Saturday, 22 February 2025

Phêrô, con là đá!

Lễ Kính Lập Tông Toà Thánh Phêrô (22/2)

Hôm nay, chúng ta mừng lễ kính Lập Tông toà Thánh Phêrô. Lễ này có một nét đặc biệt, đó là không phải mừng kính một vị thánh, nhưng là một thánh tích, đó chính là ngai toà của Thánh Phêrô, hay đúng hơn, đó là chiếc ghế mà Thánh Phêrô đã dùng để ngồi giảng dạy và chủ trì các cuộc hội họp của Hội thánh sơ khai. Chính ngai toà này trong tiếng Latin gọi là Cathedra Petrini hay là Sedes Petrini. Chiếc ghế này được làm bằng gỗ rồi và vẫn còn lưu giữ ở Rôma. 

Mãi đến thế kỷ XVI, kiến trúc sư Berbini phục hồi lại và hiện đang được đặt ở cung thánh đền thờ Thánh Phêrô. Ngai toà này có bốn chân, được bốn tiến sĩ nâng giữ, một bên là Thánh Ambrôsiô và Thánh Augustinô đại diện cho Hội thánh Tây Phương, còn bên kia  Thánh Gioan Kim Khẩu và Thánh Athanasiô đại diện cho Hội thánh Đông Phương.

Ngai toà là biểu tượng của sứ vụ riêng biệt của Thánh Phêrô và các Đấng kế vị ngài, tức là các Giáo hoàng, để chăm sóc đoàn chiên của Chúa và gìn giữ họ được hiệp nhất trong đức tin và đức ái. Nói cách khác, ngai toà là biểu tượng của quyền bính của vị Giám mục Rôma, đặc biệt là quyền giảng dạy và gìn giữ đức tin của Hội thánh. Ngài có vai trò chính yếu là “cũng cố niềm tin cho anh em của mình” (Lc 22,32) như là thầy dạy, là thượng tế và mục tử của Hội thánh toàn cầu.

Từ quyền bính này phát xuất quyền bính của Giám mục. Khi chúng ta đi vào một nhà thờ chính toà, nếu chúng ta để ý, sẽ thấy trên cung thánh có ngai toà Giám mục. Nếu Giám mục sở tại dâng lễ, ngài sẽ ngồi trên đó, nếu không, ngai toà sẽ được để trống. Ngai toà đó diễn tả quyền bính giảng dạy, thánh hoá, và lãnh đạo của vị Giám mục.

Bởi thế, khi Đức Giáo hoàng hay Giám mục ở tại nghỉ hưu hay qua đời, thì Giáo luật gọi là sedes vacante, trống toà. Khi Giáo hoàng và Giám mục sở tại còn trị vì, thì gọi là sedes plena.

Ngày lễ lập tông toà Thánh Phêrô còn có ý nghĩa đặc biệt, vì theo niềm tin của Thánh Truyền, ngày 22/2 là ngày mà Chúa Giêsu trao quyền lãnh đạo cho Thánh Phêrô, khi Chúa phán: “Anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây dựng Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nỗi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19). 

Lời tuyên bố của Đức Giêsu là nguồn gốc của sứ vụ cao cả được giao phó cho Thánh Phêrô thực hiện trong cộng đoàn tiên khởi, và theo truyền thống Công Giáo, đây cũng là nguồn gốc của quyền tối thượng mà các Đức Giáo hoàng được lãnh nhận với tư cách là Đấng kế vị Thánh Phêrô. 

Thánh lễ này giúp chúng ta đào sâu vai trò và sứ vụ của Thánh Phêrô và các vị Giáo Hoàng xuyên suốt lịch sử. Dù bất toàn, yếu đuối, bồng bột, nhưng Thánh Phêrô vẫn được Chúa Giêsu tin tưởng, chọn và giao phó cho ngài vai trò đứng đầu Hội thánh. Và sau đó, Phêrô đã đáp trả lòng tin đó bằng việc thể hiện bản lĩnh tuyệt vời của một người đứng đầu trong Hội thánh. Đọc lại các thư của Ngài viết, ta thấy rõ điều đó. Nhất là những lời đầy tâm huyết của một vị mục tử như được diễn tả trong bài đọc I hôm nay. Đó cũng là mẫu gương để chúng ta noi theo. 

Đồng thời, qua Thánh lễ này, Hội thánh cũng muốn mời gọi mỗi người chúng ta hãy hướng về vị Cha chung là Đức Giáo hoàng Phanxicô, hiệp thông với ngài để cầu nguyện cho Hội thánh. Cách riêng là cầu nguyện cho ngài, để ngài luôn có đủ ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần mà lãnh đạo Hội thánh. Vì vị Giáo hoàng nào cũng là con người mỏng giòn, rất cần có ơn của Chúa và sự cộng tác nỗ lực của mỗi đoàn chiên khắp nơi trên thế giới. Chúng ta hãy hiệp ý cầu nguyện cho ngài và cho toàn thể Hội thánh. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

 

 

 

No comments:

Post a Comment