St 49,2.8-10; Mt 1,1-17
Đọc bản gia phả của Chúa Giêsu
được thánh Mátthêu tường thuật làm chúng ta có cảm giác khô khan vì một chuỗi
dài chỉ liệt kê các tên gọi và con số mà không có gì hơn. Nhưng nếu chúng ta
chịu khó suy nghĩ chút thì ẩn bên trong những loạt tên và con số đó chứa đựng
những sứ điệp rất ý nghĩa:
Bản gia phả này là gia phả của
Chúa Giêsu, gia phả của Con Thiên Chúa và của Đấng Cứu Độ. Trong gia phả này,
thật bất ngờ khi chúng ta thấy dòng tộc của Chúa có những nhân vật mà lai lịch
chẳng mấy trong sáng gì. Trong số đó, có bốn nhân vật phụ nữ hiện diện trong
gia phả Chúa là những hạng người tội lỗi và bất quy tắc. Tama là người nhờ mưu
mẹo mà có con nối dõi tông đường từ chính cha của chồng mình (x. St 38,1-30).
Rakháp là một cô gái điếm lấy Xanmôn (x. Gs 2,6-8). Còn bà Rút là một người dân
ngoại đến từ miền đất lạ lấy ông Bôát làm chồng (x. Rt 4,12). Cuối cùng bà
Bethsabê là người phụ nữ mà vua Đavít đã phạm tội ngoại tình với bà, sau đó trở
thành vợ của vua và sinh ra Salômôn (x. 2 Sm 11). Đây là bóng tối của lịch sử
nhưng Chúa Giêsu đến đón nhận và cứu chuộc.
Ngày xưa trong cung đình, người
ta rất để ý và chăm sóc sự tinh tuyền của nòi giống nhà vua. Chính vì thế,
những người đàn ông vào phục vụ ở trong triều đình phải là hoạn quan, nhằm bảo
vệ sự an toàn và tinh ròng của giòng tộc vua Chúa.
Nhưng ở đây, gia phả về nguồn gốc
nhân loại của Con Thiên Chúa không được trong sáng, không mấy thánh thiện. Các
tiền nhân tổ tiên của Chúa cũng là những con người đầy tội lỗi. Tuy nhiên,
thánh Mátthêu khi trình bày gia phả này muốn gửi gắm những ý nghĩa thần học về
việc Con Thiên Chúa làm người. Chúng ta có thể tóm tắt những ý nghĩa thần học
qua bản gia phả này:
Trước hết, Chúa Giêsu là Con
Thiên Chúa, nhập thể làm người. Chúa thực sự đã đi vào lịch sử, hội nhập, đảm
nhận và nhận tất cả những thực tại của con người, kể cả tội lỗi và bất toàn của
con người ngõ hầu Chúa có thể cứu độ hết mọi người. Sứ mạng cứu độ của Chúa
Giêsu là sứ mạng phổ quát. Người không loại trừ ai, kể cả người tội lỗi và dân
ngoại.
Thứ đến, gia phả của Chúa gợi lên
cho chúng ta bài học khi sống với tha nhân: Chúa Giêsu chấp nhận hết mọi hạn
chế của con người. Chúng ta cũng được mời gọi để sống tinh thần đó khi sống với
nhau. Nghĩa là chúng ta được mời gọi biết chấp nhận và đón nhận những thiếu sót
và giới hạn của người khác với một thái độ bao dung, cảm thông và tha thứ.
Chúng ta hãy nghĩ tích cực về người khác, chứ không chỉ dừng lại ở việc bắt bẻ,
chỉ trích những khuyết điểm của họ.
Với tư cách là một nhà đào tạo ở
Đại Chủng viện, có một lần tôi nhận được lá thư của một người đề nghị chúng tôi
phải chọn những ứng sinh vào chủng viện phải là những người hoàn hảo, không có
giới hạn, khuyết điểm nào. Tôi trả lời: “Chúng tôi chọn các ứng sinh làm linh
mục chứ đâu phải chọn họ để phong thánh đâu. Dĩ nhiên, cũng phải có tiêu chuẩn
xứng đáng theo Giáo Hội đòi hỏi, nhưng chúng ta không nên đòi hỏi thái quá.”
Đôi khi chúng ta đòi hỏi và đánh
giá theo tiêu chuẩn của con người. Nhưng chúng ta còn phải nhìn theo tiêu chuẩn
của Thiên Chúa để chúng ta biết đón nhận người khác dễ dàng hơn, nhất là biết
cảm thông và đón nhận những khuyết điểm của họ.
Như thế, qua bản gia phả này,
linh đạo nhập thể của Chúa phải là linh đạo cho đời sống chúng ta. Nghĩa là
chúng ta được mời gọi hãy nhập thể và nhập thế như Chúa để phục vụ và truyền
giáo với một thái độ mở rộng, đón nhận và đón tiếp mọi người, nhất là những
người tội lỗi, người xa lạ, để làm sao có thể giúp họ đón nhận được ơn cứu độ
do Chúa Giêsu mang lại. Amen!
Gr 23,5-8; Mt 1,18-24
1. Bộ phim Agnus Dei
Gần đây, người ta công chiếu một
bộ phim Agnus Dei, Những Nữ Tu Trong Trắng. Bộ phim do nữ đạo diễn người Pháp
Anne Fontaine dàn dựng dựa trên câu chuyện có thật về một nữ tu dòng Biển Đức
bị quân đội Xô Viết hiếp. Trong một hoàn cảnh thật tế nhị mà sự thiện và sự dữ
chồng chéo nhau, các bác sĩ Hội Chữ Thập Đỏ đề nghị các nữ tu rằng: “Trong
trường hợp này có thể bỏ Thiên Chúa ở trong ngoặc được không?” Thay vì kết án
và phá thai, mẹ Bề Trên và các nữ tu đã lựa chọn hành xử theo lòng thương xót,
là đón nhận thực tế này bằng việc chăm sóc, nâng đỡ người chị em của mình cùng
với đứa con ngoài ý muốn.
Bộ phim này đã làm xúc động người
xem bởi vì cuối cùng lòng tốt lên ngôi và tình yêu đã chiến thắng sự ác. Đó là
chọn lựa hành xử theo lòng thương xót theo lối của Thiên Chúa.
2. Thánh Giuse hành xử với Đức Maria
Tin Mừng Mátthêu (Mt 1,16-24) cho
biết thánh Giuse đã có một lối hành xử tương tự như thế: Ông đã thành hôn với
Đức Maria, nhưng trước khi hai người chung sống với nhau, Giuse phát hiện Maria
đã “ăn cơm trước kẻng” mà không do mình.
Theo phong tục Do Thái, khi hai
người nam nữ đính hôn thì đã thành vợ chồng, dù chưa chung sống với nhau. Muốn
bỏ nhau phải ra toà xin ly dị. Nếu vợ ngoại tình, sẽ bị ném đá theo luật. Đối
diện với hoàn cảnh khó khăn này, Giuse cân nhắc và chọn lựa giải pháp: thay vì
đưa ra ánh sáng, ném đá, ngài lựa chọn hành xử thương xót, là “đào vi thượng
sách,” trong âm thầm là cách tốt nhất. Không làm rùm beng để cả làng đều biết.
Giuse còn đi xa hơn. Khi được
thiên thần giải thích, thánh nhân đã mau mắn đón nhận Đức Maria, Chúa Giêsu về
nhà mình để chăm sóc và nuôi nấng. Giuse là kiểu mẫu của Mùa Vọng, một người đã
khôn ngoan và hành xử theo tiêu chuẩn lòng thương xót, nhờ đó có thể giải quyết
một vấn đề hết sức phức tạp trở nên tốt đẹp. Đó là chọn lựa theo lòng tốt,
thương xót hơn là kết án, là lối hành xử của Thiên Chúa.
3. Giáo Hội chọn lựa thương xót hơn là kết án
Từ Công Đồng Vaticanô II, Đức
Giáo Hoàng Gioan XXIII đã chọn “lòng thương xót hơn là kết án” làm định hướng
mục vụ cho Giáo Hội trong thế giới hôm nay. Trước đó, để “chống lại những sai
lầm, Giáo Hội thường kết án với một thái độ nghiêm khắc. Giờ đây Hiền Thê của
Chúa Kitô ưa thích sử dụng liều thuốc của lòng thương xót hơn là sự nghiêm
khắc.” Từ đó đến nay, các Đức Giáo Hoàng, nhất là Đức Phanxicô đang cố gắng
thực hiện đường lối này, để Giáo Hội không còn là một cơ chế pháp đình, nhưng
là một bệnh viện truyền giáo.
Tuy nhiên, đó đây hay xung quanh
chúng ta, vẫn còn đó thái độ và lối hành xử mục vụ theo kiểu cơ chế “xin –
cho,” cưỡng chế, áp đặt và phạt vạ, cấm đến nhà thờ, cắt phép thông công. Thử
hỏi, phải chọn lối hành xử nào? Theo cách của Thiên Chúa, của Hội Thánh hay
theo cách của Cộng Sản?
Nếu nói “sống trên đời cần một
tấm lòng,” thì đó chính là lòng thương xót. Giữa cuộc đời chứng kiến muôn vàn
cảnh ngộ khác nhau, đối diện với một con người, một vấn đề khó khăn để giải
quyết, chúng ta có thể lựa chọn theo nhiều cách hành xử khác nhau. Nhưng chỉ có
một cách hành xử làm cho chúng ta nên giống Thiên Chúa, đó là chọn lựa hành xử
theo lòng thương xót mà thánh Giuse hôm nay đã thực hiện. Đó là cách thức có
thể băng bó và chữa lành mọi viết thương, mang lại sự sống, hy vọng và ơn cứu
độ cho mọi người.
Ước mong tất cả chúng ta hãy đến
với thánh Giuse để học hỏi lối hành xử mục vụ theo lòng tốt hơn là kết án này.
Amen!
Tl 13,2-7.24-25a; Lc 1,5-25
Đối với những người theo đuổi lý
tưởng độc thân linh mục, một trong những hy sinh lớn nhất đó là không có con
cái nối dõi tông đường. Khi còn mới đi tu, tôi nghĩ hy sinh tính dục là hy sinh
lớn nhất của đời tu, nhưng càng có tí tuổi, tôi đồng ý quan điểm cho rằng: hy
sinh lớn nhất của đời linh mục đó là không có gia đình và con cái riêng!
Ngày xưa, gia đình Việt Nam
thường đông con, từ 6 đến10 đứa. Bây giờ, các gia đình có ít con hơn, nhưng
theo tự nhiên, đôi bạn lấy nhau, là mong muốn có con. Ta gặp những trường hợp
vô sinh, thì mới hiểu họ khát khao thế nào để có được một đứa con. Tuy nhiên,
quan niệm về gia đình và con cái ngày nay đã thay đổi đến tận gốc rễ và đáng
ngạc nhiên. Ở những nước phát triển, nhiều người trẻ chọn lựa sống chung mà
không kết hôn, nhiều gia đình trẻ nếu có kết hôn, nhưng họ lại chọn lựa không
sinh con. Đó là một điều trái ngược với tự nhiên và cũng rất xa lạ so với Kinh
Thánh.
Đối với Kinh Thánh, con cái là
hồng ân Thiên Chúa. Phụ nữ lấy chồng, phải sinh con để nối dõi tông đường.
Người phụ nữ sinh nhiều con cái được coi là người có phúc trước mặt Thiên Chúa
và tha nhân. Còn người son sẻ là một nỗi ô nhục.
Câu chuyện về gia đình ông Manôác
trong bài đọc I và gia đình Dacaria hôm nay là những trường hợp son sẻ như thế.
Họ lấy nhau đến già nhưng không có con. Tuy nhiên, nhờ sự can thiệp đặc biệt
của Thiên Chúa, họ có thai và sinh con trong lúc tuổi già. Họ xác tín:
“Chúa đã làm cho tôi như thế đó,
khi Người đoái thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời” (Lc
1,25).
Những câu chuyện này được đọc
trong Mùa Vọng để dọn đường cho chúng ta đón nhận biến cố Con Chúa làm người,
do quyền năng Thánh Thần và được sinh ra bởi Đức Maria đồng trinh. Lời Chúa
muốn gửi tới chúng ta thông điệp: “Không có gì mà Thiên Chúa không thể làm
được.” Dacaria và Êlisabét cũng là những mẫu người nổi bật của Mùa Vọng. Chúng
ta được mời gọi học hỏi nơi các ngài về lòng tin tưởng sắt son vào quyền năng
của Thiên Chúa. Amen!
Is 7,10-14; Lc 1,26-38
Trong thời gian qua, chúng ta đã
suy niệm về nhiều nhân vật nổi bật của Mùa Vọng, nhưng có một nhân vật mà chúng
ta ít để ý tới, đó là Chúa Thánh Thần. Hôm nay, chúng ta dành thời gian để suy
niệm về Người như “linh hồn của Mùa Vọng.”
1. Từ bóng đêm Cựu Ước
Quả thế, Chúa Thánh Thần được ví
như “nhà đạo diễn” lão luyện, chuyên nghiệp và hiệu quả đằng sau sân khấu màn
kịch cứu độ. Nhưng Người hoạt động quá âm thầm và bí nhiệm, nên con người ít để
ý tới. Kinh Thánh Cựu Ước cho thấy ở đâu có Thần Khí, ở đó có sự sống. Từ thuở
hồng hoang, lúc tạo dựng, Thần Khí đã hiện diện (x. St 1,1-2), nhờ đó vũ trụ
bắt đầu có sự sống. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa thổi Thần Khí vào lỗ
mũi, nhờ đó con người có sự sống (x. St 2,7).
Trong lịch sử Dân Chúa, Thần Khí
cư ngụ và tác động trên ai, người đó có sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên
Chúa như Samson, Đavít, Giêrêmia, Isaia… (x. Tl 15,14-19; 1 Sm 16,13). Thần Khí
trở thành nguyên lý bên trong, hướng dẫn đời sống của họ (x. Ed 36,25-27). Tiên
tri Isaia (sinh 765 TCN) tiên báo từ gốc Giêsê sẽ xuất hiện một Đấng Cứu Thế.
Thần Khí Đức Chúa ngự xuống, xức dầu và sai Người đi loan báo Tin Mừng (x. Is
11,1-10). Như thế, Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị Dân Chúa đón chờ Đấng Cứu Độ
giáng trần.
2. Đến bình minh Tân Ước
Đến thời Tân Ước, sự kiện nổi bật
mở màn cho thời đại cứu độ là biến cố Truyền Tin. Biến cố này được thực hiện
nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa sai thiên thần Gabrien đến truyền
tin cho Đức Maria rằng bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là
Giêsu. Đức Maria thắc mắc:
“Việc ấy xảy ra thế nào, vì tôi
không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34).
Sứ thần đáp:
“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà,
và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra
sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).
Quả thế, để Con Chúa giáng trần,
Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị một cung lòng tinh tuyền, thánh thiện và xứng đáng
cho Người ngự. Đó là cung lòng Đức Maria vô nhiễm nguyên tội. Mẹ được gọi là
Đấng đầy ơn phúc vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Như thế, ở đâu có Thần Khí Thiên
Chúa, ở đó có sự thánh thiện và ân sủng dồi dào.
Đặc biệt, biến cố Ngôi Lời nhập
thể là kiệt tác của Chúa Thánh Thần! Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Maria;
Người nhào nặn cách nhiệm lạ nhân tính kết hợp với Ngôi Lời trong dạ Thánh Nữ
Đồng Trinh.
Nếu không có Chúa Thánh Thần, ai
có thể can thiệp để Con Thiên Chúa nhập thể cách lạ lùng như thế? Sự đồng trinh
và việc không biết đến việc vợ chồng là dấu chứng về nguồn gốc thần linh của
Chúa Giêsu.
Theo cái nhìn đó, trong lời nguyện
của mình, thánh Phanxicô Assisi gọi Đức Maria là Hiền Thê của Chúa Thánh Thần.[1]
Nơi Đức Maria, Thiên Chúa thực hiện giao ước tình yêu và sự kết hợp hôn phối
giữa Thiên Chúa với Dân Người mà Đức Maria là hình ảnh Evà mới, Dân mới là Giáo
Hội Người.
Nếu Đức Maria được đầy ơn phúc
thì Đức Giêsu cũng luôn đầy Thánh Thần. Từ khi sinh hạ đến lúc về trời, Chúa
Giêsu luôn sống trong, theo và nhờ Thánh Thần. Bởi nguyên lý sống của Đức Giêsu
không gì khác là Thánh Thần (x. Ga 1,33; Lc 10,21-24; Mt 4,1; Mc 1,12; Lc 4,1).
Trước khi về trời, Đức Giêsu trao Thánh Thần là quà tặng cánh chung cho Giáo
Hội. Từ biến cố Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần trở thành linh hồn và sự sống của
Giáo Hội xuyên suốt thời gian.
3. Và mùa vọng cuộc đời
Xét cho cùng, cuộc đời là một Mùa
Vọng. Con người tự bản chất khát khao, trông chờ Thiên Chúa như nai rừng mong
mỏi nguồn nước trong (x. Tv 42,2). Bởi con người được dựng nên cho Đấng Tuyệt
Đối. Hành trình tìm kiếm đó phải được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Đấng gợi
mở tới sự vô biên và điều cao cả. Nếu Thánh Thần là linh hồn và nguyên lý sống
của các nhân vật Mùa Vọng, thì Người cũng là linh hồn và nguyên lý của đời sống
Kitô hữu.
Thánh Tôma Aquinô đã diễn tả ý
nghĩa đó trong một từ mới: Chúa Thánh Thần là lex nuova – luật mới của người
Kitô hữu, luật đó được viết vào lòng chúng ta.[2]
Theo đó, Chúa Thánh Thần như một người thợ kiên nhẫn vô cùng sáng tạo nhào nặn,
uốn nắn toàn bộ đời sống con người chúng ta trở nên con người mới theo hình ảnh
Đức Kitô. Người làm cho Chúa Giêsu được nhập thể và được sinh ra lần thứ ba
trong lòng mỗi người tín hữu, khi Người làm chúng ta nên đồng hình đồng dạng
với Người (x. Rm 13,14) và làm cho Chúa Kitô được “nên hình trong cung lòng
chúng ta” (Gl 4,19).
Điều kiện để Thánh Thần hoạt động
nơi chúng ta chính là sự mở lòng ra với Người, để cho Người hướng dẫn và ngoan
ngùy với dự phóng của Người như Đức Maria đã có trong biến cố truyền tin.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến
và biến đổi lòng trí chúng con trở nên những “môn đệ đích thực của Linh Mục Tối
Cao là Chúa Kitô.” Amen!
Bài Tin Mừng mà chúng ta suy niệm
trong thánh lễ này là Tin Mừng về biến cố Truyền Tin (Lc 1,26-38). Biến cố này
gợi lên cho chúng ta nhiều ý nghĩa. Ở đây, chúng ta chỉ dừng lại một điểm: đó
là Chúa thực hiện những điều vĩ đại trong âm thầm và qua những người bé mọn.
Thật vậy, biến cố Truyền Tin chứa
đựng một điều rất đặc biệt về thời điểm quyết định cho vận mệnh nhân loại, giây
phút Thiên Chúa trở thành người, giây phút quan trọng và linh thiêng, nhưng lại
xảy ra trong thinh lặng. Cuộc gặp gỡ giữa thiên sứ và Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm
diễn ra mà không một ai chứng kiến, không ai biết, không ai nói về nó.
Nếu biến cố này xảy ra trong thời
đại chúng ta, có lẽ nó không xuất hiện trên các trang báo, tạp chí hay mạng
internet, bởi lẽ, nó là một mầu nhiệm xảy ra trong âm thầm và thinh lặng. Một
biến cố vĩ đại xảy ra không có một tiếng động nào! Điều này cho thấy rằng những
biến cố thực sự vĩ đại thường xảy ra trong sự thinh lặng và không ai nhìn thấy,
nhưng thường mang lại những hoa trái lớn lao hơn những hoạt động phô trương,
rùm beng bên ngoài. Sự ồn ào náo nhiệt và những bận rộn làm cho chúng ta không
còn khả năng dừng lại, sống yên tĩnh, để lắng nghe tiếng nói của Chúa trong thinh
lặng, đó là tiếng nói thầm kín của Người.
Trong ngày đó, Đức Maria đã lắng
nghe lời loan báo của Thiên Thần, Mẹ là người hoàn toàn tĩnh lặng và luôn sẵn
sàng để lắng nghe Chúa. Không hề có một cản trở nào nơi Mẹ; không hề có một bức
tường nào ngăn cách Mẹ khỏi Thiên Chúa.
Như thế, khi cử hành biến cố này,
trước hết chúng ta được nhắc nhở rằng chúng ta không thể lắng nghe tiếng Chúa
trong cảnh ồn ào huyên náo; chúng ta cũng không thể đón nhận chương trình của
Chúa cho đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn nếu chúng ta chỉ dừng lại ở bề mặt
của các sự việc, nhưng chúng ta hạ mình xuống ở mức sâu hơn, nơi mà những sức
mạnh luân lý và đạo đức đang hoạt động, chứ không phải là sức mạnh của chính
trị và kinh tế. Vì thế, Đức Maria mời gọi chúng ta hạ mình xuống để đặt mình
trong sự hòa điệu với hành động của Thiên Chúa. Amen!
Dc 2,8-14; Lc 1,39-45
Chúng ta đang rất gần với lễ mừng
Con Chúa giáng trần. Có thể gọi Giáng Sinh là lễ tình yêu, lễ Thiên Chúa giao
duyên với con người qua Ngôi Lời Nhập Thể. Trong ý nghĩa đó, một cách rất thú
vị, Giáo Hội chọn sách Diễm Ca để chúng ta đọc trong ngày phụng vụ ưu tiên này.
Vì rất ít cơ hội để suy niệm tác phẩm này, nên chúng ta cần dừng lại để chú
giải và tìm hiểu ý nghĩa bài đọc I (Dc 2,8-14).
Tôi còn nhớ, có lần đi dự lễ khấn
dòng về, có một thầy nhận xét khi nghe các nữ tu đọc bài đọc từ sách Diễm Ca.
Thầy nói: “Lễ khấn lễ khót gì mà cứ đọc chuyện anh anh em em, yêu đương tình tứ
trong thánh lễ.” Có lẽ phản ứng đó phản ánh tâm thức của người Việt vốn quen
tách biệt và đối lập cái đạo đức với cái phàm tục, coi tình yêu nhục thể là
điều cấm kỵ, và bất xứng với những gì là thánh thiêng đạo đức. Điều này làm cho
chúng ta nhớ lại số phận long đong của sách Diễm Ca.
Quả thật, cuốn thiên tình sử này
có một số phận và đời sống rất long đong ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, nó là
tập thơ được tranh luận sôi nổi nhất, có khi bị liệt vào loại sách ‘index’,
sách cấm. Nhưng cuối cùng, giá trị và vẻ đẹp của nó lên ngôi và khẳng định vị
trị của mình với thời gian như quả quyết của Rápbi Akiba, một bậc thầy Do Thái:
“Cả thế giới này không sao sánh được với cái ngày mà khúc Diễm Ca được ban cho
Ítraen.”
Diễm Ca cũng là cuốn sách được
nhiều giáo phụ ưa thích, được các nhà tu đức như Gioan Thánh Giá làm sách gối
đầu giường, một cuốn sách đã đào tạo nên những vị thánh nổi tiếng và đóng góp
lớn cho nền linh đạo Kitô giáo.
Chúng ta đi vào ý nghĩa bản văn.
Diễm Ca là một thế giới thơ, đầy biểu tượng, với những lời yêu thương bóng bẩy.
Theo Giáo Phụ Origene chú giải dựa trên học thuyết 4 ý nghĩa Kinh Thánh, trích
đoạn Diễm Ca mà chúng ta vừa nghe diễn tả những ý nghĩa sau đây:
1) Theo nghĩa văn tự, Diễm Ca
diễn tả tình yêu nồng nàn, mãnh liệt và rất nhân bản của một đôi trai gái. Xét
về phương diện tự nhiên, đó là một cuộc tình đẹp, thơ mộng, được Thiên Chúa
chúc phúc, không có gì là xấu xa, tội lỗi.
2) Theo nghĩa phúng dụ của Do
Thái giáo, chàng là hình ảnh của Giavê Thiên Chúa, hay của Đấng Mêsia. Còn nàng
là hình ảnh của dân Ítraen. Tình yêu của chàng và nàng là hình ảnh diễn tả tình
yêu của Giavê Thiên Chúa đối với dân Người. Thiên Chúa đã yêu dân riêng như
chàng yêu nàng, như chàng đi tìm kiếm nàng và nàng khát khao chờ đợi chàng. Bởi
thế, người Do Thái đọc Diễm Ca trong lễ Vượt Qua và tối thứ Sáu hằng tuần trước
ngày Sabát.
3) Theo nghĩa tiên trưng, hay
nghĩa thiêng liêng Kitô giáo, chàng là hiện thân của Đức Kitô và nàng là đối tượng
tình yêu của Người, là Hội Thánh. Đức Kitô là hôn phu và Hội Thánh là hiền thê
của Người. Đức Kitô đã yêu thương, thanh tẩy và hiến mình cho Hội Thánh, trở
thành kiểu mẫu cho tình yêu vợ chồng như được nói trong Ep 5,24-25. Vì thế, các
Giáo Phụ không ngớt lời ca tụng mầu nhiệm Nhập Thể như cuộc hôn lễ của Đức Kitô
với Hội Thánh Người.
4) Cuối cùng, theo nghĩa luân lý
hay nghĩa ứng dụng liên quan đến tâm hồn chúng ta: Chàng là Đức Kitô luôn yêu
quý và thiết tha với mọi tâm hồn tín hữu, đặc biệt các tâm hồn đã tận hiến cho
Người. Nàng là tiền ảnh ưu việt của Đức Maria và là lý tưởng tình yêu mà chúng
ta được mời gọi dành cho Đức Giêsu.
Khi những tâm hồn tận hiến từ bỏ
đời sống gia đình, đôi bạn, để chọn lựa đời sống độc thân dâng hiến, đó là một
chọn lựa đi vào giao ước hôn phối thiêng liêng với Đức Giêsu. Họ không dấn thân
cho một cái gì, một ý tưởng, hay cho hệ thống luân lý, nhưng cho một Con Người,
để suốt đời yêu mến và phụng sự Người trên hết mọi sự. Theo đó, ơn gọi độc thân
dâng hiến là cách thế đích thực để diễn tả tình yêu đối với Thiên Chúa và tha
nhân. Thánh Têrêxa Hài Đồng đã yêu mến Chúa như nàng yêu chàng và ngài quả
quyết: “Ơn gọi của con chính là tình yêu.” Nếu đời tu không đi vào con đường
tình yêu này, không sống và diễn tả tình yêu là trung tâm điểm của ơn gọi dâng
hiến, thì có nguy cơ chúng ta chỉ là những “công chức tôn giáo” xét về chức
năng; còn xét về đời sống, chúng ta dễ trở thành những “trai già, gái già” khô
khan và vô cảm trong tương quan liên vị.
Vì thế, trong khi trông chờ Con
Chúa giáng sinh, xin Chúa Thánh Thần là tình yêu, đốt lên trong lòng chúng ta
ngọn lửa yêu mến Chúa và khát khao tìm kiếm Chúa, như Người đã thực hiện trong
lòng Đức Maria hôm nay khiến Mẹ lên đường chia sẻ niềm vui có Chúa với người
chị họ mình. Amen!
1 Sm 1,24-28; Lc 1,46-56
Hôm nay, chúng ta suy niệm về Đức
Maria, nhân vật nổi bật thứ hai của Mùa Vọng, sau Chúa, qua bài ca Magnificat.
Trong lời kinh này chúng ta rút ra ba tâm tình chính yếu của Đức Mẹ.
1. Tâm tình ngợi khen
Trước hết, tâm tình ngợi khen:
Đức Maria đã ca tụng và tạ ơn Thiên Chúa vì ân huệ và những điều cao trọng mà
Người đã làm cho Mẹ. Ơn vô nhiễm nguyên tội, ơn đồng trinh trọn đời, ơn làm Mẹ
Thiên Chúa, và sau này ơn vinh hiển cả hồn cả xác. Tất cả là do lòng thương xót
của Chúa, do Đấng Cứu Độ ban, nên Mẹ luôn sống trong tâm tình cảm tạ và ngợi
khen Chúa. Đó là tâm tình chính yếu mà phụng vụ Kitô giáo dội lại trong mỗi cử
hành. Bởi lẽ mọi ân huệ được ban cho chúng ta phát xuất từ Thiên Chúa. Nên phải
luôn ca tụng và ngợi khen Chúa như Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa.”
2. Tâm tình hoan hỷ
Tâm tình thứ hai là vui mừng hoan
hỷ: “Linh hồn tôi hớn hở trong Chúa.” Với biến cố truyền tin, Đức Maria sống
mầu nhiệm nhập thể như thể là một biến cố thần hiện ở mức độ cao nhất và nó làm
cho Mẹ trở thành kiểu mẫu về một tâm hồn “nhiệt thành nhờ Thánh Thần” (x. Rm
12,11). Đó là lễ Hiện Xuống của Mẹ. Mẹ được đầy Thánh Thần, tràn ngập niềm vui
thánh thiện trong lòng. Chúng ta không thể hiểu được những hành vi và lời nói
của Đức Maria trong cuộc viếng thăm bà Êlisabét nếu không ở trong ánh sáng của
kinh nghiệm thần bí mà không có gì so sánh được. Đức Maria là người đầu tiên có
kinh nghiệm về “niềm hoan lạc trong Thánh Thần” và lời kinh Magnificat là chứng
tá tuyệt vời nhất về điều này. Từ khi Mẹ cưu mang Chúa trong lòng, Mẹ ở trong
tình trạng tràn đầy niềm vui và hoan lạc trong Thánh Thần. Mặc dầu có Chúa và
tin vào Chúa không có nghĩa là Mẹ được miễn trừ mọi nỗi buồn, đau khổ; trái
lại, Mẹ bắt đầu bước vào một hành trình bất trắc và phải chịu thử thách quyết
liệt, nhưng Mẹ đã vượt qua tất cả, nhờ sự tin tưởng phó thác một cách sâu thẳm
vào Chúa. Dù lắm chông gai thử thách, tâm hồn Mẹ vẫn bình an và hoan hỷ trong
Chúa. Bởi vì Chúa là bến đỗ mà Mẹ đã cắm neo cuộc đời mình. Mẹ vui mừng vì thấy
quyền năng và ơn cứu độ của Chúa được thực hiện trong cuộc đời.
3. Tâm tình khiêm tốn
Tâm tình thứ ba là khiêm tốn: Sự
khiêm hạ của Đức Maria sau nhập thể xuất hiện như một trong những phép lạ vĩ
đại nhất của ân sủng. Làm sao Đức Maria có thể kham nổi sức nặng của tư tưởng
này: “Bà là Mẹ Thiên Chúa! Bà là Đấng Cao Cả nhất trong mọi loài thụ tạo!”
Lucifer không thể giữ được sự
căng thẳng này một cách đúng đắn và tính kiêu ngạo đã làm nó chao đảo, nên nó
đã gục ngã. Còn Đức Maria không như thế. Mẹ luôn giữ mình khiêm nhường, khiêm
hạ, như không có gì xảy ra trong cuộc sống mình. Mẹ luôn xác tín rằng mình chỉ
là “phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới.” Nếu có là gì đều do ân
sủng, do lòng thương xót của Chúa, do “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao
điều cao cả.” Thánh Bênarđô chào Mẹ:
“Lạy Mẹ Đồng Trinh, nữ tử của Con
Mẹ. Mẹ càng khiêm nhường càng được tán dương hơn bất cứ thụ tạo nào khác.”
Như thế, tâm tình ngợi khen, hoan
hỷ và khiêm tốn là ba tâm tình chính của Mẹ trong lời kinh Magnificat và đó
cũng là ba tâm tình Mùa Vọng mà chúng ta cần có để mừng Con Chúa giáng sinh. Ba
tâm tình đó như là máng cỏ để cho Con Thiên Chúa được sinh ra một lần nữa trong
lòng chúng ta. Vì như các bậc thầy tu đức nhắc nhở rằng:
“Nếu Chúa Giêsu có sinh ra bởi
Đức Maria ngàn lần tại Bêlem sẽ không mang lại ý nghĩa gì cho chúng ta nếu
Người không một lần được sinh ra nhờ đức tin trong lòng chúng ta.”
Xin Mẹ dạy chúng ta có những tâm
tình xứng hợp này để đón mừng Con Chúa giáng sinh và để Chúa cũng được giáng
sinh trong lòng chúng ta một lần nữa. Amen.
Ml 3,1-4.23-24; Lc 1,57-66
Trong ngày áp lễ Giáng Sinh,
chúng ta suy niệm về sứ vụ ngôn sứ của Gioan Tẩy Giả như là người dọn đường cho
Chúa đến qua trình thuật về ngày sinh nhật của ông. Gioan đã làm gì mà được đề
cao như là một ngôn sứ vĩ đại nhất?
Trước hết, kế tục con đường các
ngôn sứ, Gioan Tẩy Giả xuất hiện như là tiếng kêu trong hoang địa thức tỉnh
lương tâm con người:
“Hãy dọn sẵn đường cho Đức Chúa”
(x. Lc 3,4-6).
Gioan kêu gọi dân chúng sám hối
và chịu Phép Rửa để được ơn tha tội. Ông không lôi kéo người ta về với mình,
nhưng ông hướng họ tới chân lý là Đức Kitô. Ông đã lớn tiếng chống lại những áp
bức và bất công xã hội. Ông đề nghị:
“Ai có hai áo, thì chia cho người
không có; ai có gì ăn, thì cũng phải làm như vậy” (Lc 3,11).
Ông cũng yêu cầu những người thu
thuế:
“Các anh không được đòi hỏi gì
quá mức đã ấn định” (Lc 3,11).
Và ông còn dám chỉ tay vào vua
Hêrôđê mà nói rằng:
“Ngài không được phép lấy bà ấy”
(Mt 14,4).
Hơn hết, ông đã chỉ ngón tay mình
về phía Đức Giêsu và nói:
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây
Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).
Theo đó, Gioan Tẩy Giả đã khai mở
một hình thức mới mẻ của ngôn sứ Kitô giáo. Trong khi các ngôn sứ khác loan báo
ơn cứu độ trong tương lai, ông cho thấy ơn cứu độ trong hiện tại, lúc này, tại
đây nơi Đức Kitô. Tất cả những điều đó làm nên sự vĩ đại của Gioan.
Như thế, chúng ta dễ dàng nhận ra
tính chân thực của một ngôn sứ: đó là người thúc đẩy sự thay đổi, lên án những
bất công, dám chỉ tay chống lại những lạm dụng trong mọi hình thức của các
quyền lực tôn giáo, chính trị, kinh tế, quân sự v.v…
Khi nói về ngôn sứ thật và ngôn
sứ giả thời nay, Thomas Merton, một bậc thầy tu đức nổi tiếng ở Mỹ, đưa ra
những tiêu chuẩn để phân định:
“Ngôn sứ giả là người rao giảng
về mình, kéo người khác đến với mình và chạy theo thị hiếu của đám đông. Ông
làm ngôn sứ để được giàu có và nổi tiếng, thích đưa ra câu trả lời hoặc một
hướng đi dễ dàng. Còn ngôn sứ thật là người rao giảng chân lý và hướng người
khác tới chân lý, ông chấp nhận chịu đau khổ vì ơn gọi ngôn sứ, ông nói cho
chúng ta biết chúng ta là ai, và thách thức chúng ta hơn là làm cho chúng ta
cảm thấy hài lòng với chính mình.”[3]
Tất cả những điều này muốn nói gì
với chúng ta hôm nay? Trước hết, sứ vụ ngôn sứ của Gioan nhắc chúng ta nhớ lại
sứ vụ ngôn sứ của mỗi người Kitô hữu mà hôm nay đang có nguy cơ bị lãng quên
hoặc bị lệch đường. Chúng ta cần phải giữ cả hai phương diện với nhau của sứ vụ
ngôn sứ: một đàng, ngôn sứ là người vì công lý xã hội và đàng khác, ngôn sứ là
người loan báo Tin Mừng. Nếu việc loan báo về Chúa Kitô mà không được đồng hành
bởi những cố gắng để cải thiện đời sống con người, có lẽ sứ vụ ngôn sứ sẽ không
thiết thực và thiếu sự khả tín.
Nhưng nếu chúng ta chỉ thi hành
sứ vụ ngôn sứ vì công lý mà không hướng tới việc rao giảng Tin Mừng và không có
sự gặp gỡ sống động với Lời Chúa, chúng ta sẽ sớm đối diện với những giới hạn
bản thân và kết thúc chỉ như những người chống đối hay “người gây rối trật tự
công cộng!”
Từ tấm gương của Gioan Tẩy Giả,
chúng ta học biết rằng việc loan báo Tin Mừng và đấu tranh cho công lý cần phải
gắn liền và liên kết với nhau. Sống trong xã hội mà gian dối và lừa lọc lên
ngôi, thật đáng quý trọng nếu mỗi người chúng ta được Tin Mừng Chúa Giêsu thúc
đẩy dám đấu tranh cho sự tôn trọng sự thật, nhân vị và phẩm giá con người; dám
lên tiếng chống lại những bất công xã hội. Nhờ đó, nhân quyền được tôn trọng,
môi trường sống được an toàn để mỗi người có thể “nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên
Chúa.” Nhưng chúng ta cũng phải noi gương Gioan Tẩy Giả không làm ngôn sứ như
là một người gây rối xã hội mà là như một sứ giả Tin Mừng “để làm cho tâm tư
người ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn
sàng đón Chúa” (Lc 1,17). Đó là cách thức thi hành sứ vụ ngôn sứ như là một
cách thế loan báo Tin Mừng, và dọn đường cho Chúa đến trong cuộc sống hôm nay.
Amen!
Một trong những nhân vật của Mùa
Vọng đó là Gioan Tẩy Giả, ông nổi bật như một tượng đài của Mùa Vọng. Chính
Chúa Giêsu cũng ca ngợi vị tiên tri này:
“Tôi nói thật với anh em, trong
số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả”
(Mt 11,11).
Tại sao Gioan có sự cao trọng và
được Chúa ca ngợi như thế? Đây là câu trả lời cho câu hỏi đó dựa trên ba lý do
chính sau đây:
1. Vì một con người đặc biệt
Gioan Tẩy Giả là một con người
được sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt; lớn lên ông sống một đời sống khiêm
tốn, khắc khổ, và hy sinh; tất cả đời sống hoàn toàn trong sa mạc cho Thiên
Chúa. Gioan Tẩy Giả và các môn đệ của ông đã can đảm đi ngược với trào lưu của
con người thời đó là chạy theo sự dễ dãi, hưởng thụ và thế tục. Con người ông
hội tụ những phẩm tính quý báu của một tiên tri.
2. Vì sứ vụ đặc biệt
Gioan Tẩy Giả là một sứ giả, một
tiên tri thu hút dân chúng. Ông xuất hiện như là tiếng kêu trong hoang địa “hãy
dọn đường cho Chúa đến.” Ông chính là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Ông
rao giảng và làm chứng cho Đấng Cứu Thế nhưng dân chúng tưởng ông là chính Đấng
Cứu Thế. Nhưng ông không rao giảng về mình, không tìm kiếm vinh quang cho mình.
Ông rao giảng Đức Kitô và giới thiệu Người cho dân chúng. Ông quả quyết:
“Người phải lớn lên, còn tôi phải
nhỏ lại” (Ga 3,30).
“Tôi không đáng cởi quai dép cho
Người” (Ga 1,27).
Quả thật, Gioan Tẩy Giả vĩ đại
bởi vì ông rất khiêm tốn.
3. Vì cái chết đặc biệt
Có nhiều người rao giảng chân lý,
nhưng có mấy người dám chết vì chân lý. Gioan Tẩy là một trong số những người
đó. Ông dám nói sự thật và chấp nhận phải trả giá bằng cái chết đau đớn. Ông bị
chặt đầu ở trong tù. Cái chết của ông là lời chứng hùng hồn nhất của một vị
ngôn sứ đích thật đã dám sống chết cho chân lý. Tiêu chuẩn để lượng giá một
ngôn sứ thật và ngôn sứ giả hệ tại ở điều này: Ngôn sứ thật là người dám nói sự
thật vì lợi ích chung, dù phải chịu đau khổ và phải chết vì sự thật, trong khi
ngôn sứ giả chỉ chạy theo thị hiếu người nghe, vì lợi ích bản thân và nhượng bộ
trước khó khăn thử thách.
Như thế, Gioan Tẩy Giả là mẫu
gương cho mỗi người chúng ta hôm nay. Để trở thành người rao giảng, trước hết
chúng ta phải trở thành một người có một đời sống thánh thiện, người sống những
gì mình rao giảng, người có nơi mình những đức tính tốt như khiêm tốn, khó
nghèo, đơn giản và khổ chế. Chúng ta hãy học nơi Gioan là tránh không rao giảng
mình, tìm kiếm mình, nhưng tìm kiếm vì vinh quang Thiên Chúa. Cuối cùng, chúng
ta học nơi Gioan bài học can đảm để chấp nhận những hy sinh vì sứ vụ rao giảng
chân lý Tin Mừng. Amen!
2 Sm 7,1-5.8b-12.16; Lc 1,67-79
Hôm nay là ngày cuối cùng của Mùa
Vọng, chúng ta suy niệm về nhân vật cuối cùng của mùa này là ông Dacaria.
Trong tiếng Do Thái, Dacaria có
nghĩa là “Thiên Chúa nhớ đến.” Ông là cha của Gioan Tẩy Giả, một tư tế theo
dòng tộc Aarôn (x. Lc 1,67-79), là chồng của bà Êlisabét, người chị em họ của
Đức Maria.
Dacaria và Êlisabét là những
người công chính trước mặt Thiên Chúa. Họ luôn trung thành tuân giữ lề luật của
Thiên Chúa. Tuy nhiên, hai ông bà sống với nhau đến lúc già mà vẫn không có
con.
Khi ông đang lo việc tế tự trong
đền thờ, một thiên thần hiện ra với ông và báo tin:
“Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu
xin: bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên
cho con là Gioan” (Lc 1,13).
Nhưng Dacaria nghi ngờ về lời
thiên thần báo tin, nên ông bị câm cho đến ngày con trai ông được sinh ra.
Chính ông là người đặt tên cho con trẻ là Gioan theo lời thiên thần truyền.
Trong ngày đó, miệng ông được mở ra, ông được Thánh Thần tác động, liền chúc
tụng Thiên Chúa và nói tiên tri về Gioan qua bài ca Benedictus là bài Tin Mừng
hôm nay.
Trong bài ca này, Dacaria ngợi
khen Thiên Chúa đã đoái thương và đã đến viếng thăm dân Người. Thiên Chúa là
trung tâm của lịch sử. Chính Người đã đi bước trước trong mọi biến cố lịch sử.
Người đã đến gần, viếng thăm và cứu độ dân Người khỏi mọi sự khốn cùng nên
Người đã sai Con Một Người đến với dân của Người, nhập thể làm người để cứu dân
Người khỏi quyền bính của ma quỷ và tội lỗi.
Dacaria còn nói tiên tri về
Gioan:
“Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước
hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo
cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên” (Lc
1,76-77).
Đây là sứ vụ dọn đường, sứ vụ
tiền hô của Gioan Tẩy Giả cho Đấng Cứu Thế đến.
Sau nữa, Dacaria ca tụng Thiên
Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Đấng trung tín giữ lời hứa với tổ phụ là sai
Đấng Cứu Thế đến để cứu giúp chúng ta, soi sáng cho những ai ngồi trong tối tăm
và dẫn chúng ta bước vào đường nẻo bình an.
Như thế, tâm tình tạ ơn của Dacaria
phải là tâm tình của mỗi người chúng ta trong mỗi ngày sống và trong suốt cuộc
đời. Đó là lý do tại sao Giáo Hội chọn đọc lời ca Benedictus này mỗi ngày trong
kinh sáng. Chúng ta hãy luôn tạ ơn Thiên Chúa vì tình thương của Người dành cho
chúng ta qua việc sai Con Một xuống làm người để cứu độ chúng ta. Đó là hồng ân
lớn lao nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại. Giáng Sinh là cử hành
biến cố trọng đại đó. Chúng ta hãy hân hoan để đón mừng ngày Con Chúa chào đời.
Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
[1] Cf. O Von Asseldonk, Maria sposa dello Spirito Santo in S. Francesco d’Assisi, in Credo in Spiritum Sanctum, Città del
Vaticano 1983, II, 1123-1132.
[2] Cf. Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I-II, q. 106, a. 1c.
[3]
Morgan C. Atkinson – Jonathan Montaldo, Soul
Searching. The Journey of Thomas Merton, Johngarrattpublishing, p. 91-92.
No comments:
Post a Comment