Sunday, 25 November 2018

Vai Trò Thiên Chúa Ba Ngôi Trong Phụng Vụ


Chúng ta tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào, thì chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm đó như thế ấy trong phụng vụ. Công Đồng Vaticanô II nói rằng: “Phụng vụ là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời, là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội.”[1] Phụng vụ có mục đích tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa con người. Thiên Chúa Ba Ngôi vừa là chủ thể, vừa là cùng đích của phụng vụ Giáo Hội.

I. THIÊN CHÚA BA NGÔI VÀ PHỤNG VỤ

1. Thiên Chúa Ba Ngôi là chủ thể của phụng vụ

1.1. Phụng vụ là công trình của Chúa Cha
Chúa Cha là nguồn mạch và cùng đích của phụng vụ. Trong đó, Chúa Cha tuôn đổ phúc lành của Người cho chúng ta nhờ Người Con nhập thể, đã chết và phục sinh vì chúng ta. Người cũng đổ tràn Thánh Thần vào lòng chúng ta. Như thánh Phaolô nói: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người (Chúa Cha) đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1,3). Hay trong thư Galát, thánh Tông Đồ khẳng định: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa (Cha) đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Ápba, Cha ơi!” (Gl 4,6). Về điểm này, giáo huấn của Giáo Hội dạy:

“Trong phụng vụ, Chúa Cha đổ tràn trên chúng ta những lời chúc lành của Người, và nhờ Ngôi Lời, Người đổ tràn vào lòng chúng ta hồng ân chứa đựng mọi hồng ân: đó là Chúa Thánh Thần.”[2]

Phụng vụ luôn mang một năng động kép: một đàng, Hội Thánh chúc tụng Chúa Cha “vì phúc lộc khôn tả Ngài ban” (2 Cr 9,15), bằng việc tôn thờ, ca ngợi và tạ ơn. Đàng khác, Hội Thánh không ngừng dâng lên Chúa Cha lễ vật và cầu khẩn Người ban Thánh Thần cũng như hoa trái sự sống.[3]
1.2. Phụng vụ là công trình của Chúa Con

Phụng vụ không chỉ là công trình của Chúa Cha, nhưng còn là công trình của Chúa Con. Quả vậy, “Giáo Hội cử hành việc phụng thờ Chúa Cha hằng hữu, nhờ Chúa Kitô… Chúa Kitô luôn hiện diện trong Hội Thánh, nhất là trong các hoạt động phụng vụ.”[4] Hơn nữa, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy: “Trong phụng vụ, Đức Kitô biểu lộ và hoàn thành mầu nhiệm vượt qua của Người.”[5] Đặc biệt, trong bí tích Thánh Thể, Người vừa là lễ vật vừa là tư tế dâng lên Chúa Cha lễ tế là chính mình Người để cầu cho “Nhiệm Thể” Người.
1.3. Phụng vụ là công trình của Chúa Thánh Thần

Đã có một thời kỳ người ta không để ý đủ, nếu không muốn nói là lãng quên vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, cách riêng là trong phụng vụ, như thần học gia Von Balthasar nhận xét: “Thánh Thần là Đấng bị lãng quên.”[6] Cha Raniero Cantalamessa phân tích rõ hơn khi nói:

“Ngày hôm nay chúng ta có thể đề cập đến một lỗ hổng trong sự trình bày này liên quan các đối tượng hay các “nhân vật” của phụng vụ. Chỉ có hai nhân vật chính được đề cập ở đây: Chúa Kitô và Giáo hội. Không hề có một sự đề cập nào về vai trò của Chúa Thánh Thần cả. Trong phần còn lại của Hiến chế cũng thế, Chúa Thánh Thần không bao giờ được nói một cách trực tiếp nhưng chỉ được đề cập nơi này nơi kia và luôn là “cách gián tiếp.”[7]

Thực ra, Chúa Thánh Thần có vai trò tích cực trong các cử hành phụng vụ của Giáo Hội: “Không có Người (Chúa Thánh Thần), mọi sự trong phụng vụ chỉ là tưởng nhớ; nhưng với Người, mọi sự đều hiện diện.”[8] Hơn nữa, chính Chúa Giêsu nói: “Người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4,23).

Trong phụng vụ, Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa lễ tế nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, như thánh Ixaác de Stella nói:

“Cũng như tặng phẩm thần linh đổ xuống trên chúng ta từ Chúa Cha, qua Chúa Con và Chúa Thánh Thần, hay trong Chúa Thánh Thần… Cũng thế, tặng phẩm nhân loại dâng lên nhờ Chúa Thánh Thần đến với Chúa Con và nhờ Chúa Con đến Chúa Cha.”[9]
2. Ba Ngôi là đối tượng của phụng vụ

Tất cả mọi hành vi, cử chỉ, việc làm, lời đọc trong phụng vụ hầu hết đều hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì phụng vụ Kitô giáo tự bản chất hướng về Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần.

Thật vậy, sự tôn thờ Kitô giáo tự bản chất mang chiều kích Ba Ngôi. Chính sự tôn thờ này thuộc Ba Ngôi trong cách thế mà nó diễn tả bởi vì đây là sự tôn thờ được dành cho Chúa Cha, nhờ Chúa Con và cho Chúa Thánh Thần. Nó cũng có chiều kích Ba Ngôi trong mục đích của nó bởi vì sự tôn thờ được dành cho Chúa Cha, cho Chúa Con và cho Chúa Thánh Thần cũng như nhau.[10]

Chỉ cần để ý tới cấu trúc các lời khẩn nguyện, chúng ta thấy rõ Thiên Chúa Ba Ngôi là đối tượng của phụng vụ: Thường khởi đầu lời nguyện, Giáo Hội thưa: Lạy Cha…, chúng con cầu xin Cha, nhờ Đức Giêsu Kitô, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thủa muôn đời. Amen. 

2.1. Hướng về Chúa Cha

Chúa Cha là nguồn phát sinh mọi ân sủng. Vì vậy, trong các cử hành phụng vụ, tất cả đều hướng về Chúa Cha như là nguồn ban phát mọi ơn lành để từ đó con người chúc tụng, ngợi ca và cầu xin Thiên Chúa Cha. Thật vậy, mọi chứng từ đích thực biểu hiện lòng yêu mến đối với các thánh ở trên trời, tự bản chất luôn hướng về cùng đích là Đức Kitô “triều thiên của toàn thể các thánh, và nhờ Người mà quy hướng về Thiên Chúa, Đấng được ngưỡng mộ và tôn vinh trong các thánh nhân của Người. Đặc biệt trong phụng vụ thánh, quyền năng Thánh Thần hoạt động trên chúng ta qua các dấu chỉ bí tích, và khi tất cả mọi người thuộc mọi chi tộc, ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia đã được cứu chuộc trong máu Đức Kitô (x. Kh 5,9), họp nhau trong một Giáo Hội duy nhất, đồng thanh ca hát ngợi khen một Thiên Chúa Ba Ngôi.[11]

Việc quy hướng về Chúa Cha còn được thể hiện trong việc nhắc lại những lời Người đã nói và chúc lành cho dân của Người. Thật vậy, trong phụng vụ của Hội Thánh, lời chúc lành của Thiên Chúa được mạc khải và truyền thông cách sung mãn: Chúa Cha được nhận biết và được tôn thờ với tư cách là nguồn gốc và cùng đích của mọi chúc lành trong công trình tạo dựng và cứu độ.[12] Trong phụng vụ, Thiên Chúa nói với ta, Lời Người được công bố cho ta, mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức Kitô được hiện tại hóa, nhờ đó qua các dấu chỉ hữu hình khả giác, Thiên Chúa ban cho ta ơn thánh hóa cứu độ. Chiều đi xuống của phụng vụ là đặc điểm đầu tiên của phụng vụ, cho thấy mọi sự xuất phát từ nguồn mạch là Thiên Chúa Cha: mời gọi, Lời Chúa, bí tích, ân sủng.

2.2. Nhờ Chúa Con

Chúa Con là trung gian chuyển tải nguồn ân sủng của Chúa Cha cho con người. Trong phụng vụ, mọi cử chỉ, mọi của lễ dâng lên Chúa Cha đều nhờ công nghiệp của Đức Kitô. Người vừa chủ thể vừa là đối tượng của phụng vụ. Thật vậy, phụng vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu, trong đó, công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện cách khác nhau theo từng dấu chỉ và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn được thực thi nhờ nhiệm thể Chúa Kitô, nghĩa là đầu và cùng các chi thể Người.[13]

Cụ thể, trong lễ tạ ơn, sức năng động của hành động Tam Vị đi vào trong hành động của Giáo Hội và ngược lại. Là hy lễ tán tụng Chúa Cha, là sự tưởng nhớ Chúa Con, là sự khẩn cầu Thần Khí, lễ tạ ơn cấu trúc hóa sứ vụ Giáo Hội theo kiểu mẫu sứ vụ của Thiên Chúa Ba Ngôi.[14] Qua Chúa Con, Hội Thánh đã diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi cách sống động và thiết thực trong việc cử hành thánh lễ. Chính qua Chúa Con mà con người có thể tạ ơn Thiên Chúa và dâng lên Thiên Chúa mọi lễ phẩm của mình, để từ đó được kết hiệp với Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Việc cử hành thánh lễ, với tính cách là hành động của Đức Kitô và của dân Thiên Chúa, được tổ chức theo phẩm trật là trung tâm toàn bộ đời sống Kitô giáo, đối với Hội Thánh toàn cầu, cũng như Hội Thánh địa phương và đối với từng tín hữu. Thật vậy, trong việc cử hành này có điểm cao nhất của hành động Thiên Chúa thánh hóa thế gian trong Đức Kitô, và của việc phụng tự mà nhân loại dâng lên Chúa Cha, để thờ lạy Người nhờ Đức Kitô, Con Thiên Chúa.[15]
 
2.3. Trong Chúa Thánh Thần

Chúa Thánh Thần giúp con người đón nhận được nguồn ân sủng qua những cử hành phụng vụ. Tất cả mọi hành động của Giáo Hội nhờ Chúa Giêsu nhưng đều ở trong Chúa Thánh Thần. Thật vậy, Giáo Lý Công Giáo dạy rằng: Phụng vụ Kitô giáo không những gợi nhớ các biến cố đã giải thoát chúng ta, mà còn làm cho các biến cố đó hiện diện và tác động trong hiện tại. Mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô được cử hành, chứ không phải được tái diễn; chỉ có các cuộc cử hành là được tái diễn; trong mỗi lần cử hành đều có sự tuôn đổ Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho mầu nhiệm duy nhất được hiện tại hóa.[16]

Quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ làm cho Nước Chúa mau đến và mầu nhiệm cứu độ chóng hoàn tất. Trong việc chờ đợi và trong niềm hy vọng, Người thật sự làm cho chúng ta được tham dự trước vào sự hiệp thông sung mãn của Thiên Chúa Ba Ngôi. Được Chúa Cha, Đấng nhận lời cầu của Hội Thánh sai đến, Chúa Thánh Thần ban sự sống cho những ai đón nhận Người và ngay từ bây giờ, đối với những kẻ ấy, Người là bảo chứng phần gia nghiệp của họ.[17]

Trong Kinh Tạ Ơn, nhờ việc dâng tiến trong chính cuộc tưởng niệm này, Hội Thánh dâng của lễ tinh tuyền lên Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần. Hội Thánh có ý cho các tín hữu không những dâng của lễ tinh tuyền, mà còn học cho biết dâng chính mình và nhờ Đức Kitô làm môi giới, mỗi ngày hiệp nhất hơn với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa là mọi sự trong mọi người.[18]
II. HOẠT ĐỘNG CỦA CHÚA BA NGÔI TRONG CÁC BÍ TÍCH
1. Trong bí tích Rửa Tội[19]

Làm thế nào mà, một cách luôn mới mẻ và hoàn toàn, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi xâm nhập được vào trong thụ tạo cao cả nhất trong các loài thu tạo của Người?

Từ thuở ban đầu của niềm tin Kitô giáo, hành vi có tính quyết định tạo ra bước vượt qua này đã được nhận thức và được cử hành trong bí tích Rửa Tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

Bí tích Rửa Tội là bí tích dẫn vào đời sống Kitô hữu. Bởi vì mầu nhiệm tử nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô được biểu thị trong bí tích Rửa Tội, là nơi mà mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được kể ra và được trao ban. Nên việc trở thành Kitô là biến cố mang mầu sắc Ba Ngôi. Phụng vụ biểu đạt mầu nhiệm này bằng cách đặc biệt liên kết Bí tích Rửa Tội với đêm vọng Phục Sinh, và bằng cách đưa vào đó lời tuyên xưng đức tin đòi hỏi người dự tòng phải tuyên xưng theo ba câu hỏi có quan hệ lần lượt đến Cha, Con và Thánh Thần, và đến vai trò của các Ngài trong lịch sử cứu độ. Nhờ bí tích Rửa Tội, con người được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa (Chúa Cha) trong Con độc nhất vẫn hằng được yêu thương từ vĩnh hằng (x. Gl 3,26tt; 4,4tt). Con người được mai táng với Đức Kitô trong sự chết và tiến lên trong sự sống mới (x. Rm 6,3-11; Cl 2,12; Ep 2,5tt). Trong ân huệ Thánh Thần, con người được đổi mới và được tái sinh, và kể từ nay có thể thân thưa với Thiên Chúa như là Cha của mình. Sự sống mới trong bí tích Rửa Tội đến từ Cha, qua sự đồng hóa với Đức Kitô chết và sống lại, trong ân sủng của Chúa Thánh Thần. Đó chính là sự sống phản ảnh sự hiệp nhất của Tam Vị, trong sự tháp nhập vào thân mình Hội Thánh của Đức Kitô (x. Ep 4,4tt), và trong sự tiền dự vào sự hiệp nhất vốn được hứa ban của vương quốc Thiên Chúa.

Trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô, thánh Phaolô nói rằng chúng ta được đóng ấn Chúa Thánh Thần qua bí tích Rửa Tội. Thực tế này được biểu hiện qua dầu thánh xức trên trán bằng cách vẽ Thánh Giá khi được rửa tội. Bí tích này tẩy xóa sạch dấu vết không thể tẩy xóa. Sự sống của Thiên Chúa đến với chúng ta và làm cho chúng ta trở nên “Con Thiên Chúa” và “người thừa kế của Đức Kitô”. Thánh Phêrô so sánh với nước đã cứu ông Nôe khỏi chết, tuyên xưng trong tâm khảm: “Hiện nay phép rửa cứu thoát anh em” (x. 1 Pr 3,1). Chúa Thánh Thần thông ban đức tin, đức cậy và đức ái, làm cho chúng ta có thể phát triển trong mối quan hệ với Thiên Chúa và với tha nhân.

Nghi thức Phép Rửa diễn tả một exitus là một sự xuất hành khỏi tội lỗi và cái chết và một reditus là sự phục sinh trong đời sống mới với Chúa Kitô. Trong Phép Rửa, các Kitô hữu được thánh hóa để tôn thờ Thiên Chúa. Vì thế, các thụ nhân được hỏi để tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi:

“Con có tin vào Thiên Chúa, là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất? Con có tin vào Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa,.. sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria… không? Con có tin vào Cháu Thánh Thần…?”

Đây là lời tuyên xưng niềm tin Ba Ngôi để được rửa tội.
2. Trong bí tích Thánh Thể[20]

Bí tích Thánh Thể là bí tích đức tin vì nó hàm chứa và hiện tại hóa mầu nhiệm cứu độ. Công Đồng Vaticanô II nhìn bí tích Thánh Thể như là trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo (PV 10; GH 11). Là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bí tích Thánh Thể đưa người tín hữu hiệp thông với Mình và Máu Chúa Kitô, nhận lãnh tràn đầy sức sống của Người trong Chúa Thánh Thần, để tôn vinh Thiên Chúa Cha. Cử hành Thánh Thể là cử hành trong ân sủng Chúa Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần (2 Cr 13,13; x. Nghi thức Thánh lễ). Như thế, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và Thánh Thể liên hệ chặt chẽ với nhau bởi vì cử hành Thánh Thể là hành vi tạ ơn và tôn vinh của Giáo Hội hướng về Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần. Bí tích Thánh Thể như là vận hành hai chiều: về phía Giáo Hội, Thánh Thể là lời chúc tụng tạ ơn của Giáo Hội hướng lên Ba Ngôi. Về phía Thiên Chúa, Thánh Thể là hồng ân và lời chúc phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa cho Giáo Hội.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi xuyên suốt việc cử hành mầu nhiệm Thánh Thể mà cao điểm là Kinh Tạ Ơn, Kinh Lạy Cha và sự hiệp lễ. Trong mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Thánh Thần đưa ta vào trong sự thân mật của đời sống Ba Ngôi, nhờ Chúa Kitô đến với Chúa Cha. Thánh Thể là nơi mà cội nguồn Ba Ngôi được diễn tả luôn luôn mới mẻ. Thiên Chúa Ba Ngôi thúc bách và nuôi dưỡng Giáo Hội như mầu nhiệm hiệp thông trong sự khác biệt và hướng về sự hiệp nhất cuối cùng của Nước Trời. Ta có thể nói rằng cử hành Thánh Thể là nơi gặp gỡ cụ thể giữa Thiên Chúa Ba Ngôi và Giáo Hội. Mối liên hệ mật thiết giữa mầu nhiệm Ba Ngôi và Thánh Thể được tìm thấy ngay trong cấu trúc Kinh Tạ Ơn. Lời tạ ơn Chúa Cha, Nguồn mạch của mọi sự thánh thiện liên kết chặt chẽ với lời kêu cầu Chúa Thánh Thần, nhờ đó mà việc tưởng nhớ mầu nhiệm vượt qua của Chúa Con được hiện tại hóa.

3. Trong bí tích Thêm Sức

Bí tích Thêm Sức hoàn thiện tiến trình khai tâm Kitô giáo. Chính vì thế, nơi bí tích Thêm Sức, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cách nào đó là mầu nhiệm được tuyên xưng. Thật vậy, khi lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần, người tín hữu là chứng nhân cho Đức Kitô tử nạn và phục sinh; qua đó dâng lên cho Thiên Chúa Cha những hoa trái tốt lành thánh thiện. Trong lời nguyện ban bí tích Thêm Sức, Đức Giám Mục giơ tay trên những người lãnh nhận để khẩn cầu Thiên Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần và bảy ơn cả trong Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, chính trong nghi thức chính yếu của bí tích này, việc đặt tay và xức dầu trên trán người thụ lãnh là sự bảo đảm chắc chắn rằng họ được lãnh nhận dồi dào ơn Chúa Thánh Thần để là chứng nhân cho niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, qua đó cùng với mọi người, họ cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa Cha. Khi nói về hiệu quả của bí tích Thêm Sức, Giáo Lý Công Giáo số 1303 viết rằng: Bí tích Thêm Sức giúp chúng ta bén rễ sâu hơn vào việc làm con cái Thiên Chúa, trong đó chúng ta kêu lên: “Ápba, Cha ơi!” (Rm 8,15), chúng ta cũng được kết hợp với Đức Kitô cách khăng khít hơn và gia tăng trong chúng ta các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Tóm lại, mầu nhiệm Ba Ngôi trong bí tích Thêm Sức tuy không được thể hiện cách minh nhiên như trong Rửa Tội và Thánh Thể nhưng ta luôn xác tín rằng: chính Ba Ngôi hành động nơi người lãnh nhận bí tích Thêm Sức và ban ơn để họ trưởng thành hơn trong đức tin cũng như giúp họ có thể là chứng nhân cho Chúa Ba Ngôi trong đời sống hằng ngày.

4. Bí tích Hòa Giải

Lịch sử cứu độ cũng là lịch sử của hòa giải. Thiên Chúa là Cha đã hòa giải thế giới với mình trong Chúa Con làm người, nhờ đó nhân loại trở thành một gia đình được hòa giải.[21] Thiên Chúa đã thực hiện công trình hòa giải với nhân loại nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Công trình đó được thực hiện nhờ sự chết và phục sinh của Đức Kitô trong Thánh Thần, qua đó, con người được hòa giải với Thiên Chúa và với nhau.[22]

Tha tội là hành vi của Chúa Cha giàu lòng thương xót, Đấng luôn luôn yêu dấu chúng ta, dù chúng ta bất trung, Đấng hằng ngày chờ đợi chúng ta trở về. Thậm chí Người còn là Đấng không ngừng đi tìm chúng ta. “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8). Đối với tội nhân, tình yêu biểu lộ cụ thể nhất qua ơn tha thứ. Nói như thánh Phaolô, mặc dù chúng ta phạm tội, xa rời Thiên Chúa, xúc phạm đến Người, mặc dù lỗi tại chúng ta hoàn toàn, chính Thiên Chúa muốn hòa giải chúng ta lại với Người, nhờ bửu huyết Con Yêu Dấu của Người (x. Cl 1,20). Trong sự tự hiến của Chúa Kitô, chính Chúa Cha đã tự hiến cho chúng ta. Sự tự hiến ấy biểu lộ trọn vẹn qua thập giá Đức Kitô và thể hiện hằng ngày trong bí tích Thánh Thể. Chúa Cha tự hiến cho chúng ta bằng cách ban Con Một Người cho chúng ta. Trong bí tích Hòa Giải, chúng ta đón nhận tình yêu tự hiến của Chúa Cha một cách khác. Tình yêu ấy biểu lộ bằng sự tha thứ, sự quên mình hoàn toàn của Thiên Chúa. Điều quan trọng là nhân loại và cả vũ trụ vạn vật được giao hòa trở lại với Đấng là Tác Giả sáng tạo nên chúng.[23]

Sự giao hòa ấy thể hiện nơi Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, là Con Một Thiên Chúa. Máu Đức Kitô là Máu Tân Ước vĩnh cửu đổ ra cho chúng ta và nhiều người được tha tội (x. Mt 26, 28). Trong bí tích Hòa Giải, chúng ta đón nhận tình yêu của Đấng đã hiến mạng sống cho người mình yêu. Vì lý do này mà bí tích Hòa Giải có tương quan mật thiết với bí tích Thánh Thể. Nhưng trong bí tích Hòa Giải, chúng ta đón nhận tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu dưới một dạng khác. Điều này giống như điều mà chúng ta lãnh nhận trong bí tích Rửa Tội: chúng ta được sạch tội, được giải thoát, được trở lại làm con của Thiên Chúa, làm chi thể sống động của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Như vậy, trong bí tích Hòa Giải, tội nhân trở về với Thiên Chúa nhờ gặp gỡ Đức Kitô vượt qua, được tháp nhập vào Đức Kitô và cùng vượt qua với Người.[24]

Sứ vụ giao hòa cũng là công trình của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần nối kết chúng ta lại với Chúa Giêsu và với Thiên Chúa. Tiên vàn Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta hoán cải, trở lại với Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần làm cho tội nhân hoán cải và chỗi dậy. Chúa Thánh Thần là Đấng phù trợ, đã được trao ban cho chúng ta để tha thứ tội lỗi và trong Người chúng ta được đến cùng Chúa Cha.[25] Chúa Thánh Thần, chính là tình yêu mà Chúa Cha ban cho chúng ta, là lòng mến của chính Thiên Chúa ở trong chúng ta, để nhờ đó, chúng ta yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Chúa Kitô và yêu mến anh em. Chúa Thánh Thần còn là Đấng thánh hóa, thanh luyện tâm hồn chúng ta, cho chúng ta được trong sạch. Chúa Thánh Thần là Đấng tẩy xóa tội lỗi, là sức mạnh của Thiên Chúa chiến thắng tội lỗi và sự dữ. Do đó, để tha tội cho chúng ta, Thiên Chúa ban Thánh Thần cho chúng ta. Chính Đức Kitô, trước khi ban “quyền chìa khóa” cho các Tông Đồ, đã thổi hơi trên họ và ban Thánh Thần cho họ (Ga 20,22). Thừa tác vụ tha tội mà họ lãnh nhận là thừa tác vụ của Chúa Thánh Thần. Khi lãnh nhận bí tích Hòa Giải, chúng ta lãnh nhận ơn tha tội cũng là ơn cứu độ, và cũng là ơn Thánh Thần, là chính Thánh Thần như một Hồng Ân.

Tóm lại, khi đề cập đến ơn tha tội trước hết chúng ta phải nói đến Đấng ban ơn tha tội là chính Thiên Chúa Cha. Dù con người mất tình nghĩa vì bất trung khi tự mình tách lìa khỏi Thiên Chúa, khỏi thế gới yêu thương của Người, thì Thiên Chúa vẫn không muốn bỏ rơi, nhưng muốn cứu vớt họ, muốn đưa họ trở về hiệp thông với Người. Trong bí tích Hòa Giải, ta đón nhận tình yêu của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mạng sống vì người mình yêu. Chúng ta cũng đón nhận tình yêu của Thánh Thần là ơn tha thứ, ơn thông hiệp, kết hiệp ta với Đức Kitô, giao hòa với Thiên Chúa, hiệp nhất với anh em.

5. Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân

Ngày hôm nay, đặc tính Ba Ngôi trong bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân được lưu ý rõ nét nhất là quy Kitô và về Chúa Thánh Thần. Nhiệm cục cứu độ là ý định của Thiên Chúa Ba Ngôi, cùng đích của nhiệm cục này vẫn là cho con người hiệp thông vào đời sống thần linh của Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha vẫn luôn mong chờ từng người con quay về với mình. Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân là bí tích nói lên sự trợ giúp cuối cùng cho con người, trước khi họ giả từ trần thế, một sự trợ lực để họ xác định lần cuối cùng về việc chọn lựa của mình, một sự chọn lựa dứt khoát hướng về Thiên Chúa hơn là ngã về tạo vật.

Chính ngay trong lúc nguy kịch của cơn bệnh tật, Hội Thánh giúp cho bệnh nhân thấy được sự hiện diện cứu độ của Chúa Kitô qua lời cầu nguyện và nghi thức xức dầu. Sự hiện diện của Chúa Kitô giúp cho bệnh nhân đi vào mầu nhiệm Vượt Qua, cùng đau khổ và cùng chết với Chúa Kitô. Hơn ai hết, người ốm đau, yếu nhược vì tuổi tác, và có thể là đang ở trong tình trạng nguy tử, là những người cảm thấy nhu cầu thể chất, tâm lý cũng như thiêng liêng, cần được kết hiệp với Ðức Kitô trong mầu nhiệm vượt qua của Người. Quả thế, phần giáo lý bàn đến bí tích Xức Dầu, đã mở đầu với lời trưng dẫn trích từ hiến chế Lumen Gentium số 11 viết như sau: “Qua phép Xức Dầu Thánh và lời cầu nguyện của các linh mục, toàn thể Giáo Hội phó thác bệnh nhân cho Chúa Kitô đau khổ và hiển vinh, để Người ủi an và cứu rỗi họ; hơn nữa, Giáo Hội còn thúc giục họ sẵn sàng kết hợp với Chúa chịu đau khổ và chịu chết, để mưu ích cho toàn dân Thiên Chúa.” Trên thập giá, Ðức Kitô đã gánh lấy trọn gánh nặng của sự ác và đã xóa sạch ‘tội trần gian’ (Ga 1,29), mà bệnh tật là một hậu quả. Nhờ cuộc khổ nạn và tử nạn trên thập giá, Ðức Kitô đã mang lại một ý nghĩa mới cho khổ đau: từ nay khổ đau có khả năng đồng nhất hóa chúng ta với Người và nối kết chúng ta lại với cuộc khổ nạn cứu độ của Người.[26]

Theo Công Đồng Trentô (DS 1696) hiệu năng của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân là ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ đem lại cho chúng ta ơn cứu độ, ơn tha tội và ơn thánh hóa. Nhất là trong bí tích này chúng ta thấy nhiều biểu trưng nói về Chúa Thánh Thần: dầu, việc xức dầu, việc đặt tay. Là bí tích trợ lực, bí tích này mang lại sức mạnh của Thiên Chúa và của Thần Khí Người cho người yếu đau, kiệt lực; bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân biểu thị rõ sự hiện diện và tác động của Thánh Thần. Hai cử chỉ đặt tay và xức dầu thánh nói lên việc Thần Khí ngự đến và đi sâu vào trong cõi lòng con người. Chúng ta đọc thấy trong công thức ban bí tích Xức Dầu: “Nhờ phép xức dầu thánh này, xin Chúa nhân từ ban cho con ơn an ủi của Thánh Thần. Và bởi Người đã giải thoát con khỏi tội lỗi, thì xin Người cũng cứu rỗi và nâng đỡ con.” Ân huệ đặc biệt là nhận được Thánh Thần. Ơn đầu tiên của bí tích này là ơn trợ lực, bình an và can đảm, giúp cho con người khắc phục được những khó khăn gặp phải những khi ngã bệnh nặng hay là trong cảnh yếu kém bấp bênh của tuổi già. Ơn này là quà tặng của Thánh Thần do sự việc Người củng cố lòng cậy trông và tin tưởng vào Thiên Chúa, tăng cường nghị lực để có sức chống lại những cám dỗ của ác thần, cám dỗ ngã lòng và hoảng sợ trước cảnh chết chóc. Với ơn trợ giúp ấy, Chúa muốn dùng sức mạnh của Thần Khí Người mà làm cho bệnh nhân được khỏe mạnh phần hồn và cả phần xác nữa.

Chúng ta phải thừa nhận rằng chiều kích Ba Ngôi trong bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân là việc giúp cho bệnh nhân thấy được mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đang hiện diện trong những giây phút khủng hoảng của cuộc đời mình. Bệnh nhân sẽ không cảm thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi, nhưng luôn cảm nghiệm sự hiện diện rất mến yêu của Thiên Chúa, một sự gần gũi và trợ lực.[27]

6. Bí tích Truyền Chức Thánh[28]

Những lời cầu nguyện trong thánh lễ tấn phong giám mục, linh mục và phó tế có thể thức Ba Ngôi và chúng đặt sứ vụ thánh trong bối cảnh Chúa Ba Ngôi. Ví dụ, trong lời cầu nguyện cho linh mục, lời cầu nguyện được dâng lên Chúa Cha, với quyền năng của Chúa Thánh Thần, Người ban phát các thể thức sứ vụ khác nhau trong Hội Thánh của Đức Kitô.

Những lời khẩn nguyện trong nghi thức làm nhớ lại trong Giao Ước việc Thiên Chúa Cha đã đặt Môsê và Aaron trên tất cả mọi người để cai trị và thánh hóa họ cũng như những người đàn ông có phẩm hàm và địa vị thấp hơn được tuyển chọn để cùng đồng hành, giúp đỡ họ thi hành sứ vụ. Lời cầu nguyện cũng gợi lại cách thức mà Thần Khí của ông Môsê đã đổ vào trong lòng bảy mươi người khôn ngoan (bô lão) để họ trợ giúp ông. Cũng thế, Thánh Thần Chúa được tuôn đổ dồi dào xuống cho con cháu của Aaron, nhờ đó con số tư tế theo quy định của lề luật được đông đủ để tế lễ trong Nhà Tạm.

Sau cùng, trong năng động thứ hai về Ba Ngôi, lời khẩn nguyện nhắc lại rằng: Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, là Tông Đồ và Thượng Tế Tối Cao, nhờ Thần Khí, Người đã dâng mình cho Chúa Cha như một của lễ toàn thiêu. Chúa Giêsu đã làm cho các Tông Đồ trở thành những người chia sẻ sứ mạng của Người, đến lượt họ, họ cũng có những người bạn đồng hành trong công cuộc cứu rỗi. Mục đích của những hồi tưởng này là để nhắc nhở rằng Chúa Cha đã luôn luôn ban các linh mục và thừa tác viên để xây dựng một cộng đoàn tư tế, để cầu xin Người cũng có thể làm như vậy một lần nữa trong ngày hôm nay thông qua việc tấn phong các linh mục, để họ trở thành những cộng sự viên của các giám mục.

Ân sủng của Chúa Thánh Thần cho chức vụ linh mục được thông ban qua việc đặt tay và lời nguyện tiến chức. Khoảnh khắc trung tâm chính là lời cầu nguyện cầu xin Chúa Thánh Thần tại thời điểm đặt tay trong thinh lặng, trước lời nguyện tấn phong. Việc đặt tay luôn là một cử chỉ mang tính khẩn nguyện Chúa Thánh Thần và cũng được dùng trong bí tích Thêm Sức, bí tích Hòa Giải và bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Lời khẩn cầu trong lời nguyện tấn phong cầu xin Thánh Thần ban sự thánh thiện để các linh mục có thể thấm nhuần lòng đạo đức qua cách sống của họ. Chính nhờ Thánh Thần mà Phúc Âm sinh hoa kết trái trong trái tim con người cho đến tận cùng trái đất. Sự tham chiếu cuối cùng về Ba Ngôi là lời nguyện tán tụng kết thúc.

7. Bí tích Hôn Phối[29]

Có lẽ, nghi lễ Hôn Phối có nền tảng thần học Chúa Ba Ngôi nhưng so với các bí tích khác, thì các lời nguyện ít đề cập tới chiều kích Ba Ngôi nhất. Nghi lễ có chứa đựng các quy chiếu hôn phối “trong Chúa Kitô” và những liên hệ với hôn phối của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng những quy chiếu về Chúa Thánh Thần gần như là vắng mặt. Chúng ta chỉ tìm thấy trong nghi thức trao trao nhẫn, một khoảng thời gian tương đối quan trọng, có một lời tán tụng và nhân danh Ba Ngôi: TÊN..., “Hãy nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và lòng trung thành của em (anh). Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”

Tuy nhiên, người ta có thể tìm kiếm một nền thần học Ba Ngôi phong phú trong việc chúc lành hôn phối, ơn lành dẫn đưa hai vợ chồng vào đời để bắt tay vào cuộc sống mới của họ. Mặc dù sự chúc lành đó kết thúc bằng một lời tán tụng, cũng như tất cả các sự chúc lành khác, nó không có cấu trúc Ba Ngôi, như vốn thường vẫn có trong nghi thức chúc lành của các bí tích khác.

Lời nguyện chúc lành được dâng lên Thiên Chúa Cha, bao gồm những dẫn chứng về “bình an của Chúa Kitô,” gương mẫu tình yêu của Chúa Kitô đối với Hội Thánh như là mẫu mực cho tình yêu của người chồng đối với người vợ, và lời cầu xin cho đôi vợ chồng trở thành chứng nhân về Chúa Kitô cho người khác, nhưng lời khẩn nguyện với Chúa Thánh Thần thì rõ ràng là không có. Nếu bổ túc việc cầu khẩn Chúa Thánh Thần như mối liên hệ của sự hiệp nhất trong tương quan vợ chồng sẽ làm tăng sự so sánh giữa mối liên hệ của Chúa Kitô với Hội Thánh và mối quan hệ giữa vợ chồng với nhau như chương V của thư gửi tín hữu Êphêsô. Điều này cũng hoàn tất mối tương quan mật thiết giữa Kitô học và Thánh Linh học.

Kết luận

Luật đức tin là luật cầu nguyện. Nếu người tín hữu tin vào Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mà chỉ dừng lại ở niềm tin và đời sống phụng vụ kiểu “nghi thức” thì quả là một giảm thiểu đáng tiếc. Mầu nhiệm này phải được cụ thể hóa bằng chính đời sống của mỗi người. Qua phụng vụ, chúng ta sống mầu nhiệm hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, với mọi thành phần Hội Thánh. Qua các bí tích, chúng ta lãnh nhận muôn vàn ân lành của Thiên Chúa. Để từ đó, mọi người sống hiệp thông và chia sẻ với nhau. Sự hiệp thông chia sẻ đó được thể hiện bằng chính cuộc sống hằng ngày trên mọi phương diện, nhờ đó tất cả chúng ta nên một với Thiên Chúa và với anh chị mình (x. Ga 17,11).


[1] Công Đồng Vaticanô II (UBGLĐT dịch), Hiến Chế Phụng Vụ, Nxb. Tôn Giáo, 2012, số 10.
[2] Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1081.
[3] x. Ibidem, 1082-1083.
[4] Công Đồng Vaticanô II (UBGLĐT dịch), Hiến Chế Phụng Vụ, Nxb. Tôn Giáo, 2012, số 7.
[5] Ibidem, số 1084.
[6] x. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Giáo trình Thánh Linh Học, Đcv. Vinh-Thanh, 3.
[7] Raniero Cantalamessa (Phêrô Nguyễn Văn Hương chuyển ngữ), Để không gì là vô ích, Nxb. Tôn Giáo, 2016, 72.
[8] Ibidem, 81.
[9] Ibidem, 75.
[10] x. Ibidem, 79.
[11] x. Công Đồng Vaticanô II (UBGLĐT dịch), Hiến Chế Mục Vụ, Nxb. Tôn Giáo, 2012,số 50.
[12] x. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1082.
[13] x. Raniero Cantalamessa, Để không gì là vô ích, op. cit., 72.
[14] x. Bruno Forte, (Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ), Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như một lịch sử, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2010, 272.
[15] x. Sách lễ Rôma, Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 1992, 20.
[16] x. Sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1104.
[17] Ibid., số 1107.
[18] x. Sách lễ Rôma, Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 1992, 32.
[19] x. Bruno Forte (Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ), Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như một lịch sử, Nxb. Tôn giáo, 2010, 252-253.
[20] x. Phaolô Bùi Văn Đọc và các linh mục khác, Thần học về Bí tích Thánh Thể, Nxb. Tôn giáo, 2009, 64-78.
[21] Giuse Phan Tấn Thành OP., Những Bí Tích Chữa Trị, Học viện Đa Minh, 2010, 121.
[22] Đa Minh Nguyễn Đức Thông, Đường Tình Ta Đi, Lưu hành nội bộ, 2007, 24.
[23]x. Phaolô Bùi Văn Đọc, “Bí Tích Hòa Giải Và Mầu Nhiệm Ba Ngôi”, http://www.simonhoadalat.com. Truy cập ngày 09 tháng 4 năm 2018.
[24] x. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Thánh Linh Học, (Lưu hành nội bộ), Đcv. Vinh Thanh, 2016, 121.
[25] x. Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, Cẩm Nang Các Nghi Thức Bí Tích Và Á Bí Tích, (Lưu hành nội bộ), 2003, 72.
[26] x. Philippe Rouillard, o.s.b, (Felipe Gómez Ngô Minh dịch), “Các Bí Tích trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo”, http://conggiao.info. Truy cập ngày 09 tháng 4 năm 2018.
[27] x. Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Bí Tích Học, Tập V – Bí Tích Xức Dầu, Đcv. Thánh Giuse, 2003, 268-269.
[28] x. Peter C. Phan, The Trinity, Cambridge University Press, 2004, 390-391.
[29] x. Peter C. Phan, The Trinity, op. cit., 391.


No comments:

Post a Comment