Saturday 25 November 2023

Linh mục, thừa tác viên của lòng thương xót Chúa

Đề tài II: Linh mục, thừa tác viên của lòng thương xót Chúa

(Trong những ngày tĩnh tâm của linh mục đoàn giáo phận Hà Tĩnh từ ngày 13-18/11/2023), mỗi sáng có một bài nguyện ngắm trước thánh lễ. Tôi được mời gọi đóng góp hai bài trong số 5 bài).

I. Có lẽ tất cả chúng ta đều biết câu chuyện người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang mà nhóm Biệt Phái và Kinh Sư điệu đến cho Chúa Giêsu xử (x. Ga 8,1-11). Theo luật Lêvi 20,10, người mắc tội này phải bị ném đá cho chết.

Nhưng khi đối diện với hoàn cảnh tế nhị này, Đức Giêsu đã chọn lựa một lối hành xử đầy nhân ái. Người cúi xuống, rồi viết trên đất. Đây là một hành động không lời nhưng đầy chất ngôn sứ, vì nó chứa đứng một thông điệp mạnh mẽ: các ngươi hãy cúi xuống, chứ đừng vênh mặt tự đắc cho mình là trong sạch. Chỉ khi nào con người biết cúi xuống thì mới có đủ khiêm tốn để nhận mình chỉ là tội nhân. Nếu không ta chỉ thấy tội người khác và chỉ thích ném đá người khác thôi! 

Sau đó, Chúa mới nói: “Ai trong các ngươi sạch tội thì cứ lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Nghe vậy, lần lượt từng người một, họ bỏ đi hết, bắt đầu từ người già nhất. Rồi Chúa nói với người phụ nữ: “Này chị, họ đâu cả rồi? không ai lên án chị sao? Chị thưa: “Thưa ông, không có ai cả. Chúa Giêsu nói: Tôi cũng vậy, tôi không kết án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,10-11). Như thế, giữa tội và tội nhân, giữa lề luật và thương xót, Đức Giêsu đã chọn hành xử theo lòng thương xót để cứu tội nhân. Vì thương xót là dung mạo đích thực và lối hành xử của Thiên Chúa.

Dọc dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa mạc khải mình cho con người không phải là một ông vua độc tài, khó tính, chỉ thích trả thù, nhưng là một người Cha giàu lòng thương xót. Trong tư cách là Mục Tử nhân lành, Chúa Giêsu chính là dung mạo hữu hình của lòng thương xót Chúa. Người cứu nhân độ thế với lòng thương xót hơn là thái độ nghiêm khắc, loại trừ. Người thiết lập Hội Thánh và những mong muốn các mục tử là những sứ giả của lòng thương xót Chúa.

Khi khai mạc Công Đồng Vaticanô II, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã chọn “lòng thương xót hơn là kết án” làm “phương thuốc” mục vụ của Hội Thánh cho thế giới hôm nay. Gần đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi các mục tử hơn ai hết phải là những tôi tớ trung tín của lòng thương xót Chúa” (Misericordiae vultus số 17). Ngài muốn các mục tử của Chúa tiếp tục áp dụng “liều thuốc thương xót” để đưa con người thời nay về với Thiên Chúa. Vì nếu một Hội Thánh quá nghiêm khắc, duy luật và gây khó khăn chẳng những không giúp được gì cho các linh hồn mà còn trở thành nguyên cớ làm cho họ xa rời Thiên Chúa. 

Nhìn lại xem, tôi có thực sự bước theo đường hướng mục vụ của Chúa và Hội Thánh không?

II. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nhiều lần lưu ý về sự biến tướng của linh mục. Theo đó, linh mục hành xử như những “công chức tôn giáo” hay như ông quan, ông vua vùng vẫy một cõi. Chủ nghĩa công chức làm cho linh mục trống rỗng từ căn tính, nên thường được lấp đầy bằng lối sống không phù hợp với ơn gọi linh mục.  

Để thực sự trở thành thừa tác viên của lòng thương xót Chúa, các mục tử cần thực hiện một cuộc “hoán cải mục vụ” triệt để hơn, nghĩa là cần có một sự thay đổi về nếp sống, cung cách xuất hiện và hành xử, thái độ phục vụ và cả tiêu chí đánh giá sao cho phù hợp hơn và nên giống Chúa Kitô.

Theo đó, người mục tử sống giản dị, vui tươi, thanh thoát, thân thiện với môi trường, an nhiên tự tại và âm thầm phục vụ như “men muối giữa đời”. Nếu bác ái mục tử là linh hồn của đời sống và sứ vụ linh mục, thì hoạt động mục vụ của các mục tử phải là một sự biểu lộ đức ái của Chúa Kitô mà các mục tử là hình ảnh phản chiếu.  Là hiện thân của Chúa Kitô, các mục tử phải có lòng thương xót, hay nói cách khác, có trái tim mục tử của Chúa Giêsu để biết mở rộng cửa đón tiếp mọi người mà không loại trừ ai, tận tụy phục vụ họ, biết quan tâm đến người nghèo khổ, người già, phụ nữ, trẻ em, người gặp khó khăn, lương dân, những ai bị loại trừ. Với cung cách dịu dàng và thương xót, mục tử là nhịp cầu đưa các linh hồn về với Chúa.

Thay vì chuyên quyền áp đặt bắt người khác làm theo ý mình, người mục tử biết khiêm tốn lắng nghe và đối thoại, tôn trọng ý kiến khác biệt của người khác, đa diện trong cách nhìn, mềm dẽo trong cách hành xử, để thấu hiểu và thấu cảm những hoàn cảnh và nỗi đau của từng người trong đoàn chiên Chúa.

Tóm lại, để nên thừa tác viên của lòng thương xót Chúa, mục tử chọn Chúa hơn là chọn công việc của Chúa. Hoà nhập chứ không hoà tan. Biến đổi chứ không phải biến tướng. Văn hoá quan tâm hơn là văn hoá xây tường. Lôi cuốn chứa không lối kéo. Hiến thân chứ không tiến thân. An vui chứ không an phận. Sứ vụ chứ không phải dịch vụ. Phục vụ chứ không phải hưởng thụ.

Dưới ánh sáng đó, tôi phải thay đổi gì để là thừa tác viên của lòng thương xót Chúa?


No comments:

Post a Comment