Kh
1,2-3; 2,2-4; 2 Tm 1,6-8.13-14; Lc 17,5-10
Bài Tin
Mừng hôm nay bắt đầu bằng lời cầu xin của các Tông Đồ với Chúa Giêsu: “Thưa
Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Thay vì làm thỏa mãn nguyện vọng của
họ, Chúa Giêsu có vẻ như muốn thách thức họ. Người nói: “Nếu anh em có lòng tin
lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới
biển kia mà mọc,’ nó cũng sẽ vâng lời anh em.”
Rõ ràng đức
tin là chủ đề chính của Chúa Nhật này. Thật vậy, trong bài đọc I, chúng ta nghe
lời khẳng định nổi tiếng của Khabacúc, được thánh Phaolô lấy lại trong
thư gửi tín hữu Rôma: “Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm 1,17).
Đức tin có nhiều ý nghĩa khác nhau. Theo
nghĩa chủ quan, tin là lý trí chấp nhận những chân lý được Thiên Chúa mạc khải.
Theo đó, hành vi đức tin của chúng ta được hình thành theo những cách thế khác
nhau, nhờ nhận thức, tìm kiếm, hiểu biết cũng như ý muốn của chúng ta. Theo
nghĩa khách quan, tin là một ơn ban nhưng không đến từ Thiên Chúa. Hay nói cách
khác, với ơn ban đó, chúng ta bước theo, phó thác, yêu mến và hiến mình hoàn
toàn cho Thiên Chúa.
Trong lần này, tôi muốn suy từ về một khía
cạnh của đức tin, đó là tin hoặc không tin vào Thiên Chúa.
Đây không phải là đức tin mà một người
quyết định trở thành một người Công Giáo, Tin Lành, Kitô hữu hoặc Hồi Giáo,
nhưng là đức tin mà một người quyết định để trở nên một kẻ tin hoặc không tin,
một người có tôn giáo hoặc là người vô thần. Một bản văn Kinh Thánh nói rằng:
“Vì ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban
phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người” (Hr 11,6). Đây là bước thứ nhất của đức
tin, không có nó, chúng ta không thể đi tiếp những bước khác.
Nói về đức tin theo sự nhận thức chung như
thế, chúng ta không dựa trên Kinh Thánh bởi vì Kinh Thánh chỉ có giá trị đối
với những người Kitô hữu, và một phần Cựu Ước đối với người Do Thái, nhưng đối
với những người ngoài tôn giáo, họ không nhìn nhận giá trị của nó. Thật may mắn
cho chúng ta vì Thiên Chúa đã viết ra hai “cuốn sách”: một cuốn là Kinh Thánh
và một cuốn sách “tự nhiên.” Một cuốn được biên soạn nhờ chữ và lời, một cuốn
được viết bằng muôn loài, muôn vật và muôn tinh tú.
Bởi lẽ, không phải bất cứ ai đều hiểu biết
và có thể đọc cuốn sách Kinh Thánh; nhưng tất cả mọi người, mọi nơi, mọi nền
văn hóa, đều có thể đọc cuốn sách “tự nhiên” này. “Trời xanh tường thuật vinh
quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 18,2). Thánh
Phaolô viết: “Từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể
nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa
được” (Rm 1,20).
Thật không có cơ sở để nói rằng ngày hôm
nay khoa học đã giải quyết xong hết mọi vấn đề. Trái lại, khoa học cho thấy
những giới hạn của nó và phải nhìn nhận rằng: thế giới này cần phải nại đến Ý
Tưởng về một thực tại cao hơn mà ta gọi là Thiên Chúa. Theo một nghĩa nào đó,
ngày nay, khoa học đã đưa chúng ta tới gần niềm tin vào một Đấng Tạo Thành hơn lúc
nào hết.
Chúng ta hãy tìm hiểu thuyết nổi tiếng về Big Bang giải thích nguồn gốc của vũ trụ
này bằng một vụ nổ lớn – Big Bang, đó
là một sự bùng nổ vĩ đại xảy ra từ nguyên khởi. Trong một phần tỷ tỷ của một
giây, thế giới bắt đầu từ một tình trạng chưa có gì, chưa có không gian và thời
gian, đến một tình trạng mà trong đó, thời gian khởi đầu, không gian hiện hữu,
và xuất hiện những hạt li ti của vật chất, những tiềm thể của vũ trụ dần dần hình
thành với hàng tỷ dải ngân hà, như ngày nay chúng ta biết về vũ trụ.
Chúng ta cần quay trở về với lịch sử ban
đầu của thế giới để khám phá ý nghĩa hiện hữu của chúng. Khởi đầu vũ trụ do ai?
Có người cho rằng: “Khi cố gắng quay lại lịch
sử vũ trụ là giống như đang lần lượt đọc những trang của một cuốn sách vĩ đại bắt
đầu từ những trang cuối cùng rồi lần ngược lên, tới điểm khởi đầu, tới đó,
chúng ta thấy trang đầu tiên đã biến mất.” Hay những trang đầu không có.
Nhưng tôi tin rằng Kinh Thánh cung cấp cho
chúng ta những thông tin chính xác về trang đầu tiên này: “Từ nguyên thủy Thiên
Chúa đã tạo dựng trời và đất” (St 1,1). Theo Kinh Thánh, thế giới bắt đầu như
thế. Khoa học không thể trả lời cho câu hỏi về “trang đầu tiên này,” vì nó ở
ngoài thời gian, nó không thuộc phạm vi khoa học, khoa học cũng không thể khép
lại vòng quay này, khi cho rằng mọi sự đều được giải quyết. Khoa học thường chỉ
giải thích các hiện tượng xảy ra như thế nào, chứ không bao giờ có thể giải
thích lý do “tại sao” trong từng trường hợp, “cái tại sao cuối cùng.”
