Tuesday, 2 November 2021

Sống gửi thác về

LỄ CÁC LINH HỒN
2/11
G 19,1.23-27; Rm 5,5-11; Ga 6,37-40

Hôm qua chúng ta mừng trọng thể lễ các Thánh Nam Nữ trên trời. Hôm nay chúng ta kính nhớ các Đẳng linh hồn trong luyện ngục. 

Cả hai thánh lễ này đều có chung một ý nghĩa, đó là nói về đời sau, về sự sống mai hậu. Nếu ngày lễ Các Thánh gợi lên trong tâm trí chúng ta về cuộc sống vĩnh cửu, thì thánh lễ cầu cho các linh hồn nói về cuộc sống trần gian là tạm bợ, chóng qua. Bởi thế, trong thánh lễ này, chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa của cuộc sống trần gian và sự sống mai sau, cũng như lý do tại sao phải cầu nguyện cho các linh hồn.
1- Trần gian chỉ là quán trọ

Khi nói vệ sự tạm bợ của kiếp người, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có những ca từ rất ý nghĩa: “Con chim ở đậu cành tre/ Con cá ở trọ trong khe nước nguồn/ Cành tre ... í ... a/ Dòng sông ... í ... a/ Tôi nay ở trọ trần gian/ Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời” (bài Ở Trọ). Với những lời này, người nhạc sĩ tài ba này muốn nói lên rằng: trần gian là quán trọ; “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi”; cuộc sống con người trên trần gian là tạm bợ.

Ở bên trời Tây, triết gia Công Giáo Blaise Pascal cũng có những suy tư tương tự như thế về phận người. Ông cho rằng: “Con người chỉ là cây sậy phất phơ trước gió, nhưng là cây sậy biết suy tư.” Con người yếu đuối mỏng dòn, chỉ một ngọn gió hay một giọt nước cũng đủ giết chết một phận người. Nhưng con người được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Người với lý trí, tự do, với hồn thiêng bất tử, nên con người rất cao cả. Dẫu phải bồng bềnh giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, giữa bất tất và vĩnh cửu, con người trổi vượt hơn con vật ở chỗ con người biết mình chết và biết chuẩn bị chết.

Về điều này, Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta một cái nhìn rõ ràng hơn cả về kiếp người. Thánh Vịnh 103 diễn tả: “Đời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng. Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích” (x. Tv 103,15-16).

Khi nói về đời sống con người mong manh và ngắn ngủi trên trần gian, Thánh Vịnh 90 nói: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 90,10).

Như thế, cuộc sống con người trên đời quá ngắn ngủi: có khi vừa mời chào đời đã phải lìa thế, có khi được một năm, mười năm, hay ba mười năm thì đã ra đi rồi, nếu có sống lâu cũng chỉ được bảy mươi, may mắn lắm được tám mươi hoặc hơn một chút rồi cũng ra đi. Con người đến rồi đi, sinh ra rồi chết như là quy luật tất yếu. Không ai sống mãi ở trần gian này. Mọi người đều phải chết. Nay anh mai tôi. Trần gian chỉ là quán trọ, là chuyến đò chở ta qua sông.


2- Thiên đàng mới là nơi vĩnh cửu

Vậy nếu cuộc đời này vắn vỏi, trần gian là tạm bợ, thì sau cái chết có gì nữa không? Có cái gì tồn tại? Hay có gì vĩnh cửu không? Tại sao chúng ta sinh ra? Tại sao chúng ta phải chết? Và chết rồi đi về đâu? Đó là những câu hỏi luôn day dứt lương tâm con người mọi thời.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dù có tài ba mấy cũng chỉ nói được rằng: “Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời.” Ông chỉ mường tượng rằng chết là về chốn xa xăm nào đó mà không xác định được rõ ràng.

Xưa nay, người Việt vẫn thường quan niệm: “Sống gửi, thác về.” Sau cái chết, con người về với ông bà tổ tiên, về cõi nghìn thu vĩnh hằng. Đại thi hào Nguyễn Du tóm tắt đạo lý đó trong câu thơ: “Thác là thể phách, còn là tinh anh.” Nghĩa là khi chết, thân xác sẽ hư hoại, nhưng tinh thần, linh hồn vẫn tồn tại.

Người Phật Giáo quan niệm về luân hồi sau cái chết, con người sẽ về cõi Niết Bàn, nếu được giải thoát, nếu chưa được giải thoát, thì linh hồn tiếp tục đầu thai vào một kiếp khác để tiếp tục tu thân tích đức.

Đạo lý Kitô Giáo dạy rằng: “Sự sống này chỉ thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi trú ngụ dưới trần bị tiêu hủy, chúng ta được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời.” Kitô giáo nhìn hữu thể con người như là “hữu thể vì sự vĩnh cửu.” Chính Chúa Kitô đến mạc khải cho chúng ta biết cách rõ ràng và dứt khoát sau cái chết có thiên đàng, luyện ngục và hỏa ngục. Thiên đàng chính là quê hương đích thực, là phần thưởng cho những người công chính đã an giấc. Đó là Giáo Hội chiến thắng. Còn luyện ngục là nơi các Đẳng linh hồn còn phải tôi luyện một thời gian nữa để được vào thiên đàng. Đây là Giáo Hội thanh luyện. Còn chúng ta thuộc Giáo Hội chiến đấu, đang ở trong thời gian lập công đức, chúng ta có bổn phận cầu nguyện và xin thánh lễ cho các linh hồn, để các ngài sớm được hưởng ơn cứu độ. Còn có một nơi khác là hỏa ngục, chốn trầm luân đời đời dành cho những người xấu mất ơn nghĩa với Thiên Chúa.

Chúng ta tin vào sự sống đời đời dựa trên nền tảng là cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Thánh Phaolô loan báo nhân tố quyết định này như sau: “Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5,15). Cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô mang lại niềm hy vọng và ơn giải thoát cho chúng ta. Khi an ủi các tín hữu của mình, thánh Phaolô quả quyết: “Nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1 Tx 4,14).

Để kết thúc, chúng ta nghe lại câu chuyện rất cảm động của Đại Đế Alexander (356-323 TCN). Ông là một vị minh quân đánh đông dẹp tây, sở hữu trong tay mọi quyền lực, giàu sang phú quý, nhưng rốt cuộc những thứ đó không giúp ông được trường thọ, ông chết khi còn rất trẻ mới 33 tuổi, do một cơn sốt rét. Trước khi băng hà, ông cho triệu tập các quan trong triều đình đến để lối lại ba điều cuối cùng. Ông truyền: “Điều thứ nhất: Quan tài của ta phải được chính các ngự y giỏi nhất khiêng đi. Điều thứ hai: Tất cả vàng bạc châu báu của ta phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của ta. Điều thứ ba: Đôi bàn tay của ta phải được để thò ra khỏi quan tài để mọi người nhìn thấy.”

Một vị cận thần rất đỗi ngạc nhiên về yêu cầu kỳ lạ như thế nên hỏi ông tại sao lại muốn như thế. Alexander giải thích: “1) Ta muốn chính các vị ngự y giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta để nói cho mọi người biết rằng những ngự y tài giỏi nhất cũng phải bó tay trước cái chết. 2) Ta muốn châu báu của ta được vung vãi trên mặt đất để mọi người biết rằng mọi tài sản ta gom góp được ở thế gian này sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này. 3) Ta muốn bàn tay của ta chìa ra ngoài quan tài để mọi người thấy rằng ta sinh ra với hai bàn tay trắng, và lìa trần, ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng mà thôi!”

Kết luận

Như thế, con người sống để chết và chết để sống. Trần gian là quán trọ và thiên đàng mới là quê hương vĩnh cửu của chúng ta. Cuộc sống trần gian này là chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Mọi sự thế gian chúng ta bỏ lại khi chết, chỉ còn lại công đức và đức hạnh đi theo ta. Vì thế, chúng ta sống sao cho có chất, sống sao cho xứng danh là người và là con cái Chúa, và xin cho mỗi người chúng ta “biết điếm những ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90,12) để khi Chúa gọi về, chúng ta luôn sẵn sàng. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

No comments:

Post a Comment