Saturday 25 November 2023

Sống tình huynh đệ linh mục trong giáo phận

Đề tài I: Sống tình huynh đệ linh mục trong giáo phận

(Trong những ngày tĩnh tâm của linh mục đoàn giáo phận Hà Tĩnh từ ngày 13-18/11/2023), mỗi sáng có một bài nguyện ngắm trước thánh lễ. Tôi được mời gọi đóng góp hai bài trong số 5 bài).

Những ngày tĩnh tâm năm chúng ta có cơ hội được gần bên nhau. Thật phù hợp để chúng ta suy niệm chủ đề: sống tình huynh đệ linh mục giáo phận. 

I. Trước hết, tình huynh đệ linh mục phát xuất từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính tình yêu, hiệp nhất, tương liên và bình đẳng của Ba Ngôi khai sinh mọi tình huynh đệ nhân loại. Hơn nữa, Chúa Cha sai Chúa Con và Chúa Thánh Thần đến thế gian để đồng thiết lập một đại gia đình rộng lớn, trong đó mỗi người đều có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em của nhau. Trong đêm trước khi tử nạn, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Và nơi khác Chúa nói: “Còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23,8). Thiên Chúa ngõ với con người không như ông chủ với nô lệ, nhưng như bạn hữu và mong muốn con người cũng đối xử với nhau như thế. Người đã mở con đường cho ta tiến vào tình bằng hữu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Đó là tình bằng hữu phổ quát, vô hạn và cao thượng. 

Cả Do Thái lẫn Hy Lạp và La Mã cổ đại đều coi tình bạn như thế là không thể. Vì không thể có tình bạn giữa người tốt với người xấu, giữa nam với nữ, và giữa bề trên với bề dưới. Vịnh gia cũng đã chẳng nói: “Con không ngồi chung với quân xảo trá, chẳng giao du cùng bọn  giả hình” (Tv 26,4). Nhưng Thiên Chúa của chúng ta hướng về những tình bạn khác biệt. Người yêu Giacóp - kẻ lừa gạt; và Đavít - một kẻ sát nhân và ngoại tình; và Salômôn - một ông vua thờ ngẫu tượng.

Với Chúa Giêsu, tình bạn đạt tới sự viên mãn. Xung quanh Người là bạn bè, cả đàn ông và phụ nữ. Đó là một cộng đoàn gồm những bạn hữu hiệp nhất với nhau trong Hội Thánh nhờ các bí tích và được sai đi loan báo Tin Mừng.

Do đó, các linh mục được phong chức, đều thuộc về Chúa Kitô và liên kết với nhau, cùng với Giám mục làm nên “linh mục đoàn giáo phận”. Dưới sự hướng dẫn của Giám mục, mỗi linh mục hiệp nhất, tương liên, và cộng tác với nhau không phải dựa trên yếu tố vùng miền, tình cảm, linh tộc, huyết tộc, văn hoá, hay cùng sở thích…, nhưng cách chính yếu dựa trên nền tảng thần học và hữu thể học này, đó là “tình huynh đệ bí tích”, hay nói theo Đức Giáo hoàng Phanxicô, “tình huynh đệ thần bí”. Nó là tương quan phát xuất từ Thiên Chúa và từ Hội Thánh, tạo nên căn tính thuộc về của linh mục. Nên xét là linh mục mà không sống “tình huynh đệ bí tích” thì không thực sự là linh mục theo nghĩa đầy đủ nhất. Vì tình huynh đệ tạo nên môn đệ tính và tông đồ tính nơi linh mục.

Vì những lý do trên, tôi cần xét mình xem tôi đã sống tình huynh đệ linh mục như thế nào?

II. Vì mối liên hệ mật thiết này mà Kim Chỉ Nam về Đời sống và Tác vụ linh mục dạy: “Linh mục đoàn là một nơi ưu tiên mà linh mục phải có thể tìm thấy những phương tiện đặc thù của việc đào luyện, thánh hoá và rao giảng Tin Mừng. Đó là nơi mà linh mục phải được giúp đỡ để vượt qua những giới hạn và yếu đuối của bản tính con người.

Do vậy, linh mục phải nỗ lực tránh việc sống chức tư tế của mình một cách cô lập và chủ quan. Ngài phải tìm cách thăng tiến tình hiệp thông huynh đệ bằng cách cho và nhận - giữa anh em linh mục - sự ấm áp tình bạn, sự an ủi giúp đỡ, sự đón tiếp, sửa lỗi cho nhau cách chân thành… Khả năng vun trồng và sống tình thân hữu linh mục cách trưởng thành và sâu sắc sẽ là một nguồn suối đem lại sự thanh thản và niềm vui cho việc thi hành tác vụ, một sự nâng đỡ quyết định trong những lúc khó khăn, và một sự trợ giúp quý giá làm gia tăng đức ái mục tử, mà linh mục cần phải thể hiện cách đặc biệt với cách anh em đang gặp khó khăn, rất cần đến sự cảm thông, trợ giúp và nâng đỡ. Tình huynh đệ linh mục, biểu hiện của luật bác ái, phải trở nên một gợi nhớ sinh động về Chúa Kitô và một chứng tá tông đồ về sự hiệp thông” (Id., số 36.37).

Để được như thế, chúng ta được mời gọi xa lánh những điều làm tổn hại đến tình huynh đệ linh mục giáo phận. Đó là tính kiêu ngạo, ghen tỵ, nói xấu, vu cáo nhau; đó là tinh thần thế gian, cụ bộ, phe nhóm, óc địa phương, lươn lẹo và lạm quyền; đó là thái độ lừng khừng, vô cảm, bất kính với nhau v.v... Nếu tinh thần “thế gian” lên ngôi thay vì tinh thần Tin Mừng, giáo phận không chóng thì chầy sẽ nát! Giáo dân sẽ rất vui mừng khi thấy linh mục yêu thương nhau. Nhưng họ cũng rất thất vọng khi thấy các linh mục chống đối nhau.

Ngày nay, có biết bao gương xấu xảy ra! Than ôi, cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục đã làm cho những tình bạn và tình huynh đệ bị nghi ngờ. Nhiều người vẫn không tin có một tình bạn trong sáng giữa nam và nữ; đàn ông sợ bị buộc tội; phụ nữ sợ bị bạo lực; giới trẻ sợ bị lạm dụng. Hơn cả tội phạm đến điều răn thứ 6, đó là tội chống lại tình bạn. Trong Thần Khúc của thi sĩ Dante, tầng sâu nhất trong hoả ngục được dành riêng cho những kẻ phản bội lại tình bạn. Nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta hãy cố sống tình huynh đệ rộng lớn của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay như một phong cách sống và chứng tá của người môn đệ Chúa. Vì sức khoẻ của một giáo phận hệ tại nơi sức khoẻ của tương quan giữa Giám mục và linh mục đoàn trong giáo phận.

Vậy, tôi cần có những quyết tâm nào để thay đổi và xây dựng tương quan với anh em tốt hơn?

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương


No comments:

Post a Comment