CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN B
Đnl 6,2-6; Hr 7,23-28; Mc 12,28b-34
Trong luật Môsê, có rất nhiều điều luật, trong 613 điều luật, có 248 điều buộc làm và có 365 điều cấm làm. Giữa một “rừng luật” như thế, nhiều lúc người ta không biết điều răn nào là quan trọng nhất. Đây là lý do tại sao người thông luật đến hỏi Chúa Giêsu: “Trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?”
Đnl 6,2-6; Hr 7,23-28; Mc 12,28b-34
Trong luật Môsê, có rất nhiều điều luật, trong 613 điều luật, có 248 điều buộc làm và có 365 điều cấm làm. Giữa một “rừng luật” như thế, nhiều lúc người ta không biết điều răn nào là quan trọng nhất. Đây là lý do tại sao người thông luật đến hỏi Chúa Giêsu: “Trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?”
Để hiểu được bối cảnh bài Tin
Mừng, trước hết chúng ta cần biết rằng vào thời Chúa Giêsu, trong Do Thái giáo,
có hai khuynh hướng đối nghịch nhau. Một khuynh hướng muốn nhân rộng các khoản
luật và quy định tỉ mỉ mọi chi tiết của đời sống. Khuynh hướng khác lại muốn rút
ra từ “đống luật” điều chính yếu và quan trọng mà Thiên Chúa muốn hơn là quá
chú trọng đến các chi tiết luật và những điều thứ yếu. Người thông luật này
thuộc khuynh hướng thứ hai.
Chúa Giêsu dùng cơ hội này để cống hiến một sự mới mẻ khi
tóm tắt mọi lề luật vào trong hai giới răn: “Mến Chúa, yêu người, như là cốt
lõi của lề luật.”
1- Mến
Chúa, giới răn quan trọng nhất
Trước
hết, Chúa Giêsu trả lời câu hỏi của người thông luật: “Nghe đây, hỡi
Ítraen, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa
của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc
12,29-30).
Đối với người Do Thái, câu trả
lời này không có gì mới mẻ cả, bởi lẽ, những điều này được nói ở trong Cựu Ước
mà họ rất quen thuộc. Cụ thể, trong sách Đệ Nhị Luật mà bài đọc I trích dẫn nói
về giới răn này: “Nghe đây, hỡi Ítraen! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa
duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức
anh em” (Đnl 6,4 -5). Ở đây, Chúa Giêsu vừa kế thừa vừa kiện toàn luật Cựu Ước khi
nhắc lại điều quan trọng và chính yếu của lề luật.
Vậy thì “ngươi phải yêu mến Thiên
Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” có
nghĩa là gì?
Trong
Mátthêu, từ “hết” được lặp lại ba lần, còn trong Máccô, từ “hết” được lặp
lại bốn lần để nhấn mạnh rằng con người phải yêu mến Thiên Chúa với toàn vẹn và
trọn vẹn con người mình. Nghĩa là yêu mến Thiên Chúa đòi hỏi một sự dấn thân
toàn bộ và trọn vẹn con người: cả con tim, tâm hồn, lý trí và cả thể lý chúng
ta. Đây là giới răn quan trọng nhất. Điều này có nghĩa Thiên Chúa phải ở chỗ quan
trọng nhất, vị trí số một trong cuộc đời tôi. Vì thế, mọi chọn lựa, suy nghĩ,
tâm tư tình cảm và hành động của tôi phải được chi phối từ hệ giá trị này.
Như
thế, Chúa Giêsu muốn thiết lập lại tương quan nền tảng thứ nhất của con người với
Thiên Chúa. Theo đó, con người hiện hữu nhờ Thiên Chúa. Con người được tạo dựng
để yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa. Con người chỉ tìm được ý nghĩa và hạnh phúc
cuộc sống khi sống kết hợp và yêu mến Người. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu gọi
đó là điều răn quan trọng nhất.
2- Yêu
người, giới răn thứ hai
Kitô
giáo không phải là một tôn giáo “duy thiên” hay “duy linh” mà là một tôn giáo
nhập thể và nhập thế. Con người không chỉ có tương quan chiều dọc với Thiên Chúa,
nhưng còn có tương quan chiều ngang với tha nhân. Con người sống là sống bởi,
sống với, sống vì tha nhân.
Chúa Giêsu
tóm tắt đạo lý này trong giới răn thứ hai: “Người phải yêu người thân cận như
chính mình. Chẳng có điều răn nào khác trọng hơn các điều răn đó” (Mc 12,31). Đây
chính là sự mới mẻ mà Chúa Giêsu mang đến. Người tóm tắt mọi lề luật vào trong
hai giới răn. Người liên kết giới răn thứ nhất với giới răn thứ hai lại với
nhau. Theo Chúa, người ta không thể đối lập Thiên Chúa với con người, cũng
không thể đối lập con người với Thiên Chúa. Cũng không có sự mâu thuẫn giữa hai
tình yêu. Yêu mến Thiên Chúa thì phải yêu thương tha nhân. Yêu thương tha nhân
là bằng chứng yêu mến Thiên Chúa, và hơn thế nữa, yêu thương tha nhân là yêu
mến Thiên Chúa (x. Mt 25,45; 1 Ga 4,20). Và mọi tội chống lại con người là
chống lại Thiên Chúa.
Nhưng
chúng ta cần phải phân tích giới răn thứ hai với cụm từ “yêu người thân cận như
chính mình.” Ở đây, chúng ta để ý chữ “như chính mình” làm tiêu chuẩn đo lường
cho tình yêu đối với tha nhân. Theo tiêu chuẩn này, nơi khác Chúa Giêsu nói:
“Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy
làm cho người ta” (Mt 7,12). Bởi lẽ, ai cũng mong muốn và làm điều tốt, điều
lành cho mình; không ai muốn làm những điều xấu cho mình (trừ người điên)… Chẳng
hạn, không ai trong chúng ta lại muốn mình đau khổ, thất bại và gặp tai họa,
nhưng ai cũng muốn mình được bình an, thành công và hạnh phúc; ai cũng muốn
được người khác tôn trọng, đối xử công bằng và quý mến mình. Từ đó, chúng ta
hãy mong muốn và làm cho người khác những điều tương tự như thế.
Như
vậy, yêu mến Thiên Chúa hướng chúng ta tới việc yêu mến tha nhân như chính mình
và ai yêu thương là chu toàn lề luật.
3- Những
mẫu gương mến Chúa yêu người
Tuy
nhiên, mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như chính mình là hai điều rất khó
khăn. Để thực thi điều đó, chúng ta cần ơn Chúa giúp. Vì với ơn Chúa giúp, mọi
sự đều có thể. Chúng ta còn phải cố gắng không ngừng để vượt lên những rào cản là
tính ích kỷ, kiêu ngạo và quy ngã. Vì thế, nhiều lúc chúng ta cảm thấy mến Chúa
thì dễ hơn yêu người; nhiều lúc mến Chúa và yêu người là điều không thể. Khó
khăn lắm!
Chúng
ta tìm thấy những mẫu gương sáng chói soi sáng và giúp chúng ta sống. Xin kể ra
đây một số gương mặt nổi bật.
Trước
hết, phải kể đến mẫu gương Chúa Giêsu. Người đã sống trọn lý tưởng mến Chúa và
yêu người một cách hoàn hảo. Người hoàn toàn vâng phục Chúa Cha và đã hiến thân
chịu chết vì loài người. Người không chỉ yêu những kẻ yêu thương mình, mà còn
yêu thương cả những kẻ thù địch với mình.
Thứ đến
là mẫu gương của cha Maximilianô
Maria Kolbe, ngài là một sĩ dòng Phanxicô, người Ba Lan. Ngài bị bắt và bị nhốt
ở trại tập trung Auschwitz của
Đức Quốc Xã. Cuối tháng 7 năm 1941, có ba tù nhân trốn khỏi trại,
khiến phó chỉ huy trại bắt 10 người đàn ông chết thay bằng cách bỏ đói trong
hầm ngầm để răn đe việc trốn trại. Một trong những người bị chọn có Franciszek
Gajowniczek, anh này kêu lên: “Tôi còn vợ tôi! con tôi nữa!” Kolbe động lòng
thương và tình nguyện chết thay cho anh này. Đó là nghĩa cử thể hiện cách tuyệt
hảo về lòng mến Chúa và yêu người.
Mẫu gương cuối cùng có thể kể ra
đây đó là Mẹ Têrêxa Calcutta. Mẹ là một nữ tu người gốc Albani, nhưng vì được
thúc đẩy bởi tình yêu Chúa và lý tưởng phục vụ tha nhân, Mẹ đã sang Ấn Độ để hiến
trọn cuộc đời phục vụ người nghèo, đặc biệt là người bất hạnh nhất. Mẹ đã lập
dòng Thừa Sai Bác Ái để cùng với các nữ tu chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ
mồ côi, người hấp hối ở Ấn Độ và nay khắp nơi trên thế giới đều có sự hiện diện
của dòng này. Sứ mạng của Mẹ và dòng này là phục vụ Chúa trong người nghèo. Mẹ
đã được cả thế giới biết đến với lòng kính trọng như là biểu tượng của lòng bác
ái Kitô giáo đương thời. Mẹ đã sống trọn vẹn hai giới răn mến Chúa và yêu người
cách tuyệt hảo noi gương Chúa Giêsu.
Và trong lịch sử Giáo Hội, có rất
nhiều vị thánh khác, nhiều con người và các tổ chức, dòng tu đã dấn thân phục
vụ con người theo tinh thần của Phúc Âm. Đó chính là những mẫu gương sáng chói
của việc thực thi giới răn mến Chúa yêu người.
Noi gương các ngài, chúng ta được
mời gọi sống triệt để hơn hai giới răn quan trọng và chính yếu này trong đời
sống hằng ngày, là mến Chúa và yêu người. Nếu chúng
ta yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận, thì đó là bằng chứng chúng
ta đang sống theo giáo huấn của Chúa Giêsu. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta chỉ
chọn một trong hai, hoặc đối lập chúng, thì chúng ta đã quên điều chính yếu mà
Chúa Giêsu hôm nay giới thiệu và nối kết, vì mến Chúa và yêu người là cốt lõi
của Kitô giáo chúng ta. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment