LỄ CHÚA LÊN TRỜI
Cv
1,1-11; Dt 9,24-28.10,19-23; Lc 24,46-53
Thông thường, khi có ai ra
đi, chúng ta thường cảm thấy buồn và thương nhớ. Bởi vì ra đi là chết đi trong lòng
một ít như người Pháp nói: “Partir c’est mourir un peu.” Tuy nhiên, việc Đức
Giêsu chia tay các môn đệ để về cùng Chúa Cha lại là biến cố của niềm vui. Các Tông
Đồ trở về cõi thế. Chia tay đôi ngã, tuy ngậm ngùi nhưng lòng vẫn chan chứa niềm
vui.
1- Niềm
hy vọng lớn lao
Bởi lẽ, Chúa Giêsu lên trời
là phần thưởng và là vinh quang mà Thiên Chúa Cha ban cho Người, sau khi Đức
Giêsu hoàn tất sứ vụ cứu độ được Chúa Cha giao phó. Người đã nhập thể làm
người, chịu đau khổ, chết và phục sinh; hôm nay, Người lên trời vinh hiển. Nhờ
quyền năng Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa Cha đã siêu thăng Người và đặt Người ngự
bên hữu Chúa Cha. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm
đầu toàn thể Hội Thánh (x. Ep 1,17-23). Khi ở bên
hữu Thiên Chúa, Đức Giêsu hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước mặt Chúa
Cha (x. Dt 7, 25).
Biến cố Chúa
lên trời mở ra cho chúng ta niềm hy vọng về phần thưởng Nước Trời mà Người đã
hứa. Theo lời thánh Lêô Cả: Vị Thủ Lãnh của chúng ta bước vào thiên đàng và ở
trên đó, “vinh
quang của Đầu” đã trở thành “niềm hy vọng cho thân xác” (x.
Bài giảng lễ Thăng Thiên).
Chúa Giêsu đã vĩnh viễn bước vào thiên đàng, “Người là Đầu và là Trưởng
Tử giữa đàn em đông đúc” (Rm 8,29).
Nước Trời
là quê hương đích thực của mỗi người chúng ta. Đức Giêsu khai mở cho chúng ta
về một tương lai mới, đó là hạnh phúc thiên đàng. Sống trên trần gian, chúng ta
luôn hướng về quê thật, nơi đó có hạnh phúc đích thực.
2- Chúa Giêsu lên trời, Thánh Thần hiện xuống
Nếu Chúa
Giêsu không về cùng Chúa Cha, thì Thánh Thần sẽ không được ban. Như Chúa đã
nói: “Thầy đi thì ích lợi cho các con,
vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy
ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con” (Ga 16,7).
Quả thế, sau khi Chúa Giêsu
về trời, Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần xuống trên các Tông Đồ trong ngày lễ Ngũ
Tuần. Chúa Thánh Thần chính là Đấng Bảo Trợ mới của Giáo Hội. Người hiện diện
và hoạt động trong Giáo Hội. Người ban sức mạnh và biến đổi Giáo Hội. Nhờ Chúa
Thánh Thần, các Tông Đồ từ những người thất vọng, nhát đảm, sợ sệt, trở thành
những người rất can đảm và hăng say rao giảng Tin Mừng. Chúa Thánh Thần là Đấng
ban sự sống và là nguồn của mọi ân sủng. Nhờ Thánh Thần, chúng ta mới có thể
làm con cái Chúa.
Như thế, Chúa Thánh Thần
chính là quà tặng của Đấng Phục Sinh, được ban cho chúng ta khi Người về trời.
Đó là niềm vui lớn lao cho chúng ta.
3- Với sứ
vụ truyền giáo
Đấng Phục Sinh ủy thác sứ
vụ truyền giáo cho Giáo Hội khi nói: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn
dân,” (Lc 13,47) hay “chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48).
Vì thế,
khi Đức Giêsu lên trời thì cũng là lúc các Tông Đồ phải xuống núi, phải lên
đường để thi hành sứ vụ của mình. Các Tông Đồ đã ra đi và hăng say rao giảng Tin
Mừng Phục Sinh cho mọi người, mọi dân tộc. Nhờ đó, Đạo Chúa được lan tỏa khắp
thế giới.
Ngày hôm
nay, Chúa Giêsu tiếp tục mời gọi mỗi người chúng ta cộng tác vào sứ vụ cao cả
này: Chính chúng ta là những chứng nhân của sự thật và giá trị Tin Mừng.
Kitô giáo
dạy chúng ta rằng trong khi hướng về thiên quốc, người Kitô hữu có bổn phận phải
xây dựng xã hội trần thế này nên nhân bản, đạo đức và đẹp đẽ hơn. Bởi thế,
người Công Giáo tốt là người tuân giữ luật lệ giao thông, trật tự công cộng và
thiện ích cộng đồng tốt hơn những người khác.
Người Công
Giáo tốt phải là người đi đầu trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, làng
xóm, xứ đạo và gia đình của mình.
Người Công
Giáo tốt phải là người đi đầu trong việc bảo vệ môi trường sạch sẽ, an toàn, và
không sản xuất những thực phẩm bẩn và có độc tố để kiếm tiền bằng mọi giá.
Đó là bổn
phận của người Kitô hữu khi sống trong xã hội. Bằng những chứng tá về đời sống,
chúng ta tham gia để xây dựng xã hội này công bình hơn, an toàn hơn và văn minh
hơn. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment