Tuesday, 11 April 2017

Để sống hạnh phúc

Chúa Nhật VIII, Thường Niên Năm A

Với Chúa Nhật này, Lời Chúa gợi cho chúng ta những bài học quý giá, đáng suy gẫm và áp dụng trong đời sống hằng ngày để sống hạnh phục. Đó là thái độ đúng đắn với tiền bạc, biết tin tưởng vào Chúa quan phòng và cuối cùng là biết ưu tiên tìm kiếm Nước Trời.

1. Thái độ đúng đắn với tiền bạc

Tiền của tự thân là tốt, có giá trị và có ích cho cuộc sống chúng ta. Tiền của vốn có một sức mạnh vạn năng như người đời vẫn thường nói: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền,” “có tiền mua tiên cũng được.” Tiền của có một sức hút khủng khiếp, nên nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: “Còn tiền còn bạc còn đệ tử. Hết cơm hết gạo hết ông tôi.” Hay người xưa có câu: “Bần cư trung thị vô nhân vấn, phú quý sơn lâm hữu khách tầm.”
Theo ánh sáng của đức tin, tiền của là hồng ân Thiên Chúa ban để giúp con người sống tốt, hạnh phúc và đúng nhân phẩm mình. Tiền của sẽ trở nên tốt nếu chúng ta coi nó phương tiện, là đầy tớ, nhưng nó sẽ trở nên xấu nếu chúng ta coi nó là mục đích, là ông chủ: “Đồng tiền là một tên đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ xấu.” Nếu chúng ta coi tiền của như là ông chủ, chúng ta sẽ tự biến mình thành đầy tớ phục lụy nó. Nếu chúng ta coi tiền của là trên hết, chúng ta trở thành những tên đầy tớ tham lam, ích kỷ và độc ác, sẵn sàng làm bất cứ điều gì miễn là có lợi cho mình, bất chấp luân thường đạo lý, lương tâm và chân lý.
Bởi thế, tiền của trở thành cơn cám dỗ triền miên của con người. Người ta nói rằng: “Muốn biết người đó là ai, hãy nhúng họ vào dung dịch của đồng tiền!” Ai trong chúng ta cũng cần tiền của để sống, nhưng từ cần tiền đến thích tiền, từ thích tiền đến tham tiền. Theo vòng xoáy đó, con người chạy theo đồng tiền, tôn thờ đồng tiền mà quên Thiên Chúa, tha nhân và đạo lý.
Nhà văn nổi tiếng Đan Mạch Anderson có những câu chuyện cười thiếu nhi khá thú vị cho người lớn: Có một em bé, cứ mỗi buổi sáng đi học, mẹ cho bé một đồng tiền để khuyến khích bé học giỏi. Một hôm bé nhận một đồng tiền, rồi vui vẻ hăng hái đến trường. Nhưng dọc đường bé vô ý làm rơi mất đồng tiền. Thế là bé ngồi khóc, không chịu tới trường.
Một lát sau, có một người qua đường thấy bé đang khóc thì hỏi: “Tại sao con khóc?” Bé trả lời: “Con làm mất một đồng tiền mẹ cho rồi.” Người đó nói với bé: “Thôi bé đường khóc nữa. Bé sẽ có lại đồng tiền đó mà.” Thế là người đó tặng bé một đồng tiền. Bé đứng lên và tiếp tục đến trường. Nhưng đi được một quảng đường, bé lại ngồi khóc. Người đó quay lại hỏi: “Tại sao con lại khóc? Có phải con lại làm mất đồng tiền đó rồi ạ?” Bé liền trả lời: “Dạ không. Nhưng nếu con không làm mất đồng tiền của mẹ cho con thì bây giờ con đã có hai đồng rồi!”
Một đứa bé đã có khuynh hướng thích tiền và tham tiền rồi. Có một, muốn hai, có voi đòi tiên. Tâm lý chung con người là như thế.
Bởi thế, Đức Giêsu hôm nay nhắc nhở chúng ta: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24). Chúa Giêsu không phủ nhận giá trị của tiền bạc. Nhưng Chúa chỉ muốn dạy các môn đệ và chúng ta phải có tầm hồn khó nghèo (Mt, 5,3), nghĩa là tránh thói tham lam tiền bạc, bởi vì, thánh Phaolô dạy: “Lòng tham tiền của là cội rễ của mọi điều gian ác” (1 Tm 6,10). Thật vậy, chính lòng tham tiền đã biến Giuđa từ một tông đồ trở thành kẻ phản bội, sẵn sàng bán nộp Thầy với giá 30 đồng bạc (x. Mt 26,14-16). Và kẻ có lòng tham lam tiền bạc thật khó vào Nước Thiên Chúa: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu (tham tiền) vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10,26).

