Is 58,7-10; 1Cr 2,1-5; Mt 5,13-16
Kitô hữu hay người môn đệ Chúa Kitô có căn tính và sứ vụ đặc biệt khi
sống trong thế gian, được Chúa mời gọi trở nên như là ánh sáng cho thế gian và
là muối cho đời. Điều này được nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Huấn từ tiếp
tục bài giảng Trên Núi mà chúng ta đã suy niệm trong Chúa Nhật vừa rồi.
Với ba cách ngôn vắn gọn, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết ba dấu chỉ mà
người môn đệ Chúa cần trở nên: đó là muối cho đời, ánh sáng cho trần gian và là
thành trì ở trên núi cao. Cả ba hình ảnh đều quy về một hướng: chứng tá bằng
đời sống để phục vụ tha nhân, như chính Chúa Giêsu đã làm.
1- Muối cho đời
Trước hết là hình ảnh muối: Muối là một trong những hình ảnh mà Chúa
Giêsu dùng để định nghĩa căn tính của người môn đệ Chúa. Muối là một yếu tố gần
gũi với hầu hết các nền văn hóa đời sống con người, bởi vì muối thường được
dùng để ướp thực phẩm, bảo vệ thực phẩm không bị hư thối, làm cho các món ăn
ngon hơn; muối còn dùng để tẩy rửa vết bẩn và sát trùng. Muối đóng vai trò quan
trọng trong lĩnh vực ăn uống, bởi vì nếu thức ăn không có muối, thì nó đánh mất
hương vị của nó, trở nên nhạt nhẽo. Sự hiện diện của muối ở trong thức ăn
thường không nhìn thấy được, nhưng nếu thức ăn không có muối, thì người ta dễ
nhận ra. Đó là cách thức hiện diện của muối: tác động một cách ẩn dấu, không
thể quan sát được, nhưng có hiểu quả rất quan trọng.
Vì thế, muối là một biểu tượng rất đẹp, giàu ý nghĩa biểu đạt để nói về
căn tính và sứ vụ của người môn đệ Chúa Giêsu giữa lòng xã hội. Kitô hữu chính
là muối cho đời. Giống với muối, chúng ta hiện diện khiêm tốn, hòa nhập, tác
động từ bên trong, biến đổi âm thầm. Cũng như muối, người môn đệ Chúa sống
trong xã hội, có sứ vụ giữ gìn xã hội cho sạch, tẩy xóa những xấu xa, dơ bẩn và
biến đổi xã hội, đời sống con người nên tốt hơn, nhân bản hơn, lành mạnh hơn
theo các giá trị Tin Mừng. Sự ảnh hưởng này không nhìn thấy, nhưng lại rất cần
thiết. Đây sự biến đổi nên tốt lành và công chính từ bên trong lòng con người
và xã hội.
Để làm tốt chức năng muối ướp, muối phải luôn mặn, nếu nó nhạt đi, tự nó
không còn khả năng nữa, nó bị biến chất. Cũng thế, để có thể biến đổi đời,
chúng phải luôn giữ đúng căn tính mình, có phẩm chất thực sự của người môn đệ
Chúa Kitô.
Chúng ta có sứ vụ phải khám phá khuôn mặt đích thực và ẩn dấu của Thiên
Chúa và giúp người khác cũng khám phá điều đó trong đời sống. Vai trò đó thật
cao cả: chúng ta là muối, là hương vị của đời sống, là ân sủng, là hy vọng cho
người khác. Chúng ta có nhiệm vụ làm lan tỏa vẻ đẹp và giá trị Tin Mừng cho
những người xung quanh, biến đổi nếp sống con người, xã hội bằng chính đời sống
của mình. Đó là “chức năng muối” của người môn đệ trong thế giới.
2- Ánh sáng cho trần gian
Bước theo Đức Giêsu, người môn đệ Chúa còn là ánh sáng cho trần gian.
Biểu tượng ánh sáng được dùng rất nhiều trong Kinh Thánh: từ trang đầu tiên của
sách Sáng Thế, Kinh Thánh đã mô tả việc tạo thành ánh sáng, rồi nói đến cột lửa
hướng dẫn dân Do Thái trong cuộc xuất hành khỏi Ai Cập, rồi các tiên tri tiếp
tục dùng hình ảnh ánh sáng để nói về thời đại cứu thế, cuối cùng thời kỳ viên
mãn của ánh sáng, sự mạc khải của Chúa Kitô đã đến. Chính Người quả quyết: “Tôi
là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ
nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).
Trong mỗi thời đại và văn hóa, con người luôn đi tìm ánh sáng chân lý,
ánh sáng của chính mầu nhiệm con người, và của sự khốn cùng sâu thẳm của nó.
Đây là câu trả lời cho những thắc mắc của con người mọi thời: “Giáo Hội tin
rằng Chúa Kitô đã chết và đã sống lại cho mọi người. Vì thế, qua Thánh Thần của
Người, Người ban cho con người ánh sáng và sức mạnh để con người có thể đáp lại
thiên chức cao cả của mình… Giáo Hội cũng tin rằng đầu mối, trung tâm và cùng
đích của toàn thể lịch sử nhân loại đều ở trong Đức Kitô là Chúa và là Thầy của
Giáo Hội” (GS 10,2).
Đức tin vào Chúa Giêsu Nadarét, Thiên Chúa thật và người thật, là ánh
sáng của Kitô hữu. Ánh sáng này chiếu soi từng ngày cho đời sống mỗi người
chúng ta, từ khi chúng ta cúi xuống nhận Phép Rửa cho đến khi đón nhận Ánh Sáng
Chúa Kitô Phục Sinh vinh hiển. Ánh sáng đó soi sáng kinh nghiệm hằng ngày của
chúng ta, biến đổi căn tính Kitô hữu, qua các bí tích đồng hành với chúng ta
trong hành trình dương thế này.
Từ Ánh Sáng Chúa Kitô, đến lượt chúng ta cũng được mời gọi trở nên ánh
sáng cho người khác, để soi chiếu cho họ thấy ánh sáng sự thật, ánh sáng ơn cứu
độ và hạnh phúc đích thực; đồng thời chúng ta phải giúp họ chống lại những bóng
tối tội lỗi, sai lạc và bất hạnh của con người.
3- Một sứ vụ phải hoàn tất
Để hoàn tất sứ vụ là muối và ánh sáng cho đời, nghĩa là làm chứng cho
Tin Mừng, chúng ta phải tránh hai cám dỗ được nói ở bài đọc I và II của Chúa
Nhật này: đó là cái nhìn méo mó về đức tin bị tha hóa và lối đánh giá duy hiệu
quả bên ngoài.
Trước hết, chúng ta cần phải tránh sự ảo tưởng về một đức tin bị tha
hóa, chỉ chạy theo những nghi lễ và vụ hình thức, mà không có những thực hành
tôn giáo và bác ái đối với những người xung quanh. Trái lại, lòng đạo đức phải
gắn liền với những việc làm cụ thể đối với tha nhân. Bởi Chúa dạy: “Chẳng phải
là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh
em cốt nhục. Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông” (Is 58,7-8).
Chúng ta được mời gọi trở thành chứng tá của ánh sáng. Không ai thắp đèn
lên rồi dấu nó đi, nhưng là để nó chiếu soi mọi người và để họ thấy những việc
tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em trên trời. Đó là bổn phận hằng
ngày của mỗi người trong gia đình, trong tương quan vợ chồng, cha mẹ với con
cái, với người già và người trẻ, trong môi trường làm việc và nơi công cộng.
Chúng ta cũng tránh rơi vào cám dỗ đánh giá theo kiểu “duy hiệu quả bề
ngoài” và cám dỗ dùng những cách thức thế gian để đạt được những hiệu quả cho
Tin Mừng. Tuy nhiên, thánh Phaolô dạy: “Khi tôi đến với anh em, tôi đã không
dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên
Chúa…” (1 Cr 2,1-5); không dùng sức mạnh của tiền bạc, tầm ảnh hưởng, mệnh
lệnh, sự nổi tiếng, hay sự ưu đãi, nhưng trái lại, tôi chỉ nhờ sự khôn ngoan
của Chúa Kitô chịu đóng đanh, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần để nâng đỡ cho
chúng ta một sự khiêm nhường lạc quan mà chắc chắn, một sự vững vàng khi chúng
ta biết dựa vào Thiên Chúa, dựa vào hiệu quả thập giá và sự phục sinh của Chúa
Kitô.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta trở nên những môn đệ đích thực của Chúa
Kitô để chúng ta có thể trở thành muối và ánh sáng cho trần gian. Amen!
No comments:
Post a Comment