Ngày cuối cùng của năm phụng vụ, chúng ta suy niệm về sự kết thúc vừa theo nghĩa cá nhân vừa theo nghĩa toàn thể.
Ngày 26/11 vừa qua, huyền thoại bóng đá thế giới một thời Maradona đã đột ngột qua đời ở tuổi 60, khiến cho làng bóng đá thế giới sửng sốt và toàn dân Argentina vô cùng thương tiếc ông. Họ đã quốc tang ông trong ba ngày. Bất chấp mọi mối nguy hại của đại dịch covid vẫn còn hoành hành, hàng triệu người vẫn cứ đổ về Buenos Aires để tiễn biệt Maradona lần cuối.
Dù là một huyền thoại bóng đá, dù là người có “bàn tay của Chúa” có thể ghi được những bàn thắng vàng, nhưng cũng không chiến thắng nỗi cái chết. Cái chết kết thúc cuộc sống và sự nghiệp của ông cũng như bao con người trên trần thế.
Trịnh Công Sơn, trong bài Ở Trọ, đã có những ý tưởng rất hay về sự tạm bợ ở đời này: “Con chim ở đậu cành tre/ Con cá ở trọ trong khe nước nguồn/ Cành tre ... í ... a/ Dòng sông ... í ... a/ Tôi nay ở trọ trần gian/ Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời” (bài Ở Trọ). Nhạc sĩ tài ba này đã diễn tả được chân lý về cuộc sống trần gian: chỉ là quán trọ, là tạm thời. Cuộc sống con người sẽ có ngày kết thúc và cái chết san bằng mọi thứ.
Triết gia Martin Heidegger là người đã biến chủ đề sự chết thành chủ đề đề triết học khi khẳng định: Sự sống và hữu thể con người như là một hữu thể hướng về cái chết (a being toward death). Chết thuộc bản chất của cuộc sống. Con người sống để chết. Như thế, chết không chỉ là kết thúc nhưng cũng là mục đích cuộc sống: người ta sinh ra để chết. Theo ông, chúng ta từ hư vô và sẽ trở về hư vô.
Nếu chết là trở về hư vô thì bế tắc vô cùng. Triết học chỉ dừng lại ở đó và nó không thể đi xa hơn nữa. Chúng ta cần ánh sáng của đức tin soi chiếu. Kitô giáo mang lại sự mới mẻ và sự đảo lộn tận căn. Bởi lẽ, Kitô giáo nhìn con người như là “hữu thể vì sự vĩnh cửu.” Thiên Chúa tạo dựng chúng ta từ hư vô nhưng hướng tới sự vĩnh cửu, là sự sống đời đời. Thế nên, chết không phải là kết thúc mà là bắt đầu. Cánh chung luận của Kitô giáo soi sáng và nâng đỡ cuộc sống hiện tại của thế giới và của từng người.
Chúa Giêsu đã chết nhưng sau ba ngày, Người sống lại. Người đã mở ra con đường mới, thế giới mới sau cái chết. Đó là sự sống vĩnh cửu. Đức Maria là người thứ hai được vào đó sau khi chết để chia sẻ trọn vẹn hoa quả cứu độ do Con Mẹ thực hiện.
Trong cái nhìn đó, trong ngày cuối cùng của năm phụng vụ, sách Khải Huyền cho ta thấy trước cảnh “trời mới đất mới”, ở đó có ánh sáng, sự sống, bình an, hoan lạc. Ở đó không còn một lời nguyền rủa nào nữa. Ở đó, các tôi tớ Chúa sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ. Ở đó sẽ không còn đêm tối nữa (x. Kh 22,1-7).
Nhưng không phải ai cũng được nhập vào hàng ngũ các tôi Chúa trong nước Người, nhưng chỉ những ai tuân giữ sấm ngôn trong sách này. Họ là những người đã trung thành và bước theo Con Chiên. Họ là những người “đã giặt áo mình trong máu Con Chiên.”
Nhưng lúc nào là lúc kết thúc? Đây là bí mật của Thiên Chúa. Một cách diễn tả khác, Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng mời gọi: “Ngày ấy như một chiếc lượt bất thần chụp xuống đầu anh em.” Ở đây, ngày ấy chính là giờ chết của mỗi người. Ngày ấy cũng là ngày tận thế. Ngày không ai biết trước được. Vì thế, phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng.
Và vì thế, khi loan báo về sự bất ngờ ngày ấy xảy ra, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ và chúng ta phải sống “tỉnh thức, sẵn sàng, “phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời… Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt con người.’’
Như thế, cánh chung luận của Kitô giáo soi sáng cho cuộc sống hiện tại. Tương lai soi sáng cho cho hiện tại. Không có Thiên Chúa không có tương lai. Trong khi tìm kiếm tương lai, chúng ta sống tốt những giây phút hiện tại.
Trở lại với chuyện của Maradona, trước khi chết, ông đã để lại những lời trăng trối cuối cùng như là một ước nguyện chưa tròn: “Tôi rất buồn khi thấy những đứa trẻ không đủ ăn. Tôi biết đói là như thế nào rồi…. Tôi mong muốn của tôi là được thấy người Argentina hạnh phúc, có công việc và được ăn uống mỗi ngày.”
Nếu còn một ngày để sống, hãy cố gắng làm một cái gì đó tốt đẹp cho đời và cho người xung quanh.
Tối ngày 27/11/2020, Văn Phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tổ chức
chương trình với chủ đề: “Gánh nhau trong đời.” Đây cũng là một chương trình hướng
về Miền Trung để chia sẻ với những nạn nhân bị bão lụt. Đó là cách hướng về
tương lai khi biết sống đức ái chia sẻ gánh nặng cho nhau trong đời.
Chúng ta cần nhau và có trách nhiệm đối với nhau. Vì trở thành Kitô hữu là hiện hữu cho người khác.
Như thế, hướng tới tương lai để sống hiện tại cho tốt. Kết thúc không phải là ngõ cụt, kết thúc không là mục đích, nhưng là sự bắt đầu mới tốt đẹp hơn. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment