Friday, 28 May 2021

Vẻ đẹp của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI

Đnl 4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28,16-20
Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm cả trong đạo

Sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta cử hành trọng thể lễ Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh. Việc cử hành này giúp chúng ta nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi cách đúng đắn và phải đạo.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cả trong Đạo. Giáo lý Giáo Hội cho rằng đây là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và của mọi sinh hoạt Kitô giáo; mầu nhiệm Ba Ngôi là nội dung căn bản nhất, quan trọng nhất của mạc khải Kitô giáo.

Tuy nhiên, mầu nhiệm này là mầu nhiệm cao cả, khôn dò khôn thấu, vượt trên lý trí tự nhiên của chúng ta. Vì thế, con người chỉ có thể biết được Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ mạc khải do Chúa Kitô mang đến cho con người. Nghĩa là nhờ việc Thiên Chúa tỏ mình ra, chính Thiên Chúa nói cho chúng ta biết về Người qua dòng lịch cứu độ và nhất là nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta biết.

Quả thế, mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi đã có nguồn gốc từ Cựu Ước: Cựu Ước nói cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành mọi sự trong vũ trụ này. Người là Cha của con người. Con người phải tôn thờ và yêu mến Người hết lòng, hết sức, hết linh hồn (x. Đnl 6,4-5). Tuy nhiên, đây là mạc khải về Thiên Chúa duy nhất. Nghĩa là chỉ có một Thiên Chúa thôi, không có hai, ba ngôi vị khác… Đó là niềm tin độc thần.

Phải đợi đến mạc khải của Đức Giêsu, chúng ta mới có sự hiểu biết đầy đủ về Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta biết: Thiên Chúa không chỉ là một mà còn là ba. Thiên Chúa không phải là đơn độc một mình, nhưng là một cộng đoàn, một gia đình: trong Thiên Chúa có Ba Ngôi Vị phân biệt rõ ràng: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mỗi ngôi vị đều là Thiên Chúa. Mỗi ngôi vị đều ngang hàng với nhau về thần tính, cấp bậc, quyền năng, và vinh quang; mỗi ngôi vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình dù chỉ có một nguồn sự sống thần linh duy nhất. Có ba Ngôi Vị nhưng không phải có ba Thiên Chúa mà chỉ có một Thiên Chúa mà thôi. Bởi vì cả ba Ngôi Vị hiệp nhất nên một với nhau trong bản tính duy nhất là Thiên Chúa. Ba Ngôi hiệp nhất và yêu thương nhau. Bởi vì, Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,8).

Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa Ba Ngôi tỏ mình ra cho chúng ta một các rõ ràng qua các vai trò và hoạt động của từng Ngôi Vị: Chúa Cha sáng tạo hay tạo dựng, Chúa Cha sai Chúa Con đến để cứu chuộc nhân loại và Chúa Thánh Thần nắm giữ vai trò thánh hóa và hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa.

Như thế, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm chính yếu được giấu kín từ ngàn xưa, nay được mạc khải cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Mầu nhiệm này bí nhiệm, cao vời, nhưng rất gần gũi với đời sống của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Bởi vì, qua phép rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, chúng ta trở thành nghĩa tử của Chúa Cha (x. Rm 8,15), em của Chúa Con (x. Rm 8,29) và đền thờ của Thánh Thần (x. 1 Cr 6,19), hợp thành Giáo Hội là “dân thánh được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi” (LG 4).

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là khuôn mẫu cho mỗi cộng đoàn và mỗi gia đình chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong gia đình, cha, mẹ, con cái yêu thương nhau thì càng hiệp nhất nên một với nhau. Tình yêu là dây liên kết mọi người nên một gia đình hạnh phúc ấm êm. Gia đình là nơi sống và diễn tả huyền nhiệm Ba Ngôi rõ nét nhất.

Sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông, chia sẻ, và ở lại trong tình yêu. Mỗi ngày người tín hữu làm dấu thánh giá nhiều lần: “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”  Khi đặt tay trên trán, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa ở “trên” chúng ta, vượt lên trí khôn con người; khi đặt tay trên ngực, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa ở “trong” lòng, cư ngụ trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta; khi đặt tay trên hai vai, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa rất gần gũi, Người ở “hai bên” chúng ta, Người ở nơi tha nhân mà chúng ta phải hướng về. Như thế, dấu thánh giá diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi phải được tin, tuyên xưng từ trí đến lòng và qua bàn tay bằng những hành động cụ thể của chúng ta.

Chiêm ngắm mầu nhiệm Ba Ngôi, ước gì mỗi người cũng biết in dấu Thiên Chúa Ba Ngôi, sống hiệp thông chia sẻ trong cuộc sống hàng ngày của mình. Mỗi người Kitô hữu chúng ta được mời gọi tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi trên hết mọi sự, với tất cả trí khôn, trái tim và con người. Amen!

Bài 2

LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI

Đnl 4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28,16-20

Vẻ đẹp của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

Ngày nay có một số người chủ trương nên bãi bỏ niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi để có thể dễ tin và dễ dàng hơn trong việc đối thoại với người Do Thái và Hồi Giáo vốn chỉ tin vào một Thiên Chúa độc nhất.

Câu trả lời là niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là phát minh của loài người, mà là mạc khải mới mẻ và chung cuộc do Chúa Giêsu mang lại. Đây là mầu nhiệm cả trong Đạo và là vẻ đẹp của Kitô giáo. Trong thánh lễ này, chúng ta suy ngắm mầu nhiệm Ba Ngôi như là một cộng đoàn yêu thương, hiệp nhất và đa nguyên.

1. Ba Ngôi là cộng đoàn tình yêu

Kinh Thánh tóm tắt: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Nếu Thiên Chúa là tình yêu thì có nghĩa Người phải có một ai đó để yêu. Vậy thì đối tượng đó là ai hay là gì? Câu trả lời trước hết có thể là Thiên Chúa yêu vũ trụ và con người. Nhưng khoa học cho biết vũ trụ và con người chỉ xuất hiện cách đây mấy triệu năm, chứ không có từ đời đời. Vậy Thiên Chúa đã yêu ai trước khi có tạo thành để Người được định nghĩa là tình yêu?

Câu trả có thể là Thiên Chúa yêu mình. Nhưng nếu nói Thiên Chúa yêu mình thì Người không thể được định nghĩa là tình yêu. Bởi lẽ, yêu mình không phải là tình yêu đích thực, nhưng là sự ái kỷ, như hiện tượng chàng Narcissus trong thần thoại Hy Lạp. Vậy đối tượng đó là ai?

Mạc khải Kitô cho chúng ta câu trả lời chính xác: Từ đời đời, Thiên Chúa đã có Chúa Con, là Ngôi Lời, Đấng mà Người yêu thương bằng Tình Yêu vô biên là Chúa Thánh Thần. Về điều này, thánh Augustinô như xuất thần khi nói:

“Chúa Cha là Đấng đang yêu, Chúa Con là Đấng được yêu và Chúa Thánh Thần là Tình Yêu. Nếu bạn thấy tình yêu bạn sẽ thấy Ba Ngôi.”

Đó là lý do mà Thiên Chúa được định nghĩa như là tình yêu. Kitô giáo không quan niệm Thiên Chúa như là quyền lực tuyệt đối, nhưng là tình yêu tuyệt đối. Vì quyền lực có thể được thực thi bởi độc vị. Còn tình yêu thì cần đến ngôi khác để yêu. Bởi, quyền lực thì thống trị, còn tình yêu thì hiến dâng và ban tặng.

Chiêm ngắm Ba Ngôi tình yêu chắc chắn mang lại ánh sáng soi chiếu cho đời sống. Chúng ta biết rằng hạnh phúc và bất hạnh trên đời tùy thuộc phần lớn vào chất lượng của tương quan mà chúng ta xây dựng. Ba Ngôi mạc khải cho chúng ta biết bí quyết để xây dựng các tương quan tốt. Đó chính là tình yêu. Tình yêu là nguyên tố làm cho các tương quan nhân bản trở nên đẹp đẽ, tự do và hạnh phúc hơn. Điều làm tổn thương các mối tương quan là ý muốn thống trị người khác, để sở hữu hoặc lợi dụng họ thay vì yêu thương, tôn trọng, và hiến mình phục vụ họ. Như thế, mầu nhiệm Ba Ngôi mời gọi chúng ta hãy kiến tạo một cộng đoàn biết yêu thương để trở thành họa ảnh của đời sống Ba Ngôi.

2. Ba Ngôi là cộng đoàn hiệp nhất

Vẻ đẹp thứ hai nơi mầu nhiệm Ba Ngôi là sự hiệp nhất giữa các Ngôi Vị. Mỗi Ngôi có sự khác biệt nhưng hiệp nhất nên một với nhau: Ba trở thành một, một là ba. Nơi đời sống Ba Ngôi, không có sự chia rẽ và chống đối nhau: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần chia sẻ và hiệp nhất với nhau nên một trong bản thể, phẩm tính, cấp bậc, quyền năng và vinh quang…

Thần học sử dụng hạn từ “bản tính” hay “bản thể” để nói đến sự hiệp nhất trong Thiên Chúa. Sự duy nhất mà chúng ta tin là sự duy nhất về bản thể chứ không phải về con số. Nó tương tự như sự hiệp nhất của một gia đình hơn là sự hiệp nhất của cá thể.

Trong bất cứ hành vi và sứ vụ nào của Thiên Chúa, các Ngôi Vị đều hiệp thông và hợp tác với nhau, tương tại trong nhau. Cả ba đều hiệp nhất trong tình yêu, trong đời sống và trong sứ vụ. Vì thế, hôm nay cũng là ngày lễ về sự hiệp nhất của Thiên Chúa.

Khi suy niệm lâu trước Icône Ba Ngôi của Andrei Rublev, thánh Sergio có câu khẩu hiệu: “Hãy chiến thắng sự chia rẽ và thù địch của thế giới này.” Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói đến bốn nguyên tắc hướng dẫn đời sống và sứ vụ Kitô hữu, trong đó, có nguyên tắc: “Hiệp nhất vượt trên những xung khắc.” Thông điệp lớn nhất mà mầu nhiệm Ba Ngôi mang lại cho thế giới hôm nay: Hãy chiêm ngắm Ba Ngôi để chiến thắng sự chia rẽ trong gia đình, cộng đoàn, xã hội và hãy vượt qua những sự kỳ thị dưới mọi hình thức đang làm người khác phải đau khổ.

3. Ba Ngôi là cộng đoàn đa dạng

Cuối cùng, Ba Ngôi hiệp nhất với nhau nhưng không triệt tiêu hay xóa bỏ tính riêng biệt, sự phong phú và đa dạng của từng Ngôi Vị. Ở đây, Cha vẫn là Cha, Con vẫn là Con và Thánh Thần vẫn là mình và càng là chính mình khi Ba Ngôi hiệp nhất với nhau. Mỗi Ngôi Vị là duy nhất, là độc đáo, phân biệt và đối lập với các ngôi khác trong tư cách, vai trò của mình.

Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, chỉ có một chương trình cứu độ duy nhất, nhưng mỗi Ngôi hoạt động và cộng tác theo sứ vụ đặc trưng của mình. Cha tạo dựng, Con cứu chuộc và Thánh Thần thánh hóa.

Đó là vẻ đẹp của Thiên Chúa Kitô giáo, có khác biệt nhưng không có chia rẽ, có bình đẳng nhưng không theo kiểu “cá đối bằng đầu,” có hiệp nhất nhưng không triệt tiêu tính độc đáo và cá vị của từng chủ thể.

Sẽ là sai lầm khi chúng ta chủ trương hiệp nhất là phải giống nhau mọi đàng. Như thế, hiệp nhất biến thể thành “nhất dạng”: anh phải mặc áo giống tôi, anh phải béo tốt như tôi, phải suy nghĩ giống tôi và sở thích giống tôi v.v… như một thời có những thể chế chủ trương.

Vì thế, mầu nhiệm Ba Ngôi cũng là trường dạy về việc đón nhận sự đa dạng, khác biệt và đa nguyên. Điều này cũng soi sáng cho chúng ta khi sống cộng đoàn: sự khác biệt nhiều lúc làm cho chúng ta nhức nhối, khó chấp nhận, nhưng hãy nhớ rằng chính sự khác biệt làm nên sự phong phú cho đời sống. Chính sự độc đáo, tài năng và đặc sủng của mỗi người là quà tặng giúp phát triển cộng đoàn, xã hội. Chúng ta hãy học để biết nhìn, đón nhận và trân trọng sự đa dạng đó theo mô mẫu của Ba Ngôi để cùng nhau cộng tác và thi hành sứ vụ được giao phó một cách tốt nhất. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

 

No comments:

Post a Comment