Wednesday, 15 September 2021

Nỗi đau người Mẹ

 LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI
15/9
Chủ đề về Mẹ, đặc biệt là về nỗi đau của người mẹ, là nguồn cảm hứng vô tận cho con người mọi thế hệ.
Chỉ cần lướt qua trong lãnh vực âm nhạc, chúng ta thấy có rất nhiều bài hát ca ngợi về người mẹ hy sinh, đau khổ như thế nào: Chẳng hạn như bài “Bà Mẹ Quê” của Phạm Duy có những ca từ rất ý nghĩa:
“Mẹ quê, mẹ quê vất vã trăm chiều, nuôi một, nuôi một đàn con rất ngoan...
Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già, Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa,
Trời soi, trời soi bốc khói sân nhà, Nắng nhiều, nắng nhiều thì phơi lúa ra...
Hoặc bài “Mẹ Tôi” của Trần Tiến:
Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con.
Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa;
Ngày xưa cha ngồi uống rượu, mẹ ngồi đan áo;
Ngoài kia, mùa Đông cây bàng lá đổ.  
Mẹ ơi! Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình.
Tuổi thơ như chiếc gối êm, êm cho tuổi già úp mặt...
Hay bài “Mẹ” của Phú Quang: “Mẹ là người đàn bà đầu tiên, Người đàn bà mãi mãi, không bao giờ phản bội. Ngay cả khi con ngu dại một đời.”
Đặc biệt bài “Bà Mẹ Giơ Linh,” hình ảnh người mẹ rất gần với Đức Maria dưới chân thập giá:
Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy.
Mẹ già tưới nước trồng rau
Nghe tin xóm làng kêu gào
Quân thù đã bắt được con
Mang ra giữa chợ cắt đầu
Hò ơi ơi ới hò
Hò ơi ơi ới hò
Nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu
Chiều về thôn xóm buồn teo
Xa xa tiếng chuông chùa gieo
Hò ơi ơi ới hò
Hò ơi ơi ới hò...”
Những hy sinh, đau khổ và tình mẹ trên đây giúp chúng ta tiếp cận, thấu hiểu và thấu những đau khổ, hy sinh và tình mẹ của Đức Maria: Mẹ đã đau khổ và hy sinh từ lúc mang thai Chúa, lúc sinh con, lúc đưa con sang Ai Cập, nhất là lúc dưới chân thập giá. Mẹ chứng kiến người con duy nhất của mình chết một cách tức tưởi, nhưng Mẹ không bỏ cuộc, không gục ngã, không thất vọng, nhờ đức tin và phó thác, Mẹ vẫn đứng vững trước mọi khổ đau như tột cùng. Mẹ là người hiện diện đầu tiên và cuối cùng trong mọi biến cố cuộc đời Chúa Kitô. Mẹ là anh hùng.
Ý tưởng về Đức Maria đã kết hợp với hy tế Con mình được diễn tả cách tinh tế và long trọng nơi bản văn Công Đồng Vaticanô II: “Đức Nữ Trinh cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, và Ngài đã đứng ở đó theo ý Chúa muốn (x. Ga 19,25). Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình và dự phần vào hy lễ của Con với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế hy lễ do lòng mình sinh ra.”[1]
Vì vậy, Đức Maria không chỉ đứng gần thập giá Chúa Giêsu theo nghĩa thể lý và địa lý. Mẹ hiện diện ở đó còn theo nghĩa tâm linh. Mẹ đã kết hợp với thập giá Chúa Giêsu; Mẹ đã cùng chịu đau khổ. Mẹ chịu đau khổ trong trái tim mình những nỗi đau mà Con Mẹ phải chịu trong thân xác. Mẹ là người hiện diện đầu tiên và cuối cùng trong mọi biến cố cuộc đời Chúa Kitô. Mẹ là anh hùng, Mẹ là vị tử đạo.
Như thế, Mẹ đã đồng công với Con mình trong hiến tế cứu chuộc thế giới.
Dưới chân thập giá, Mẹ đã sinh ra Giáo hội và mỗi người Kitô hữu, Mẹ đã sinh chúng ta ra trong đau khổ và đức tin.
Mừng lễ Đức Mẹ sầu bi, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm chân dung Đức Maria dưới chân thập giá để cảm tạ ơn Chúa đã cho chúng ta một người Mẹ tuyệt vời về lòng can đảm và niềm tin mạnh mẽ, đồng thời chúng ta được mời gọi noi gương Mẹ, sống mạnh mẽ, can đảm và không chùn bước trước mọi khó khăn thử thách. Bởi khổ luyện mới giúp ta trở nên người bản lĩnh, cứng cáp và mạnh mẽ hơn. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

[1] Lumen gentium, 58.

No comments:

Post a Comment