Friday, 15 May 2020

Sứ mạng Đấng Bảo Trợ

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH
Cv 8,5-8.14-17; 1 Pr 3,15-18; Ga 14,15-21
Chúng ta đang tiến gần lễ Hiện Xuống. Phụng vụ bắt đầu chuẩn bị cho chúng ta mừng đại lễ này. 1- Việc Chúa Giêsu loan báo về Đấng Bảo Trợ đến
Bài đọc I, trích ​​sách Công Vụ Tông Đồ, nói về Chúa Thánh Thần. Ở Samari, nhiều người đã đón nhận sứ điệp Tin Mừng. Hai vị Tông Đồ Phêrô và Gioan từ Giêrusalem được cử đến để gặp họ và xác nhận rằng: Họ là những người đã được rửa tội cách hợp lệ. Tuy nhiên, họ chưa đón nhận Chúa Thánh Thần, nên chưa nhận được những hiệu quả của Người như niềm vui, sự nhiệt thành, và làm được những dấu lạ... Sau đó, các Tông Đồ “đặt tay trên họ và họ nhận được Chúa Thánh Thần” (x. Cv 8,14-17).
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về Thánh Thần với các môn đệ bằng một danh hiệu đặc biệt, Đấng Bảo Trợ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật” (Ga 14,16-17). Sau khi căn dặn và an ủi các ông, Chúa Giêsu tiếp tục nói về chủ đề này: “Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,25-26).
Paracletus là một từ Hy Lạp khi thì có nghĩa là người an ủi, khi thì có nghĩa là người bảo vệ, khi thì có nghĩa vừa an ủi vừa bảo vệ. Trong toàn bộ Kinh Thánh, tước hiệu này được áp dụng đặc biệt cho Chúa Thánh Thần. Ở Cựu Ước, Thiên Chúa là nguồn an ủi lớn lao của Dân Người, như được nói trong sách Isaia: “Ta là Đấng an ủi của ngươi” (Is 51,12), Người an ủi như một người mẹ an ủi con thơ (Is 66,13). Đây là sự an ủi của Thiên Chúa, hay “Thiên Chúa của sự an ủi” (Rm 15,4) hiện thân trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng tự đồng hóa mình là Đấng An Ủi thứ nhất (x. Ga 14,15). Người là Đấng mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghĩ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
2- Sứ vụ của Đấng Bảo Trợ
Với tư cách Đấng Bảo Trợ, Chúa Thánh Thần đến không ngoài sứ vụ nào khác là tiếp tục công trình của Chúa Kitô, cũng là công trình chung của Ba Ngôi và hoàn tất công trình này. Người được Chúa Giêsu gọi là “Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16).
Nhưng điều này là không đủ để giải thích tại sao, trong Tin Mừng của mình, thánh Gioan nói nhiều đến tước hiệu Đấng Bảo Trợ. Tước hiệu này phải có nguồn gốc và tầm quan trọng của nó đối với kinh nghiệm của Giáo Hội. Bởi lẽ, sau phục sinh, toàn thể Giáo Hội sơ khai đã có kinh nghiệm sống động và mạnh mẽ về Chúa Thánh Thần như là Đấng An Ủi, Đấng Bảo Vệ, Người bạn đồng hành trong những khó khăn bên trong và cả bên ngoài, trong những cuộc bách hại, trong quá trình phát triển và đời sống hằng ngày. Chúng ta đọc thấy trong sách Công Vụ Tông Đồ kể lại: “Giáo Hội lớn lên và bước đi trong sự kính sợ Chúa, và được tràn đầy sự an ủi (paraclesis!) của Chúa Thánh Thần” (Cv 9, 31).
Như đã nói, Đấng Bảo Trợ có thể có hai nghĩa: vừa bảo vệ vừa cố vấn. Trong những thế kỷ đầu, khi Giáo Hội ở trong tình trạng bị bách hại và trong quá trình phát triển, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần với tư cách Đấng Bảo Trợ, đã đóng vai trò là trạng sư và là người bảo vệ thần linh của Giáo Hội chống lại những kẻ tố cáo. Người đã trợ giúp các vị tử đạo và các Kitô hữu trước những quan án, trong những phiên tòa xét xử; Người đặt trên môi miệng họ những lời nói mà không ai có thể cãi lại được.
Sau thời đại bách hại, Chúa Thánh Thần được kinh nghiệm chủ yếu như là Đấng An Ủi trong những cơn đau khổ và buồn phiền của cuộc sống. Khi so sánh sự an ủi của con người và sự an ủi của Chúa Thánh Thần, thánh Bônaventura thấy có ba sự khác biệt nền tảng: “Sự an ủi của Chúa Thánh Thần là đích thật, hoàn hảo và cân xứng. Đích thật, bởi vì Người ban sự an ủi cho linh hồn, chứ không phải cho những bản năng xác thịt, ngược lại với điều mà thế gian làm, đó là an ủi xác thịt và làm đau khổ linh hồn, giống như điều mà một ông chủ xấu chăm sóc con ngựa và sao nhãng kỵ binh. Hoàn hảo, bởi vì Người an ủi trong mỗi khi đau khổ; không như thế gian an ủi, thế gian làm cho đau khổ thêm, giống như một người vá áo khoác cũ, vá một lỗ lại làm rách hai lỗ. Và cân xứng, bởi vì ở đâu có đau khổ, ở đó Người mang lại sự an ủi lớn lao hơn; không như thế gian làm trong khi sung túc thì an ủi và nịnh bợ, nhưng trong khi hạn vận lại cười chê và lên án.”
3- Anh em hãy an ủi nhau
Bây giờ chúng ta phải rút ra từ suy niệm của chúng ta về Đấng Bảo Trợ, một bài học thực tiễn và có thể áp dụng. Không đủ để chỉ nghiên cứu ý nghĩa của từ Đấng Bảo Trợ, cũng không chỉ gọi Chúa Thánh Thần với tên này. Chính chúng ta phải trở những người an ủi! Nếu thật sự những Kitô hữu là một Alter Christus, một Chúa Kitô khác, thì chúng ta cũng phải là một “Đấng an ủi khác.” Đây là tước hiệu để bắt chước và sống, chứ không chỉ để hiểu biết.
Nhờ Chúa Thánh Thần mà tình yêu Thiên Chúa đã đổ ra trong lòng chúng ta (x. Rm 5,5); nghĩa là nhờ tình yêu mà chúng ta được yêu mến bởi Thiên Chúa, tình yêu đó làm cho chúng ta có khả năng yêu thương Thiên Chúa và tha nhân. Áp dụng cho việc an ủi là một hình thức mà tình yêu làm cho người được yêu mến vượt trên những đau khổ - Thánh Tông Đồ nói với chúng ta một điều rất quan trọng: đó là Đấng Bảo Trợ không chỉ ban cho chúng ta sự “an ủi” nhưng Người còn dạy chúng ta nghệ thuật an ủi người khác. Thánh Phaolô giải thích điều này rất hay khi viết: “Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2 Cr 1,2-4).
Hay ở nơi khác, Thánh Tông Đồ khuyên: “Anh em hãy an ủi nhau” (1 Tx 5,11), tương tự như nói rằng: “Anh em hãy trở thành những người an ủi” của nhau. Nếu sự an ủi mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa không chuyển từ sang người khác, mà chỉ giữ lại một cách ích kỷ cho mình, sự an ủi đó sẽ nhanh chóng biến mất.
Theo lý tưởng đó, hôm nay chúng ta khám phá xung quanh chúng ta có rất nhiều người dấn thân phục vụ để an ủi người khác. Họ là những người đang cúi xuống trên các bệnh nhân nan y, các bệnh nhân AIDS. Họ là những người đang chăm sóc những người già. Họ là những tình nguyện viên dành thời gian để đi thăm các bệnh nhân. Họ là những người đang phục vụ các trẻ em là nạn nhân của đủ thứ lạm dụng, bên trong và bên ngoài gia đình. Họ là những người đấu tranh cho nhân quyền của những người bé mọn đang bị đe dọa. Họ là các linh mục và tu sĩ đang an ủi người khác qua sứ vụ truyền giáo và mục vụ. Qua họ và nhờ họ, Chúa Thánh Thần đang tiếp tục sứ mạng an ủi dân Người. Đó là lý do tại sao thánh Phanxicô thành Assisi đã cầu nguyện: “Tìm an ủi người, hơn được người ủi an. Tìm yêu mến người hơn được người mến thương.” Hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi trở thành người mang niềm an ủi của Thiên Chúa cho tha nhân. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương



No comments:

Post a Comment