Friday 30 June 2023

Phêrô và Phaolô, tuy hai mà một

LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ

29/6


Khi cử hành trọng thể lễ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, là hai vị thánh vĩ đại, tôi tự hỏi: Tại sao Hội Thánh lại mừng lễ các ngài trong cùng một ngày? Lẽ ra phải dành cho mỗi vị một ngày lễ trọng mới đúng. Nhưng đọc lại lịch sử của các ngài, tôi thấy lý do là vì thánh Phêrô và thánh Phaolô có những khác biệt nhưng lại rất giống nhau.

1. Cả hai vị đều là những người theo đạo Do Thái trước khi theo Chúa Giêsu: Phêrô làm một ngư phủ, chài lưới, quê mùa, chất phác và bộc trực. Còn Phaolô lại là con nhà khá giả, giàu có và tri thức, được học hành đàng hoàng.

2. Cả hai có chung một lý tưởng: được Chúa kêu gọi đi theo Chúa và đổi thành tên mới gắn liền với sứ vụ mới, làm Tông Đồ cho Chúa: Simon được Chúa đổi thành Phêrô, nghĩa là đá, trên đá này, Người sẽ xây dựng Hội Thánh của Người. Con Saolê được Chúa đổi thành tên mới là Phaolô, là thầy dạy và Tông Đồ dân ngoại.

3. Cả hai đã có những yếu đuối và sai phạm, nhưng biết hoán cải, trở về với Chúa: Phêrô đã chối Chúa ba lần khi Chúa bị xét xử, nhưng ông đã ăn năn khóc lóc và đã tuyên xưng lại ba lần niềm tin của mình vào Chúa. Còn Phaolô là người bắt hại đạo khi chưa theo Chúa. Chúa đã quật ngã ông trên đường Đamát, ông đã gặp Đấng Phục Sinh, nhờ đó ông nhận ra Chúa và sai lầm của mình, nên đã thay đổi hoàn toàn và quyết tâm đi theo Chúa Giêsu.

4. Cả hai có một đức tin và lòng mến Chúa nồng nàn: Dù có yếu đuối nhưng Phêrô rất yêu mến Chúa khi quả quyết: “Bỏ Thầy, con biết theo ai” (Ga 6,68); Còn Phaolô thì quả quyết: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8). Họ đã yêu Chúa với một đức tin và lòng mến tuyệt vời.

5. Cả hai là những nhà truyền giáo nhiệt thành: Phêrô đi sang tận Rôma, thành lập các cộng đoàn Kitô hữu ở Rôma, rao giảng Tin Mừng cho nhiều người. Còn Phaolô thì đi truyền giáo khắp nơi, từ vùng Tiểu Á, Hy Lạp và sang Rôma, lập nhiều cộng đoàn, làm cho dân ngoại trở lại. Ngài xứng danh là Tông Đồ dân ngoại. Cả hai đã có công biến Châu Âu thành lục địa Kitô giáo. 

6. Cả hai đều được ơn phúc tử đạo tại Rôma để làm chứng cho Đức Kitô và Tin Mừng. Thời đó, bạo chúa Nero đốt thành Rôma vào năm 64, rồi đổ lỗi cho người Kitô hữu, từ đó các cuộc bách hại xảy ra. Phêrô tính bỏ trốn, nhưng Chúa hiện ra nhắc ông phải ở lại Rôma với đoàn chiên. Ông bị bắt và bị xử tử trên đồi Vatican, ngài xin quân dữ đóng đinh ngược đầu vì thấy mình bất xứng. Mộ và thi hài của ngài nay nằm ở dưới nền Đại Thánh Đường Phêrô. Còn Phaolô thì bị tù và bị chặt đầu vào khoảng năm 67 ở ngoài thành Rôma. Tương truyền rằng khi lính chặt đầu ngài rơi xuống đất và nhảy ba lần, liền sau đó tạo thành ba dòng nước mát, gọi là Tre Fontane. Nay mộ ngài được lưu giữ trong Đền thờ Phaolô ngoại thành. Như thế, Rôma được phúc đón nhận máu tử đạo của hai vị Thánh. Vì thế, Rôma trở thành Giáo Đô và là Trung Tâm của Hội Thánh. 

Như thế, qua đó, chúng ta thấy rằng, Phêrô và Phaolô là hai khuôn mặt vĩ đại, hai ngôi sao sáng, hai cột trụ của Hội Thánh. Các ngài đã để lại cho chúng ta nhiều bài học để sống.

Bài học thứ nhất đó là: Cũng như các ngài, mỗi người chúng ta có những khác biệt nhau, nhưng khác biệt đó do Chúa đã sáng tạo và dùng để chúng ta bổ túc cho nhau, làm phong phú cho nhau, cho cộng đoàn Giáo Hội và xã hội. Chúng ta hãy đón nhận, biết trân trọng sự khác biệt của nhau. Và nếu có xung đột vì sự khác biệt, hãy biệt vượt qua xung khắc để xây dựng sự hiệp nhất.

Bài học thứ hai là, cũng như hai thánh, mỗi người chúng ta là những con người tội lỗi, hãy học nơi các ngài bài học trở lại, luôn biết hoán cải và trở về với Chúa. Vị thánh nào cũng có quá khứ, tội nhân nào cũng có tương lai. Chúng ta đừng bao giờ thất vọng như Giuđa vì yếu đuối và tội lỗi của mình. 

Cuối cùng, cũng như các ngài, chúng ta đều được Thiên Chúa kêu gọi làm môn đệ và tông đồ của Chúa. Chúng ta hãy mau mắn đáp trả và đi theo Chúa: yêu Chúa như các ngài, sống chết vì Chúa. Chúng ta đều được mời gọi làm Tông Đồ của Chúa, nghĩa làm người loan báo Tin Mừng, người mang Chúa đến cho người khác, làm cho mọi người nhận biết danh thánh Chúa. Chúng ta hãy cộng tác với Hội Thánh tham gia vào sứ vụ loan báo tin mừng cho con người hôm nay. Amen!

No comments:

Post a Comment