Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37
Bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta tới chứng kiến một phép lạ chữa lành rất ý nghĩa do Chúa Giêsu thực hiện và được thánh Máccô trình thuật ở 7,31-37.
1- Phép lạ của tình yêu cứu độ
Qua trình thuật này cũng như các
trường hợp chữa lành khác trong Tin Mừng, chúng ta nhận thấy rằng Chúa Giêsu
không làm phép lạ như những thầy phù thuỷ đung đưa cây đũa thần hay kích những
ngón tay ma thuật của mình để đánh lừa ánh mắt của những người quan sát. Trái
lại, khi người ta đưa một người vừa câm vừa điếc đến để xin Người đặt tay, Chúa
Giêsu kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, Người đặt ngón tay vào lỗ tai, và nhổ
nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói:
“Épphatha” – hãy mở ra!” Lập tức tai anh mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh
nói được rõ ràng.
Tất cả những hành động này của
Chúa đối với bệnh nhân nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu luôn đồng cảm với những
con người gặp cảnh đau khổ và bệnh tật; Người chia sẻ một cách sâu xa với những
bất hạnh đang đè nặng lên cuộc sống của họ. Thánh Máccô muốn làm nổi bật điều này:
Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Độ của loài người, Người là hiện thân của lòng thương
xót Thiên Chúa. Điều mà tiên tri Isaia tiên báo trong bài đọc I nay đã được ứng
nghiệm: “Hãy can đảm lên, đừng sợ!... Ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính
Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được”
(Is 35,4.6).
Trong một lần khác, sau khi Chúa
Giêsu đã chữa lành mọi kẻ ốm đau, khi thấy ứng nghiệm lời tiên tri Isaia, tác
giả Tin Mừng chú thích: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy
các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17; x. Is 53,4).
Tự bản chất, các phép lạ do Chúa
Kitô làm không bao giờ dừng lại trên chính nó; chúng là những dấu chỉ hướng tới
ý nghĩa bên trong và hướng tới đức tin. Điều mà Chúa Giêsu mỗi lần thực hiện
cho một người trên bình diện thể lý diễn tả điều Người muốn làm cho mỗi người mỗi
ngày trên bình diện tâm linh.
2- Căn bệnh câm điếc tâm linh
Thật vậy, người đàn ông được chữa
lành bởi Chúa Giêsu là một người vừa câm vừa điếc; anh ta không có thể giao
tiếp với những người khác, người ta không thể nghe anh ta nói và diễn tả những
cảm xúc hay nhu cầu của mình. Nếu hiểu rằng câm điếc là không có khả năng để giao
tiếp và liên lạc với người bên cạnh, để xây dựng các tương quan tốt đẹp, thì điều
này làm chúng ta nhận thức ngay lập tức rằng tất cả chúng ta ít hay nhiều theo
cách thức nào đó là những người vừa câm vừa điếc, đó là lý do tại sao Chúa Giêsu
gửi tới tất cả chúng ta tiếng kêu này của Người: “Épphatha” – hãy mở ra!”
Ở đây, có sự khác biệt giữa sự câm
điếc thể lý và câm điếc tinh thần. Sự câm điếc thể lý không lệ thuộc vào cá nhân
anh ta, nhưng do số phận, có thể do bẩm sinh, nên anh ta hoàn toàn không đáng
trách; trong khi đó, sự câm điếc luân lý hay tinh thần lệ thuộc vào chính đương
sự, vào chính chúng ta, và nó là điều đáng trách, có khi là tội nữa.
Ngày hôm nay người ta nói nhiều về
bệnh “câm điếc thể lý” và tìm kiếm nhiều phương thức chữa trị, giúp các bệnh
nhân cải thiện và hoà nhập vào xã hội, nhưng lại tránh né nói về căn bệnh câm điếc
tâm linh và luân lý trong đời sống.
Hình ảnh người câm điếc hôm nay
khiến chúng ta phải phản tỉnh và suy nghĩ về sự câm điếc tâm linh.
Chúng ta bị câm điếc, khi không
còn lắng nghe tiếng kêu cứu của người khác và chúng ta thích đặt
một bức tường hay một lớp kính hai mặt của thái độ dửng dưng giữa chúng ta
với tha nhân.
Chúng ta bị câm điếc khi chúng ta
lệch lạc, hay chủ quan, thiên tư thiên vị khi đánh giá người khác chỉ dựa theo
hào nhoáng bên ngoài hay đề cao của cải, khi coi trọng người giàu và ruồng bỏ
người nghèo, như thánh Giacôbê cảnh báo chúng ta trong bài đọc II (x. Gc
2,1-5).
Các bậc cha mẹ bị câm điếc khi
không còn đọc thấy và hiểu ra nơi những thái độ khó hiểu và xáo trộn của những người
con chứa đựng lời van xin cha mẹ hãy quan tâm và yêu thương chúng.
Một người chồng bị câm điếc khi
anh không nhận ra những dấu hiệu trong sự lo lắng của người vợ về sự kiệt sức
và mệt mỏi hoặc cần sự giải thích, hay một sự thấu hiểu trong lúc khó khăn. Và
điều này cũng áp dụng tương tự như thế đối với những người vợ. Người vợ cũng bị
câm điếc khi đối xử như thế với chồng.
Chúng ta bị câm điếc khi chúng ta
khép kín trong chính mình, vì sự kiêu hãnh, trong việc xa lánh người khác và sống
trong “chiến tranh lạnh,” trong khi có lẽ chỉ cần một lời xin lỗi hoặc một lời
tha thứ, chúng ta có thể làm hoà với nhau và mang lại hoà khí cho gia đình.
Chúng ta, những người nam nữ tu
sỹ là những người có thời gian để giữ thinh lặng trong ngày, đôi khi chúng ta xưng
thú trong toà giải tội rằng: “Con có làm ồn trong giờ thinh lặng.” Tôi nghĩ
rằng nhiều lúc chúng ta phải xưng thú ngược lại: “Con đã không phá tan sự thinh
lặng giữa con người anh em như con phải làm.” Đó cũng là triệu chứng câm điếc tâm
linh.
3- Phát xuất lại từ tình yêu
Tuy nhiên, điều quyết định cho chất
lượng giao tiếp không đơn thuần là nói hoặc không nói, nhưng là nói hoặc không
nói với tình yêu. Về điểm này, thánh Augustinô khuyên chúng ta trong một bài
phát biểu: “Trong mỗi hoàn cảnh chúng ta không thể biết cách chính xác điều nên
làm: nói hoặc thinh lặng, sửa lỗi hay cứ để cho mọi sự tiếp diễn. Ở đây có một
nguyên tắc có giá trị cho mọi trường hợp: Hãy yêu thương rồi hãy làm điều bạn muốn.” Vì thế, trước hết, chúng ta hãy có lòng yêu mến thực sự trong trái tim mình,
rồi nếu có phải nói, hãy nói với tình yêu mến, hoặc nếu phải thinh lặng, hãy
thinh lặng với tình yêu đó, và mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp bởi vì chỉ
điều tốt lành đến từ tình yêu mến.
Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu làm
sao để xây dựng tương quan với người khác theo một cách thế lành mạnh và đẹp đẽ
và nơi mà sự đổ vỡ của truyền thông bắt đầu, nơi mà sự khó khăn xuất phát. Đó là
khi Ađam và Evà ở trong tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa, thì tương quan
hỗ tương giữa họ cũng trở nên tốt đẹp: “Đây là xương bởi xương tôi,
thịt bởi thịt tôi” (St 2,23). Ngay khi tương quan của họ với Thiên Chúa bị cắt
đứt, vì sự bất phục tùng, lúc ấy những lời tố cáo nhau bắt đầu xuất hiện: “Vì
tại bà, vì tại ông…”
Đó là nơi mà con người phải bắt
đầu lại. Thật may mắn, Chúa Giêsu đến để hoà giải chúng ta với Thiên Chúa và
qua đó để hoà giải chúng ta với tha nhân. Người hoà giải chúng ta trước hết nhờ
các bí tích. Giáo Hội luôn luôn nhìn thấy trong những cử chỉ rất ấn tượng mà
Chúa Giêsu thực hiện cho người câm điếc (như đặt tay vào tai và rờ vào lưỡi
anh) là biểu tượng về các bí tích. Nhờ đó, Người tiếp tục “đụng chạm” vào
chúng ta một cách thể lý để chữa lành chúng ta một cách thiêng liêng.
Đó là lý do tại sao trong Phép
Rửa, thừa tác viên làm những hành vi trên thụ nhân được rửa tội như Chúa Giêsu đã
làm trên người câm điếc: Ngài đặt ngón tay vào tai và chạm vào miệng họ và nhắc
lại lời Chúa Giêsu: “Épphatha – hãy mở ra!”
Bí tích Thánh Thể đặc biệt giúp
chúng ta chiến thắng sự khiếm khuyết về việc liên kết với tha nhân, khi làm cho
chúng ta kinh nghiệm sự kết hợp tuyệt vời nhất với Thiên Chúa, khi chúng ta nên
một với Người và qua đó, chúng ta nên một với nhau. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment