứng đáng như Chúa. Xác của Phêrô được an táng tại một nghĩa trang bên cạnh. Nay là đền thờ Thánh Phêrô. Rôma trở thành Giáo Đô, trung tâm của Giáo Hội Công Giáo. Đúng như lời nhận xét của một nhà văn Balan: Các thể chế và đế quốc La Mã lần lượt ngã xuống và rơi vào quên lãng, nhưng Giáo Hội của Phêrô vẫn đứng vững với thời gian. Đúng thế, từ Rôma Tin Mừng được loan báo khắp châu Âu và từ châu Âu tới các châu lục khác.

2- Trở nên cộng đoàn loan báo Tin Mừng Phục Sinh

Tự bản chất Giáo Hội là truyền giáo. Giáo Hội hiện hữu để thực hiện lệnh truyền và sứ vụ truyền giáo. Cũng như các người phụ nữ trong Tin Mừng, như các Tông Đồ và Phêrô, tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành những người loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh cho người khác.
Theo thống kê niêm giám của Tòa Thánh công bố ngày 06 tháng 3 năm 2019, tổng dân số thế giới có khoảng 7 tỷ 500 triệu người. Nhưng chỉ có 1 tỷ 313 triệu người Công Giáo, chiếm 17,7% dân số thế giới.
Việt Nam hiện nay, vẫn còn rất nhiều người chưa biết Chúa và Tin Mừng. Theo thống kê năm 2019, Việt Nam có hơn 96 triệu người, nhưng tỷ lệ người Công Giáo chỉ chiếm gần 7%, nghĩa là cứ 100 người Việt thì chỉ có 7 người Công Giáo. Hằng năm, con số người gia nhập đạo rất ít. Điều đó cho thấy xung quanh chúng ta còn nhiều người chưa biết Chúa.
Vì thế, sứ vụ truyền giáo là sứ vụ ưu tiên và phải được đặt lên hàng đầu. Bởi lẽ, chúng ta được rửa tội và được sai đi truyền giáo. Trở thành Kitô hữu có nghĩa là trở thành người môn đệ truyền giáo. Việc loan báo Tin Mừng phải là trọng tâm mọi hoạt động mục vụ của chúng ta. Lời của thánh Phaolô Tông Đồ luôn chất vấn chúng ta: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16). Để làm việc đó, thánh Phaolô chấp nhận trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, chúng ta cũng phải thay đổi não trạng, lối sống, cung cách giữ đạo và mối tương quan với lương dân, cũng như với xã hội trần thế. Nhờ đó, lời loan báo và chứng tá đời sống của chúng ta trở nên khả tín và đầy tính thuyết hơn phục đối với những ai chưa biết Chúa.
Ước mong rằng trong Mùa Phục Sinh này, chúng ta đón nhận được nhiều ơn lành và sức mạnh của Chúa Kitô Phục Sinh, mỗi người được đầy ơn Chúa Thánh Thần, để chúng ta trở thành những chứng nhân can đảm loan báo Tin Mừng cho anh chị em. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

No comments:

Post a Comment