CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG
NIÊN B
St 2,18-24; Hr 2,9-11; Mc 10,2-16
Chủ đề của Chúa Nhật này là hôn nhân gia đình. Bài đọc I
(St 2,18-24) bắt đầu với những từ ngữ rất quen thuộc: Thiên Chúa phán: “Con
người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một người trợ tá tương xứng
với nó” (St 2,18).
1- Hôn nhân là bí
tích
Trong thời đại chúng ta, vấn đề hôn nhân là ly thân và ly
dị, nhưng vào thời Chúa Giêsu lại là vấn đề rẫy vợ. Về sau, nó trở thành một
tội nặng hơn, bởi vì nó chứa đựng sự bất công liên quan đến người phụ nữ, mà
thật đáng buồn, hiện vẫn còn tồn tại trong một số nền văn hóa. Theo đó, người
đàn ông có quyền rẫy vợ, nhưng người vợ thì không có quyền rẫy chồng.
Liên quan đến việc rẫy vợ, có hai quan điểm trái nghịch
nhau trong Do Thái Giáo. Một nhóm cho rằng người ta được phép rẫy vợ vì bất cứ
lý do nào, sau khi người chồng đã cân nhắc cẩn thận. Nhóm khác cho rằng phải có
lý do nghiêm trọng và phải được lề luật quy định.
Bởi thế, một ngày nọ, có mấy người Pharisêu đến thử Chúa
Giêsu về vấn đề này, với hy vọng Người sẽ ủng hộ quan điểm nhóm mình và chống
lại nhóm kia. Tuy nhiên, họ đã nhận được câu trả lời không như mong muốn:
“Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các
ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có
nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả
hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một
xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân
ly” (Mc 10,5-9).
Như vậy, luật Môsê liên quan đến rẫy vợ được Chúa Giêsu
nhìn nhận như là một sự thiết định ngoài ý muốn, và được Thiên Chúa bao dung (như
chế độ đa thê và những rối loạn khác), vì lòng chai dạ đá và sự thiếu trưởng
thành của con người. Chúa Giêsu không phê phán Môsê vì sự nhượng bộ này; Người thừa
nhận rằng trong vấn đề này người lập hiến không thể giữ hôn nhân như ý định ban
đầu của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, Người tái lập lý tưởng ban đầu của sự kết hợp
bất khả phân ly giữa người nam và người nữ thành một thân xác mà đối với các
môn đệ Người, đây là hình thức duy nhất có thể của hôn nhân. Hơn thế, Chúa Giêsu
không chỉ dừng ở việc thiết lập lại lề luật; Người còn ban ân sủng cho hôn
nhân. Điều này có nghĩa là các cặp vợ chồng Kitô giáo không chỉ có nhiệm vụ
phải trung thành với nhau trọn đời; họ còn được ban ân sủng cần thiết để chu
toàn cam kết đó. Từ cái chết cứu độ của Chúa Kitô phát xuất một nguồn sức mạnh
– là Chúa Thánh Thần – Đấng đã thấm nhập vào mỗi phương diện đời sống người tín
hữu, bao gồm cả hôn nhân. Sau này, hôn nhân được nâng nên thành một bí tích và
là hình ảnh của sự kết hợp “hôn phối” giữa Chúa Kitô và Giáo Hội nhờ thập giá (Ep
5,31-32).
2- Hôn nhân là con
đường nên thánh
Nói rằng hôn phối là một bí tích không chỉ có nghĩa sự
kết hợp nam nữ là được phép, hợp pháp và tốt lành, nếu ngoài hôn nhân nó sẽ là
vô luân và tội; nhưng còn có nghĩa hôn phối trở thành một cách thế để kết hợp
với Chúa Kitô nhờ tình yêu đôi bạn, và là con đường đích thực để nên thánh.
Cái nhìn tích cực này được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI trình
bày cách tài tình trong Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu.” Theo đó, ngài
không so sánh sự kết hợp bất khả phân ly trong hôn nhân với dạng thức khác của
tình yêu erotic (ái kỷ); nhưng trình bày nó như là dạng thức trưởng thành và hoàn
hảo nhất, không chỉ từ quan điểm Kitô giáo mà còn cả từ quan điểm nhân bản.
“Đó là một phần trong sự vươn lên đến những cấp độ cao
hơn của tình yêu, và trong sự thanh luyện bên trong mà tình yêu giờ đây đang
tìm kiếm hầu trở nên một chọn lựa dứt khoát, trong một ý thức gồm hai mặt: cả
tính độc quyền (chỉ một người cụ thể mà thôi) lẫn sự “vĩnh viễn.” Tình yêu bao
gồm toàn bộ hiện thực của cuộc sống trong mỗi chiều kích của nó, kể cả thời
gian. Khó mà khác đi được, vì hứa hẹn của tình yêu hướng đến một mục tiêu chung
cuộc: tình yêu nhắm đến sự vĩnh viễn” (Id., số 6).
Lý tưởng về sự trung thành suốt đời không bao giờ dễ dàng
thực hiện (ngoại tình là một thứ dội lại đáng ngại cả trong Kinh Thánh!). Ngày nay
chúng ta đang sống trong một nền văn hóa buông thả và hưởng lạc, sự trung thành
này càng trở nên khó khăn hơn. Cuộc khủng hoảng hôn nhân hiện nay báo động định
chế hôn nhân đang bị phá hủy hơn lúc nào hết.
Luật dân sự, như ở Tây Ban Nha và một số nước hiện nay
cho phép ly dị chỉ ít tháng sau khi chung sống (và như thế cách gián tiếp cổ võ
ly dị!). Những câu nói như “tôi mệt mỏi với cuộc sống này,” hoặc “tôi sẽ ra đi,”
“nếu như thế này, tốt nhất anh theo đàng anh, em theo đàng em!” thường được các
cặp vợ chồng trẻ nói khi họ gặp phải những khó khăn đầu tiên. Nếu cứ nói như
thế, theo tôi, các cặp vợ chồng Kitô hữu phải xưng thứ tội này trong tòa giải
tội vì đơn giản sẽ làm tổn thương sự hiệp nhất và tạo nên một tiền lệ tâm lý
rất nguy hiểm.
Ngày nay, hôn nhân còn chịu đựng một não trạng phổ biến “dùng
rồi vứt.” Nếu một đồ dùng hoặc phương tiện bị hư hỏng, không cần nghĩ phải sửa
chữa lại, không ai sửa chữa làm gì, chỉ còn cách là vứt đi. Người ta cũng áp
dụng cho hôn nhân, đây là não trạng chết người! Não trạng này đã gây ra nhiều
đổ vỡ và nỗi buồn cho các gia đình.
3- Xây dựng tình yêu bền vững
Chúng ta có thể làm điều gì đó để ngăn cản lối nghĩ này
không? Tôi có một đề nghị: chúng ta hãy tái khám phá nghệ thuật sửa lỗi!
Thay vì não trạng “dùng rồi vứt” bằng não trạng “dùng và sửa
lỗi.” Nghệ thuật này cần được thực hành trong hôn nhân. Sửa lỗi những đổ vỡ và hãy
thực hiện ngay lập tức. Về điều này, thánh Phaolô có những lời khuyên thật chí
lý: “Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn.
Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng!” (Ep 4,26-27); “hãy chịu đựng và tha thứ cho
nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã
tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl
3,13); “anh em hãy mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6,2).
Chúng ta cũng phải hiểu rằng trong quá trình hàn gắn lại
những đổ vỡ, những khủng hoảng và chướng ngại được giải quyết, hôn nhân không
hề vơi cạn, nhưng được thanh lọc và cải thiện. Tôi so sánh tiến trình dẫn tới
một cuộc hôn nhân thành công, hạnh phúc với tiến trình dẫn tới sự thánh thiện
của các thánh.
Trên con đường hướng tới trọn lành, các thánh thường trải
qua những đêm tối cảm giác, trong đó, họ không còn cảm thấy bất cứ cảm giác nào
hoặc tác động nào nữa. Họ cảm thấy khô khan và trống rỗng, nhưng họ làm mọi sự
nhờ sức mạnh ý chí và cố gắng bản thân. Sau đó, họ phải trải qua đêm tối tinh
thần, trong đó, không chỉ các giác quan mà cả lý trí và ước muốn cũng rơi vào khủng
hoảng. Nhiều lúc các ngài nghi ngờ mình đã sai đường lạc lối và hoàn toàn ở
trong đêm tối, bị cám dỗ liên tục. Lúc đó, họ tiến bước chỉ nhờ đức tin thôi.
Có phải mọi sự sau đó sẽ kết thúc chăng? Không, trái lại,
tất cả không gì khác ngoài sự thanh tẩy. Sau khi họ đã trải qua cuộc khủng
hoảng này, các thánh mới hiểu rõ tình yêu Thiên Chúa dành cho họ lớn lao và cao
cả như thế nào so với lúc ban đầu.
Đối với nhiều cặp vợ chồng, không khó để nhận ra những
kinh nghiệm tương tự như thế. Họ cũng thường trải qua những đêm tối cảm giác
trong hôn nhân. Sau một thời gian chung sống, những cảm giác say đắm, nồng nàn
bên nhau hình như biến mất, nhiều khi chỉ là ký ức quá khứ, từ đó có thể chán
nhau. Rồi họ phải đối diện với kinh nghiệm đêm tối tinh thần, đó là tình trạng
mà chọn lựa nền tảng nhất của họ rơi vào khủng hoảng, và xem ra cả hai không
còn gì để chia sẻ nữa.
Để có thể vượt qua những cơn khủng hoảng này, các đôi vợ
chồng không chỉ nuôi dưỡng tình yêu ban đầu, mà còn phải biết xây dựng một tình
yêu bền vững và tương giao trưởng thành qua thời gian. Nếu trước đây vợ chồng
yêu nhau vì sự thỏa mãn, họ tìm kiếm điều đó, thì hôm nay có lẽ họ yêu nhau theo
cách thế khác hơn, với một tình yêu dịu dàng, thoát khỏi vị kỷ và có thể cảm
thông với nhau hơn; họ yêu nhau hơn vì những gì họ đã trải qua và vì họ đã đau
khổ với nhau nhiều hơn. Khi tình yêu và tương quan đạt tới sự trưởng thành như
thế, họ sẽ kinh nghiệm điều Chúa nói: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người
không được phân ly.” Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment