Kn 9, 13-18b; Phl 9b-10.12-17; Lc 14,25-33
Bài Tin Mừng của Chúa Nhật này chứng đựng
những lời chối tai và khó hiểu đối với con người mọi thời. Cần phải giải thích
đúng đắn để hiểu được ý nghĩa cốt lõi của nó. Chúng ta hãy nghe thánh Luca
tường thuật:
“Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa
Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: Nếu ai đến với Tôi mà không bỏ cha mẹ, vợ
con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Tôi. Còn ai
không vác thập giá mình mà theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi... Cũng thế,
bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm
môn đệ Tôi” (Lc 14,25-26.28b).
1- Một lời mời gọi như một thách thức
Có một điều chúng ta cần phải làm rõ ngay
lập tức. Nhiều khi Tin Mừng thách thức chúng ta, chứ không bao giờ gây mâu
thuẫn. Bằng chứng là ngay trong Tin Mừng Luca, ở phần sau đó, Chúa Giêsu mạnh
mẽ đòi hỏi phải tôn kính cha mẹ (x. Lc 18,20), và vợ chồng phải yêu mến nhau,
Người nói rằng họ phải trở nên một thân xác và sự gì Thiên Chúa đã liên kết thì
loài người không được phân li. Vậy tại sao ở đây Chúa lại nói với chúng ta hãy
“bỏ” cha mẹ, vợ, con và anh chị em mình?
Để không rơi vào rối rắm ở đây, chúng ta
cần lưu ý đến sự kiện này. Tiếng Do Thái không có sự so sánh lớn hơn hoặc nhỏ
hơn (ví dụ: “thích điều này hơn điều kia, hay thích điều này ít hơn điều kia);
người ta đơn giản và rút lại tất cả vào “yêu hoặc ghét.” Câu nói: “Nếu ai đến
với Tôi mà không bỏ cha mẹ, vợ con...” được hiểu theo nghĩa: “Nếu ai đến với
Tôi, mà không yêu tôi hơn cha mẹ... thì không thể là môn đệ tôi.” Chỉ cần đọc
lại đoạn Tin Mừng của thánh Mátthêu thì rõ hơn: “Ai yêu cha hay mẹ hơn tôi, thì
không xứng là môn đệ tôi” (Mt 10,37).
Nhưng với đoạn Tin Mừng này, chúng ta không
được bỏ đi chức năng “thách thức” vốn phải được giữ nguyên vẹn. Chúa Giêsu đòi
hỏi tình yêu dành cho Người phải vượt lên trên mọi tình yêu dành cho người
khác, kể cả những người thân thiết nhất như cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả
những của riêng mình. Ở đây không đề cập đến tình yêu Chúa theo số lượng, “yêu
hơn một chút so với những cái khác,” nhưng tình yêu theo chất lượng, khác biệt
và riêng biệt. Thánh Biển Đức nhận ra điều này nên đã để lại trong tu viện ngài
châm ngôn: “Tuyệt đối không đặt gì hơn trước tình yêu dành cho Chúa Kitô.”
Chúng ta thường nghe câu nói này: “Tôi còn
vợ và con cái.” Câu này có thể có giá trị trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, nhưng
không được viện cớ đó để thoái thác trách nhiệm trước lời mời gọi của Đức Kitô.
Đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe là sự diễn tả rõ ràng hơn về điều mà ta gọi
là tính triệt để của Tin Mừng. Cũng cần lưu ý một điều mà Chúa Giêsu nói nơi
khác rằng: “Hãy đến với tôi hỡi những ai đói khát và bị bắt bớ;” còn ở đây xem
ra Người nói ngược lại: “Anh em hãy suy nghĩ kỹ, trước khi đến với tôi...” Quả
thật, đây là ý nghĩa của dụ ngôn mà Người viện dẫn, để minh chứng cho những lời
Người trước đó:
“Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà
trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không?
Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu
người đó rằng: “Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi.”
2- Một đòi hỏi từ bỏ tận căn
Việc bước theo Chúa Kitô là một chọn lựa và
là quyết định hệ trọng liên quan đến toàn bộ đời sống chúng ta. Theo Chúa là sự
dấn thân trọn vẹn cả cuộc đời, là sự chọn lựa triệt để theo Tin Mừng như các tu
sĩ nam nữ và các linh mục đã làm, chứ không phải chỉ làm một chuyện đơn giản,
nhẹ nhàng, hay là một thứ trang sức cho đời sống.
Chúng ta có thể thắc mắc: Chúa Giêsu là ai
mà lại có thể đòi hỏi chúng ta phải yêu mến Người hơn cả cha mẹ, vợ con, và của
cải? Người có phải là một người điên hay là Thiên Chúa? Nếu Người không phải là
Thiên Chúa thì đòi hỏi như thế là quá đáng!
Các nhà chú giải không ngừng tìm kiếm trong
Tin Mừng những chứng cớ về thần tính của Chúa Kitô, nghĩa là về sự kiện Người ý
thức mình là Con Thiên Chúa. Bài Tin Mừng này là một trong những chứng cớ
thuyết phục nhất, dù cách gián tiếp, theo đó Chúa Giêsu tự coi mình là Thiên
Chúa. Trong những đòi hỏi này, Chúa Giêsu hành xử mà chỉ có Thiên Chúa mới có
thể hành xử như thế. Bởi vì Người là Thiên Chúa. Người đòi hỏi con người chính
điều mà Thiên Chúa đã đòi hỏi người Do Thái trong Cựu Ước: “Các người hãy yêu
mến Ta trên hết mọi sự” (Đnl 6,5).
Nhưng có lẽ sẽ rất sai lầm khi nghĩ rằng
tình yêu dành cho Chúa Kitô lại cạnh tranh với tình yêu nhân loại: với cha mẹ,
vợ chồng, con cái và anh chị em. Chúa Kitô không phải là một “đối thủ trong
tình yêu” của bất cứ ai và Người cũng không ghen tương với bất cứ người nào.
Trong tác phẩm “Chiếc dày láng bóng” của Paul Claudel, nhân vật chính là một
người Kitô hữu nhiệt tình nhưng lại chết mê chết mệt chàng Rodrigo, cô đã kêu
lên như không thể tin nổi: “Vậy các thụ tạo có được phép yêu nhau bằng tình yêu
này không? Thật vậy, Thiên Chúa thì không ghen tương phải không?” Và thiên thần
hộ thủ trả lời: “Làm sao Người có thể ghen tương điều chính Người đã làm nên?
(Atto III, cảnh 8).
Tình yêu dành cho Đức Kitô không loại trừ
tình yêu khác, nhưng làm cho chúng đi vào trật tự. Quả thực, Người là Đấng mà
nhờ Người mọi tình yêu đích thực tìm thấy nền tảng, trợ giúp và ân sủng cần
thiết để được sống cho đến cùng. Đây là ý nghĩa của “ân sủng bậc sống” mà bí
tích hôn nhân mang lại cho các vợ chồng Kitô hữu. Nó đảm bảo rằng họ được trợ
giúp và hướng dẫn bởi tình yêu của Chúa Kitô như Người yêu hiền thê của mình là
Giáo Hội.
Chúa Giêsu không lừa dối ai. Nhưng Người
đòi hỏi chúng ta trao ban tất cả. Bởi vì, Người đã hiến dâng tất cả cho chúng
ta. Có thể ai đó thắc mắc: Con người này có quyền gì mà đòi hỏi mọi người một
tình yêu tuyệt đối như thế? Không cần phải trở về quá khứ xa xôi, chúng ta có
thể tìm thấy trong lịch sử: Chúa Giêsu là người đầu tiên đã hiến dâng tất cả vì
loài người: “Ngài đã yêu chúng ta và đã ban tặng chính mình cho chúng ta” (Ep
5,2).
3- Dấu chứng tình yêu đích thực
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về chuẩn mực
và dấu chỉ của một tình yêu đích thực dành cho Người: “Hãy vác thập giá mình.”
Vác thập giá mình không có nghĩa là tìm kiếm sự đau khổ. Chúa Giêsu không chủ
trương tìm kiếm thập giá. Người vác thập giá mình vì vâng phục Chúa Cha và vì
ơn cứu độ loài người. Người đã biến đổi thập giá từ một phương tiện của sự dữ
trở thành dấu chỉ ơn cứu độ và vinh quang của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không đến
để làm cho những thập giá con người ra nặng hơn, nhưng đúng hơn, Người mang đến
cho chúng một ý nghĩa mới. Thật có lý khi nói rằng: “Hễ ai kiếm tìm Chúa Giêsu
mà không có thập giá, sẽ gặp thấy một thập giá mà không có Chúa Giêsu, nghĩa là
người đó sẽ tìm thấy thập giá nhưng không tìm thấy sức mạnh để vác thập giá.”
Sách Gương Phúc cảnh báo: “Nếu con sẵn sàng
vác thập giá, nó sẽ mang con và dẫn con tới nơi con ước mong, nơi đó đau khổ sẽ
kết thúc. Nếu con vác thập giá với tình yêu, thập giá không trở thành gánh nặng
dẫu nó có nặng hơn. Nếu con vứt bỏ thập giá, chắc chắn con sẽ thấy thập giá khác,
và nó còn nặng hơn... tất cả cuộc đời của Chúa Kitô là thập giá và tử đạo, còn
con, con muốn xin cho mình sự nghỉ ngơi và niềm vui chăng?” (II, 12).
Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta có một sự đáp
trả triệt để theo Người. Chính chân phước Angela thành Foligno giúp chúng ta
hiểu điều này. Một ngày kia, khi ngài suy nghĩ về sự thánh thiện, về tình yêu
dành cho Chúa, bất ngờ ngài nhận ra rằng lòng mến ngài dành cho Chúa không còn
trọn vẹn và hoàn toàn như thánh nhân nghĩ. Quả thật, ngài yêu mến Chúa trên hết
mọi sự, nhưng ngài cũng yêu điều gì đó khác nữa, như yêu những sự an ủi của
Chúa. Trong giây phút đó, ngài nghe một tiếng nói của Chúa Giêsu hỏi ngài:
“Angela, con muốn gì?” Và với tất cả sức mạnh của lòng mến, ngài kêu lên: “Con
chỉ muốn một mình Chúa thôi!”
Mỗi lần chúng ta suy niệm đoạn Tin Mừng
này, hy vọng mỗi người cũng kêu lên và quyết định như thế. Con chỉ muốn Chúa mà
thôi. Vì có Chúa là có tất cả. Amen!
No comments:
Post a Comment