MỪNG SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
24/6
Hôm
nay toàn thể Giáo Hội Công Giáo mừng trọng thể lễ sinh nhật của thánh Gioan Tẩy
Giả. Từ thế kỷ thứ IV, Giáo Hội đã cử hành thánh lễ này rồi. Đây là một lễ rất
lâu đời xét về mặt thời gian. Câu hỏi đầu tiên đặt ra là tại sao Giáo Hội mừng lễ sinh nhật của thánh
Gioan Tẩy Giả cách trọng thể như thế?
1. Lý do mừng lễ
Trong
phụng vụ, Giáo Hội thường có thói quen lấy ngày qua đời của các thánh để mừng
kính và coi đó là lễ sinh nhật đích thực của các thánh ở trên trời (dies
natalis). Tuy nhiên, thánh Gioan Tẩy là một trường hợp đặc biệt. Giáo Hội cử
hành trọng thể lễ sinh nhật và cả ngày qua đời của thánh nhân. Bởi vì, Giáo Hội
xác tín rằng: thánh Gioan Tẩy Giả được thánh hóa nên thánh thiện ngay từ trong
lòng mẹ, trước khi được sinh ra nhờ sự hiện diện cứu độ của Chúa Kitô, khi Đức
Maria đến viếng thăm bà Êlisabét (x. Lc 2,28-35). Ngay từ giây phúc gặp gỡ đó,
Gioan Tẩy Giả đã được cứu độ và sinh nhật của ngài là một sự sinh ra trong
thánh thiện (theo Augustinô giải thích). Đó là lý do mà Giáo Hội mừng lễ sinh
nhật của ngài, như mừng lễ sinh nhật của Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria. Như
thế, trong năm phụng vụ, chỉ có ba lễ sinh nhật của ba Đấng trên được mừng theo
ý nghĩa này.
2. Ý nghĩa tên gọi Gioan Tẩy Giả
Trong
Kinh Thánh, tên gọi luôn chứa đựng những ý nghĩa đặc biệt. Tin Mừng hôm nay cho
biết: Khi được sinh ra, ai cũng muốn đặt tên cho con trẻ là Dacaria, tên của
người cha theo truyền thống Do Thái. Nhưng bà Êlisabét muốn đặt tên cho con trẻ
là Gioan. Dù đang bị câm, ông Dacaria lấy một tấm bảng và viết ra cho mọi người
biết rằng ông cũng muốn đặt tên là Gioan. Tên gọi này có một ý nghĩa đặc biệt (Lc 1,57-66.80).
“Gioan”
trong tiếng Do Thái có nghĩa là “Thiên Chúa dũ lòng thương.” Quả thật, việc hiếm
muộn là một nỗi buồn luôn đè nặng lên gia đình ông bà cả về phương diện xã hội
và tôn giáo. Ông Dacaria và bà Êlisabét luôn khát khao có một đứa con để nối
dõi tông đường. Nhờ sự kiên trì cầu nguyện, Thiên Chúa đã nhận lời cầu và ban
cho họ một đứa con trai trong khi cả hai đã già rồi. Đứa con chính là quà tặng
của lòng thương xót, thực sự Thiên Chúa đã dũ lòng thương đối với ông bà.
Còn
từ “Tẩy Giả” có nghĩa là gắn liền với sứ vụ của con trẻ. Tẩy Giả (Baptiste) có
nghĩa là người thanh tẩy, người làm phép rửa. Quả thế, khi lớn lên, Gioan đã
đóng vai trò là người làm phép rửa cho Chúa Giêsu để Người bắt đầu sứ vụ rao giảng.
Ông còn làm phép rửa cho dân chúng, kêu gọi họ sám hối và dọn đường cho Đấng Cứu
Thế đến.
Trong
văn hóa Do Thái, người ta có tập tục khá thú vị: khi tổ chức đám cưới, người ta
chọn người phụ dâu và phụ rể. Người phụ rể có nhiệm vụ tắm rửa cho chú rể và
chuẩn bị để chú rể gặp cô dâu. Trong Tin Mừng, thánh Gioan Tẩy Giả có lần tự
xưng mình là người phụ rể của chàng rể là Chúa Giêsu: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó
nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng” (Ga
3,29). Quả thế, việc Con Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta được
coi như là một “hôn lễ” mà Thiên Chúa ký kết với nhân loại. Theo ý nghĩa này, Gioan
Tẩy Giả đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu như người chuẩn bị cho Tân Lang gặp gỡ
Tân Nương là Giáo Hội. Đây chính là ý nghĩa của từ Tẩy Giả. Chỉ Gioan là người
duy nhất có được sự hân hạnh và sứ mạng cao cả đó. Bởi thế, ông được chính Chúa
Giêsu cho là vị ngôn sứ cao cả nhất trong các ngôn sứ.
3. “Đứa trẻ này sẽ ra sao?”
Câu
hỏi này làm cho chúng ta suy nghĩ về những đứa con của chúng ta. Gioan Tẩy Giả
đã trở nên một vị ngôn sứ vĩ đại nhất nhờ sự giáo dục của hai ông bà Dacaria và
Êlisabét. Chúng ta cần học hỏi nơi gia đình này những bài học quý báu: Theo họ,
con cái là hồng ân của Thiên Chúa. Con cái quý giá hơn vàng hơn bạc. Ngày nay, cũng
có nhiều cặp vợ chồng trẻ hiếm muộn, họ rất khát khao lắm có được một mụn con
mà không được. Họ thật đáng thương! Nhưng tôi rất ngạc nhiên, bởi lẽ hôm nay
nhiều bạn trẻ cưới nhau nhưng không muốn sinh con. Người ta sợ phải vất, hy
sinh! Có điều gì đó không tự nhiên.
Nếu
Thiên Chúa ban cho các cặp vợ chồng có con, hãy trân trọng quà tặng đó, hãy hy
sinh và giáo dục con cái nên người tốt, nên người con cái Thiên Chúa. “Đứa trẻ này
sẽ ra sao” là câu hỏi mà các bậc cha mẹ luôn phải canh cánh trong lòng, đặt ra
cho mình. Nó sẽ ra rao phần lớn là nhờ vào sự giáo dục của cha mẹ.
Trong
các gia đình Việt Nam, nhiều bậc cha mẹ áp dụng lối giáo dục cũ xưa một cách cứng
nhắc: “Thương con thì cho roi cho vọt.” Nên nhiều lúc cha mẹ đánh đập, dọa nạt,
áp đặt con cái, làm cho chúng sợ sệt, mặc cảm và bị tổn thương. Lối giáo dục
này không còn phù hợp nữa, cần phải thay đổi.
Nhưng
không ít bậc cha mẹ lại áp dụng lối giáo dục con cái theo kiểu hiện đại, nhưng quá
nuông chiều, quá tự do, con muốn gì cho nấy, không có hướng dẫn, không kỷ luật,
nên con dễ hư. Hoặc nhiều cha mẹ lo làm ăn, mà không có thời gian dành cho con
cái và giáo dục chúng. Tôi xin khuyên các bậc cha mẹ nên dành thời gian cho con
cái. Đặc biệt, chúng ta cần chú ý giáo dục trẻ ngay từ 12 tuổi trở xuống, đó là
giai đoạn quan trọng và lý tưởng nhất trong đời xét theo phương diện tâm lý
phát triển nhân cách. Đó là giai đoạn dễ uốn nắn nhất, tâm hồn trẻ như tờ giấy
trắng, dễ dàng bắt màu với bất cứ phẩm màu nào, trẻ dễ tiếp nhận bất cứ điều gì
chúng ta viết lên đó. Giai đoạn này làm nên nhân cách của con người sau này. Vì
thế, chúng ta cần giáo dục nhân bản, văn hóa và đức tin cho trẻ, như biết cám
ơn, biết xin lỗi, biết chào hỏi, biết tôn trọng người khác… Dạy cho trẻ như biết
làm dấu thánh giá, biết đọc kinh và cầu nguyện hằng ngày… Những điều đó sẽ theo
nó suốt đời, nó không bao giờ quên. Như thế, “đứa trẻ này rồi sẻ ra sao” phần lớn
tùy vào sự giáo dục của chúng ta. Xin Chúa ban ơn để chúng ta biết chu toàn bổn
phận giáo dục con cái trong gia đình mình. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment