PHẦN II
SỰ MỚI MẺ CỦA TÂN ƯỚC
VỀ THIÊN CHÚA BA NGÔI
“Chúa Cha làm chứng, Chúa Con được làm chứng và Chúa Thánh Thần được sai đến để làm chứng cho Chúa Con” (Theodore thành Mopsuestia, tập 166).
Dẫn nhập
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là kết quả hoàn toàn mới mẻ của mạc khải Tân Ước, do Đức Giêsu mang lại. Người mang đến cho chúng ta một sự hiểu biết chung cuộc và rõ ràng về một Thiên Chúa có Ba Ngôi Vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Toàn bộ cuộc đời, sứ vụ và các biến cố của Chúa Giêsu là mạc khải liên lỉ về dung mạo Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói cách khác, cuộc sống, lời nói, hành động và các biến cố của Người diễn tả, bày tỏ cho nhân loại đời sống liên vị và hoạt động của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đặc biệt, Người đã sống căn tính mình là Chúa Con trong tương quan với Chúa Cha theo cách thế nhân loại, bắt đầu từ giây phút thụ thai trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria cho đến biến cố tử nạn và phục sinh.
Chúng ta bắt đầu từ biến cố nhập thể để tìm hiểu về mạc khải Ba Ngôi trong cuộc đời của Chúa Giêsu, bằng cách nghiên cứu những dấu ấn của thực tại Ba Ngôi, mặc dầu giáo huấn này chưa được phát triển một cách đầy đủ qua biến cố này, nhưng nó là khởi đầu cho toàn bộ mạc khải của Tân Ước.
I. THIÊN CHÚA BA NGÔI TRONG TIN MỪNG NHẤT LÃM
1. Thụ thai đồng trinh
Trong Tin Mừng Nhất Lãm, thánh Mátthêu và thánh Luca trình bày việc thụ thai của Chúa Giêsu xảy ra không theo cách thức thông thường như bao nhiêu người khác, nghĩa là có sự quan hệ tính dục giữa vợ chồng, nhưng nhờ một sự can thiệp đặc biệt của Chúa Thánh Thần.[1] Có những ý kiến xem ra hợp lý cho rằng các tác giả này đã sáng tác hoặc thừa hưởng những câu chuyện tưởng tượng để diễn tả chân lý thần học: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Vì thế, những diễn tả thần học của họ về sự thụ thai của Chúa Giêsu lập tức trở thành không thể hiểu đối với lý trí con người, bởi lẽ, nó không có tính lịch sử và không tuân theo quy luật tự nhiên. Raymond Brown, một nhà chú giải Kinh Thánh nổi tiếng, đã quan tâm đến vấn đề liên quan trong trình thuật của Mátthêu và Luca. Ông cho rằng cả hai tác giả đã biên soạn một cách độc lập nhau và đã dựa trên những truyền thống khác biệt, khi trình bày nội dung đức tin trong cách thế này.[2]
Các nhà nghiên cứu Kinh Thánh không đồng ý với quan niệm trên. Vì có những khó khăn về phương diện ý nghĩa đã dẫn nhiều người đi đến nghi ngờ hoặc phủ nhận việc thụ thai đồng trinh. Vào thời sơ khai của Kitô giáo, các ngụy thư đã quá tập trung triển khai những phương diện sinh học của việc thụ thai và việc sinh ra của Chúa Giêsu nên đã làm cho độc giả dần dần đánh mất ý thức về những dấu chỉ và ý nghĩa sâu sắc của biến cố này.
Trong thời hiện đại, nhiều người phủ nhận việc thụ thai đồng trinh bởi vì họ chống lại sự lệch lạc mà nhiều lúc nó đưa đến một sự giải thích tương tự như thế; Chẳng hạn, người ta lý luận rằng: Đức Maria thụ thai Chúa Giêsu mà vẫn đồng trinh. Bởi vì, việc quan hệ tính dục là chuyện ô uế và vì Người hoàn toàn là thánh. Những lệch lạc này đặt ra cho chúng ta hai câu hỏi: Chúng ta có thể hiểu việc thụ thai đồng trinh của Đức Maria theo nghĩa văn tự (nghĩa đen) không? Câu trả lời là được. Bởi vì việc thụ thai này được thực hiện nhờ một hành động đặc biệt của Thiên Chúa mà không cần đến sự kết hợp hay tinh trùng của người cha nhân loại. Câu trả lời này dẫn chúng ta đến câu hỏi thứ hai: Đâu là ý nghĩa tôn giáo và cứu độ mà việc thụ thai đồng trinh cách nhiệm lạ này chuyển tải, đặc biệt liên quan đến giáo huấn về Ba Ngôi?
Một cách chính yếu giá trị lớn lao của việc thụ thai đồng trinh diễn tả nguồn gốc và căn tính thần linh của Chúa Giêsu. Đồng thời nó khẳng định bản tính nhân loại đích thật của Người. Đây là một trường hợp có một không hai trong lịch sử nhân loại. Chúa Giêsu được thụ thai và “được sinh bởi một người đàn bà” và “sinh ra dưới chế độ luật” (Gl 4,4), Người được cắt bì sau tám ngày sinh ra.
Tất cả điều này cũng có mục đích nói rằng nhân tính của Người đã được thụ thai và sinh ra từ một người phụ nữ Do Thái trong sự đặc biệt cụ thể của nó. Đồng thời, sự kiện Người được thụ thai và sinh hạ từ một người Phụ Nữ Đồng Trinh muốn nói đến nguồn gốc thần linh của Người. Đấng Cứu Thế thuộc dòng dõi Đavít cũng là Con Thiên Chúa. Giải thích này phù hợp với những trình thuật khác nhau trong Cựu Ước, hoặc với những trình thuật của các tác giả Tân Ước như thánh Phaolô, Máccô, Mátthêu, Luca và Gioan.
Thánh Phaolô nhận biết và trình bày căn tính riêng và sứ vụ cứu độ của Chúa Kitô “xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1,4). Ở đây cũng như những nơi khác (vd. Pl 2,5-11), các thư của Phaolô đúc kết từ các truyền thống cổ xưa nhất để tuyên xưng và loan báo thần tính của Chúa Giêsu mà nó được diễn tả trong những khái niệm là “Chúa, Con Thiên Chúa” và được mạc khải tất cả những điều này nhờ sự phục sinh từ cõi chết và sự siêu tôn của Người bên hữu Thiên Chúa Cha.
Tiếp đến, khi biên soạn Tin Mừng của mình, Máccô nói về “phép rửa của Đấng Cứu Thế:” Khi bắt đầu sứ vụ của mình, Thiên Chúa đã phán rằng Chúa Giêsu là “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Theo cách thế riêng của mình, Mátthêu và Luca tường thuật thêm “việc Đức Maria thụ thai Đức Giêsu mà vân đồng trinh” được thực hiện nhờ hành động duy nhất của Chúa Thánh Thần lúc Chúa Giêsu được đầu thai trong lòng mẹ. Biến cố này mạc khải rằng không có giây phút nào trong lịch sử của Người mà không phải là Con Thiên Chúa.
Cuối cùng, Gioan, tác giả của Tin Mừng Thứ Tư, đã đi xa hơn và đào sâu hơn mầu nhiệm Chúa Giêsu bằng việc trình bày “sự tiền hữu của Người” như là điểm xuất phát cho toàn bộ Tin Mừng này (x. Ga 1,1-18). Cùng với Gioan, tác giả thư Hípri cũng có cái nhìn tương tự như thế (x. Hr 1,1-3). Mặc dầu không nói gì về cách thức tượng thai của Chúa Giêsu, Gioan và tác giả thư Hípri ngay từ đầu trình bày mầu nhiệm nhập thể của Đấng đã ở “cùng Thiên Chúa” nay “Người đã trở thành nhục thể.” Như thế, biến cố thụ thai đồng trinh mang lại một sự nối kết của mạc khải để việc giải thích về nguồn gốc “tiền hữu” đời đời của Chúa Giêsu (pre-existence) ngay ở phần khởi đầu và kết thúc với biến cố tử nạn và phục sinh của Người (post-existence). Tuy nhiên, những tường thuật này chưa đầy đủ. Những bản văn nói về sự tiền hữu của Đức Giêsu xuất hiện rất sớm ngay lúc hình thành Tân Ước và chúng được tìm thấy trong các thư của Phaolô (x. 1 Cr 8,6; 2 Cr 8,9; Pl 2,6), dầu thánh Tông Đồ không soạn thảo những bản văn công phu mang tính thần học về sự tiền hữu của Chúa Giêsu.
Chúng ta có thể nhận ra những đoạn văn khác nói về ý nghĩa của niềm tin Ba Ngôi mà biến cố thụ thai đồng trinh mang lại. Mátthêu gọi Chúa Giêsu được thụ thai cách mới mẻ chính là Đấng “Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Một cách chính xác qua mầu nhiệm thụ thai và giáng sinh của mình, Chúa Giêsu thực hiện và bày tỏ một cách rõ ràng và hữu hình sự hiện diện của Giavê với dân Người. Ở phần kết, cũng chính trong Tin Mừng này, tác giả cho thấy: Khi hiện ra với các môn đệ, Đức Kitô phục sinh và vinh hiển chính là Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho Người mọi quyền năng trên trời dưới đất.” Nhưng Người cũng chính là Đấng đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho tới tận thế” (Mt 28,20). Nhờ sự phục sinh, lời hứa này của Chúa Giêsu đã được thực hiện một cách đầy đủ và Đấng Phục Sinh chính là sự hiện diện viên mãn của Giavê với dân Người cho đến tận thế.
Tóm lại, nói về thần tính của Chúa Giêsu là nói về tương quan của Người với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Biến cố đặc biệt của việc thụ thai đồng trinh được chờ đợi để diễn tả ý nghĩa Chúa Kitô không chỉ là Con Thiên Chúa nhưng đồng thời cũng diễn tả tương quan của Người với Chúa Thánh Thần. Các Kitô hữu tiên khởi là những người đã kinh nghiệm về việc tuôn đổ Thánh Thần sau biến cố phục sinh của Chúa Kitô. Họ đi đến cảm nghiệm này về cùng một Chúa Thánh Thần đã được sai xuống trên họ nhờ Chúa Cha và Đấng Kitô Phục Sinh (x. Lc 24,49; Ga 14,26). Kinh nghiệm đó cũng đã xảy ra trong toàn bộ đời sống của Chúa Giêsu, không chỉ khi bắt đầu sứ vụ của Người (Lc 3,22; 4,1.14.18) nhưng còn ở giây phút Người được thụ thai. Nói cách khác, Đấng Phục Sinh đã chúc lành và thánh hóa các môn đệ nhờ Thánh Thần. Chính trong cuộc đời dương thế, Người cũng được thánh hóa bởi Chúa Thánh Thần – ngay tại lúc được thụ thai, khi Người đến trong thế gian nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần (Mt 1,20; Lc 1,35).
Như thế, biến cố thụ thai đồng trinh đóng một vai trò quan trọng trong mạc khải về Ba Ngôi và nó làm sáng tỏ chân lý này: ngay từ ban đầu đến khi kết thúc, dung mạo Thiên Chúa Ba Ngôi luôn hiện diện trong cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô. Toàn bộ lịch sử của Người minh chứng rằng Thiên Chúa có Ba Ngôi, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Giờ đây, chúng ta nghiên cứu trình thuật Tin Mừng Nhất Lãm về sứ vụ của Chúa Giêsu. Trong phần này, chúng ta sẽ đặt ra những câu hỏi liên quan đến cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu và về quá trình hình thành những truyền thống Tin Mừng. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về các biến cố quan trọng trong cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu: Trước hết là phép rửa của Chúa Giêsu được các Tin Mừng tường thuật lại.
2. Phép rửa của Chúa Giêsu
Tin Mừng Máccô kể lại một dạng thức xuất hiện của Ba Ngôi Thiên Chúa ngay ở nơi phép rửa của Chúa Giêsu với tiếng của Thiên Chúa Cha phán ra, sự vâng phục của Chúa Con và việc ngự xuống của Chúa Thánh Thần. Máccô trình thuật: “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con (Mc 1,10-11; x. Tv 2,7; Is 42,1). Khi nói về biến cố này, Mátthêu trình thuật giống với Máccô (x. Mt 3,17). Luca có những điểm giống và có điểm khác biệt. Chẳng hạn như khi Luca trình thuật: “Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22). Máccô trình thuật lời Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Người; trong khi đó, Luca muốn nhấn mạnh hơn Máccô về việc Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là Con của Chúa Cha và được Chúa Cha sinh ra. Khi trình thuật về “tiếng từ trời phán ra” của Chúa Cha nói với Chúa Giêsu, các tác giả Tin Mừng xem ra không cho rằng đây là lời kêu gọi như là lời kêu gọi của Môise (Xh 3,1-4,17), của Isaia (Is 6,1-13) và của Giêrêmia (Gr 1,5-19), hay của Êdêkien (Ed 1,1-3,27), nhưng đây là tiếng phán ra từ trời để xác nhận hoặc làm cho Chúa Giêsu ý thức về sự hiệp thông với Chúa Cha, đồng thời nó cũng chứa đựng một sứ vụ thần linh, hay xác nhận một sứ vụ đã được đón nhận. Máccô trình bày biến cố này như là kinh nghiệm mắt thấy tai nghe của mình về tiếng nói từ trời này. Nhưng so với các Tin Mừng Nhất Lãm khác, Máccô ít nhấn mạnh hơn kinh nghiệm nội tâm của Chúa Giêsu về lời này, nhưng tác giả ghi lại tiếng nói phát ra từ trời mà không có cần một ai trả lời.
Mặc dầu không có quan tâm đặc biệt về ý thức của Chúa Giêsu, Luca trình bày biến cố phép rửa như là một cuộc thần hiện của Ba Ngôi, và nó trở thành kinh nghiệm cho cầu nguyện của Chúa Giêsu để kết hợp thân mật với Chúa Cha (Lc 3,21-22) như Người sẽ làm khi biến hình trên núi Tabor (Lc 9,29).
Ngoài ra, trong những trình thuật cổ nhất của Tin Mừng Máccô, câu chuyện về phép rửa đặc biệt có mục đích mạc khải căn tính của Chúa Giêsu (như được chứng thực từ trời về căn tính của Người là Con Yêu Dấu của Thiên Chúa), để nói về sự hiến dâng của Người, để giới thiệu hoạt động của Người, và để bày tỏ tư cách cứu thế mà Chúa Giêsu sẽ hoạt động. Trong biến có này, có các dữ kiện: Các tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha phán ra và Chúa Thánh Thần ngự xuống mạc khải: với sự xuất hiện của Chúa Giêsu, Đấng mang Thánh Thần của Thiên Chúa, thời đại cánh chung của ơn cứu độ đã được khai mở. Tin Mừng Máccô 1,10 nói về “các tầng trời mở ra;” sau này, tác giả Tin Mừng sẽ dùng chính động từ này (schizo) để nói về màn trong đền thờ xé ra làm hai, như biểu tượng của mạc khải về căn tính của Chúa Giêsu cho viên đại đội trưởng và qua ông cho những người khác (Mc 15,38). Như thế, trình thuật về phép rửa củng cố niềm tin cho các độc giả của Máccô: Chúa Giêsu có liên hệ với Thiên Chúa theo một cách thế đặc biệt và Người muốn khởi đầu sứ vụ cứu độ từ trời cao. Trong khi đó, Tin Mừng Gioan không đề cập trực tiếp đến phép rửa của Chúa Giêsu nhưng cũng ám chỉ về nó. Gioan đã ba lần đưa vào những trình thuật về việc Chúa Thánh Thần không chỉ ngự xuống trên Chúa Giêsu nhưng còn “ở lại trong Người” (Ga 1,32-33), một chủ đề chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần sau trong Tin Mừng Nhất Lãm.
Trong trình thuật của Máccô, Gioan Tẩy Giả nói về “Đấng cao trọng” hơn ông nhưng đến sau ông: “Người làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,8). Mátthêu và Luca giống với Máccô về điểm này nhưng thêm một câu rất ý nghĩa: “Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3,11; Lc 3,16). Trong biến cố này, không những Máccô mà cả Mátthêu cũng không nói gì về việc sai Thánh Thần đến như Luca đã làm (Lc 24,49; Cv 1,8; 2,1-4), Luca còn có nói đến “ngọn lửa cháy” của Chúa Thánh Thần (Cv 2,3-19). Mátthêu cũng đề cập đến việc sai các môn đệ đi và làm phép rửa “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Điểm mà Luca quy chiếu cách rõ ràng về việc được “chịu phép rửa bằng lửa” chính là điểm nói đến lửa của Chúa Thánh Thần ở ngày lễ Hiện Xuống (Cv 2,1-12), còn Mátthêu có thể hiểu “lửa” này muốn nói đến việc sẽ chịu phán xét trong ngày sau hết (Mt 7,19; 13,40.42.50; 18,9) khi Con Người đến phán xét mọi người (Mt 25,41). Nơi những biến cố này, cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều muốn nói rằng Chúa Giêsu sau khi được chịu phép rửa bằng Thánh Thần, Người bắt đầu sứ vụ công khai của mình và hành động như một Đấng luôn được ban sức mạnh nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa. Phép rửa của Người trong Thánh Thần có nghĩa đây là thời đại cánh chung đã đến và sự hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện khi tuôn đổ Thánh Thần của Người cho chúng ta (x. Is 44,3; Ed 39,29; Ge 3,1-2).
Theo Máccô, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu để “hướng dẫn” Người vào trong sa mạc (Mc 1,12). Giống với Mátthêu (Mt 4,1), Luca đặt trình thuật này cách tinh tế hơn:
“Đức Giêsu được đầy Chúa Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1).
Đối với Luca, đặc biệt khi còn ở trần gian, Chúa Giêsu cho thấy Người thi hành sứ vụ rao giảng và chữa lành với tư cách như là Người mang Chúa Thánh Thần và nhờ Thánh Thần để thực hiện (x. Lc 4,14.18-21; 6,16). Ở đây, Luca tiếp tục xác tín của Gioan (Ga 1,32-33) rằng Chúa Giêsu, như là vinh quang Thiên Chúa trên Lều Hội Ngộ (x. Ds 14,10), Đấng luôn đầy Thánh Thần và là nguồn mạch ban Thánh Thần. Không giống với Mátthêu (Mt 11,25), Luca giới thiệu lời tạ ơn của Chúa Giêsu với “Chúa Cha, Chúa cả trời đất” bằng việc mô tả Chúa Giêsu như Đấng “hoan hỷ trong Thánh Thần” (Lc 10,21-24); Người miêu tả Chúa Giêsu là người hoan lạc, nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần, trong tương quan với Thiên Chúa là Cha của Người.
Chúng ta vừa tìm hiểu những cách thế mà ba Tin Mừng trình thuật về lịch sử của Chúa Giêsu trong tương quan với Ba Ngôi. Nhưng Đức Giêsu có thực sự ý thức mình là ai không? Người có ý thức mình là Con Thiên Chúa không? Và Người có biết Chúa Thánh Thần là ai không? Như chúng ta đã thấy, những trình thuật Tin Mừng về phép rửa của Chúa Giêsu xuất phát từ trình thuật lịch sử (Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu), có thể không được dùng như là những nguồn thông tin về những kinh nghiệm sâu xa mà Chúa Giêsu trải qua trong biến cố này. Như John Meier quả quyết cách chắc chắn rằng, ý thức của Chúa Giêsu về tính nghĩa tử và về Chúa Thánh Thần có lẽ đã được “phát triển” trước, trong và cả sau phép rửa. Dầu sao, chúng ta có thể hình dung một cách chính xác ý thức này đã được phát triển một cách thông minh và đã được kinh nghiệm cách hiện sinh bởi Chúa Giêsu, chúng ta không thể biết gì hơn về biến cố này đã chính xác xảy ra lúc nào và như thế nào được.[3]
3. Chúa Thánh Thần
Chúng ta hãy tìm hiểu kinh nghiệm của Chúa Giêsu về Chúa Thánh Thần và ý thức của Người về tính nghĩa tử của mình. Người ý thức rõ ràng về việc Người được ban sức mạnh nhờ Chúa Thánh Thần và Người đã bày tỏ thái độ của mình đối với những người phê bình Người, khi họ nhận biết rằng Thánh Thần của Thiên Chúa hoạt động trong sứ vụ của Người, nhưng họ gán cho hành động cứu độ của Chúa Giêsu là do Satan và như thế họ xúc phạm tới Chúa Thánh Thần (Mc 3,22-30). Người bao giờ cũng cho thấy những việc Người làm là dấu chỉ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Mátthêu trình thuật lời Chúa Giêsu: “Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12,28; x. Mt 12,18). Nhưng ở đây, chúng ta có thể thấy một sự giảm nhẹ khi tác giả biên soạn phần này. Luca có lẽ cung cấp cho chúng ta phiên bản gốc về lời này: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ” (Lc 11,20). Trong mọi trường hợp, Chúa Giêsu luôn có ý thức về Chúa Thánh Thần một cách mạnh mẽ như ý thức về Thiên Chúa, Đấng mà Người gọi là “Cha – Ápba”. Người không cầu nguyện với Thánh Thần như thế này: “Lạy Thánh Thần, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, một theo ý Ngài.” Đúng hơn Người cầu nguyện trong Thánh Thần và với Thánh Thần ngự trong Người. Chúa Giêsu diễn tả ra bên ngoài ý thức đó như những chứng cớ hiển nhiên, Người suy nghĩ nhờ Thánh Thần theo cách thế giống như một tiên tri: sức mạnh năng động của Thiên Chúa tác động trên Chúa Giêsu và nhờ Người để tác động lên người khác. Sức mạnh đó mang đến sự phục sinh của Chúa Giêsu và nâng Người lên để khai mở một cách thế hiện hữu mới thuộc Kitô học trong Thánh thần, để suy tư mối liên hệ và tương quan của Chúa Giêsu với Thánh Thần.
Lối giải thích “thiêng liêng” sau này về biến hình (Mc 9,2-8) cho phép hiểu “đám mây sáng chói” (Mc 9,7) không chỉ là một phần cảnh quang của sự hiện diện thần linh và vinh quang như trong ngôn ngữ khải huyền của Cựu Ước, nhưng là một hình ảnh đặc biệt về Chúa Thánh Thần:
“Toàn thể Ba Ngôi xuất hiện: Chúa Cha hiện diện trong lời nói, Chúa Con hiện diện trong con người, Chúa Thánh Thần hiện diện trong đám mây sáng chói.”[4]
Lối chú giải này sẽ được giải thích tốt hơn nếu liên kết Chúa Thánh Thần với Môsê và Êlia, hai nhân vật xuất hiện từ trời trong biến cố biến hình, là những người đã được ban sức mạnh cách đặc biệt nhờ Chúa Thánh Thần khi thi hành sứ vụ của mình lúc ở trần gian. Theo cách thức đó, Người phải ý thức Chúa Thánh Thần hoạt động và tiếp tục ban sức mạnh cho Môsê và Êlia. Trong mọi trường hợp, một sự hiện diện ở đây của Chúa Thánh Thần vượt trên những gì Mátthêu, Máccô và Luca hiểu khi trình thuật về biến cố đáng nhớ này. Cũng như tại biến cố phép rửa, Chúa Giêsu không nói gì, trong biến cố biến hình, ít ra Êlia và Môsê đã nói (Mc 9,4). Không giống với trình thuật phép rửa, trình thuật này xảy ra một cách riêng tư và ở trên một ngọn núi cao, một vùng được mây che phủ bao quanh có ý nghĩa biểu tượng giữa trời và đất gần gũi, một cảnh tượng cũng cố niềm tin vào Đức Giêsu trong đời sống công khai của Người.
4. Tính nghĩa tử của Chúa Giêsu
Chủ đề về tính nghĩa tử của Chúa Giêsu là chủ đề có liên hệ với Chúa Thánh Thần hơn bất kỳ chủ đề nào khác mà Máccô và Mátthêu khai triển để xây dựng một đúc kết Kitô học trong Tin Mừng của họ. Máccô bắt đầu với một lời loan báo kép về Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa trong bối cảnh Người chịu phép rửa (Mc 1,1.11) và theo ý nghĩa ẩn dụ của Phép Rửa như là sự hiến mình và hy sinh (Mc 10,38). Lời loan báo này chứa đựng một mạc khải về tính nghĩa tử thần linh của Chúa Giêsu như là chóp đỉnh với lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng trước thập giá: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Bí mật về tính nghĩa tử tạo nên nét chủ đạo hơn là bí mật về Đấng Cứu Thế. Mátthêu sử dụng khung cảnh kép thuộc Kitô học với chủ đề “Thiên Chúa ở với chúng ta” (Mt 1,23; 28,20) và chủ đề “Chúa Con hằng vâng phục Thiên Chúa,” Đấng đã chịu thử thách và làm chứng ngay từ lúc khởi đầu (Mt 3,14-17; 4,1-11) cho đến lúc kết thúc Tin Mừng (Mt 27,39-54).
Chúng ta nhận thấy mục đích rõ ràng nơi sứ vụ của Chúa Giêsu khi Người đến trong trần gian. Đó là Người luôn ý thức và hành động với tư cách là Con Thiên Chúa, như một người có tương quan mật thiết với Chúa Cha và được Cha sai đến để cứu nhân độ thế. Như vậy, một cách tự động và đương nhiên điều này nói đến tính nghĩa tử thần linh của Chúa Giêsu.
Nhưng mạc khải cho chúng ta biết gì về tính nghĩa tử của Chúa Giêsu? Hay đâu là loại tính nghĩa tử mà Chúa Giêsu muốn nói hoặc nhận cho mình? Phải chăng Người có điều gì đó khác biệt hay tính nghĩa tử thần linh của Người là phẩm chất căn bản và duy nhất làm nên sự khác biệt với chúng ta? Để tránh những hiểu lầm khi tìm hiểu Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta cần phân biệt điều Chúa Giêsu nói về tính nghĩa tử thần linh của Người chứ không phải ai khác nói về Người trong mối liên hệ này. Chúng ta thấy Chúa Giêsu thường nói về “Con” nhưng Người không bao giờ nói một cách minh nhiên rằng: Người là “Con Thiên Chúa.” Trong một đoạn văn quan trọng, ý nghĩa với ngôn ngữ khôn ngoan (Mt 11,25-30; x. Lc 10,21-22), Chúa Giêsu luôn sống trong mối tương quan thân mật với Thiên Chúa như là Cha của mình, Đấng được tuyên xưng “như là Chúa của trời đất” và Người tuyên bố rằng không ai có thể biết Chúa Cha ngoài người Con và những kẻ Người muốn mạc khải:
“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11,27).
Những lời này mạc khải cho chúng ta biết tương quan mật thiết giữa Chúa Giêsu với Thiên Chúa như là Cha – Con, đồng thời nói lên tính nghĩa tử của Người như là Con Thiên Chúa. Người thuộc về trật tự của Thiên Chúa, có nghĩa Người là chính Thiên Chúa.
Điều này muốn quả quyết rằng có một sự hiểu biết hỗ tương và tương quan duy nhất giữa Chúa Giêsu với Thiên Chúa một cách đặc biệt như là Con - Cha. Đây là tương quan hỗ tương vượt trên những gì Đức Giêsu mạc khải. Điều này không phải là Thiên Chúa không được hiểu biết, nhưng có nghĩa chỉ một mình Người hiểu biết về Thiên Chúa một cách đầy đủ và đích thật nhất. Nét đặc trưng của tương quan Cha - Con được diễn tả ở đây.
Thánh Máccô có lẽ đã bắt chước Mt 24,36 khi trình bày Chúa Giêsu có mối liên hệ độc đáo và mật thiết với Chúa Cha, nhưng cho rằng Người cũng nhìn nhận sự giới hạn của sự hiểu biết này đối với Chúa Cha, nghĩa là không phải tất cả mọi sự đều được Chúa Cha mạc khải hay nói đúng hơn, Chúa Cha giữ một số bí mật mà cả Chúa Con Người cũng không mạc khải; Người chờ đợi cho đến ngày cánh chung, mọi sự mới được mạc khải tỏ tường. Những lời sau đây là một minh chứng cho điều đó:
“Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,32).
Tiếp theo, Tin Mừng Máccô tường thuật dụ ngôn về vườn nho và những tá điền xấu xa: Ông chủ vườn nho thuê các tá điền đến làm việc, nhưng họ bắt bớ các đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. Ông liền sai nhiều người khác nữa, nhưng họ cũng đối xử như thế. Cuối cùng, ông quyết định sai “người con yêu dấu” mình đến với hy vọng chúng sẽ nể con ông, nhưng bọn tá điền cũng giết chết “người con yêu dấu” đó (x. Mc 12,1-12). Máccô hoặc truyền thống tiền Máccô rõ ràng đã thêm vào tính từ “yêu dấu” để liên hệ với lời giới thiệu của Chúa Cha nơi phép rửa của Chúa Giêsu (x. Mc 1,11) và dĩ nhiên nó cũng ám chỉ về sự sống lại của Chúa Giêsu như là “tảng đá bị thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường” (x. Mc 12,10-11), nhờ quyền năng của Chúa Cha, Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Chúa Cha, chiến thắng sự chết và sống lại vinh quang.
Dụ ngôn không có ý nói đến cái chết của người con có giá đền tội, nhưng với tư cách riêng của mình, một người con có thể hành động như là người đại diện hợp pháp của người cha trong một cách thế mà những người nô lệ hoặc những đầy tớ không có thể làm như trong dụ ngôn. Điều này tạo nên sự khác biệt giữa người con với những sứ giả đến trước đó. Xem ra Chúa Giêsu muốn những người đang nghe Người đồng hóa mình với người con trong câu chuyện. Đồng thời Người cũng muốn nói đến ý nghĩa của sứ vụ Người đạt tới đỉnh cao và hiệu quả cứu độ nhờ những can thiệp của Thiên Chúa (đặc biệt ở câu 6). Tuy nhiên, ở đây cũng như ở bất kỳ nơi nào khác trong Tin Mừng Nhất Lãm, Chúa Giêsu không bao giờ minh nhiên nói rằng: “Tôi là Con Thiên Chúa.” Chúng ta chỉ nghe những người khác tuyên xưng hay nhìn nhận điều đó. Chẳng hạn như trong Tin Mừng Mátthêu, những người lính chế nhạo Đức Giêsu khi nhắc lại:
“Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: Ta là Con Thiên Chúa!” (Mt 27,43).
Liên quan đến chủ đề này, Tin Mừng Nhất Lãm nhiều lần nói đến việc Chúa Giêsu mở rộng tư cách làm “Con Thiên Chúa” cho những ai sống theo đường lối Người. Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu nói: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9); hoặc “Thầy bảo thật anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,44-45). Một cách tương tự, Luca diễn tả: “Anh em sẽ là con Đấng Tối Cao” (Lc 6,35). Khi nói về việc kẻ chết sống lại, Chúa Giêsu quả quyết rằng đời sống mai sau không có chuyện dựng vợ gả chồng, họ là con cái Thiên Chúa: “Họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì họ là con cái sự sống lại” (Lc 20,36). Nói chung, trong mỗi bản văn, chúng ta thấy Chúa Giêsu quy chiếu về tính nghĩa tử của con người hay của chính mình khi Người còn ở trần gian. Nhưng chủ đề này ít được sử dụng hơn so với Cựu Ước. Kinh Thánh Do Thái áp dụng tước hiệu này theo một cách thế rộng rãi, khi gọi toàn thể dân riêng, vua Đavít và những người công chính như là con cái (con trai, con gái) của Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong thực tế, người Do Thái thích tiếp cận Thiên Chúa như là Đấng quyền năng hơn là Cha. Vì thế, như chúng ta đã thấy ở phần đầu, Cựu Ước ít khi gọi Giavê là Cha và sẽ khó khăn làm như thế khi cầu nguyện với Thiên Chúa. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã thay đổi tình trạng này, Người thực thi sứ vụ công khai của mình trong tư cách là Con, trong sự đối thoại liên lỉ với Chúa Cha – Ápba, và một cách nhân loại Người luôn ý thức về sự duy nhất của tính nghĩa tử trong sự phân biệt với Chúa Cha.
Tin Mừng Máccô năm hoặc sáu lần gọi Thiên Chúa là Cha. Hầu hết những lần như thế đều liên kết với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, trong vườn Giêtsimani:
“Ápba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36).
Ngay cả nếu tiếng Ápba không chỉ là một lời nói của người con ngỏ với người cha, rõ ràng Chúa Giêsu nói về và nói với Thiên Chúa như là Cha của mình theo một cách thế trực tiếp, thân mật, mà chỉ có Người mới có thể nói như thế, trong khi đó Kinh Thánh Do Thái Giáo rất ít nói hoặc dùng theo cách thức này. Tiếng Ápba là nét đặc trưng nổi bật, độc đáo và riêng biệt trong đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu. Trong một số đoạn của Mátthêu (x. Mt 6,9; 11,25-26; 16,17), hay của Luca (11,2), và ở một số bản văn khác của hai tác giả này, hạn từ Cha là hạn từ Ápba nguyên thủy trong tiếng Aram.[5] Trong những thế kỷ đầu, mẫu gương của Chúa Giêsu đã khích lệ các môn đệ của Người cầu nguyện với Thiên Chúa trong cách thế thân mật và gần gũi như vậy (x. Gal 4,6; Rm 8,15).[6] Như G. D. G. Dunn cho rằng:
“Việc áp dụng cách rõ ràng những bản này là điều mà Phaolô xem lời cầu nguyện Ápba “như là điều phân biệt những ai đã nhận Chúa Thánh Thần, quà tặng cánh chung” – hay nói cách khác, lời thưa với Thiên Chúa là Ápba “như một dấu ấn phân biệt những ai chia sẻ Thánh Thần trong việc làm nghĩa tử và trong việc được chia sẻ sự thừa kế cùng với Đức Kitô.”[7]
Nói chung trong Tin Mừng Nhất Lãm, Chúa Giêsu nói về “Chúa Cha,” “Cha tôi,” và “Cha các ngươi” hoặc “Cha chúng ta” ở trên trời trong 51 lần. Đôi lúc chúng ta nghĩ rằng từ Cha đã được rút ra từ nguồn Q (Quelle trong tiếng Đức có nghĩa là nguồn), hay từ một nguồn chứa đựng những lời nói của Chúa Giêsu mà Mátthêu và Luca đã dùng (vd. Mt 11,25-27; Lc 10,21-22) hoặc là ở trong một nguồn nào đó mà chúng ta tìm thấy tiếng Cha được xác nhận bởi một mình Mátthêu (x. Mt 16,17) hoặc chỉ bởi Luca (x. Lc 22,29), xem ra nó quay về với Chúa Giêsu. Mátthêu tỏ ra thích thú để ý đến từ “trên trời” và có thể ngài đã thêm vào tính từ này trong nhiều nơi mà từ ban đầu chỉ được nói “Cha chúng ta” hoặc “Cha tôi” (x. Mt 6,32). Cũng chính tác giả Tin Mừng này đôi lúc có thể đã thêm từ “Cha” vào trong nguồn của mình (x. Mt 6,26; 10,29.32-33; 12,23; 26,29). Cả khi không kể đến số lượng những bản mẫu không có tính xác thực, rõ ràng Chúa Giêsu minh nhiên nói về Thiên Chúa như là Cha.
Hơn nữa, Chúa Giêsu gọi những ai thi hành thánh ý của Thiên Chúa là “anh em, chị em, và là mẹ tôi,” nhưng Người không hề gọi là “cha tôi” (x. Mc 3,31-35). Người mời gọi thính giả đón nhận Thiên Chúa như là một người Cha yêu thương và hay thương xót. Người đến để làm trung gian cho một tương quan mới mẻ giữa họ và Thiên Chúa và dạy họ cầu nguyện với Thiên Chúa bằng cách gọi Người là Ápba, lạy Cha. Tuy nhiên, trở thành anh chị em của Người không có nghĩa là đặt chúng ta ở trên cùng một mức độ hay cùng trật tự với Người trong tư cách là con cái của Thiên Chúa. Chúa Giêsu thường phân biệt “Cha tôi” và “Cha anh em,” một sự phân biệt được thánh Mátthêu nhấn mạnh. Người không mời gọi các môn đệ chia sẻ với Người tương quan thuộc căn tính về việc làm con. Quả thế, không có một lời nào trong Tân Ước mà Chúa Giêsu đã liên kết các môn đệ với mình để cùng nhau có thể nói rằng “Cha chúng ta.” Khi khích lệ các môn đệ cầu nguyện với Thiên Chúa như là Cha, Người dùng cụm từ “Lạy Cha chúng con” áp dụng cho các môn đệ (ở đây, Mt 6,9, khác với Lc 11,2 không có từ “chúng con”). Nếu Chúa Giêsu thực sự đã nói “Lạy Cha chúng con”, từ này ở trong lời cầu nguyện mà Người dạy các môn đệ cầu nguyện (“Anh em hãy cầu nguyện như thế này” Mt 6,9). Người mời gọi các thính giả đón nhận tương quan với Thiên Chúa như là Cha. Đây là tương quan lệ thuộc vào Người (Lc 22,29-30) và rất khác với tương quan của Người. Vậy khi Chúa Giêsu nói “Cha tôi”, Người ý thức mình là Con theo một cách thế rất khác biệt không? Hoặc Người ý thức về tính nghĩa tử độc nhất thần linh đối với “Ápba” không?
Ít nhất chúng ta có thể nói rằng: Chúa Giêsu áp dụng ngôn ngữ về tính nghĩa tử thần linh một cách cá nhân cho Người, nó có một ý nghĩa độc đáo và riêng biệt, với tư cách “Con Thiên Chúa” theo nghĩa này, Người trổi vượt trên con người, dẫu con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (Lc 4,3.38), hơn cả những ai có sự nhạy bén cách hoàn hảo với Chúa Thánh Thần (Lc 4,1.14.18), hoặc hơn cả những sứ giả mang bình an của Thiên Chúa (Lc 2,14; 10,5-6; Mt 10,34; Lc 12,51), hơn cả vua Đavít (Lc 1,33) là người đến để phục hưng triều đại của Ítraen. Chúng ta không cần tranh luận sự kiện Chúa Giêsu đã nói về mình như là Con và về Thiên Chúa như là “Cha tôi.” Người không chỉ nói nhưng còn hành động với tư cách là Con khi Người mạc khải chân lý về Thiên Chúa; Người kiện toàn lề luật Thiên Chúa, hay tha thứ tội lỗi (ngoài những cách thức thông thường của hy lễ đền thờ và sứ vụ của các tư tế Lêvi), Người làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa và Người hành động với sự vâng phục hoàn toàn vì Nước Trời mai sau. Tất cả điều này làm phát sinh những tấn công của giới lãnh đạo tôn giáo thời đó khi họ cho rằng Người ăn nói phạm thượng và họ chống đối Người cho tới cùng (Mc 14,64); Người đã mạc khải Người thuộc về Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa. Chúa Giêsu cho thấy kinh nghiệm độc nhất khi ý thức là con và luôn sống tương quan độc nhất đó với Thiên Chúa, Đấng mà Người gọi là Cha của mình.
Trong thực tế, Chúa Giêsu không bao giờ tự gọi mình là Con duy nhất của Thiên Chúa (x. Ga 1,14.18; 3,16.18), Người tự giới thiệu mình là Con (viết hoa) và là Đấng được sai đến như Đấng Messia. Người trổi vượt hơn bất kỳ ai được chọn và được xức dầu vì Người là đại diện của Thiên Chúa để thực hiện vai trò cứu độ vì Nước Trời. Một cách mặc nhiên, Chúa Giêsu quả quyết tương quan yếu tính, hữu thể học của tính nghĩa tử đối với Thiên Chúa vốn cung cấp nền tảng cho chức vụ Người là Đấng mạc khải, Đấng ban lề luật, Đấng tha thứ các tội lỗi và là tác nhân của Nước Trời. Những chức vụ (điều Người làm) của Đức Giêsu phụ thuộc vào tương quan hữu thể của Người như là Con Thiên Chúa (điều Người là).
Như thế, nhờ kinh nghiệm và mạc khải của Chúa Giêsu như là Con, Giavê trong Cựu Ước giờ đây được nhận biết như là Cha của Đức Giêsu và Cha của chúng ta. Mạc khải về Chúa Con cũng bao hàm mạc khải về Cha. Bởi lẽ, tương quan Cha – Con là mối tương quan liên vị, hỗ tương và định nghĩa cho nhau.
5. Đấng đến và được sai đến
Để hoàn thiện việc nghiên cứu Ba Ngôi qua cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta cần nhớ lại một số dữ kiện khác minh chứng việc Chúa Giêsu đón nhận và thực thi sứ vụ của mình như thế nào đối với Thiên Chúa. Trong Tân Ước, nhiều lúc Chúa Giêsu giới thiệu sứ vụ của mình như một Đấng được sai đến bởi Thiên Chúa. Quả thế, khi trả lời cho các môn đệ câu hỏi ai là người lớn nhất trong Nước Trời, Chúa Giêsu ôm lấy một em nhỏ và nói:
“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón chính Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9,37).
Cũng thế, chúng ta thấy từ dụ ngôn những tá điền, Chúa Giêsu minh nhiên cho thấy rằng Người như là người con của ông chủ vườn nho, là người cuối cùng đã được sai đến và bị giết (Mc 12,6). Nơi khác, Chúa Giêsu cũng trình bày về những đối tượng và địa hạt mà Người được sai đến để phục vụ: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ítraen mà thôi” (Mt 15,24). Nhưng ở một nơi khác, Chúa Giêsu vượt qua những cách thức thông thường của các tiên tri như “tôi được sai đến” để nói rằng “tôi đến.” Người nói về sứ vụ của mình:
“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17); “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49; x. Lc 12,51; Mt 10,34-35).
Một ví dụ gây nhạc nhiên về động từ “đến” được dùng khi Chúa Giêsu giải thích tại sao Người phải loan báo sứ điệp Tin Mừng cho những thành khác: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,38). Lời công bố này được các tác giả Tin Mừng ghi lại đặt ra cho chúng ta một câu hỏi: Chúng ta có thể hiểu rằng “việc Chúa ra đi hay Chúa đến” đơn giản có nghĩa là Chúa Giêsu phát xuất từ Nazaréth không? (x. Mc 1,9; 6,1-6). Hạn từ này được Máccô dùng khác với Luca (x. Lc 4,16-30), có ngụ ý rằng Người đến từ Nazarét phải không? Có phải từ nơi đó mà Máccô nghĩ rằng Chúa Giêsu “đến” để thi hành sứ vụ mình chăng? Hạn từ “đến” cũng liên hệ với một từ miêu tả về mình được Chúa Giêsu dùng: “Vì Con Người đến không để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Một cách tình cờ từ “đến” và từ “được sai” hòa quyện với nhau, như được diễn tả trong một đoạn của nguồn Q:
“Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!” (Lc 13,34-35; x. Mt 23,37-39).
Không cần phải nhấn mạnh nhiều về tính chân thực của những hạn từ “được sai đến” và “đến,” chúng ta có thể nói rằng trong Tin Mừng những từ này được dùng rất nhiều và đa dạng, đủ để đi đến kết luận rằng Chúa Giêsu khi ở trần gian đã ý thức về sứ vụ của mình vừa như là một Đấng đến và vừa như là Đấng được sai đến bởi Thiên Chúa Cha. Ở đây thật tốt đẹp để nhớ lại rằng các ngôn sứ Cựu Ước đã chia sẻ một ý nghĩa nền tảng về việc được sai đến bởi Thiên Chúa, nhưng các ngôn sứ không bao giờ có ý nói rằng “họ đến” nhân danh mình. Hơn nữa, họ không bao giờ dám tự giới thiệu mình như là “con Thiên Chúa” (theo nghĩa chặt) hoặc không bao giờ họ được gọi như thế.
Liên quan đến “việc được sai đến” và “đến,” thật thú vị để lưu ý rằng làm sao Phaolô và Gioan dùng hạn từ kép này khi trình thuật về sứ vụ của Chúa Giêsu. Phaolô viết không chỉ về việc Thiên Chúa sai Người Con duy nhất mình đến (Rm 8,3; Ga 4,4) nhưng ngài còn nói về việc Chúa Giêsu đã đi bước trước bằng việc trở nên nghèo khó (2 Cr 8,9): “Người trút bỏ chính mình, mặc lấy thân phận tôi đòi và trở nên giống phàm nhân” (Pl 2,7). Một cách tương tự Gioan khẳng định Chúa Giêsu không chỉ được Thiên Chúa sai đến (x. Ga 3,17.34; 20,21), nhưng ngài còn trình bày “Con Người” như là Đấng đến từ trời (x. Ga 3,13). Hạn từ kép này có thể hiện diện trong những đoạn tương tự nơi Tin Mừng Thứ Tư, khi Chúa Giêsu tuyên bố rằng: “Vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38).
Kết Luận
Chúng ta vừa tìm hiểu về những chứng tá về Ba Ngôi trong những trước tác đầu tiên của Kitô giáo, trong Phaolô. Một lần nữa, chúng ta lưu ý đến sự khó khăn để có thể rút ra nhiều điều từ Tin Mừng Nhất Lãm về kinh nghiệm nội tâm và ý thức của chính Chúa Giêsu khi ở trần gian. Hai trong số các tác giả Tin Mừng (Mt và Lc) trình thuật những chứng tá về Ba Ngôi trong biến cố thụ thai đồng trinh, ít ra những trình thuật này có nghĩa bao gồm Thiên Chúa (Cha), Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Khi nghiên cứu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, chúng ta phải dừng lại không chỉ ở việc tìm hiểu giáo huấn của Người được trình thuật theo thời gian, nhưng cũng phải tìm hiểu về việc tái cấu trúc của các chuỗi sự kiện nguyên thủy theo các tác giả viết Tin Mừng. Cảnh tượng lớn lao về phép rửa minh chứng những khó khăn này. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, các tác giả Tin Mừng thích nhấn mạnh đến một số khía cạnh Ba Ngôi trong biến cố này, tuy nhiên, hầu như trong các trình thuật này chúng ta không thể tìm thấy một kết luận chắc chắn về việc Chúa Giêsu đã kinh nghiệm như thế nào trong biến cố đó. Chúa Giêsu giới thiệu mình như là một người sống luôn tương quan thảo hiếu với Chúa Cha và sứ vụ của Người như là Đấng “được Cha sai đến” hay “đến từ Cha.” Tin Mừng Nhất Lãm ít đề cập đến ý thức của Chúa Giêsu về Chúa Thánh Thần. Chúng ta sẽ tìm hiểu nhiều hơn điều này qua trình thuật về cuộc đời Chúa Giêsu trong Máccô, Mátthêu. Cả hai tác giả này đều phát triển mối tương quan giữa Cha/Con. Còn Luca thì nói nhiều về vai trò của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ của Người.
(Tiếp tục)
[1] Cf. Lc 1,26-38; Mt 2,20-22
[2] Cf. R. E. Brown, Birth of Messiah, Doublday, Garden City, NY 1993, 706-707.
[3] Cf. J. P. Meier, A Marginal Jew. Rethinking the Historical Jesus, vol. 2, Yale University Press, 201, 108-109.
[4] Cf. J. P. Meier, A Marginal Jew., op. cit., 407-423.
[5] Khi tường thuật lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn Giêtsimani, Mátthêu và Luca không có sáng chế ra từ Ápba, họ chỉ lấy lại những diễn tả của Aram mà Máccô ghi lại (cf. Mc 3,17; 5,41; 7,11; 11,34; 15,34).
[6] Liên quan đến chủ đề này Phaolô khai triển theo hướng Thánh Linh học,: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Ápba, Cha ơi!” (Gl 4,6). Hoặc “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt, như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Ápba! Cha ơi!” (Rm 8,15).
[7] G. D. G. Dunn, Christology in the Making, 2nd ed., SCM Press, London 1989, 29.
contnaryo-ne Donna Bonham https://wakelet.com/wake/v_f0No--3rgMCgzjtqJ13
ReplyDeletecisemira