Khi
đọc các bản văn của thánh
Phaolô, như ta sắp làm ở đây, chúng ta không tìm thấy trong đó những ý tưởng
của chúng ta về trần tục hoá. Ngài đã sống trong một thế giới khác và trong một
thời đại khác. Tuy nhiên, dưới một vài khía cạnh nào đó, Ngài có thể xuất hiện
như một ông tổ của khái niệm này. Chúng ta thử tìm hiểu vắn tắt về ba từ mà các
thư của Ngài đã dùng để nói về vũ trụ. Tiếp đến, chúng ta sẽ suy nghĩ về ba
chiều kích như vũ trụ luận, nhân luận và đạo đức học được hàm ngụ trong tư
tưởng của thánh nhân, khởi từ tính mới mẻ của Đức Tin Kitô giáo. Nhưng chúng ta
nhận thấy, ba chiều kích này đôi khi lại hàm chứa lẫn nhau.
DÀN BÀI PHẦN I
-
Vũ trụ theo Phaolô
-
Sự trình bày có tính vũ trụ học theo Phaolô
-
Những trình bày có tính nhân học
Các
thuyết trình viên đã giúp chúng
ta hiểu điều này : trần tục hóa là một quan niệm khá mới trong lịch sử, một
cách thế mới để hình dung thế giới và xã hội, một cách thế mới để con người đối
diện với thực tại chính trị và lãnh vực tôn giáo.
Hơn
nữa, ở thời đại chúng ta, trần
tục hóa được liên kết với hiện tượng toàn cầu hóa, đặc biệt qua phương tiện
truyền thông điện tử và xã hội gọi là “xã hội tiêu thụ”.
Để nói về vũ trụ mà những tín hữu đang sống
trong đó, Phaolô sử dụng 3 hạn từ Hy Lạp mà ý nghĩa của chúng đôi lúc
hàm chứa lẫn nhau : thế gian (kosmos),
cõi đời (aiôn) và tạo thành (ktisis). Không cần đi vào những chi tiết
có tính thống kê và vì biết rằng thánh Tông Đồ không có ý xây dựng một khảo
luận về vũ trụ, chúng ta chỉ đơn cử một vài nét tiêu biểu. Từ kosmos có thể dịch sang tiếng Việt bằng
hai từ “thế giới” và “thế gian”. Khi có ý nghĩa tích cực và nêu lên việc Tin
Mừng được loan báo cách phổ quát trên khắp “thế giới” (kosmos) hay trong toàn cầu (Rm 1,8 ; 11,12 ; Cl 1,6). Nhưng Phaolô
khá thường xuyên coi “kosmos” là thế
gian như một lãnh địa của sự dữ phải bị Thiên Chúa xét xử (Rm 3,6). Đó là nơi
của sự chết (Rm 5,12-13), một lãnh địa mà sự khôn ngoan thiển cận của con người
chống lại sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,20-21), nơi mà tinh thần thế gian
thù địch với Thần Khí của Thiên Chúa (1Cr 2,12). Từ kosmos “thế gian” có lúc
mang nghĩa tiêu cực là vì tư tưởng này bắt nguồn từ những khái niệm thuộc tư
tưởng trong văn chương khải huyền của Do Thái, một mặt nhìn về cuộc sống vừa
hiện thực vừa có tính trần tục đau khổ, mặt khác nhìn đến cuộc sống tối hậu thuộc thiên giới.
Tư
tưởng tương phản này càng rõ nét do cách sử dụng hạn từ aiôn (cõi đời). Từ “đời” dùng ở số nhiều (“đời đời”) thì nói lên
chương trình của Thiên Chúa đời đời và lời ca tụng Ngài dưới dạng thức Tụng ca
(Rm 1,15 ; 9,5 ; 16,17 ; 2Cr 11,30 ; Pl 4,20). Số nhiều “đời đời” cho thấy rằng
Thiên Chúa điều khiển trong tất cả mọi nơi công trình sáng tạo của Ngài, qua
mọi thời gian và không gian. Nhưng, khi aiôn
(đời) dùng ở số ít và luôn theo nhãn quan văn chương khải huyền của Do Thái,
thì từ “đời” ở đây có nghĩa xấu (Gl 1,4) và bị thống trị bởi “ác thần của đời
này” (2Cr 4,4), đối với Phaolô, “đời” là một biểu tượng các thế lực tiêu cực
gây cản trở cho việc đón nhận Tin Mừng (2Cr 4,4). Chính tự trong nó, hạn từ aiôn (đời) hàm chứa chiều kích thời
gian, là dòng chảy đi từ đời này tới đời khác. Nhưng hạn từ đó cũng dễ dàng dẫn
xuất về ý niệm không gian, một đời là một “thời không”, một thế gian (kosmos) trong đó thế lực tiêu cực này
đang hoành hành. Theo nghĩa đó, Do Thái Giáo cổ thời gọi Thiên Chúa là Chủ của ôlâm (hoàn vũ), có nghĩa vừa là Thiên Chúa đời đời và vừa là chủ của thế giới này.
Hạn
từ thứ ba, “ktisis”, có ý nghĩa phong
phú hơn. Trái ngược với một số bản dịch Kinh Thánh trong ngôn ngữ Tây Phương,
ta không được phiên dịch từ ấy thành “thụ tạo” mà là “sự tạo thành”, nghĩa
là công trình tạo thành của Thiên Chúa. Sự tạo thành này là công trình trong
các lãnh vực khác nhau như thần thiêng, vật chất, động vật và con người ; công
trình tạo thành này đang sống và đang rên rỉ trong niềm mong chờ mạc khải cuối
cùng của con cái Thiên Chúa (Rm 8,19-21). Tín hữu là thuộc về Chúa Kitô, sẽ trở
thành vật tạo thành mới nhờ vào và từ tác động của Thiên Chúa (2Cr 5,17), một
sự tạo thành để chấm dứt, ở thời đại của Phaolô và theo Ngài, sự phân chia giữa
các Kitô hữu gốc Do Thái và gốc dân ngoại (Gl 6,15). Vả lại, theo một môn đệ
của Phaolô (Cl 1,15), Chúa Kitô là trưởng tử của tất cả công trình tạo thành.
Hạn từ Hy Lạp cuối cùng này, ktisis,
có thể linh ứng cho các Kitô hữu thuộc tất cả các châu lục trong nỗ lực trở
thành một nhân loại, bị trần tục hóa hay không, giúp cho việc bảo vệ môi
trường, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ công
trình tạo thành.
Ba
hạn từ của Phaolô : kosmos (thế giới, thế gian), ktisis (tạo thành), aiôn (cõi đời) mời gọi chúng ta tự vấn về những cách trình bày cổ
xưa mà thánh Tông Đồ dùng để giới thiệu về vũ trụ.
Chúng
ta hãy để cho mình được hấp dẫn
bởi những quan niệm có thể xem ra xa lạ, hay không xa lạ, đối với chúng ta.
Phaolô hình dung vũ trụ như một thế giới được cư ngụ bởi các quyền lực sinh
động cũng như vô hình. Các quyền lực này khi thì thuận lợi, khi thì thù địch
với nhân loại ; khi thì chúng giúp con người đi tới Thiên Chúa, khi thì
chúng ngăn cản con người liên hệ với Ngài. Truyền thống Kitô giáo sau này phân
biệt rõ ràng giữa thiên thần lành và thiên thần dữ. Nhưng trong thế giới cổ đại
thì không được phân biệt như thế. Dầu sao, các quyền lực này, con người, Do
Thái hay dân ngoại, đều khiếp sợ.
Nói
chung, những hữu thể này cư ngụ không phải trong các miền dưới đất, nhưng trong
không gian nguy hiểm : “trên đám mây” hay trên “không trung” (cf. 1Th 4,17),
trong vùng được định vị giữa đất và trời. Qua các thư của Ngài, chúng được gọi
là vô số các hữu thể vô hình mà Phaolô không đặt vấn đề về thực tại của chúng.
Chúng là thành phần của những trình bày tôn giáo và của trí tưởng tượng theo
văn hóa của thời đại. Đúng thế, đây là “sự chết hay sự sống, thiên thần, hay ma
vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay
vực thẳm hay bất cứ một thọ tạo nào …” (Rm 8, 38-39). Trời cao hay vực thẳm
biểu hiện sự vận chuyển của các tinh tú ; người ta còn nhớ, trong Do Thái Giáo
cổ thời, các tinh tú được coi là những hữu thể sống động, những quyền lực thuộc
thiên thần. Một danh sách khác lại gợi lên “thế gian (kosmos), sự sống, sự chết, hiện tại và tương lai” (1Cr 3,21). Những
hạn từ này bao trùm các thần linh theo ngoại giáo La Hy, như “thần chết” (thanatos) ; và thần này đã được hữu vị
hóa trong Do Thái Giáo cổ thời (cf. Is 25,8 ; Os 13,14). Thư gửi tín hữu Côlôsê
trình bày “Vương Trượng, Các Chúa, Quản Thần và Quyền Thần” (Cl 1,6 ; cf.
2,10.15). Tác giả của Thư gửi tín hữu Êphêsô còn mở rộng bảng liệt kê những hữu
thể này. Ngài viết : Chúa Kitô đã phục sinh, ngự trên trời, “trên mọi Quyền
Năng, Quyền Lực, Sức Mạnh và Quyền tối thượng và trên mọi tước vị có thể có
được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai” (Eph
1,20-21). Đoạn kết của Thư này còn thêm : “Vì chúng ta chiến đấu không phải với
phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị
thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Eph 6,12).
Tuy nhiên, trước đó, tác giả đã tóm tắt đội quân này vào trong một nhân vật độc
nhất, Ngài chỉ điểm nó như là “tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung”
(Eph 2,2).
Quang
cảnh đó rất xa lạ với những con mắt ngày nay, gợi lên ba nhận xét giúp chúng ta
tiếp cận chủ đề : “trần tục hóa”.
1)
Khi liệt kê những thần linh khác nhau này, Phaolô không đặt chúng trên bình
diện đức tin hay tín ngưỡng. Đây chỉ là vấn đề trình bày thế giới và con người,
trong bối cảnh văn hóa và não trạng của văn chương khải huyền Do Thái. Trong
khung cảnh đó, thánh Tông Đồ không đặt vấn đề các thần linh này hiện hữu hay
không, Ngài chỉ nghĩ như một sự hiển nhiên rằng chúng có đó. Theo não trạng
người Do Thái cùng thời, chúng ta cần nhắc lại đây rằng Ngài quan niệm vũ
trụ được cư ngụ bởi các hữu thể vô hình, ủng hộ hay thù địch với nhân loại.
Dưới
góc độ này, tính tân thời ngày nay là hàm hồ. Một đàng, nó cố gắng giải thoát
mình khỏi những bảo hộ của truyền thống ; những cấu trúc gia đình tổ tiên,
những di sản Phật giáo hoặc Lão giáo, đôi khi được coi như cản trở tự do cá
nhân. Đàng khác, tính tân thời này lại phát sinh ra những thực tế huyền thoại
vô hình khác, vừa thuận lợi vừa thù địch với chúng ta, giống như những truyền
thống tổ tiên tưởng là đã được bài trừ rồi. Chúng ta hãy nghĩ đến “thượng đế
Tin Học” và thiên thần của nó, Thư Điện Tử mà việc sử dụng chúng làm cho ta
được truyền thông với nhau trong thế giới cách rộng rãi và dễ dàng hơn. Và ở
đây, trong khi đó, nó lại giết chết thời gian nhiều giờ trước màn hình chúng
ta. Tiền bạc cũng vậy, nó cho phép chúng ta mua sắm những vật dụng có ích và
mình ưa thích. Cùng lúc đó, nó không ngừng thúc đẩy chúng ta phải mua nhiều
hơn. Tân Ước đã lưu ý ta phải chống lại mamôn,
Tiền Bạc (Mt 6,24 ; Lc 16,9.11.13), như là yếu tố cạnh tranh với việc ta gắn bó
với Thiên Chúa.
2)
Trong tác phẩm của Phaolô, những danh sách các thần linh vô hình không mạch lạc
với nhau. Chúng thay đổi giữa nhau (cf. J.D.G. Dunn, p. 104-110). Mỗi người
chúng ta đều có những con quỷ của mình. Và trong thời Cổ Đại ở Địa Trung
Hải, các con quỷ là những dạng “thần hạ đẳng” ám ảnh con người, nghĩa là các
thần. Nói tóm lại, Thánh Tông Đồ thuộc một thế giới muốn cố gắng giải thích tại
sao con người không phải luôn luôn làm điều mình muốn. Nhưng Phaolô không biên
soạn một chuyên đề về căn tính của các hữu thể xa lạ này. Nói cách đơn giản,
Ngài chấp nhận những cách trình bày có tính vũ trụ luận và nhân luận của người
đương thời của mình. Nếu Ngài sống vào thời nay, có thể ngài nói về thần Tin
Học, thần Đồng Tiền, hay thần Sex đang thống trị trong các sex-shops. Phaolô
dùng những trình bày huyền thoại mà chính Ngài đã chấp nhận. Nhưng, trong bối
cảnh này, Ngài giao chiến trong một cuộc chiến mà chúng ta sẽ nói cách vắn gọn
ở nhận xét cuối.
3)
Cần phải mở rộng cách đọc của chúng ta đối với văn chương Phaolô. Chúng ta nhớ
lại hai điều được thánh Tông Đồ lưu ý : “Anh em hãy cẩn thận giữ ngày, giữ
tháng, giữ mùa, giữ năm ! Anh em làm tôi sợ rằng tôi đã vất vả uổng công vì anh
em” (Gl 4,10-11). Và còn nữa, theo môn đệ hay thư ký của Phaolô :
“Vậy
đừng ai xét đoán anh em về chuyện đồ ăn thức uống, hay về mục ngày lễ, ngày đầu
tháng, ngày sabát. Tất cả những cái đó chỉ là hình bóng những điều sắp tới,
nhưng thực tại là thân thể Ðức Kitô. Ðừng ai viện cớ ‘khiêm nhường’ và ‘sùng
kính các thiên thần’ mà làm cho anh em mất phần thưởng chiến thắng; họ chìm đắm
trong những thị kiến của mình, vênh váo vì những suy tưởng theo lối người phàm”
(Cl 2,16-18).
Không
một tôn giáo nào, cho dẫu là một tôn giáo độc thần nhất, như Do Thái giáo, Kitô
giáo hay Hồi giáo đi nữa, cũng không thể nói rằng mình đã được giải thoát khỏi
thế gian tối tăm này. Do Thái giáo hiện đại cũng biết đến ma quỷ, những thần
thánh, những liliths dầu không bàn
luận gì về sự hiện hữu của chúng ; Hồi Giáo còn thêm vào các djinns ; người Công Giáo có việc tôn
kính các thánh nam nữ, đôi khi ra vẽ như thiện cảm với một thứ đa thần giáo.
Đức tin vào Thiên Chúa duy nhất, siêu việt, là một thách đố. Trong cuộc sống
thường nhật phức tạp và hàm hồ, nhiều khi chúng ta phải cần đến những hình ảnh
khác để đạt đến Thiên Chúa, Đấng bất khả đạt, xuyên qua công nghệ thông tin,
tiền bạc hay tình dục.
Những
viễn cảnh này không gây xáo trộn gì hơn là những thắc mắc của chúng ta trước
vấn đề trần tục hóa. Phaolô không đưa ra một lời trình bày mới mẻ về thế giới.
Nhưng ngài chiến đấu với những sợ hãi, những nỗi khiếp sợ liên quan đến thực
tại vô hình. Khi Ngài nói rằng “cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay
ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay
vực thẳm” (Rm 8,38-39), điều đó để khẳng định rằng không có bất cứ quyền lực bí
ẩn nào, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không gì có thể “tách được chúng
ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta”
(Rm 8,38-39).
Vả
lại, thư gửi tín hữu Côlôsê công bố rằng Chúa Kitô đã chấm dứt tính độc hại của
các hữu thể đáng sợ này. Thập giá đã xóa bỏ sức nặng của lề luật đè lên chúng
ta. Đấng Chịu Đóng Đanh “đã truất phế các quyền lực thần thiêng, đã công khai
bêu xấu chúng, đã điệu chúng đi trong đám rước khải hoàn của Người nhờ cây thập
giá này” (Cl 2,15). Đây là hình ảnh khải hoàn mượn từ thế giới quân đội La Mã.
Nó gợi lại nghi thức trong đó vị đại tướng cho kéo trong đám rước nghiêm trang
những tù binh mà ông đã xiềng xích. Phaolô áp dụng cho mình chính hình ảnh này.
Ở đây, Ngài tạ ơn Thiên Chúa là Đấng, nhờ Đức Kitô, Đấng khải hoàn, đã đặt các
tông đồ xuyên qua thế giới như những tù nhân do Người chọn lựa :
“Tạ
ơn Thiên Chúa, Ðấng hằng cho chúng tôi tham dự cuộc khải hoàn trong Ðức Kitô,
tạ ơn Người là Ðấng đã dùng chúng tôi mà làm cho sự nhận biết Ðức Kitô, như
hương thơm lan tỏa khắp nơi. Vì chúng tôi là hương thơm của Ðức Kitô dâng kính
Thiên Chúa, tỏa ra giữa người được cứu độ cũng như những kẻ bị hư mất. Ðối với
những người bị hư mất, chúng tôi là mùi tử khí đưa đến tử vong; nhưng đối với
những người được cứu độ, chúng tôi lại là hương sự sống đưa đến sự sống. Nhưng
ai là người có khả năng thực hiện những điều ấy? (2Cl 2,14-16).
Trước
đó, trong một lá thư khác, thánh Tông Đồ đã dùng đến một ẩn dụ tương tự : “Thật
vậy, tôi thiết nghĩ: Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm tông đồ hạng chót như
những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho
thiên thần và loài người!” (1Cr 4,9).
Trong
trích dẫn này, chúng ta hãy nhớ lại một lần nữa về toàn bộ vũ trụ : thế giới
(thế gian) (kosmos), thiên thần và loài người. Các thiên thần ở đây thuộc những
quyền lực thù địch với các tông đồ. Vì thế, đây một lần nữa, địa vị của chúng
là xấu. Thư gửi tín hữu Côlôsê, như chúng ta đã thấy, phê bình sự tôn sùng các
thiên thần (Cl 2,18). Trước những sai lạc về đời sống tính dục của cộng đoàn
Côrintô, thánh Tông Đồ nêu lên vấn nạn này được coi như để đặt vấn đề phẩm giá
luân lý của các tín hữu : “Nào anh em chẳng biết rằng chúng ta sẽ xét xử các
thiên thần sao?”. Môn đệ của Phaolô, tác giả thư gửi tín hữu Êphêsô, khẳng định
điều này : đó là thực tại lịch sử và trần thế của Giáo Hội, một Giáo Hội kết
hiệp vào hàng ngũ mình người Do Thái và dân ngoại, một Giáo Hội đã mạc khải cho
mọi Quyền Năng Thượng Giới được biết mầu nhiệm của Thiên Chúa, sự khôn ngoan
của Ngài, chương trình của Ngài, chương trình này được giấu kín từ bao thế hệ
(Eph 3,9-10). Thánh Tông Đồ còn đi xa hơn trong tuyên bố sau :
“Thật
thế, mặc dầu người ta cho là có những thần ở trên trời hay dưới đất, quả thực,
thần cũng lắm mà chúa cũng nhiều, nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa
là Cha, Ðấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một
Chúa là Ðức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà
chúng ta được hiện hữu” (1Cr 8,5-6).
Trong đoạn văn này, Phaolô đề cập đến phạm vi
chính trị. Ở thời đại Ngài, nhiều vua chúa mang tước hiệu là thần, là chúa. Vả
lại, chính trong bối cảnh đó, mà ta cần phải hiểu lời tuyên xưng phục sinh của
Tôma : “Lạy Chúa con và Thiên Chúa con (Ga 20,28). Vào giai đoạn Tin Mừng Thứ
Tư được biên soạn, chính đó là tên gọi kép mà hoàng đế Domitiano đã bắt quân
đội La Mã phải xưng ông như thế. Dĩ nhiên, những bậc quan quyền ngày nay không
còn bắt các thuộc hạ phải chào mình như thần như chúa nữa.
Nhưng
những cơ chế chính trị, khắp nơi trên thế giới, dù muốn dù không, vẫn có nguy
cơ bị thần thánh hóa, nhất là khi chúng hậu thuẫn cho sự trần tục hóa vật chất,
vì những lý lẽ kinh tế và thương mại, và triệt hạ, dầu không cố ý, những giá
trị tôn giáo truyền thống, chính những giá trị ngay trong Giáo Hội, cũng không
luôn hiểu được những thay đổi của thời đại.
Chúng
ta hãy tóm tắt phần suy tư này. Phaolô không đặt lại vấn đề những trình bày của
thế giới mình. Chính Ngài chia sẻ những quan niệm đó. Nhưng sứ điệp của Ngài là
thế này : Những sức mạnh bí ẩn làm cho chúng ta sợ hãi đã bị khuất phục trong
biến cố thập giá của Chúa Kitô, là Đấng, nhờ cái chết nghịch lý của mình, đã
thay đổi quan niệm của chúng ta về hoàn vũ. Nhờ cuộc tử nạn đó, thánh Tông Đồ
viết : “Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi
Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,39).
Có
thể hôm nay, Phaolô sẽ nói với chúng ta rằng chúng ta đừng sợ Truyền Thông,
Tiền Bạc, Tính Dục hay Lãnh Chúa Chính Trị ; toàn bộ những thế lực đó phải
trực diện với những thực tại thực hữu hoặc tự cho là thuộc ma quỷ. Nhưng tất cả
đều bao hàm việc chúng ta chinh phục được tự do Kitô giáo, theo quan điểm đạo
đức học, phần cuối cuộc suy tư của chúng ta.
DÀN BÀI PHẦN II:
- Những trình bày
thuộc đạo đức học
- Phải chăng thánh Phaolô là
ông tổ
của tư tưởng “trần tục
hóa” ?
Những trình bày thuộc đạo đức học
Văn
chương của Phaolô xem ra nổi bật nhờ một sự kiện : nó dùng tính từ “tự do”
(eleutheros) mười sáu lần trong khi
toàn bộ Tân Ước dùng hai mươi ba lần; năm lần dùng động từ “giải thoát” (eleutheroô) trong khi toàn bộ Tân Ước
dùng bảy lần; bảy lần dùng danh từ “tự do” (eleutheria)
trong khi Tân Ước dùng mười một lần. Danh từ này áp dụng cho nhiều thực tại
khác nhau, chẳng hạn, theo phương diện xã hội học, dùng để phân biệt sự khác
nhau giữa người nô lệ và người tự do, theo cùng ý nghĩa như thế trong 1
Côrinthô 12,13 ; Galata 3,28 ; Êphêsô 6,8. Đây còn là vấn đề về các
tương quan hôn nhân nữa (1Cr 7,3.11.22.39). Chúng ta hãy trích dẫn một đoạn đặc
biệt. Trong Galata 4 (các câu 22.26.30.32), thánh Tông Đồ so sánh cách tương
phản giữa nhân vật Sara, người phụ nữ tự do của Abraham, và Agar, người nô lệ.
Đối với Phaolô, Sara là tổ tiên của các Kitô hữu gốc dân ngoại ; Agar là
mẹ của những người Do Thái không Kitô giáo. Ngài so sánh các truyền thống tổ
tiên với đời sống theo lời hứa, một cuộc sống được hướng dẫn nhờ Thánh Thần
(cf. Gl 3,2-3). Chúng ta hãy trích lời dẫn nhập về điều mà chính tác giả gọi là
“một sự ẩn dụ” :
“Hãy
nói cho tôi hay: anh em là những người muốn sống dưới Lề Luật, anh em không
nghe Lề Luật nói gì sao? Thật vậy, có lời chép rằng: ông Ápraham có hai người
con, mẹ của một người là nô lệ, mẹ của người kia là tự do. Nhưng con của nguời
mẹ nô lệ thì sinh ra theo luật tự nhiên; còn con của người mẹ tự do thì sinh ra
nhờ lời hứa” (Gl 4,21-23).
Chúng
ta hãy nhớ lại bối cảnh lịch sử của sự phát triển văn chương khác lạ này. Đối
lập với quan điểm của thánh Tông Đồ, những nhà truyền giáo Kitô hữu gốc Do Thái
đến miền Galata và đã nói điều này với những người mới trở lại đạo : Nếu
anh em muốn trở thành những Kitô hữu đích thực, anh em cần phải cắt bì, bởi vì
Đức Giêsu là Đấng Messia của Israel, một Israel mà từ nay anh em thuộc về nhờ đức
tin của anh em vào Đấng Messia. Nói cách khác, chính họ đề nghị rằng anh em cần
phải theo truyền thống tổ tiên Do Thái, và anh em không để cho mình bị quyến rũ
bởi tự do quá trớn mà ông Phaolô đề nghị cho anh em đối với các truyền thống
văn hóa và tôn giáo. Trong bối cảnh này, tác giả tỏ ra gay gắt đối với những
nhà truyền giáo hay cạnh tranh bảo vệ những giá trị của một truyền thống bảo
thủ. Ngài viết : “Những kẻ làm cho anh em bị rối loạn (ám chỉ về sự cắt
bì), phải chi họ tự thiến cho xong!” (Gl 5,12). Chúng ta dịch như thế
này : Phải chi những kẻ bảo vệ truyền thống và muốn áp đặt lên anh em, họ
hãy thực hiện tới cùng. Theo quan điểm này, thánh Tông Đồ phân biệt giữa Israel
và “Israel của Thiên Chúa” (Gl 6,15), có nghĩa là những người Do Thái trở thành
Kitô hữu. Trong ngôn ngữ phức tạp về sự tự do theo thánh Phaolô, chúng ta hãy
trích hai đoạn quan trọng.
Các Kitô hữu được giải thoát khỏi những truyền
thống cha ông được lưu truyền bởi Do thái giáo và các ngoại giáo (cf. Gl 4,8-11) :
“Trước
kia, khi chưa biết Thiên Chúa, anh em làm nô lệ những vật tự bản chất không
phải là thần. Nhưng nay anh em đã biết Thiên Chúa, hay đúng hơn được Thiên Chúa
biết đến, làm sao anh em còn trở lại với những yếu tố bất lực và nghèo nàn ấy,
còn muốn làm nô lệ chúng một lần nữa? Anh em cẩn thận giữ ngày, giữ tháng, giữ
mùa, giữ năm! Anh em làm tôi sợ rằng tôi đã vất vả uổng công vì anh em!” (Gl
4,8-11).
Nhưng
chúng ta hãy nắm vững chiều kích nền tảng của tự do trong thư này. Chúng ta
không được giải thoát cho bất cứ điều gì.
Nhưng chúng ta được giải thoát cho một điều gì đó. Những từ ngữ của thánh Tông
Đồ có nguồn gốc trong thế giới Kinh Thánh mà Ngài so sánh sự nô lệ và việc làm
con Thiên Chúa. Đức Chúa là Thiên Chúa yêu cầu Pharaon giải phóng Israel khỏi
tình trạng nô lệ của mình : “Hãy để con cái ta đi, để nó phục vụ ta (Xh
4,23). Thánh Tông Đồ dùng lại cùng một sự so sánh này với những gì liên quan
đến dân ngoại, một thời bị nô lệ cho các thần minh của họ và đã trở thành Kitô
hữu : “Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con
thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa”. Chúng ta hiểu “người con trưởng
thành” và người thừa kế có đầy quyền lợi (Gl 4,7). Vì, trong văn hóa gia trưởng
mà nó tồn tại mãi đến hôm nay, và có thể khác biệt với quan điểm của Chúa Giêsu
(cf. Mc 9,33-37 ; 10,13-16), Phaolô cho rằng khái niệm văn hóa này phổ
biến mà không vấn đề gì ở thời Ngài : “Tôi thiết nghĩ: bao lâu người thừa
kế còn là thiếu niên thì không khác gì một nô lệ, mặc dù là chủ mọi tài sản”
(Gl 4,1).
Chúng ta hãy trở lại lối diễn tả khó hiểu
của thư này : “Giờ anh em không biết Thiên Chúa hoặc đúng hơn Ngài không
biết anh em”. Nhận biết Thiên Chúa, có nghĩa là biết rằng chúng ta được Ngài
nhận biết trước, nghĩa là Ngài nhận biết chúng ta như những người con, và không
còn như những người nô lệ nữa. Ngạn ngữ rất ý nghĩa của người Pháp nói điều này
liên quan đến một người bạn rất gần gũi : “Tôi biết bạn như tôi đã dựng
nên bạn”. Chính Thiên Chúa biết chúng ta bởi vì Ngài đã thực sự dựng nên chúng
ta. Đó là điều mà Người đã nói về ơn gọi của Giêrêmia : “Trước khi cho
ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta
đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5). Thánh Tông
Đồ tuyên bố rằng khi kết thúc thời gian : “Tôi sẽ biết như tôi được biết”, được
biết bởi Thiên Chúa một cách tỏ tường (1Cr 13,12).
Trong
bối cảnh này và để trở lại với thư gửi tín hữu Galata, tất cả sự giải thoát
được thực hiện trong cái nhìn của một lợi ích : “Chính để chúng ta được tự
do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy
ách nô lệ một lần nữa (Gl 5,1). Quả thế, chúng ta được “mời gọi tới sự tự do”.
Nhưng sự tự do này không được dẫn tới sự gieo rắc thói ích kỷ mà trong văn hóa
truyền thống cũng như trong hiện đại, nó được dịch theo ngôn ngữ của Phaolô
thành “những hoa quả của xác thịt” ở số nhiều, để nhận biết mười lăm nết
xấu :
“Những
việc do xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ
quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ,
bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gl 5,19-21).
Theo
nghĩa đó, ước gì, dù người ta ủng hộ cho truyền thống hoặc cho một thế giới bị
trần tục hóa, đời sống Kitô hữu được xây dựng chỉ trong một nhân đức, đó là bác
ái ở số ít, là nhân đức đối thần được mô tả bằng hình ảnh cánh quạt với tám hoa
quả :
“Còn
hoa quả của Thần Khí là bác
ái : hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa,
tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế (Gl 5,22-23).
Trong
thế giới mà chúng ta đang
sống, có những ý kiến khác nhau. Một số người trong chúng ta than phiền về việc
đánh mất các giá trị truyền thống. Những người khác giữa chúng ta vui mừng vì
hiện tượng trần tục hóa đã kết liễu những truyền thống được cho là những hình
thức nô lệ. Quan điểm của chúng ta dù thế nào đi nữa, để kết thúc tranh luận mà
chúng ta vừa đề cập, Phaolô kết luận bằng những lời này : “Tất cả lề luật
được hoàn tất trong một lời duy nhất : ngươi hãy yêu tha nhân như chính
mình ngươi (Gl 5,14 ; cf. Lv 19,18). Hoặc người ta bảo vệ một xã hội
truyền thống hoặc người ta vỗ tay tán dương sự xuất hiện của một thế giới trần
tục hóa, tóm tắt vẫn như thế đó, trong Kitô giáo : đó là bác ái đối với
người thân cận. Sự tóm tắt này có giá trị liên quan đến tiền bạc, công nghệ
thông tin, tính dục, chính trị hay những tương quan gia đình có xung đột. Để
tất cả điều này không còn có thể gây xung đột nữa.
Trong
một đoạn khác, như đã đề cập,
Phaolô khẳng định sự hủy diệt các ma vương quỷ lực làm cho con người khiếp sợ
(Rm 8,38-39). Trong cùng một đoạn kế tiếp, thánh Tông Đồ giải thích về tương
lai của thế giới chúng ta cũng như văn hóa chúng ta.
Trong
tình trạng của vũ trụ hoặc của chương trình cứu độ, tất cả công trình tạo thành
đã bị đánh dấu bởi tội lỗi của nhân loại, do con người coi thường thiên nhiên
khi khai thác một cách không cân nhắc ; và điều đó đã xả ra ngay từ đầu
qua các thời đại và mọi dân tộc. Công trình tạo thành quy về một cùng
đích : sự mạc khải của con cái Thiên Chúa, nghĩa là một sự giải thoát cuối
cùng khỏi tất cả mọi cảnh hư nát
(x. Rm 8,19-22).
“Muôn
loài thọ tạo những mong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của
con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng
muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là
có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được
cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta
biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,19-22).
Chúng
ta sống nhờ Thần Khí ở trong
chúng ta dưới sức mạnh của hy vọng. Chính Người nâng đỡ sự kiên trì, sự nhẫn
nại của chúng ta trong suốt hành trình nơi trần gian. Trong những giằng co giữa
những truyền thống nâng đỡ chúng ta và sự trần tục hóa mà lịch sử đặt ra cho
chúng ta, thánh Tông Đồ nhấn mạnh vai trò của Thần Khí :
“Hơn
nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không
biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp
chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt tâm
can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho các thánh
theo đúng ý Thiên Chúa (Rm 8,26-27).
Trong
hai đoạn này của thư Rôma, chúng ta đã hiểu lý do của sự rên rỉ. Thụ tạo đồng
rên rỉ (su-stenazei) trong toàn thể
của nó và cùng với chúng ta là những tín hữu. Chính chúng ta cũng rên rỉ (stenazomen) trong chính mình, khi chờ
đợi việc làm con cái Thiên Chúa của chúng ta được nên hoàn hảo và vinh hiển.
Quả thế, Thần Khí giúp chúng ta cầu nguyện từ trong lòng “bằng những tiếng rên
rỉ (stenagmois) khôn tả.
Tiếng
rên rỉ này không phải là một tình trạng chán nản. Ngược lại, đó là tiếng kêu hy
vọng của chúng ta trước vinh quang sẽ đến mà chúng ta chưa quan niệm được.
Tiếng rên rỉ này là tiếng của sự sinh ra của việc tạo thành mới. Trong thư gửi
tín hữu Galata, bằng những lời này Phaolô ngăn cản các đặc phái viên của Ngài
bị cám dỗ từ bỏ Tin Mừng để quay trở lại truyền thống Do Thái. Ngài viết như
sau : “Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau
sinh ra một lần nữa cho đến khi Ðức Kitô được thành hình nơi anh em ...”
(Gl 4,19).
Nhưng,
về đề tài tiếng rên rỉ, cần
phải đi ngược lên cao hơn trong lịch sử thánh, để biết cuốn sách Xuất Hành,
theo sự công bố này của người biên soạn và theo sự trình bày của Kinh Thánh Hy
Lạp của Bản Bảy Mươi : Thiên Chúa nghe tiếng rên rỉ của họ (stenagmon) ; và Thiên Chúa đã nhớ
lại giao ước với Abraham, Isaac và Giacóp” (Xh 2,24). Cũng lý do đó lại xuất
hiện trong lời mà Thiên Chúa nói với Môi sen : “Chính Ta đã nghe tiếng kêu
(stenagmon) của con cái Israel, rằng
những người Ai cập bắt họ làm nô lệ, và ta đã nhớ lại giao ước với các ngươi”
(Xh 6,5).
Có lẽ
đó là sự nô lệ, sự bách hại của một số Kitô hữu ; Có lẽ một cách đơn giản
hơn là sự căng thẳng mà họ trải qua giữa những truyền thống mơ hồ và sự mới mẻ
của Kitô giáo, sự rên xiết của họ được diễn tả hoặc không diễn tả, sẽ được Đức
Chúa lắng nghe. Theo những trình bày Thánh Kinh, Ngài “nhớ lại” có nghĩa là
Ngài sẽ can thiệp để hậu thuẫn chúng ta, ngay cả khi sự can thiệp này thường
rất huyền nhiệm đối với chúng ta.
Trong những cân nhắc cá nhân của lương tâm
và trong những trao đổi có tính cộng đoàn giữa lòng trung thành với các truyền
thống của chúng ta và hiện tượng trần tục hóa không thể tránh, thánh Tông Đồ
phác thảo một đường lên ngọn núi trên đó Thần Khí của Thiên Chúa đồng hành với
chúng ta. Chúng ta rên rỉ trong suốt cuộc
đời trần thế của mình. Nhưng, trong cái nhìn về sự sống đời đời, thánh Tông Đồ
chúc tụng Thiên Chúa “Đấng đã ban cho chúng ta những hoa quả đầu mùa của Thần
Khí (2Cr 5,5), đó là một tiến bước về vinh quang sẽ đến mà nó đang chờ đợi
chúng ta. Trong cùng chiều hướng đó, tác giả của thư gửi tín hữu Êphêsô là một
môn đệ của Phaolô viết như sau : “Trong Ðức Kitô, cả anh em nữa, anh em đã
được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em; vẫn trong Ðức Kitô, một khi đã
tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Ðấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo
chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu
chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” (Eph 1,13-14).
Cách
chính yếu Ngài đề cập đến
việc chúng ta thích ứng dần dần với các giá trị Tin Mừng nhờ Thánh Thần hoạt
động trong chúng ta, có nghĩa là về hình ảnh của Con Thiên Chúa :
“Chúng
ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai mến yêu
Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những
ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình dạng với
Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những
ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi,
thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công
chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8,28-30).
Theo
chương trình của Thiên Chúa,
tất cả đã được thực hiện trong bầu trời, như một dạng của cầu thang hoặc thang
máy. Phải, chúng ta đã được tiền định để đồng hình đồng đạng với hình ảnh của
Chúa Con, anh cả chúng ta ; Thiên Chúa cũng đã gọi chúng ta, Ngài cũng đã
chuẩn bị ơn gọi chúng ta ; nhờ đức tin của chúng ta, Ngài cũng đã coi
chúng ta như những người công chính trước mắt Ngài. Theo kế hoạch của Ngài và
dẫu chúng ta có những trái nghịch về luân lý mỗi ngày, Ngài cũng đã ban trước
cho chúng ta vinh quang của Ngài, và sự hiện diện sáng láng hoàn toàn của Ngài
biến đổi chúng ta. Đó chính là điều mà câu dùng làm tựa đề cho đoạn
này công bố: “Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ
sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18).
Và thật có giá trị ở đây để trích dẫn phần cuối của tác phẩm Contra Gentiles của thánh
Tôma :
“Vì tất cả các hữu thể vật chất theo một
cách thế nào đó là cho con người, nên tình trạng của tất cả thụ tạo vật chất
cần phải được biến đổi để có sự phù hợp với tình trạng của con người sẽ tồn tại
lúc đó. Và vì con người sẽ được miễn trừ tất mọi sự mục nát có thể có, toàn thể
tạo vật vật chất sẽ không còn bị lệ thuộc vào cảnh sinh ra và cảnh hư nát.
Chính là điều mà thánh Tông Đồ nói trong thư Rm 8,21 s. Vì thụ tạo vật
chất sẽ nhận một sự phối hợp hòa hợp với tình trạng của con người theo mục đích
của mình, và con người được giải thoát khỏi sự hư nát, sẽ mặc lấy vinh quang, thụ
tạo vật chất cần phải được biến đổi như thế nhờ những tia sáng của vinh quang
này. Đó là lý do tại sao được nói trong Kh 21,1 : “Tôi đã thấy một trời
mới...”, và trong Is 65,17-18 : “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới,
không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ
sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo”. Amen (Contra
Gentiles 4,97).
Phải chăng thánh Phaolô
là ông tổ của tư tưởng “trần tục hóa” ?
Xuyên
qua hành trình tìm hiểu về
một số bản văn của Phaolô, một cách chính yếu chúng ta nhận thấy rằng, theo
thánh Tông Đồ, vấn đề hiện tại của chúng ta về trần tục hóa chắc chắn không
phải là vấn đề của Ngài. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm thấy ba nét suy tư có
thể hữu ích cho chúng ta trong vấn đề riêng của Ngài.
Trước
hết, về phương diện vũ trụ
luận, thánh Tông Đồ cổ võ các đọc giả của Ngài đừng sợ các hữu thể bí ẩn. Những
thần này đã bị khuất phục bởi sự khải hoàn của Chúa Kitô, là sự chết và sống
lại của Ngài.
Từ
nay, trong thân thể của Đức Kitô, thế giới thuộc về chúng ta. Quả thế, theo
cách nhìn thuộc nhân chủng học, Phaolô mời gọi chúng ta tới thái độ đầy tin
tưởng, bởi vì không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa,
Đấng ở trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta (Rm 8,39). Quả vậy, sự giải thoát
tận căn này mời gọi Kitô hữu sống một nền đạo đức của tự do, một sự tự do để
phục vụ người khác, theo công thức của thánh Tông Đồ : “Vì tất cả Lề Luật
được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Hãy yêu mến tha nhân như chính
mình ngươi” (Gl 5,14).
Phaolô
là một chứng nhân trong tiến
trình trần tục hóa, một tư tưởng rất phức tạp, như các thuyết trình viên của
tôi đã trình bày... Nhưng người tiên phong trước hết của trần tục hóa chính là
Thiên Chúa trong công trình tạo dựng đầu tiên của Ngài. Trong trình thuật Sáng
Thế 1, khác với vũ trụ quan của Cận Đông cổ xưa và của tất cả văn hóa thuộc
thuyết duy linh, các tinh tú không còn phải là các thần, nhưng đơn giản là
những đèn. Và Tạo Hóa phó thác vũ trụ này cho tự do con người có trách nhiệm mà
không dành riêng cho một nơi thiêng thánh nào cả:
“Thiên
Chúa ban phúc lành cho họ và
Thiên Chúa phán với họ: Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất,
và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò
trên mặt đất” (St 1,28).
Nhưng
hành vi ngoại thường nhất của
trần tục hóa chính là việc Thiên Chúa nhập thể trong Đức Giêsu. Trong con người
Nazareth, Thiên Chúa hoàn toàn đối diện với một dân tộc đặc thù, cũng như chúng
ta vậy, với những vấn đề đạo đức, tế tự, văn hóa và chính trị, một dân tộc mà
Ngài muốn giải thoát khỏi hình thức cá biết tha hóa nào đó.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương chuyển ngữ
(Thường Huấn các Nhà Đào tạo tại Đàlạt, hè 2015)
Éléments bibliographiques
Bedouelle
T, art. “sécularisation”, in Lacoste J.-Y. (dir.), Dictionnaire critique de théologie, Paris,
PUF, 1998, p. 1081-1083.
Dunn
J.D.G, The Theology of Paul the Apostle,
Edinburg, T&T Clark, 1998.
Geffré
C., “La fonction idéologique de la
sécularisation”, in Castelli E.
(dir.), Herméneutique de la
sécularisation, Paris, Cerf, 1976, p. 121-140.
Lyonnet
S., “Rm 8, 19-22 et la rédemption de l’univers”, Études sur l’épître aux Romains, Rome, Editrice Pontificio Biblico,
1990 (posthume), p. 242-254.
Schlosser J., “L’espérance
de la création (Rm 8, 18-22)” in Kuntzmann
R. (éd.), Ce Dieu qui vient. Mélanges B. Renaud, Paris, Cerf,
1995 (Lectio Divina 159), p. 325-343.
Tassin
C., “Des peurs à l’espérance : la création selon saint Paul. Romains 8 en
contexte”, in Pérès J.-N.
(dir.), L’avenir de la terre, un défi pour les Églises, Paris, Desclée
de Brouwer, 2010, p. 163-180
Tassin
C., “Les adversaires de la mission de Paul selon la Deuxième Lettre aux
Corinthiens”, in Blanchard Y.-M.,
Pouderon B. et Scopello M.
(dir.), Les forces du bien et du mal dans les premiers siècles de l’Église
(Théologie historique 118), Paris, Beauchesne, 2010, p. 267-276.
No comments:
Post a Comment