2- Tin tưởng vào tình Chúa quan phòng

Dù có tiền của hay không có, cuộc sống con người vẫn luôn có nhiều nỗi lo lắng và lo sợ. Lo lắng cho gia đình có đủ cơm gạo áo tiền mỗi ngày. Lo sợ vì sinh bệnh lão tử… Biết lo lắng, tiên liệu cho cuộc sống thì tốt, nhưng quá lo lắng làm chúng ta sinh bệnh, mất ngủ và bất an. May mắn cho chúng ta vì được Lời Chúa hôm nay hướng dẫn. Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết cần có thái độ tin tưởng vào ơn Chúa quan phòng. Thiên Chúa là nơi chúng ta nương thân, là điểm tựa để chúng ta dấn thân, là chốn an toàn khi chúng ta gặp giông bão. Bởi vì, Thiên Chúa như người mẹ yêu thương và không thể nào quên đứa con thơ của mình (x. Isaia 49,15). Chúa Giêsu dùng hai hình ảnh rất cụ thể để nói về sự quan phòng: Chim trời không gieo không gặt, nhưng chúng vẫn được Cha trên trời nuôi sống; hoa huệ ngoài đồng không làm lụng, kéo rợi, thế mà, cả áo cẩm bào của vua Salomon vinh hoa tột bậc cũng không đẹp bằng. Thiên Chúa quan phòng nuôi sống chim trời, hoa cỏ, lẽ nào Người không lo lắng cho con người gấp bội sao? Vì thế, Chúa Giêsu dạy: “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó… Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt, 6,31.34). Đó là đức cậy của Kitô Giáo, là tin tưởng vào Chúa quan phòng, Người sẽ ban cho chúng ta mọi ơn lành cần thiết cho chúng ta. Bởi thế, chúng ta hãy ký thác đường đời cho Chúa, vì Người hằng săn sóc anh em.

3- Ưu tiên tìm kiếm Nước Trời

Từ việc nhắc nhở chúng ta có thái độ đúng đắn với tiền của và biết sống phó thác, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta biết ưu tiên tìm kiếm Nước Trời khi nói: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6,33).
Thật vậy, Nước Trời là giá trị tối thượng và là mục đích tối hậu của người Kitô hữu. Bởi vì, Nước Trời chính là Thiên Chúa, là sự sống đời đời, là hạnh phúc vĩnh cửu. Có Nước Trời là có tất cả. Mất Nước Trời là mất tất cả. Vì thế, người môn đệ Chúa Giêsu phải biết ưu tiên tìm kiếm Nước ấy. Mọi sự khác là cần thiết nhưng không được đặt lên trên Nước Trời. Đây là bậc thang giá trị chọn lựa của người Kitô hữu. Thế gian thường coi của cải vật chất, danh vọng và hưởng thụ là trên hết. Còn chúng ta coi Nước Trời là trên hết, là quan trọng nhất, là ưu tiên nhất, còn những thứ khác là thứ yếu. Sống theo chọn lựa đó, ắt chúng ta sẽ không nô lệ cho vật chất, không bán rẻ lương tâm vì tiền của, nhưng biết sử dụng tiền bạc và tất cả những gì mình có để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.
Như thế, nếu mỗi người sống theo tiêu chuẩn đó, nghĩa là có thái độ thanh thoát trước tiền của, biết tín thác vào Thiên Chúa và ưu tiên tìm kiếm Nước Trời, chúng ta sẽ được bình an trong cuộc sống này, và sẽ được ban phần thưởng thiên đàng trong cuộc sống mai sau. Lạy Chúa, xin Chúa cho con biết chọn Chúa là đối tượng lớn nhất lòng trí con. Amen!