Khi nhìn ngắm trật tự vũ trụ, hàng tỷ tỷ
tinh tú không rơi vào hỗn loạn, nhưng chúng vận hành cách hòa điệu đến mức hoàn
hảo và trật tự. Chúng ta thấy mọi thứ đều vận hành đúng giờ, theo những quy
luật tự nhiên hài hòa mà không hề có một ách tắc nào cả. Ai có thể giải thích
được sự kỳ diệu đó, nếu không phải do bàn tay của Thiên Chúa?
Có một câu chuyện cười rất thú vị liên quan
đến câu chuyện đang bàn. Một ngày nọ, một nhóm nhà khoa học họp mặt, họ đi đến
kết luận rằng: con người đã làm được rất nhiều vĩ đại, nên không cần đến Thiên
Chúa nữa. Elessero, một người trong nhóm, đã đưa họ tới gặp Thiên Chúa và nói:
“Chúng tôi không còn cần đến Thiên Chúa nữa. Chúng tôi đã thực hiện việc sinh
sản vô tính một con người và chúng tôi có thể tự mình làm tất cả.” Thiên Chúa kiên
nhẫn lắng nghe và cuối cùng Người trả lời: “Tốt lắm, vậy chúng ta có thể làm
một cuộc thi để biết ai làm ra con người tốt hơn? “Đồng ý,” nhà khoa học vui vẻ
trả lời. Thiên Chúa nói: “Chúng ta sẽ thực hiện giống như lúc khởi đầu sáng tạo
Ađam.” “Chắc chắn rồi, không có vấn đề,” nhà khoa học đáp và cúi xuống đất lấy
một nắm bùn. Thiên Chúa nhìn ông và nói: “Không được, không được, không được, anh
phải dùng bùn của anh, anh không thể dùng bùn của tôi được!” Như thế, câu
chuyện muốn nói khoa học chỉ có thể đóng vai trò là khám phá và phát triển
những tiềm năng mà Thiên Chúa đã tạo dựng.
Tuy nhiên, một điều chúng ta cần phải đưa
ra ánh sáng rằng, rõ ràng tự khoa học không làm cho con người xa rời đức tin,
hoặc khoa học không thể vượt qua đức tin, như một số người thiển cận nghĩ. Phần
lớn những người có tên trong sổ vàng khoa học là những người tín hữu. Nhà khoa
học Pasteur nói rằng: “Nhờ việc nghiên cứu và suy niệm rất nhiều mà tôi đã có đức
tin như một người nông dân ở Breton. Nếu bạn suy niệm và nghiên cứu nhiều, bạn
cũng sẽ có đức tin như một người phụ nữ ở Breton.”
Beckerel, người nhận giải thưởng Nobel cùng
với Curie về vật lý, đã nói rằng: “Những nghiên cứu của tôi đã đưa tôi tới niềm
tin vào Thiên Chúa.” Chúng ta biết đức tin của Galilêa như thế nào rồi. Newton
nói rằng, hệ sinh thái kỳ diệu của mặt trời, các hành tinh, sao chổi không thể
gán cho một “sự tất yếu mù lòa” nào đó, nhưng phải khám phá từ công trình này
có một Đấng quyền năng và thông minh đang điều khiển mọi sự, không như linh hồn
của thế giới, nhưng như Chúa của vũ trụ.” Keplero kết thúc công trình của ông
rằng: “Sự hòa điệu của vũ trụ cùng với một lời cầu nguyện sốt sắng dâng lên
Chúa các tầng trời, trăng sao và muôn tinh tú.” Einstein nói rằng luật tự nhiên
mạc khải cách tuyệt vời về một Thượng Trí mà khi đối diện, tư tưởng loài người
chỉ là một suy tư hết sức nghèo nàn. Như thế, đức tin và khoa học không có mâu
thuẫn nhau, cũng không có cạnh tranh nhau, nhưng bổ túc cho nhau, như câu châm
ngôn nổi tiếng của Đức Gioan Phaolô II: “Đức tin và khoa học như đôi cánh nhờ
đó làm cho chúng ta bay cao hơn” (Tông Huấn Đức
tin và Lý Trí).
Tuy nhiên, với sự hiểu biết thông thường, chúng
ta không thể chứng minh cách hiển nhiên Thiên Chúa hiện hữu. Qua công trình tạo
thành, chúng ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa như nhìn qua một tấm gương, như
thánh Phaolô nói: “Bây giờ
chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt” (1
Cr 13,12).
Giống như một tia sáng của mặt trời chiếu
vào trong căn phòng, người ta không thể nhìn thấy chính tia sáng đó được, nhưng
nhờ các hạt bụi bay nhảy, tiếp nhận và chiếu tỏa ánh sáng, làm chúng ta nhìn
thấy ánh sáng. Điều này tương tự đối với Thiên Chúa: chúng ta không thấy Thiên
Chúa trực tiếp, nhưng như sự phản chiếu ánh sáng, qua trật tự của vạn vật tự nhiên,
chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa hiện hữu. Bức tranh này giải thích tại sao chúng ta
không thể tìm gặp Thiên Chúa nếu không có “một cú nhảy” của đức tin. Đức tin đó
giúp chúng ta nhận ra Thiên Chúa hiện hữu, quan phòng và an bài mọi sự thật kỳ
diệu. Người là nguồn gốc và cùng đích của chúng ta. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment