Tuesday 23 February 2021

Cách nguyện và ý nguyện

 Thứ Ba Tuần I Mùa Chay

Mt 6,7-15

Chúng ta đã bước vào mùa Chay thánh. Đây là thời gian thuận tiện nhất trong năm phụng vụ để chúng ta thực hành ba việc đạo đức, đó là ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Lời Chúa hôm nay một cách đặc biệt nói về việc cầu nguyện.

Thật vậy, cầu nguyện là cần thiết, là hơi thở của đời sống Kitô hữu, và là nhịp cầu đưa chúng ta tới hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, với mọi loài thụ tạo, với anh chị em đồng loại. Cầu nguyện mang lại những ơn lành cần thiết cho đời sống chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta phải cầu nguyện như thế nào để đẹp ý Chúa? Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta cách nguyện và ý nguyện. Chúa nói: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Đừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần.” Như thế, khi cầu nguyện, chúng ta không cần phải nói nhiều lời, đọc nhiều kinh, hay xin đủ thứ…

Chúng ta thường có thói quen cầu nguyện là lôi kéo Thiên Chúa xuống, theo những nhu cầu, ý muốn và toan tính riêng của mình. Đây không phải là cách mà Chúa Giêsu dạy. Trái lại, cầu nguyện là tìm kiếm thánh ý Chúa và để cho Người lối kéo chúng ta lên với thế giới của Người, để lắng nghe tiếng Chúa, để có những tầm nhìn và tâm tư của Chúa.

Bởi thế, ở phần sau, Chúa Giêsu dạy chúng ta nội dung cầu nguyện được gói trọn trong Kinh Lạy Cha theo Tin Mừng Mátthêu. Trong lời kinh này, chúng ta cầu nguyện theo những ý nguyện sau:

Trước hết, chúng ta nguyện cho “danh Cha cả sáng.” Thiên Chúa có nhiều danh hiệu khác nhau như là Vua, là Chúa, Đấng Sáng Tạo... Nhưng ở đây, Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi Người là Cha và cầu nguyện cho danh Cha này được mọi người nhận biết và đi vào tương quan với Thiên Chúa như là Cha của mình. Đây là tương quan mới mẻ do Chúa Giêsu mang lại cho nhân loại.  Thử hỏi: chúng ta thường hình dung Thiên Chúa theo hình ảnh nào? Có phải như một ông chủ hà khắc, mà chúng ta là đầy tớ chăng? Không, Thiên Chúa của Đức Giêsu là Cha của chúng ta. Thật vinh dự khi được gọi Thiên Chúa là Cha, nên ta hãy sống và làm mọi sự để “danh Cha cả sáng” và được mọi người nhận biết.

Thứ đến, Chúa Giêsu dạy ta xin cho “Nước Cha trị đến.” Nước Cha là gì và tại sao phải xin cho Nước đó mau đến? Xin thưa, theo Origene, Nước Cha chính là sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, là chân lý, là tình yêu, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần (x. Rm 14,17). Chúng ta xin cho Nước này được ngự trị, lan rộng khắp nơi trên thế giới, trong mỗi người, nơi mỗi nhà. Để nhân loại được sống dồi dào và hạnh phục.

Tiếp theo là xin cho “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Ý Cha là ý của Thiên Chúa, đó là ý định: “Muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4). Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng, quan phòng và cứu độ chúng ta. Ngài không muốn cho ai phải hư mất. Nên chúng ta xin và cầu mong mọi người đều nhận ra ý Cha đó để tìm kiếm và thực hành.

Chúa Giêsu còn dạy cầu xin Chúa ban cho: “Lương thực hằng ngày.”  Ở đây, Chúa dạy ta cầu xin cho có lương thực hằng ngày là cái ăn, cái mặc, nhà cửa, phương tiện vật chất… Những thứ này là cần thiết để sống xứng đáng với nhân phẩm con người và con Chúa.

Tuy nhiên, chúng chưa đủ. Theo các Giáo Phụ, lương thực hằng ngày còn có ý nghĩa sâu xa hơn, không chỉ dừng lại ở lương thực vật chất, mà còn là lương thực tinh thần và thần linh.  Đó chính là Thánh Thể và Lời Chúa. Bởi lẽ, con người sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu tiếp tục ban Lời hằng sống và Bánh Thánh để nuôi dưỡng đời sống con người. Như thế, trong lời xin này, chúng ta xin Chúa Cha cho chúng ta lương thực hằng ngày cả vật chất lẫn tinh thần.

Lời cầu xin tiếp theo là xin Chúa “tha nợ chúng con.” Trong ý nguyện này, Chúa Giêsu dạy chúng ta xin Chúa Cha tha thứ mọi nợ nần hay tội lỗi của chúng ta đã mắc phạm. Bởi lẽ, ai trong chúng ta cũng đều mắc nợ, đều là tội nhân trước nhan Chúa. Chúng ta cần được Thiên Chúa tha thứ và từ đó cũng biết tha thứ lỗi lầm cho tha nhân.

Cuối cùng là lời cầu xin “chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Lời cầu xin này muốn nói rằng: tin và theo Chúa không có nghĩa là được miễn chước khỏi những cám dỗ. Là người ai cũng bị cám dỗ, không có ai thuộc vùng cấm an toàn, bao gồm cả Chúa Giêsu. Nhưng hãy xin Chúa ban những ơn cần và đủ để ta vượt qua các chước cám dỗ, không rơi vào bẫy của ma quỷ và hố sâu tội lỗi. Nếu được như thế, cám dỗ trở thành cơ may tôi luyện ta vững vàng và mạnh mẽ hơn.

Như vậy, hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện qua Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện đẹp nhất, ý nghĩa nhất của Kitô giáo. Mỗi lần chúng ta cầu nguyện, hãy cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Chớ gì những ý nguyện đó được như vậy. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương


No comments:

Post a Comment