2V 5,14-17; 2Tm 2,8-13; Lc 17,11-19
Khi Chúa Giêsu trên đường lên Giêrusalem,
có mười người phong cùi đến gặp Người tại cửa vào một làng. Họ đứng từ đàng xa và
kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Chúa Giêsu động
lòng thương và nói với họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Khi đi gặp các tư
tế, cả mười người phong cùi nhận thấy mình được khỏi bệnh. Một người trong số
họ quay trở lại tạ ơn Chúa Giêsu, người đó lại là người Samari. Đây là phép lạ
Chúa Giêsu chữa lành những người phong cùi được thánh Luca trình thuật trong
bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe.
1- Các phép lạ trong
Kinh Thánh
Bài đọc I cũng nói về việc tiên tri Êlisa
chữa lành một cách lạ lùng cho một người phong cùi, đó là Naaman, người Syria.
Rõ ràng ý hướng chủ đạo của phụng vụ Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về ý nghĩa của phép lạ chữa lành người
phong cùi.
Thật vậy, Kinh Thánh cho thấy dân chúng rất
trông chờ Chúa Giêsu làm những phép lạ trong sứ vụ của Người. Đối với họ, ý
tưởng nổi bật nhất mà họ quan niệm về Người là Đấng có quyền năng thực hiện
nhiều phép lạ. Người ta thích thú hình ảnh này hơn hình ảnh Chúa Giêsu như là
vị ngôn sứ. Một cách nào đó, chính Chúa Giêsu nhìn nhận và xác thực về sứ mạng
cứu độ của Người khi nói rằng: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi
được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”
(Mt 11,5). Nếu các phép lại bị xóa bỏ khỏi cuộc đời Chúa Giêsu thì cốt lõi của
toàn bộ Tin Mừng cũng bị phá hủy.
Trong Tin Mừng, các phép lạ thường được đón
nhận cách khác nhau. Đôi khi chúng được nhìn cách tích cực và đôi khi trở thành
tiêu cực. Tích cực, khi chúng được đón nhận với lòng biết ơn và niềm vui, khi
chúng đánh thức đức tin vào Chúa Kitô và hy vọng vào một thế giới tương lai
không có bệnh tật và chết chóc; tiêu cực, khi người ta chạy theo phép lạ, chỉ
tìm kiếm phép lạ hoặc đòi Chúa làm phép lạ rồi mới tin, như trong cuộc hội
thoại giữa Chúa và người Do Thái: “Đâu là dấu chỉ ông làm để chúng tôi có thể
tin vào ông?” (Ga 6,30). Chúa Giêsu luôn từ chối làm phép lạ nếu họ thiếu niềm
tin và vì mục đích này.
2- Sự bất cập hoặc thái quá khi nói về phép lạ
Ngày hôm nay, tính hiếu kỳ và thói chạy
theo dấu lạ vẫn cứ tiếp tục trong dân chúng dưới muôn vàn hình thức khác nhau.
Một đàng, có những người thích tìm kiếm phép lạ, tìm kiếm những chuyện ngoại
thường xảy ra, rồi nhẹ dạ cả tin vì được chứng kiến tận mắt những hình ảnh,
cảnh tượng như việc Đức Mẹ chảy dầu, tượng Chúa chảy mồ hôi, ảnh Lòng Thương
Xót Chúa trổ hoa v.v… trong khi phép lạ Thánh Thể mỗi ngày diễn ra trên bàn thờ
nơi thánh lễ thì họ rất ít quan tâm và đến tham dự…
Đàng khác, có những người lại phủ nhận hoàn
toàn các phép lạ trong cuộc sống. Quả thế, họ nhìn phép lạ với một thái độ khó
chịu nào đó và cho rằng những chuyện như thế là hoàn toàn bịa đặt. Theo họ,
phép lạ như một lệch lạc của niềm tin tôn giáo, hay là do sự ngu muội, chủ
quan, dốt nát, cả tin. Tuy nhiên, họ không nhìn nhận rằng trong lịch sử và
trong cuộc sống, có những điều kỳ diệu xảy ra mà chỉ có đức tin mới lý giải
được, đó là những can thiệp của Thiên Chúa, là dấu chỉ tình yêu Chúa dành cho
con người khi chữa lành, hay cứu vớt một ai đó. Chẳng hạn như những trường hợp
bệnh nhân được chữa lành ở Lộ Đức, hay trường hợp một người phụ nữ không có con
ngươi, nhưng khi tiếp xúc với cha Piô Năm Dấu, thì bà nhìn thấy được.
3- Tiêu chuẩn để phân định
Cùng với những tường thuật về các phép lạ, Kinh
Thánh cho chúng ta những tiêu chuẩn để phân định tính xác thực và mục đích của
các phép lạ.
Trong Kinh Thánh, phép lạ tự thân không bao
giờ là mục đích; phép lạ chỉ là một phương tiện để dẫn người ta đến với Thiên
Chúa; Chúa Giêsu không làm phép lạ với ý định đề cao mình hay để chứng tỏ cho
mọi người thấy quyền năng ngoại thường trổi vượt của mình. Người không giống
như hầu hết những nhà phù thủy khi chữa bệnh, họ thường quảng cáo về mình. Đúng
hơn, phép lạ được thực hiện như là sự khích lệ và phần thưởng của Đức tin. Phép
lạ là một dấu chỉ giúp con người hướng tới ý nghĩa cao cả hơn của cuộc sống. Tự
bản chất, phép lạ là “dấu chỉ” hướng đến Thiên Chúa và cũng dẫn con người đến Người.
Thiên Chúa tự tỏ mình trong quyền năng yêu thương qua các phép lạ chữa lành của
Chúa Giêsu và của các Tông Đồ. Chữa lành là một chiều kích chính yếu của sứ vụ Tông
Đồ và của niềm tin Kitô giáo nói chung. Trong ý nghĩa đó, Kitô giáo được gọi là
“tôn giáo chữa lành.” Ơn cứu độ xét cho cùng đó chính là sự chữa lành. Ai thực
sự muốn chữa lành, người đó phải nhìn nhận rằng việc cứu chữa cuối cùng chỉ có
thể đến từ tình yêu Thiên Chúa.
Bởi thế, chúng ta cần phải tránh rơi vào hai
thái cực, hoặc là chạy theo tìm kiếm dấu lạ, hoặc là phủ nhận hoàn toàn các dấu
lạ của cuộc sống, nhưng phải biết đón nhận những phép lạ với một thái độ biết
ơn và cảm tạ Thiên Chúa. Con người thường thích nhận quà mà quên người tặng
quà. Nên chúng ta cần học thái độ biết ơn của người phong ở Samari.
Xin
Chúa giúp chúng ta có cặp mắt đức tin trong suốt để chúng ta thấy được những
điều kỳ diệu mà Thiên Chúa thực hiện trong cuộc sống, nhờ đó chúng ta biết ngạc
nhiên, tạ ơn và thực thi thánh ý của Thiên Chúa qua những phép lạ Người làm.
Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment