CHÚA
NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN C
Is 66,10-14c;
Gl 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20
Nếu Chúa Nhật tuần trước, Lời
Chúa nói về việc Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta “hãy theo Thầy” để làm môn đệ
Chúa Kitô, thì với Chúa Nhật này, Lời Chúa nói về việc “Chúa sai chúng ta đi để
truyền giáo.” Trong thánh lễ này, chúng ta tìm hiểu về sứ vụ này qua những điểm
sau đây: Ai phải truyền giáo? Nội dung của lời rao giảng và cách thức rao giảng?
1.
Ai được sai đi truyền giáo?
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
thánh Luca kể lại việc Chúa Giêsu chọn thêm 72 người nữa và sai các ông cứ hai
người một đến các thành và các nơi mà Người sẽ tới (x. Lc 10,1-2). Con số 70
(theo bản văn tiếng Hípri) hay con số 72 (theo bản văn tiếng Hy Lạp) là những
con số rất ý nghĩa. Ngày xưa người ta quan niệm 72 (hay 70) tượng thành phần
Ítraen xưa, và nay tượng trưng cho 72
(hay 70) dân tộc quốc gia tản mác khắp nơi trên thế giới. Nên Chúa Giêsu chọn
72 môn đệ để sai họ đi khắp nơi loan báo Tin Mừng Nước Chúa, như Môsê xưa đã
nghe lời góp ý của nhạc phụ chọn ra 72 vị kỳ lão giúp phục vụ dân Chúa trong thời
Xuất Hành (x. Xh 18,13t). Như thế, tác giả Tin Mừng Luca muốn nhấn mạnh rằng: Sứ
vụ truyền giáo là sứ vụ phổ quát, bao gồm hết mọi người môn đệ Chúa Kitô và được
sai đi khắp mọi nơi trên thế giới, chứ không dừng lại ở một vùng miền nào. Vì “lúa
chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít.”
Bởi thế, trong hiến chế Ad
Gentes số 2, Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành
là truyền giáo.” Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng quả quyết: “Không một ai
trong những người tin vào Đức Kitô. Không một tổ chức nào trong Hội Thánh được
miễn trách vụ cao cả này: Đó là đi loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc.” Như thế,
sứ vụ rao giảng là sứ vụ của mỗi người Kitô hữu. Ngày xưa Chúa Giêsu đã kêu gọi
72 môn đệ và sai họ đi truyền giáo, thì ngày hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục mời gọi
tất cả mỗi người chúng ta tham gia vào sứ vụ này. Nói như thánh Phaolô: “Khốn
thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1 Cr 9,16)!
2.
Nội dung lời rao giảng
Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng:
“Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này” (Lc 10,5). Như
thế, nội dung của lời loan báo trước hết là bình an. Người tông đồ là người
mang bình an, niềm vui, hoan lạc chứ không phải mang tin buồn và sự bất an cho
những ai mình gặp gỡ. Điều này cũng được tiên báo ở trong bài đọc I: “Vì Đức
Chúa phán như sau: Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả,
và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ” (Is 66,12). Thiên
Chúa là nguồn bình an và người rao giảng tiên vàn phải là sứ giả của bình an
cho mọi người. Đi đến đâu người tông đồ mang bình an đến đó, chứ phải sự chia rẽ.
Nội dung quan trọng thứ hai phải
rao giảng là: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,11). Nước Thiên Chúa là
trọng tâm của lời loan báo. Tại sao? Bởi vì, Nước Thiên Thiên được hiểu ở đây
là chính Chúa Giêsu, sự hiện diện của Người trên trần gian. Chúng ta rao giảng
là nói về Chúa Giêsu và giúp cho mọi người nhận biết Tin Mừng và tin nhận Người
như là Đấng Cứu Độ của nhân loại, chứ không phải rao giảng về mình hay thăng tiến
bản thân. Quả thế, Chúa Giêsu đến để khai mở Nước Trời ở trần gian. Người mang
đến cho nhân loại sự bình an, niềm vui, ơn cứu độ, và quyền năng để chiến thắng
mọi quyền lực của ma quỷ, tội lỗi và bệnh tật đè nặng con người. Nước Trời đã bắt
đầu hiện diện và sẽ được thành toàn trong ngày sau hết. Nên Chúa Giêsu mời gọi
chúng ta cộng tác để mở mang Nước Chúa trên trần gian. Đó là ý nghĩa của lời cầu:
Xin cho Nước Cha trị đến.
3.
Cách sống và cách thế để loan báo
Chúa Giêsu cũng dạy các ông
cách sống và cách thế để loan báo Tin Mừng hiệu quả: “Anh em hãy đi. Này Thầy
sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị,
giày dép” (Lc 10,4).
Công việc truyền giáo luôn có
những khó khăn thử thách, sẽ có cả sự từ chối và chống đối. Chúa Giêsu báo trước
cho các môn đệ biết điều đó. Để truyền giáo hiệu quả, ngày xưa, một đàng Chúa
Giêsu khuyên họ hãy can đảm, kiên nhẫn và vững tin, đàng khác, Chúa muốn họ phải
sống một cuộc sống thanh thoát, đơn giản và khó nghèo để làm chứng cho Tin Mừng
như “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.” Nghĩa là người tông đồ không
tìm kiếm vật chất và cậy dựa vào chúng nhưng thanh thoát cậy dựa vào sức mạnh của
Thiên Chúa khi thi hành sứ vụ rao giảng.
Ngày nay, để truyền giáo hiệu
quả, Giáo Hội mời gọi chúng ta sử dụng mọi phương tiện Chúa ban để loan báo Tin
Mừng. Chúng ta cần phải sự dụng tiền của để xây dựng nhà thờ, trường học, cơ sở
tôn giáo để dạy giáo lý và học hỏi Kinh Thánh.
Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta biết dùng cả những phương
tiện của khoa học công nghệ như mạng internet, facebook, email, web side, truyền
hình, truyền thanh để chuyển tải sứ điệp Tin Mừng trong thời đại kỷ thuật số.
Đây là những phương tiện truyền thông để truyền giáo rất hiệu qua, vừa nhanh nhẹn
vừa dễ dàng…
Như thế, Lời Chúa hôm nay mời
gọi tất cả chúng ta tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng và dùng hết mọi phương
tiện, khả năng Chúa ban để loan báo Triều Đại Thiên Chúa cho con người hôm nay.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần là
tác nhân chính của công cuộc truyền giáo, ban cho chúng ta có đủ can đảm, khôn
ngoan và kiên nhẫn để loan báo Tin Mừng. Amen!
x
No comments:
Post a Comment