Lời Chúa của đại lễ Chúa Thánh Thần cho phép chúng ta chọn một khía cạnh nền tảng
để suy tư về hành động của Chúa Thánh Thần như là Đấng Sáng Tạo, hay sức mạnh
sáng tạo của Chúa Thánh Thần.
1- Tìm lại nền tảng và ý nghĩa
Trong Thánh Vịnh, chúng ta đọc: “Nếu Ngài gởi hơi thở tới, chúng được tạo
thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái đất” (Tv 104,30).
Tin Mừng cung cấp cho chúng ta một gợi ý rất ý nghĩa. Chiều ngày Chúa phục
sinh, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, Chúa Giêsu đến, “thổi hơi và
nói: Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20,22).
Cử chỉ này gợi lại một cách có chủ ý cử chỉ của Thiên Chúa trong cuộc sáng tạo
đầu tiên: Người thổi hơi vào con người, biến đổi con người từ bụi đất trở thành
một sinh vật sống” (x. St 2,7).
Như thế, với cử chỉ này, Chúa Giêsu muốn nói rằng, Chúa Thánh Thần là hơi thở
thần linh mà Thiên Chúa ban trong cuộc sáng tạo mới, như Người đã ban sự sống
cho cuộc sáng tạo đầu tiên.
Theo đó, Giáo Hội đã định tín về Chúa Thánh Thần tại Công Đồng Constantinople
381: “Tôi tin Chúa Thánh Thần là Đức Chúa và là Đấng Ban Sự Sống.” Nếu Chúa
Thánh Thần là Đấng Sáng Tạo, như thế Người là Thiên Chúa, bởi lẽ, việc sáng tạo
chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa mà thôi.
Tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Đấng Sáng Tạo là muốn nói rằng phạm vi hoạt động
của Người không giới hạn chỉ trong Giáo Hội, nhưng được mở rộng ra đối với mọi
thụ tạo. Không một thời gian và nơi chốn nào mà không có sự hiện diện năng động
của Người. Người hoạt động ngoài Kinh Thánh và cả trong Kinh Thánh; Người hoạt
động trước, trong và cả sau khi Chúa Kitô đến, nhưng Người không bao giờ hoạt động
tách biệt khỏi Chúa Kitô. Không gì có thể thoát khỏi ánh sáng Người, như không
có gì có thể tránh khỏi sức nóng mặt trời.
Thánh Tôma Aquinô nói rằng: “Mọi chân lý được nói ra từ bất kỳ ai đều phát xuất
từ Chúa Thánh Thần.” Dĩ nhiên, hoạt động của Chúa Thánh Thần ở ngoài Giáo Hội
không giống như những gì ở trong Giáo Hội và trong các bí tích. Bên ngoài, Người
hoạt động nhờ quyền năng, bên trong, Người hoạt động nhờ sự hiện diện và nhân
danh Người.
Điều rất có ý nghĩa liên quan đến quyền năng sáng tạo của Chúa Thánh Thần không
phải là việc thấu hiểu và giải thích những tác động của Người, nhưng là kinh
nghiệm về Người. Như thế, kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần như là Đấng Sáng Tạo
có nghĩa là gì? Để khám phá điều này chúng ta khởi đi từ câu chuyện sáng tạo:
“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có
hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt
nước” (St 1,1-2).
Chúng ta rút ra được điều gì từ những lời này? Trước hết, phải cho rằng vũ trụ
này hiện hữu ngay tại lúc mà Chúa Thánh Thần can thiệp, nhưng nó chưa có hình dạng
và chỉ ở trong sự hỗn độn. Tiếp đến, đó là sự xuất hiện của Người (cả từ “trước”
và “sau” ở đây chỉ có ý nghĩa trong tương quan với chúng ta), chúng ta thấy thụ
tạo đón nhận sự tác động của Người, ánh sáng được tách khỏi bóng tối, đất liền
tách khỏi biển, và mọi sự có hình dạng của mình. Như thế, Chúa Thánh Thần là Đấng
làm cho thụ tạo thoát khỏi sự hỗn độn trở thành vũ trụ xinh đẹp. Người làm cho
chúng trở thành đẹp đẽ, trật tự, và trong sáng: quả là một “thế giới” theo ý
nghĩa nguồn gốc của từ này. Khoa học ngày nay cho chúng ta rằng quá trình này
được kéo dài hàng tỷ năm, nhưng điều mà Kinh Thánh muốn nói với ngôn ngữ đơn giản
và bằng hình ảnh, đây là cuộc tiến hoá lâu dài hướng tới sự sống và trật tự hiện
nay của thế giới không phải xảy ra một cách tình cờ. Vũ trụ tuân theo những tác
động vô hình của vật chất, nhưng ngay từ đầu, nó còn theo một chương trình do
bàn tay Tạo Hoá sắp đặt.
Hành động sáng tạo của Thiên Chúa không bị giới hạn ở trong những giai đoạn khởi
đầu, Thiên Chúa không sáng tạo một lần mà thôi, nhưng Người là Đấng sáng tạo
không ngừng. Việc sáng tạo của Người không chỉ theo nghĩa là “gìn giữ” hữu thể
và cai quản thế giới bằng sự quan phòng của mình, nhưng còn theo nghĩa “Người
nâng đỡ,” Người tiếp tục hiện diện và ban năng lực, thúc đẩy, làm cho sống động
và canh tân công trình tạo dựng.
2- Thánh Thần, Đấng Canh Tân
Áp dụng điều này cho Chúa Thánh Thần có nghĩa Người là Đấng luôn luôn làm
cho thế giới từ sự hỗn độn tới vũ trụ, từ lộn xộn tới trật tự, từ hỗn mang tới
hoà hợp, từ không hình dạng tới duyên dáng đẹp đẽ, từ già cỗi tới trẻ trung.
Nghĩa là Người không hoạt động cách máy móc, bên ngoài và ngẫu nhiên, nhưng là ở
bên trong cuộc tiến hoá tự nhiên của mọi sự và mọi loài. Người là Đấng luôn
“sáng tạo và canh tân khuôn mặt địa cầu.”
Sự sáng tạo này ở tất cả mọi mức độ: trong thế giới vĩ mô cũng như trong thế giới
vi mô, nghĩa là trong vũ trụ hoàn cầu cũng như trong mỗi người. Chúng ta phải
tin rằng Chúa Thánh Thần hoạt động trong thế giới dù ta không nhìn thấy, và Người
làm cho thế giới này lớn lên. Có biết bao nhiêu điều mới mẻ được khám phá không
chỉ trong lĩnh vực thể lý, mà cả trong lĩnh vực luân lý và xã hội. Về điều này,
Công Đồng Vaticanô II quả quyết: “Chúa Thánh Thần hoạt động trong sự tiến hoá
trật tự xã hội của thế giới” (GS 26). Sự dữ không thể lấn át sự lành, bởi vì, sự
dữ kết thúc nơi chính mình, và vì nó không phải là hữu thể. Ngược lại, sự lành
sẽ vượt thắng sự dữ, sự lành sẽ được gìn giữ và lưu truyền mãi. Dĩ nhiên, vẫn
có sự hỗn độn xung quanh chúng ta: sự hỗn độn về luân lý, chính trị, xã hội. Thế
giới này còn cần đến Chúa Thánh Thần. Vì điều này mà chúng ta phải luôn cầu xin
Chúa với những lời của Thánh Vịnh: “Xin sai Thánh Thần của Ngài, lạy Chúa, và
canh tân bộ mặt trái đất” (Tv 104,30).
Chúng ta tập trung vào thế giới vi mô, thế giới nhỏ bé, đó là chính trái tim của
mỗi người.
Có một sự hỗn độn trong mỗi người, trong trái tim chúng ta. Đó là những ước muốn,
những dự định, những đề nghị đen tối, đối nghịch và trái ngược nhau, thường làm
cho chúng ta khó hiểu về chính mình. Một tác giả tu đức thời Trung Cổ, Guigo II
mô tả tình trạng tâm linh của mình bằng những lời này (và nghĩ rằng ông đang
nói về một đan tu dòng Charteux sống trong sự chiêm ngắm cao độ): “Lạy Chúa,
con thấy rằng mảnh đất của tâm trí con còn không chắc và rỗng tuếch, bóng tối
dày đặc phủ kín lên bề mặt vực thẳm… Quả thật, nó ở trong sự hỗn độn như ở
trong một loại hỗn độn đáng sợ và đen tối, khi nó không biết mục đích lẫn nguồn
gốc và hình thức của bản tính nó… Lạy Chúa con, linh hồn con cũng như thế. Một
mảnh đất khô cằn và rỗng tuếch, mù loà và không hình dáng, bóng tối dày đặc phủ
kín trên bề mặt vực thẳm… Nhưng vực thẳm của linh hồn con kêu cầu Ngài, lạy
Chúa, để Ngài tạo dựng nơi con, trời mới và đất mới.”
Một trào lưu văn chương hiện đại không chỉ lấy lại chủ đề này và hiểu sự hỗn độn
này theo cái nhìn tâm lý học, mà còn tranh luận về những hỗn độn của những điều
trái ngược (con người của những tầng sâu như Dostoevskij nói); họ chọn lựa làm
ngược lại hành trình sáng tạo: không phải từ hư không đến hiện hữu, nhưng từ hiện
hữu đến hư không, từ ánh sáng tới bóng tối. Đây là hành trình của thuyết hư vô.
Ánh sáng của nền văn chương này về kinh nghiệm hoàn vũ về sự hỗn độn soi sáng
cho đức tin vào Chúa Thánh Thần là Đấng Sáng Tạo! Thánh Thần của Đức Chúa, Đấng
hoạt động trên và trong sự hỗn độn nguyên thủy, cũng là Đấng hoạt động trong thế
giới. Chúng ta mang trong mình dấu tích của sự hỗn độn ban đầu: đó là vô thức
chúng ta. Điều này được các nhà phân tâm hiện đại mô tả như là bước đi từ vô thức
tới ý thức, từ Id tới “siêu ngã,” đây là một phương diện của sự sáng tạo được
thực hiện trong chúng ta và hệ tại trong việc bước đi từ chưa có hình dạng tới
có hình dạng. Chúa Thánh Thần bay lượn cả trên sự hỗn độn của vô thức chúng ta,
nơi đó chúng ta bị điều khiển bởi những sức mạnh mờ tối, những xung năng trái
nghịch, bởi các nỗi buồn và lo lắng thường trú ở trong đó, cả những khả năng
không được biết đến. Nhưng “Chúa Thánh Thần thấu suốt mọi sự” (1 Cr 2,10).
Không có lời khuyên tốt hơn cho những ai có những vấn đề với vô thức của mình
(và ai không có những vấn đề này?), ngoài việc vun trồng lòng kính mến đặc biệt
đối với Chúa Thánh Thần và cầu xin Người là Đấng Sáng Tạo của tâm hồn mình. Người
là nhà phân tâm tốt nhất và là thầy thuốc tâm thần của thế giới. Tôn thờ Chúa
Thánh Thần không có nghĩa là không cần đến những sự giúp đỡ của con người trong
lãnh vực này, nhưng chắc chắn Người hoàn tất và vượt trội hơn những trợ giúp
tâm lý.
3- Kinh nghiệm về Thánh Thần
Mỗi ngày chúng ta cần có một thời gian để sống một cách tự nhiên kinh nghiệm
về quyền năng sáng tạo của Chúa Thánh Thần. Đó là lúc vừa mới thức dậy từ sáng
sớm. Lúc vừa chỗi dậy, chúng ta hãy tưởng nhớ đến Người. Chỗi dậy là biểu tượng
của sự ra khỏi thế giới hỗn độn ban đầu. Thánh Thần sẽ thực hiện điều kỳ diệu
cách mới mẻ. Đêm tối là sự trở lại của thời gian trong hỗn mang: Lo buồn, ước
mơ, ác mộng, thiện và ác, thực tại và vô lý, tất cả được trộn lẫn và lẫn lộn
trong đêm tối. Những giấc mơ không thời gian, không màu sắc: một thế giới ở
trong trình trạng hỗn độn. Đôi khi chúng ta nhận thấy rằng chúng ta phải bắt đầu
lại tất cả từ số không, như những người vô thần không bao giờ nhận biết Thiên
Chúa và như không có đức tin, đức cậy và đức mến.
Điều quan trọng ở đây là chúng ta hãy bắt đầu mỗi ngày mới với Chúa Thánh Thần,
để Người biến đổi sự hỗn độn thuộc đêm tối của chúng ta trong ánh sáng của đức
tin, đức cậy và đức mến. Cũng như nhu cầu thể lý, khi đối diện với những mệt nhọc
làm ta lung lay bởi sức nặng, trì trệ và sự lãng quên của đêm tối. Một tác giả
cổ xưa nói rằng tâm trí chúng ta như cái máy xay lúa: những hạt lúa đầu tiên mà
chúng ta bỏ vào trong máy là những điều mà máy tiếp tục xay suốt cả ngày. Vì thế,
điều quan trọng là mỗi sáng, chúng ta hãy mau mắn đặt vào trong máy đó hạt giống
của Chúa, trước khi ma quỷ đến đặt những hạt giống cỏ lùng.
Một hình thức đơn giản để thực hiện điều này là khi vừa thức dậy, bạn hãy lập tức
nói rằng: “Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng Sáng Tạo, xin hãy đến!” Đó là những lời đầu
tiên của bài ca rất nổi tiếng được dành kính cho Chúa Thánh Thần, kinh “Veni
Creator.” Được soạn vào thế kỷ IX, bài ca này bắt đầu mỗi năm mới, mỗi thế kỷ,
mỗi công đồng, mỗi khi Đức Giáo Hoàng và các vua nhận vương miện. Chúng ta hãy
trở lại với quá khứ với bài ca này. Chúng ta cầu nguyện với nhau trong những đoạn
sau đây:
Xin ngự đến, lạy Chúa Thánh Thần sáng tạo,
Đến viếng thăm và tuôn đổ ơn trời.
Xuống cõi lòng và tâm trí bề tôi,
Là sản phẩm do tay Ngài mà có.
Tôn hiệu Chúa chính là Người Bảo Trợ,
Là Món quà của Thiên Chúa Tối Cao,
Là lửa thiêng, tình mến, suối dạt dào,
Ấn Thiên Chúa đóng vào hồn tín hữu.
Là nguồn mạch bảy hồng ân kỳ diệu,
Là ngón tay thần hiệu Chúa Thiên Đàng,
Và chính là ơn Cha hứa tặng ban,
Cho tín hữu nói năng thật lợi khẩu.
Xin chiếu sáng hầu mở mang trí não,
Để tình thương tràn ngập tâm hồn,
Thân yếu hèn giòn mỏng của chúng con,
Luôn trông đợi sức thiêng Ngài bồi dưỡng.
Xin xua đuổi địch thù cho khuất dạng,
Chúng con liền vui hưởng phúc bình an,
Được Ngài thương hằng chỉ lối mở đàng,
Là tránh khỏi muôn lỗi lầm nguy hại.
Xin Ngài dạy cho biết Cha từ ái,
Cùng am tường về Thánh Tử khoan nhân,
Và tin rằng: Ngài là chính Thánh Thần,
Nguồn thương mến giữa Hai Ngôi bền chặt.
Amen!
No comments:
Post a Comment