Friday, 31 January 2020

Các mối phúc là tinh hoa Tin Mừng


CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN

Xp 2,3;3,12-13; 1 Cr 1,26-31; Mt 5,1-12a

Trang Tin Mừng của Chúa Nhật này là một trong những trang Kinh Thánh đẹp nhất của Kitô giáo. Bởi lẽ, đây là bài giảng hay nhất của Chúa Giêsu, được thánh Mátthêu gọi là các mối phúc. Các bậc thầy tu đức xem các mối phúc là luật tối thượng của đời sống Kitô hữu. Mặc dầu đây là những lời mời gọi của Chúa Giêsu, chứ không phải lệnh truyền, nhưng các mối phúc tạo nên chuẩn mực nền tảng của đời sống luân lý, là magna charta về tính xác thực của mỗi Kitô hữu. Bởi thế, chúng ta cần tìm hiểu cách vắn gọn từng mối phúc.

Mối phúc thứ nhất: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). So với Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu chỉ nói cách đơn sơ là “người nghèo khó,” còn Mátthêu thì nói: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó.” Luca muốn nói đến sự từ bỏ triệt để bằng sự nghèo khó vật chất và thực tế. Đối với Mátthêu, sự khó nghèo được nói ở đây, không bao giờ là một hiện tượng thuần túy vật chất. Sự nghèo nàn về vật chất tự nó không phải là một nhân đức, không mang lại ơn cứu độ. Vì tâm hồn của những kẻ trắng tay có thể chai cứng, bị đầu độc, trở nên xấu xa, hay trong thâm tâm họ đầy sự thèm khát của cải, quên dần Thiên Chúa và bị của cải bên ngoài xâu xé.
Ở đây Mátthêu muốn nhấn mạnh “sự nghèo khó trong tâm hồn.” Nghĩa là những người có thái độ đúng đắn với của cải vật chất, không để mình dính bén trước những cám dỗ của tiền bạc và sở hữu vật chất; nhưng dám từ bỏ lối nghĩ, não trạng, để mở ra và đón nhận những mới mẻ; những người sống khiêm tốn, vị tha, tự do cho sứ vụ, sẵn sàng phục vụ tha nhân; họ hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa. Đó là sự nghèo khó về tinh thần, họ sẽ được chúc phúc. Theo thánh Mátthêu và Luca, những người này cùng nhận được lời hứa: “Vì Nước Trời là của họ.” Đó là phần thưởng dành cho họ. Họ sẽ được thuộc về Chúa, được ở trong Nước Chúa.
Mối phúc thứ hai: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5,4). Chúng ta đừng hiểu phúc này cho những hạng người ẻo lả, kiểu “bún thiu,” nhưng cho những người nhẫn nại, kiên nhẫn, người biết chịu đựng, đau khổ nhiều, nhưng không bao giờ nổi loạn, chống đối và bạo hành, những người biết chờ đợi mà không nóng giận; cho những người không lấy ác báo ác, nhưng lấy ân báo oán, cho người sống chan hòa, nhân ái với mọi người. Người bạo hành gặp khó khăn buông xuôi, người hiền lành thì kiên gan vững chí. Họ là người bám lấy Chúa, tin tưởng vào Chúa, phó thác cho Chúa. Nếu thế giới này có những con người sống hiền lành như thế, thế giới sẽ trở nên hòa bình. Họ sẽ được chúc phúc vì cuối cùng họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Mối phúc thứ ba: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5,5). Sầu khổ có tốt không? Sao lại được chúc phúc? Có hai loại sầu khổ: sầu khổ khi mất hy vọng, không còn tin tưởng vào tình yêu và từ trong thâm tâm phá vỡ chân lý, gây đổ vỡ con người, nhưng cũng có sầu khổ phát xuất từ sự lay động của chân lý, giúp con người sám hối, chống lại điều xấu. Giuđa nằm trong sự sầu khổ thứ nhất, còn Phêrô ở trong sầu khổ thứ hai. Như thế, sự sầu khổ mà Chúa nói là sự không thỏa hiệp với điều xấu, là cách thức chống lại điều xấu mọi người đang làm. Đối với thế gian, người ta tìm cách bách hại những người này và làm cho họ sầu khổ vì sống công chính. Nhưng họ sẽ được Thiên Chúa an ủi và hứa ban Nước Trời, đó là sự an ủi và phần thưởng đích thực.
Mối phúc thứ tư: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (Mt 5,6). Sự công chính theo Cựu Ước là cách diễn tả sự trung thành với lề luật, trung thành với Lời Chúa, như các ngôn sứ khuyến khích. Đó là việc tuân giữ con đường đúng đắn do Thiên Chúa vạch cho, mà trọng tâm là thập giới. Tân Ước quan niệm người công chính là người sống theo đức tin. Người tin là người công chính, người “bước theo đường lối của Chúa” (x. Tv 1). Ở đây nhấn mạnh đến những người tìm kiếm những gì cao hơn, tìm kiếm sự công chính đích thực, sự thiện hảo chân thực. Đó là những người luôn dám lên đường để tìm kiếm chân lý, tình yêu và Thiên Chúa, những người có sự rung động nội tâm, có khả năng lắng nghe và nắm bắt những dấu chỉ mà Thiên Chúa gửi đến dù rất nhỏ. Edith Stein đã có lần nói: “Nếu ai luôn khắc khoải đi tìm chân lý, thì họ đang ở trên con đường dẫn đến Đức Kitô.” Những người đói khát sự công chính sẽ được chúc phúc vì sự đói khát này sẽ dẫn họ đến với Thiên Chúa, đến với Đức Kitô và vì thế trần gian sẽ mở rộng để đón Nước Thiên Chúa.
Mối phúc thứ năm: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Người biết thương xót là người có trái tim của Thiên Chúa, biết cảm thông và cảm thương với những nỗi đau của đồng loại, nhất là của những người nghèo khổ. Đó là những người biết tha thứ, những người có sáng kiến, vì không có gì cách mạng, mới mẻ cho bằng một người, đang lúc xung đột, bổng nhiên tha thứ. Đó là người dám làm cái gì mới mẻ và sáng tạo như Cha chúng ta trên trời. Là những người đối xử tử tế với những người vô liêm sĩ với mình, giúp đỡ những kẻ quay lưng lại với chúng ta: đó mới là những cử chỉ tự do và sáng tạo. Họ sẽ được chúc phúc.
Mối phúc thứ sáu: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Mối phúc này nói về những người có tâm hồn đơn sơ, thanh sạch và không ô uế, vì một con tim biết yêu không chấp nhận những gì có thể làm hại, làm suy yếu hoặc gây nguy hiểm cho tình yêu ấy. Trái tim là trung tâm điểm của toàn bộ đời sống con người, nơi đó phát xuất mọi điều thiện hay ác. Bởi thế, Kinh Thánh sử dụng trái tim để mô tả những ý định thật sự của chúng ta, những điều chúng ta thật sự tìm kiếm và mong muốn, vượt xa tất cả những vẻ bề ngoài. Sách Châm Ngôn khuyên: Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ” (Cn 4,23). Không có gì bị sự giả dối vấy bẩn mà có được giá trị thật sự trong mắt Chúa. Mối phúc này cũng muốn nói đến tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Một con tim biết yêu mến là một tâm hồn trong sạch. Chúa Giêsu hứa rằng những ai có lòng trong sạch “sẽ thấy Thiên Chúa.” Giữ cho lòng mình khỏi vướng tất cả những gì làm cho tình yêu hoen ố: đó là sự thánh thiện.
Trong mối phúc thứ bảy, Chúa Giêsu nói: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Đây là mối phúc dành cho những ai không thể yên tâm sống trong tình trạng tranh giành, xung đột không lối thoát… Phúc cho những ai không thể chịu được câu: “Đành chịu vậy,” “biết làm sao bây giờ.” Cần phân biệt hòa bình khác hẳn với an phận. Không gì vất vả bằng việc thiết lập hòa bình thật sự giữa hai người. Không gì xáo trộn bằng việc để cho có sự bình an của Chúa. Cần phải có sự trong suốt hoàn toàn. Chúa chỉ ban bình an của Người cho những ai dám tự hiến mình cho Người vô điều kiện. Lời chúc phúc này mời gọi chúng ta phải sống và làm những gì Chúa Con làm, để có thể trở thành những người con của Thiên Chúa. Chỉ khi nào con người được giao hòa với Thiên Chúa và với bản thân mới có thể thiết lập được hòa bình chung quanh mình và tỏa ra ngoài xã hội.
Mối phúc thứ tám: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,10). Đây là lời cảnh báo của Chúa về tình trạng Hội Thánh mà họ đang sống. Hội Thánh trở thành đối tượng bị bách hại, bị bách hại vì “lẽ công chính.” Những người bị bách hại vì sống công chính là những người sống từ sự công chính của Thiên Chúa. Chính Đức Kitô bị đóng đinh là người công chính bị bách hại. Người trở thành mẫu mực cho sự công chính và ơn cứu độ. Vì thế, lời chúc phúc là lời mời gọi bước theo Đấng bị đóng đinh, lời mời gọi cho từng người cũng như cho cả Hội Thánh.
Chúa Giêsu còn thêm: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12). Lời chúc phúc dành cho những ai bị bách hại vì đức tin, bị tố cáo, đấu tố, và bêu xấu vì Chúa Kitô. Nó thấy điều mới mẻ. Đức Giêsu hứa ban niềm vui, phấn khởi và phần thưởng lớn lao cho họ. Chúa sẽ ân thưởng xứng đáng cho những ai đã sống như thế.
Như vậy, tám mối phúc là đặc điểm của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã sống nghèo khó, khiêm nhường, hiền hòa, nhân từ, kiến tạo hòa bình, bị bắt bớ. Các mối phúc dẫn đưa chúng ta vào chính đời sống của Thiên Chúa, mở ra con đường đích thực cao cả của Tin Mừng và thực hiện sự vĩ đại của ơn gọi con người. Amen!

No comments:

Post a Comment