Friday 25 March 2022

Chấp nhận hay từ chối?

 LỄ TRUYỀN TIN (25/3)

Lc 1,26-38

Trong thánh lễ Truyền Tin hôm nay, tôi muốn gợi ý chúng ta suy niệm chủ đề: “Chấp nhận hay từ chối” dưới sự gợi hứng từ Lời Chúa.

Một lần tôi chứng kiến cảnh tượng một nhóm bạn trẻ tổ chức tiệc cho một anh bạn để cầu hôn với một người con gái. Sau khi ăn tiệc, anh bạn trai đến bên cô gái với một chiếc nhận rất quý giá để cầu hồn. Cô gái không nhận, anh ta nài nỉ, cuối cùng cô ta nói rằng: “Cho em thêm một thời gian nữa để suy nghĩ.”

Tôi nhận thấy đó là một sự từ chối thông minh và để lấy nhau, người ta cần nhiều yếu tố khác nữa hơn là chỉ có chiếc nhẫn. Chúa tạo dựng con người có tự do, nên ta có thể chấp nhận hay từ chối lời mời gọi của ai đó và Ai đó (viết hoa).

Khởi đầu lịch sử nhân loại, Evà, mẹ của chúng sinh, đã sử dụng tự do của mình mà bất tuân lệnh của Thiên Chúa, khi nghe theo lời con rắn, nên đã sa ngã, vì thế, mà tội lỗi và sự chết đã gia nhập vào thế gian.

Khởi đầu Tân Ước, Đức Maria đã dùng tự do của mình để thưa vâng với Thiên Chúa trong biến cố Truyền Tin: “Này tôi là tôi tá Chúa, xin cứ làm cho tôi như lời Thiên Thần nói.”

Thật vậy, biến cố Truyền Tin xảy ra trong âm thầm, không ai biết, nhưng là biến cố hết sức quan trọng, quyết định cho vận mạng của nhân loại.

Nếu Đức Maria từ chối, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa bị dừng lại. Ở đây, Mẹ đã thưa xin vâng: Đó là giây phút mà cả Thiên Đàng chờ đợi. Đó là giây phút làm “xôn xao muôn tinh tú và náo động cả muôn trời.

Trước khi thưa vâng, Đức Maria phân vân và thắc mắc: “Làm sao chuyện đó xảy ra được, khi tôi không biết đến việc vợ chồng.” Cách dịch này là trung thành với bản gốc: “Non virum cognosco”. “Tôi không biết đến người nam” không có nghĩa là “cả một đời Đức Maria kín cổng cao tường, không có quen biết đến người đàn ông nào cả; cũng không có nghĩa là Đức Maria và Thánh Giuse lấy nhau, nhưng cả hai cam kết là sẽ giữ đức đồng trinh trọn đời. Đó là lối suy diễn sau này từ thế kỷ thứ IV khi lý tưởng đồng trinh được đề cao, nhưng nó không có cơ sở lịch sử. Thực ra, lúc đó, trong Do Thái Giáo, chưa có định chế hôn nhân đồng trinh, và lý tưởng đồng trinh, nếu không có sự tuyển chọn và can thiệp của Thiên Chúa, thì hôn nhân của Đức Maria và Thánh Giuse cũng như những hôn nhân Do Thái khác. Họ lấy nhau, chung sống và sinh con đẻ cái. Thế nên, ta hiểu lời thắc mắc của Đức Maria là: Làm sao chuyện đó xảy ra khi không có việc giao hợp vợ chồng? Vì thế có bản dịch khác dịch theo ý đó: “Làm sao chuyện đó xảy ra được, khi tôi không biết đến việc vợ chồng.”

Thiên thần giải thích cho Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” Câu giải thích này chứa đựng mạc khải quan trọng về nội dung đức tin Kitô giáo: Việc nhập thể là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa, đặc biệt là công trình của Chúa Thánh Thần. Thần tính của Đức Giêsu gắn liền với việc Đức Maria thụ thai mà vẫn đồng trinh. Tất cả những điều này liên kết mật thiết với nhau. Nếu Đức Mẹ không đồng trinh thì Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa thật. Đó là tín điều.

Như thế, tiếng xin vâng của Mẹ diễn tả tuyệt vời đức tin của Mẹ trước Thiên Chúa như Kierkegaard nói: “Tin là hoàn toàn ném mình vào cánh tay của Đấng tuyệt đối.” Mẹ đã tin như thế và còn hơn thế. Vì Mẹ đã tin vào lời Thiên Thần nói trong khi sự kiện đang xảy ra mà chưa hề có một bằng chứng nào xác nhận.

Tiếng xin vâng của Mẹ diễn tả lòng khiêm tốn và vâng phục của Mẹ. Có thể diễn tả lại: “Vâng, con đây chỉ là 1 tấm bảng trắng để viết, xin Người hãy viết bất cứ điều gì Người muốn” (Origene). Mẹ đã làm như thế và còn hơn thế khi nhìn nhận mình chỉ là nữ tỳ và hoàn toàn vâng phục ý Chúa.

Tiếng xin vâng của Mẹ còn diễn tả hành trình tự hủy của Mẹ cùng với Con Chúa. Bởi lẽ, từ khi Mẹ thưa vâng, có nghìa là Mẹ phải bắt đầu bước vào một hành trình đầy thử thách và gian khổ. Thánh Luca kể: Sau khi truyền tin, thiên thần từ biệt ra đi, để Mẹ lại một mình, đơn độc. Làm sao có thể giải thích cho người ta hiểu và ai có thể hiểu cho Mẹ về bào thai này, kể cả thánh Giuse! Đó là bắt đầu hành trình tử nạn của Mẹ cho đến khi đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu, Mẹ vẫn không bỏ cuộc, nhưng luôn tin tưởng phó thác, vì Thiên Chúa có thể làm được mọi sự. Tắt một lời, mẹ là người gratia plena và cũng là người fide plena.

Vì thế, thánh Augustinô nói rằng: “Điều mà Evà đã trói buộc vì sự bất tín, thì Đức Maria đã cởi trói nhờ đức tin của Mẹ.”

Nhờ tiếng xin vâng của Mẹ, mà tiếng xin vâng của Chúa Con được thực hiện trong thời gian, nhờ đó Thiên Chúa đi vào lịch sử, Con Thiên Chúa mang đến cho nhân loại sự mới mẻ là chính Người cùng với ơn cứu độ.

Tiếng xin vâng của Đức Maria là lời của nhân loại, của thụ tạo đáp trả lời “xin vâng của Thiên Chúa.” Từ đó, có rất nhiều tiếng xin vâng của rất nhiều người nam và người nữ, trong có chúng ta.

Mừng lễ Truyền tin, Giáo Hội mời gọi chúng ta học hỏi và bắt chước mẫu gương tuyệt vời của Mẹ về lòng tin, khiêm tốn và vâng phục đối với Thiên Chúa, để mỗi người chúng ta cũng biết thưa vâng đối với chương trình và ý muốn của Thiên Chúa dành cho ta.

Gần đây, sau khi được Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Cha Bản làm giám mục Hải Phòng, trong bài cảm ơn giáo phận Buôn Mê Thuột, ngài đặc biệt cám ơn các linh mục vì đã làm gương cho ngài về đức vâng phục. Trong 13 năm, ngài bổ nhiệm các linh mục, nhưng ai cũng đều vâng phục, không ai chống đối, vì vâng phục Thiên Chúa, nên các linh mục của ngài vâng phục giám mục, họ đã đặt lợi ích Giáo Hội trên lợi ích riêng, đặt lợi ích giáo phận trên lợi ích nhóm nhỏ. Vì thế, Đức Cha cũng vâng lời Đức Thánh Cha để ra Hải Phòng.

Qua sự kiện đó chúng ta cũng thấy rằng hôm nay có rất nhiều con người vẫn đang tiếp tục thưa vâng như Đức Maria trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta luôn thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con xin đển để thực thi ý Chúa.” Amen.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Kỷ niệm, lễ Truyền Tin 

Tại ĐCV. Thánh Giuse Hà Nội

 

No comments:

Post a Comment