CHÚA NHẬT
XXXIII THƯỜNG NIÊN B
Đn 12,1-3 ; Dt 10,11-14.18 ; Mc 13,24-32
Tôi còn nhớ vào năm 1994 cha quản xứ của
tôi đọc một bài báo nói về ngày tận thế vào ngày 5/5 năm đó, và sẽ có tối 3
ngày 3 đêm, nên cha kêu gọi mọi người phải mua đủ nến và mang đến nhà thờ để
cha làm phép. Nhưng đợi đến ngày đó, không có gì xảy ra.
Sau đó, có tin đồn tận thế sẽ xảy ra vào
năm 2000, nhưng cũng không xảy ra. Gần
đây, một tờ báo cho rằng ngày tận thế được xác định theo lịch của người Maya
rơi vào ngày 15/5/2015. Những lời đồn đoán này đã gây hoang mang cho biết bao
người. Ở Brazil, cảnh sát phải đối phó với nguy cơ tự tử tập thể khi chờ ngày
tận thế. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở tin đồn.
Sự kiện này cho thấy rằng con người thời nào cũng muốn biết những
gì sẽ xảy ra tương lai: Có ngày tận thế không? Số phận của chúng ta sẽ ra sao
trong và sau ngày đó? Chúng ta tìm được câu trả lời cho những vấn nạn đó từ phụng
vụ Lời Chúa hôm nay.
1. Thế giới và thế hệ này
sẽ qua đi
Trước hết, Lời Chúa hôm nay mạc khải cho chúng ta biết rằng: thế
giới này sẽ có ngày kết thúc. Thế giới này không vĩnh cửu qua sự quả quyết của Chúa
Giêsu: “Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ
qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mc 13,30-31). Đồng thời Chúa
Giêsu loan báo về ngày quang lâm của Người. “Ngày quang lâm” trong tiếng Hy lạp
là parusia. Có nghĩa là sự trở lại
trần gian lần thứ hai của Chúa Giêsu vào ngày thế mạt.
Nếu lần thứ nhất Chúa Kitô đến với nhân loại trong sự khiêm tốn và
thấp hèn của người tôi tớ, thì lần thứ hai Chúa ngự đến trong vinh quang và
quyền năng của vị thẩm phán. Người là vị thẩm phán chí công đến để xét xử nhân
loại. Người sẽ xét xử chúng ta dựa trên công lý và tình yêu, theo những gì mà
chúng ta đã sống trên thế gian.
Bấy giờ số phận của những người công chính sẽ được hưởng hạnh phúc
muôn đời, sẽ được chiếu tỏa như những vì sao. Còn những người tội lỗi thì phải
chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời (x. Đn 12,3).
Vì thế, “ngày quang lâm” sẽ trở thành ngày của sợ hãi, thất vọng
đối với những người tội lỗi vì án phạt đời đời. Nhưng đó là ngày của hy vọng và
cứu độ đối với những người công chính; ngày Thiên Chúa hoàn tất cách viên mãn chương
trình cứu độ con người; đó là “trời mới đất mới” (Kh 21:1), thời đại của công
lý, hạnh phúc và tình yêu ngự trị mãi mãi (x. 2 Cr 5,17).
2. Thời gian và những
dấu chỉ cánh chung
Như thế, điều chắc chắn là thế giới này sẽ có ngày kết thúc. Nhưng
xảy ra lúc nào? Tin Mừng hôm nay khẳng định: “Về ngày giờ đó thì không ai biết được ngay cả Thiên sứ trên trời, và Người
Con cũng không thể biết, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13, 32).
Thánh Augustinô còn xác quyết: “Việc
này hoàn toàn nằm trong quyền năng của Chúa Cha”.
Tuy nhiên, trong Tin Mừng Máccô, Chúa Giêsu loan báo về những dấu
chỉ xảy ra để báo trước về ngày đó: 1) Những ngôn sứ giả, những Mêsia
giả sẽ phỉnh gạt nhiều người (Mc 13,5-6); 2) Những cuộc bách hại chống lại các
môn đệ của Đức Giêsu (Mc 13,9-13); 3) Những tai ương, chiến tranh, động đất,
đói kém và những hiện tượng lạ lùng xảy ra (Mc 13,7-8).
Trong khi đó, Tin Mừng Mátthêu chương 24 cho biết thêm 4 dấu chỉ
của ngày tận thế, đó là: 1) Tin Mừng về Nước Thiên Chúa được loan báo cho hết
mọi người (Mt 24,14); 2) Xuất hiện những tiên tri giả và phản Kitô; 3) Người Do
thái trở lại tin nhận Chúa Kitô. 4) Thiên tai xảy ra. Đó là những dấu chỉ tiên
báo về ngày thế mạt.
3. Thái độ của chúng ta hôm nay
Như vậy, Lời Chúa hôm
nay giúp chúng ta hiểu biết về biến cố cánh chung và ý nghĩa của ngày quang lâm
để chúng ta khi sống trong hiện tại nhưng luôn hướng về tương lai, luôn nhớ đến
sự phán xét chung, và phần thưởng cũng như hình phạt đời đời cho mỗi người.
Trước
sự chắc chắn và bất ngờ của cái chết, của việc Chúa quang lâm, chúng ta được mời
gọi phải tỉnh thức và sẵn sàng: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em
không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44; Lc 12,40). Thái độ tỉnh thức và sẵn
sàng ấy phải được thể hiện một cách thực tế bằng một đời sống phục vụ và yêu
thương tha nhân. Bởi lẽ, vào ngày xế chiều, Thiên Chúa sẽ phát xét chúng ta dựa
vào lòng bác ái của chúng ta đối với tha nhân (x. Mt 25,31-46).
Xin Chúa thức tỉnh tâm hồn chúng ta, để mỗi người biết cải biến mỗi
ngày, nhận ra Chúa nơi những dấu chỉ thời đại và nơi anh chị em. Nhờ đó, khi
ngày của Chúa đến, chúng con vẫn luôn bình an và hy vọng, vì biết rằng Người sẽ
mang lại những gì tốt lành cho những ai yêu mến và phó thác nơi Người. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment