Saturday 22 September 2018

Lý tưởng phục vụ

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN B

Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37
Một hành vi nhân linh có thể được thúc đẩy bởi nhiều động lực khác nhau, tốt hoặc xấu. Cũng thế, việc bước theo Chúa và làm môn đệ Giêsu cũng được thúc đẩy bởi những động lực khác nhau, có khi có những động lực ngay lành, thánh thiện, nhưng có khi cũng hàm chứa những động lực rất trần tục theo kiểu thế gian. Đó là điều được phản ánh trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay.

1- Tinh thần thế gian
Thánh Máccô cho chúng ta biết trong lúc Chúa Giêsu loan báo lần hai về việc Người sẽ bị bắt, bị giết chết và ngày thứ ba Người sẽ sống lại, thì các môn đệ chỉ nghĩ đến quyền lợi, địa vị của mình và cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Chúa (Mc 9,30-34).
Rõ ràng các môn đệ theo Chúa nhưng vẫn còn mang trong mình những “giấc mơ trái mùa,” là ước mơ sẽ được thăng quan tiến chức, có chức vụ và quyền lực theo kiểu trần thế trong Nước Chúa. Quả thật, các ông theo Chúa nhưng vẫn còn hành xử theo tinh thần thế gian, chưa đi vào đường lối của Chúa, đó là đường tiến về Giêrusalem, đường thập giá, đường hiến thân phục vụ; các ông vẫn chưa thể hiểu hay đúng hơn là không muốn hiểu điều Chúa đang loan báo.
Về điểm này, Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhìn lại bản thân. Cũng như các môn đệ xưa, chúng ta có thể bị cám dỗ coi việc bước theo Chúa chỉ là để thăng tiến bản thân với những động lực bên trong rất trần tục. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thanh lọc động lực theo Chúa để có thể bước theo và phụng sự Chúa với ý hướng ngay lành và động lực trong sáng.
Cũng như các môn đệ xưa, tinh thần thế gian có thể xâm nhập vào trong chúng ta, nên nhiều lúc chúng ta giảm thiểu các chức vụ trong Giáo Hội như là một thứ địa vị, chức tước, hay một thứ nghề nghiệp để tìm kiếm và xây dựng sự nghiệp riêng hơn là để phục vụ tha nhân. Vì thế, trong cộng đoàn đã xảy ra những chuyện ganh tỵ, thủ đoạn, chiến tranh và hạ bệ lẫn nhau. Đó là điều mà thánh Giacôbê nói rất chí lý ở bài đọc II: “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa… Anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gc 3,16.4,2). Chúng ta đang sống theo tinh thần thế gian.
Cũng như các môn đệ xưa, chúng ta có thể bước theo Chúa nhưng lại khước từ bước vào đường lối của Chúa, thích giữ một nền “linh đạo thoải mái,” không có hy sinh và tận hiến, thích một Chúa Kitô không có thập giá.
2- Tinh thần Chúa Giêsu
Nhân dịp này, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ và cả chúng ta bước vào con đường mới, con đường hiến thân phục vụ. Người nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Thật vậy, câu nói này tóm tắt đạo lý của Chúa Giêsu về lý tưởng phục vụ. Theo Chúa không phải để tìm kiếm địa vị, chức tước hay để xây dựng sự nghiệp riêng, nhưng là để trở thành người loan báo Tin Mừng và phục vụ tha nhân. Người làm lớn phải trở thành người tôi tớ phục vụ người khác. Trong Giáo Hội, các chức vụ và địa vị chỉ là phương tiện để phục vụ, để xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô, chứ không phải là mục đích, hay để thống trị và bắt người khác phục vụ mình. Như thế, Đức Giêsu đã khai mở một con đường lãnh đạo mới bằng sự khiêm hạ và phục vụ mà sau này Robert Greenleaf gọi đó là “servent leadership - lãnh đạo phục vụ.”
Nếu trong một quốc gia, những người lãnh đạo là những người phục vụ người dân thì đất nước đó sẽ phát triển và sẽ tiến nhanh, tiến mạnh. Trong một xã hội, nếu mọi người biết phục vụ nhau, thì xã hội đó sẽ bình an và thịnh vượng. Trong một cộng đoàn, ai cũng có tinh thần phục vụ, thì cộng đoàn đó sẽ sống động và đầy niềm vui. Cũng thế trong một gia đình, vợ chồng, con cái biết phục vụ lẫn nhau, thì gia đình đó sẽ có sự chia sẻ, yêu thương và hạnh phúc.
3- Tinh thần Giáo Hội
Giáo Hội chọn lý tưởng phục vụ do Chúa Giêsu đề ra làm con đường phải đi. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quả quyết rằng: “Con người là con đường của Giáo Hội.” Điều này có nghĩa là Giáo Hội được thiết lập là để phục vụ con người. Vì con người là trung tâm điểm của sứ mạng Giáo Hội. Giáo Hội được mời gọi bước theo mẫu gương phục vụ của Chúa Kitô. Bởi lẽ, chính Người là mẫu gương tuyệt hảo về lý tưởng phục vụ: Người là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên người phàm hèn và bằng lòng chịu chết, chết trên thập tự để cứu độ chúng ta (x. Pl 2,6-8). Người đến để phục vụ như Người đã nói: “Con người đến không phải để được phục vụ mà đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mt 20,28).
Như thế, Đức Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta bước vào con đường của Chúa, đó là con đường khiêm hạ, hy sinh và phục vụ người khác. Đây là con đường giúp chúng ta trở thành môn đệ đích thực của Chúa Kitô và cũng là con đường giúp chúng ta tìm lại chính mình cũng như hạnh phúc cho bản thân. Đó cũng là điều mà đại thi hào Tagor nói đến trong bài thơ phục vụ:
“Khi tôi ngủ, tôi mơ thấy niềm vui,
Khi tôi thức, tôi thấy đời phục vụ,
Khi tôi phục vụ, tôi gặp được niềm vui.”
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết đi vào con đường của Chúa, đó là con đường yêu thương và phục vụ. Vì chỉ con đường đó dẫn chúng con tới niềm vui, bình an và hoan lạc trong tâm hồn. Amen!

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN B (BÀI II)

Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37
Ở đâu có ghen tỵ, ở đó đủ thứ tệ đoan!
Lời Chúa hôm nay nói nhiều về tính ghen tương hay là ghen tỵ nhau. Ghen tương là một trong bảy mối tội đầu, nghĩa là tật xấu này sinh ra nhiều nhiều tội khác. Tính ghen tương có thể xuất hiện ở bất cứ người nào và bất cứ hoàn cảnh nào.
Bài đọc I Sách Khôn Ngoan đề cập đến việc người xấu ghen tỵ với người tốt, phường vô đạo ghen tỵ với người công chính, họ tìm cách gài bẩy và làm hại người công chính. Bởi vì sự hiện diện của người công chính làm cho họ cảm thấy chướng tai gai mắt và chống lại những việc xấu xa họ làm. Dưới ánh sáng Tân Ước, những điều này được ứng nghiệm trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Như một người công chính, Người lên án thái độ giả hình và tham vọng của các Biệt Phái và các Luật Sỹ, nên họ đã chống lại Người, bách hại và đóng đinh Người trên thập giá vì sự ghen tỵ và thù ghét Người.
Bài đọc này cũng được ứng nghiệm trong đời sống của tất cả những ai phải chịu đau khổ bởi sự bách hại bất công vì đã sống công chính và ngay thẳng. Giống như Đức Kitô, nhiều lúc, chúng ta bị bách hại bởi những kẻ thù bên ngoài và nhiều lúc bởi chính cả bạn bè, người thân nữa vì chúng ta làm điều gì đó tốt đẹp. Họ có thái độ thù địch và ghen ghét chúng ta. Nhưng chúng ta phải can đảm và bền lòng, vì Thiên Chúa chắc chắn sẽ minh oan cho chúng ta như Người đã làm cho Đức Kitô.
Bài đọc II nhắc chúng ta về tầm quan trọng của việc tập trung sống những điều tốt lành vốn chúng mang lại sự hiệp nhất với nhau hơn là chạy theo những điều làm chia rẽ chúng ta. Đó là anh em hãy “trở nên thanh khiết, hiếu hòa, bao dung, mềm dẻo, đầy lòng từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình” (Gc 3,17).
Tất cả chúng ta đều ước ao một cuộc sống hòa hợp, bởi vì nhiều cộng đoàn Kitô hữu, nhiều gia đình thường xuyên sống trong cảnh chiến tranh và xáo trộn.
Những tranh chấp như thế nhiều lúc không thể tránh khỏi trong đời sống, nhưng chúng ta không được phép để cho chúng chia rẽ chúng ta. Thật đáng buồn, gốc rễ của hầu hết các cuộc tranh chấp như thế là do tham vọng ích kỷ. Vì thế, thánh Giacôbê nhắc nhở chúng ta đừng để cho những tham vọng ích kỷ phá hủy những tương quan, gia đình và cộng đoàn chúng ta.
Thánh nhân quả quyết: “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa… Anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gc 3,16.4,2).” Dĩ nhiên, nhiều gia đình, nhiều vợ chồng, nhiều cộng đoàn và nhiều quốc gia đã bị phá hủy vì những tham vọng và ước muốn ích kỷ.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu loan báo về việc Người sẽ bị bắt, bị giết chết và ngày thứ ba, Người sẽ sống lại, thì các môn đệ chỉ có nghĩ đến quyền lợi, địa vị và tranh dành nhau ai lớn hơn ai trong Nước Chúa. Rõ ràng các môn đệ theo Chúa nhưng vẫn còn mang trong mình những “giấc mơ trái mùa” mà họ nghĩ rằng Chúa đến để thiết lập, họ sẽ được thăng quan tiến chức theo kiểu thế gian hơn là đi theo Chúa để phục vụ tha nhân. Như thế, giống như cộng đoàn mà thánh Giacôbê viết thư khuyên bảo, các môn đệ của Chúa Giêsu cũng đã kinh nghiệm về sự tranh dành, ganh tỵ nhau.
Đây cũng là điều mà chúng ta thường thấy trong bất cứ xã hội, giáo hội, gia đình và bất cứ nơi đâu mà sự tham vọng cá nhân được xem là quan trọng hơn bất cứ điều gì. Khi đó, chúng ta thấy xuất hiện chiến tranh, ngồi lê đôi mách, dửng dưng, gây hấn, đe dọa mạng sống và tài sản, ghen ghét, và mọi tật xấu tệ đoan. Tất cả những điều này xảy ra và phá hủy hết mọi thiện ích chung và sự sống chung hòa bình.
Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một con đường để vượt thắng sự ghen tỵ. Đó là không nhìn người khác như là đối thủ phải loại trừ trong cuộc cạnh tranh. Tha nhân là đối tượng để chúng ta thăng tiến và phục vụ.
Vì thế, khi Chúa Giêsu bồng một em bé lên như là một mẫu gương cho chúng ta hôm nay, Người đơn giản muốn dạy chúng ta rằng chúng ta phải trở nên giống như trẻ thơ để trở nên người lớn nhất. Dĩ nhiên, đây không có nghĩa là trở nên “ấu trĩ”. Đúng hơn, nó có nghĩa là trở nên giống tinh thần trẻ thơ. Nghĩa là chúng ta phải sống đời sống chúng ta cách đơn giản, trong sáng, với tinh thần khiêm tốn, phục vụ Chúa và tha nhân.
Cuối cùng, để trở nên người lớn nhất có nghĩa là tập trung vào người khác chứ không phải tập trung vào chính mình. Nghĩa là những khả năng chúng ta dùng để phục vụ, đón tiếp, và cộng tác trong sự hòa hợp với người khác như các trẻ thơ thường làm. Nó cũng có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận sự thật, tôn trọng sự khác biệt của người khác và hợp tác với nhau một cách tích cực.
Để kết thúc, chúng ta nghe lại câu chuyện dân gian Việt Nam về sự nguy hại của sự ghen tỵ, đó là câu chuyện Thiếu Phụ Nam Xương. Cô là một người phụ nữ có tên là Nguyễn Thị Thiết, lấy chồng họ Chương, sống ở tỉnh Hà Nam. Hai vợ chồng đang yêu thương và chung thủy với nhau, nhưng vì nước chàng phải đi lính theo lời hiệu triệu của nhà vua. Trước khi ra trận, hai người có con mà không biết. Khi sinh con, mỗi buổi tối, người mẹ ru con ngủ, đứa con trai hỏi mẹ: “Ba con ở đâu?” Người mẹ chỉ vào cái bóng mình in trên vách nhà và nói: “Ba con đó.” Sau ba năm anh trở về, hai mẹ con đi ra đón chồng. Khi anh tới ôm đứa bé, nó liền bảo: “Ông không phải là ba tôi, ba tôi tối mới về kìa.” Nghe vậy anh chàng Chương bừng bừng nổi giận máu ghen với vợ mình. Đau lòng quá và không thể làm cách gì để giải thích cho chồng hiểu, nàng đành ra sông tự tử. Sau đó, cứ mỗi tối thấy bóng người trên vách nhà, đứa con lại kêu lên: “Ba con đã về kìa!” Hiểu ra vấn đề, chàng Chương ôm hận, thương tiếc vợ mình, nhưng mọi sự đã quá muộn. Anh và đứa con liền ra sông lập miếu để thờ nàng.
Câu chuyện trên minh chứng lời này: có yêu thì mới ghen, nhưng quá ghen thì giết chết tình yêu! Xin Chúa giúp chúng ta biết giệt trừ tính ghen tỵ trong lòng chúng ta. Amen!





No comments:

Post a Comment