Hc 3,17-18.20.28-29; Dt 12,18-19.22-24a; Lc 14,1.7-14
Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật này, mời
gọi chúng ta suy tư về chủ đề khiêm nhường như là con đường dẫn tới sự cao cả. Trong
thời đại hôm nay, có nhiều người muốn trở thành người tốt, người vĩ đại, người
nổi tiếng, được mọi người biết đến và ca tụng. Tuy nhiên, có rất nhiều người
hiểu sai về sự cao cả. Vậy sự cao cả đích thực của con người là gì? Đâu là con
đường dẫn tới sự cao cả đích thực? Các bài đọc Lời Chúa hôm nay giải thích cho
chúng ta hiểu thế nào là một người cao cả nhờ sống khiêm nhường.
1- Càng làm lớn, càng
tự hạ
Trong bài đọc I, trích sách Huấn Ca
(3,17-18.20.28-29) dạy chúng ta rằng: khiêm nhường là con đường dẫn tới sự cao
cả. Người khiêm nhường đích thực là người cao cả đích thực: “Càng làm lớn, con
càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.”
Thật vậy, khiêm nhường là nhân đức nền tảng
cho đời sống con người. Khiêm nhường trong tiếng La Tinh là từ humilis, phát xuất từ humus, có nghĩa là đất. Theo nghĩa đen, người
khiêm nhường là người cúi xuống sát mặt đất và là người hạ mình xuống thấp. Đối
với Thiên Chúa, người khiêm nhường là người ý thức về sự nhỏ bé của mình, chỉ
là một thụ tạo yếu đuối mỏng giòn. Người khiêm nhường là người hiểu rõ khoảng
cách giới hạn giữa mình với Đấng Tạo Hóa.
Đối với tha nhân, người khiêm nhường cũng
là người biết tôn trọng người khác, đón nhận những khác biệt và những khả năng
của họ. Người khiêm nhường cũng là người có thái độ thân thiện và lịch sự, tế
nhị với người khác; người biết lắng nghe và học hỏi từ người khác. Bởi lẽ,
không ai tự mình là đầy đủ, mỗi người cần được người khác bổ túc và giúp đỡ. Người
khiêm nhường là người biết giúp đỡ người khác, đặc biệt là đối với những người
nghèo. Vì họ ý thức rằng những gì họ có là do được lãnh nhận từ chính Thiên
Chúa, nên họ cảm thấy cần phải chia sẻ với người khác.
2- Sự cao cả Thiên Chúa trong sự tự hạ của Chúa Giêsu
Trong bài đọc II, trích thư Do Thái (Dt
12,18-19.22-24a) sự cao cả và vinh quang của Thiên Chúa được bày tỏ qua “Đấng
Trung Gian của giao ước mới là Đức Giêsu.” Nếu trong Cựu Ước, nhiều lần sự cao
cả của Thiên Chúa được diễn tả trong sự khác biệt và tách biệt khỏi thế giới
phàm tục, thì trong Tân Ước, sự vĩ đại của Thiên Chúa được bày tỏ trong sự gần
gũi và trong hạ mình nơi Đức Giêsu. Bởi lẽ, Con Thiên Chúa trở nên giống chúng
ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi; Người trở thành con của một người thợ mộc nghèo
hèn; Người cũng bị cám dỗ và gặp những khó khăn như chúng ta. Người đã hạ mình chịu
chết trên thập giá vì ơn cứu độ loài người. Người được Thiên Chúa siêu tôn, trở
thành Đấng Trung Gian và Đấng Cứu Độ của nhân loại.
Như thế, đối với Thiên Chúa, khiêm nhường
và tự hạ là con đường dẫn tới sự cao cả và vinh quang. Đó là con đường mà Thiên
Chúa đã chọn để cứu độ chúng ta.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu gửi tới
chúng ta những giáo huấn quý báu về đức khiêm nhường trong một hoàn cảnh rất cụ
thể, đó là khi đi dự tiệc. Chúa Giêsu nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất
mà ngồi, nên Người nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì
đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được
mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng:
‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ
cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã
mời phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự
trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ
mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14,12-14).
Như thế, theo Chúa Giêsu, khiêm nhường là
không tự đề cao mình, nhưng để người khác đánh giá mình cách khách quan, hay
nói cách khác, hãy để Thiên Chúa đề cao chúng ta, chứ đừng tự đề cao mình.
Ngoài ra, Chúa Giêsu còn dạy: khi nào chúng
ta đãi tiệc, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có,
kẻo họ cũng mời lại ta, như thế, ta được đền đáp rồi. Đây cũng là một hình thức
của khiêm nhường, nghĩa là người biết đi ra khỏi khung cảnh gia đình, bạn bè,
và người thân, để mở rộng và quan tâm đến những người ngoài, nhất là những người
bị bỏ rơi, người nghèo khổ. Khiêm nhường cũng là cố gắng làm một việc tốt cho
người khác, mà không cần được trả công và đền ơn đáp nghĩa.
3- Những mẫu gương về khiêm nhường
Trong Giáo Hội, chúng ta có rất nhiều mẫu
gương về đức khiêm nhường. Trong số đó, chúng ta có thể kể tên một số nhân vật nổi
bật: Trước hết, đó là thánh Augustinô, một giáo phụ nổi tiếng, có sự hiểu biết
uyên thâm, nhưng trong cuốn Tự Thuật, ngài khiêm tốn cầu nguyện: “Xin cho con
biết Chúa, xin cho con biết con.” Ngài luôn ý thức về sự yếu đuối và giới hạn
của mình, chỉ có nhờ ơn Chúa giúp, mới có thể vượt qua những thử thách gian
truân.
Thánh Tôma Aquinô là một nhà thần học nổi
tiếng thời Trung Cổ, ngài được mệnh danh là “tiến sĩ Thiên Thần.” Ngài viết rất
nhiều sách triết học và thần học mà ngày nay vẫn còn rất giá trị. Nhưng trong
một lần thị kiến nhìn thấy Thiên Chúa, ngài nhìn nhận rằng những gì ngài đã
viết chẳng là gì hết so với thị kiến về Thiên Chúa.
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI là một người
rất uyên thâm về thần học từ cổ chí kim, nhưng trong một cuộc hội thảo về đối
thoại liên tôn, trước một câu hỏi lớn, ngài vẫn thừa nhận rằng “đây là một câu
hỏi khó, tôi không tìm ra câu trả lời.” Đó là thái độ của người khiêm tốn.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi viếng thăm mục
vụ tại Manila, Philipines, một em bé hỏi ngài, tại sao Thiên Chúa lại để sự dữ
xảy ra? Ngài chân thành trả lời rằng: “Trước mầu nhiệm sự dữ, cha cũng không có
câu trả lời.”
Những con người tầm cỡ và hiểu biết như thế
vẫn thừa nhận mình không thể trả lời hết các câu hỏi từ cuộc sống. Các ngài là
những mẫu gương cụ thể cho chúng ta về đức khiêm nhường đích thực của Kitô giáo.
Như thế, theo Kinh Thánh, khiêm nhường là
hạ mình xuống, nhìn nhận giới hạn của mình, tỏ ra thân thiện, tôn trọng và sẵn
sàng giúp đỡ người khác, không tự tôn mình lên, nhưng để Chúa nâng mình lên. Khiêm
nhường là con đường dẫn tới sự cao cả.
Chúng
ta hãy thiết tha cầu xin Chúa giúp
chúng ta biết sống đức khiêm nhường này mỗi ngày trong tương quan với Chúa và
tha nhân. Amen!
No comments:
Post a Comment