Từ xưa tới nay, vẫn luôn tồn tại não trạng trọng nam khinh nữ. Vào thời Chúa Giêsu, người Do Thái vẫn luôn có sự phân biệt và kỳ thị ấy. Theo đó, phụ nữ không được tính về mặt dân số và tôn giáo. Họ không được nhận làm môn sinh, họ chỉ được tham gia phụng vụ nhưng không được vào trong Hội đường, mà chỉ ở phần sân chung với dân ngoại. Họ không được giảng dạy trong Hội đường. Phụng vụ chỉ được bắt đầu khi có đủ 10 người đàn ông, dù đàn bà có đông mấy cũng được không tính. Thậm chí họ còn bị coi là con quỷ cám dỗ đàn ông!
Chúa Giêsu đến mang lại một cuộc cách mạng về sự bình đẳng giới. Người rất trân trọng phụ nữ. Người nhìn nhận nam nữ được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Người, nên bình đẳng, khác biệt và bổ túc cho nhau.
Đức Giêsu còn mời gọi các phụ nữ tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng cùng với nhóm Mười Hai: Tin Mừng Luca kể rõ tên 3 bà và nhiều bà khác đi theo Chúa. Họ còn lấy của cải giúp Chúa và các Tông đồ (x. Lc 8,1-3). Như thế, trong Hội Thánh của Chúa phụ nữ được đón nhận như là những môn đệ đích thực và là những cộng sự viên tích cực. Đó là sự thể hiện cấp độ cao nhất của sự bình đẳng giới. Đó là đường lối của Thiên Chúa đã đi bước trước khi chọn Đức Maria làm Mẹ Người.
Tuy nhiên, không phải khi nào Hội Thánh cũng sống theo tinh thần của Đức Giêsu. Đã một thời, trong Hội Thánh vẫn còn não trạng trọng nam khinh nữ, muốn xây dựng một Hội Thánh “nam trị” hay “gia trưởng” mà lãng quên vai trò của phụ nữ.
Ở Việt Nam thì sao? Do văn hóa nền phong kiến – Nho Giáo vẫn còn thống trị trong nếp nghĩ và lối tổ chức ở trong đạo cũng như ngoài đời, nên vai trò phụ nữ ít được nhìn nhận.
Nhiều giáo sỹ vẫn coi thường và phân biệt đối xử với nữ giáo dân và nữ tu. Người ta kể ở Sài Gòn có giáo xứ mang tên là Cái Cấm, trước đây có một cha xứ về đó, ông không cho phụ nữ vào nhà xứ và không cho xơ nào tham gia vào sứ vụ gì của giáo xứ. Nên giáo dân đổi lại tên của giáo xứ là “Cấm Cái!”
Ở trong các Chủng viện thì sao? Chúng ta nên lắng nghe nữ tu Têrêsa Kim Sung Hae, Hàn Quốc chia sẻ trong một hội nghị về đào tạo linh mục: “Việc đào tạo linh mục hiện nay không cung ứng các điều kiện tự nhiên cho các chủng sinh hình thành một quan niệm tích cực về phụ nữ. Vì môi trường đào tạo toàn là đàn ông. Nhưng khi ra làm linh mục, họ gặp phần lớn là các tín hữu nữ. Có nhiều linh mục trẻ lúng túng và hoảng sợ khi làm việc với nữ giới. Có những linh mục lại phân biệt đối xử với phụ nữ, lăng nhục họ khi có bất đồng, không coi họ là những môn đệ của Chúa.” Nữ tu này đề nghị: “Các chủng sinh cần được đào tạo về tâm lý phụ nữ. Chủng viện nên có giáo sư nữ và linh hướng nữ, để họ có thể chia sẻ kinh nghiệm tâm linh dưới nhãn quan của nữ giới.” Đây không chỉ là ý kiến riêng của nữ tu này, mà đây cũng là ý muốn của Hội Thánh. Ratio của Bộ Giáo sỹ gần đây cũng quả quyết: “Sự trưởng thành của chủng sinh trong tương quan với nam giới và nữ giới, thuộc mọi lứa tuổi… là dấu hiệu họ đã phát triển nhân cách một cách hài hoà… Người nữ luôn có mặt trong suốt tiến trình giáo dục và góp phần rất nhiều cho sự phát triển toàn diện của con người. Họ cống hiến một chứng từ đầy tính xây dựng về sự khiêm tốn phục vụ, về lòng quảng đại, vô vị lợi, tính nhạy bén và lòng đầy nhân ái” (như các xơ nhà bếp). Vì phụ nữ thường chiếm đa số trong cuộc sống và sứ vụ linh mục, nên các chủng sinh cần được đào tạo trưởng thành về mặt nhân bản và thiêng liêng, như Đức Giáo Hoàng Phaolô II đã nhắc nhở: “Chúng ta sẽ đặc biệt quan tâm suy tư về chủ đề ‘thiên tài của người nữ’, không phải chỉ để chúng ta nhận ra những nét nằm trong ý định rõ rệt của Thiên Chúa…, mà còn là để chúng ta dành cho người nữ một chỗ lớn hơn trong toàn bộ đời sống xã hội, và cả trong đời sống Giáo Hội nữa.” Bộ Giáo sỹ cũng đề nghị các Chủng viện nên mời các nữ giáo dân và nữ tu vào tham gia vào việc đào tạo linh mục như dạy, tư vấn, linh hướng cho các chủng sinh theo khả năng chuyên môn của họ (x. Ratio s. 95 và 151).
Đó cũng là giấc mơ của Đức Phanxicô về Hội Thánh hiệp hành, trong đó mọi người đều bình đẳng, hiệp thông và tham gia sứ vụ. Điều mà thánh Phaolô nhắc nhở Timôthê trong bài đọc I rằng hãy theo đuổi giáo lý chính thống để có chính hành trong đời sống cũng là lời nhắc nhở cho chúng ta hôm nay (1 Tm 6,2-12). Vấn đề là chúng ta có dám thay đổi không?
No comments:
Post a Comment