Saturday, 4 July 2020

Học từ Chúa Giêsu

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN
Dcr 9,9-10; Rm 8,9.11-13; Mt 11,25-30

Lời Chúa hôm nay thật phong phú, mỗi câu nói của Chúa Giêsu là một đề tài đáng suy niệm và áp dụng. Trong thánh lễ này, chúng ta chỉ tập trung suy niệm một câu thôi: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Hiền lành và khiêm nhường là hai đức tính nhân bản nền tảng mà ai ai cũng phải có để làm người, đồng thời cũng là hai nhân đức Tin Mừng mà mỗi người Kitô hữu cần luyện tập và thực hành để sống đúng với tư cách của mình.

1- Người hiền lành

Vậy người hiền lành là ai? Trước hết người hiền lành là người có đức độ, lương thiện; có lòng thương người; người tỏ ra kiên nhẫn, tử tế và hòa nhã với người khác. Người ở hiền thì sẽ có hậu như cha ông ta vẫn thường nói: “Ở hiền gặp lành” hay “cha mẹ hiền lành để đức cho con.”

Trái nghịch với người hiền lành là người độc ác, ích kỷ, nóng tính, gây hấn; người thích mệnh lệnh, ưa ăn trên ngồi trốc; người hay gây lộn; người hay “bới lông tìm vết;” người hay nói xiên nói xỏ, gây chia rẽ trong gia đình, cộng đoàn, xã hội v.v…!

2- Người khiêm nhường

Còn người khiêm nhường là ai? Người khiêm nhường là người biết mình, biết người, biết sự thật đúng như nó là; người không khoe khoang, không phô trương, dù có thành công; người biết tôn trọng người khác và nhìn nhận người khác hơn mình. Luân lý Kitô giáo định nghĩa: “Khiêm nhường là nhìn nhận sự thật như nó là.” Điều này có nghĩa khiêm tốn là không nói quá sự thật cũng không thêm không bớt sự thật. Sự việc như thế nào thì được đón nhận và diễn tả đúng như vậy.

Ngược với khiêm tốn là người kiêu ngạo, coi thường người khác, coi mình là cái rốn vũ trụ, người tự coi mình hơn người, khoe khoang, nói quá sự thật, “vơ đũa cả nắm,” hay kiểu “cả vú lấp miệng em,” lúc nào cũng cho mình đúng, còn người khác thì sai.

3- Gương khiêm nhường

Đức Giêsu hôm nay giới thiệu với chúng ta Người là mẫu gương đích thực về sự hiền lành và khiêm nhường, đồng thời Người mời gọi chúng ta: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Thật vậy, Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận tôi đòi (x. Pl 2,6), trở nên một người phàm để đến với mọi người và để cứu độ chúng ta. Người là thầy nhưng đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ; Người là vua nhưng đã trở thành người tôi tớ hiền lành như chiên con bị xén lông mà chẳng mở miệng (x. Is 53,5-7), và Người hạ mình đến tột cùng khi chấp nhận cái chết nhục nhã trên thập giá. Sự hiền lành và khiêm tốn của Chúa Giêsu trở thành sức mạnh của tình yêu và ơn cứu độ cho chúng ta. Người được Thiên Chúa tôn vinh với danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu (x. Pl 2,9). Đúng là “ai hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên” (Lc 18,14).

Như thế, Đức Giêsu không cứu độ con người bằng sức mạnh của quyền lực thống trị và áp đặt, nhưng bằng sự khiêm hạ và sức mạnh của tình yêu tự hiến. Người mở ra con đường thập giá để chúng ta bước theo và đạt tới vinh quang.

Khi nói về những vị thánh đã học theo gương của Chúa Giêsu, chúng ta nhớ tới câu chuyện về thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII. Tên thật ngài là Roncalli, trước khi được bầu làm Giáo Hoàng, ngài làm khâm sứ ở Bungari và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi thi hành công vụ, ngài nhận được một bức thư ngỏ của một linh mục chỉ trích ngài về nhiều điều. Nhận được lá thư đó, ngài đọc và không nói gì. Sau này, ngài làm Giáo Hoàng (1958), vị linh mục đó cùng với giáo dân hành hương sang Rôma để yết kiến ngài. Trong khi đứng chờ, đầu óc của vị linh mục cứ nghĩ tới bức thư, vừa hối hận vừa lo sợ: Chắc thời gian lâu rồi hy vọng Đức Thánh Cha đã quên chuyện cũ rồi. Không ngờ khi vừa mới tới, Đức Thánh Cha kéo lá thư trong cuốn sách kinh ra. Vị linh mục đó hoảng sợ vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra ở đây? Nhưng Đức Giáo Hoàng ôn tồn nói: “Con đừng sợ, Cha cám ơn con. Cha để lá thư trong sách để mỗi ngày đọc và xét mình. Nếu có những sai lỗi nó giúp Cha sữa lỗi và tránh những sai lầm có thể xảy ra trong tương lai. Mỗi lần như thế Cha lại nhớ đến con và biết ơn con.”

Các thánh là những người thật hiền lành và khiêm tốn như Chúa Giêsu! Chúng ta chưa giống Chúa vì chúng ta chưa học để sống sự hiền lành và khiêm nhường của Người. Nên hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy đến với Người và học nơi Người. Khi chúng ta có được sự hiền lành và khiêm nhường lòng, thì mỗi người, gia đình và xã hội sẽ có bình an. Amen!

 

 CHÚA NHẬT XIV (BÀI II)

Mặc Khải Mầu Nhiệm Cho Người Bé Mọn
Dcr 9,9-10; Rm 8,9.11-13; Mt 11,25-30

Bài Tin Mừng Chúa Nhật này chứa đựng ba sứ điệp ý nghĩa:  1) Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu – “Con tạ ơn Cha;” 2) Lời tuyên xưng của Người về chính mình – “Mọi sự tôi có là từ Cha tôi;” 3) Lời mời gọi: “Hãy đến với tôi hết thảy những ai mệt nhọc.”

Chúng ta tập trung suy nghĩ về sứ điệp thứ nhất, đó là lời cầu nguyện tạ ơn, bởi vì nó chứa đựng một mạc khải hết sức quan trọng: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11,25-26).

Khi giải thích về những lời của Chúa Giêsu, trong thư I gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô nói rằng: “Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1 Cr 1,26-29).

Những lời của Chúa Giêsu và của thánh Phaolô đều chiếu tỏa một ánh sáng cho thế giới hôm nay, một thế giới đang tái diễn tình trạng này: những người tự cho mình là khôn ngoan và thông thái lại từ bỏ đức tin và xa rời Giáo Hội, đặc biệt ở Châu Âu và một số nước văn minh trên thế giới; họ nhìn những người đang lần hạt, cầu nguyện trong nhà thờ hay nơi các địa điểm hành hương với một cặp mắt mỉa mai và khinh thường.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu các trường hợp không có niềm tin tôn giáo, người ta thấy rằng họ đóng kín trước mọi mạc khải của Thiên Chúa và từ chối đón nhận chân lý không phải do sự thông minh của họ nhưng do sự kiêu ngạo, một sự kiêu ngạo từ sự tự thỏa mãn với chính mình dẫn tới việc từ chối mọi sự lệ thuộc và đòi hỏi đối với chân lý tuyệt đối. Thường họ cố thủ đằng sau những ngụy biện và bảo thủ của mình, nên họ không có khả năng tiếp nhận chân lý và mạc khải của Thiên Chúa. Họ không nhận ra những giới hạn của lý trí trước chân lý tuyệt đối. Con người cần có mạc khải của Thiên Chúa mới có thể vén mở bức màn che để đón nhận chân lý của Thiên Chúa.

Về điểm này, triết gia Công Giáo Blaise Pascal cho rằng: “Hành vi cao cả nhất của lý trí là nhận biết rằng có vô số điều mà lý trí không thể biết.” Còn Soren Kierkegaard viết: “Người ta sẽ sai lầm khi nói rằng khoa học có thể làm thỏa mãn hết mọi sự khi tìm hiểu điều này điều kia mà không thể hiểu. Ngược lại người ta phải nói: Khoa học con người phải nhìn nhận rằng có điều gì đó không thể hiểu, hoặc hiểu cách chính xác hơn, nếu nói có điều gì đó có thể hiểu cách rõ ràng mà không thể hiểu được, khi đó có những vấn đề.”

Tuy nhiên, con người nhìn nhận rằng có điều gì đó không thể hiểu được với sự hiểu biết của lý trí vì nó là như vậy. Những ai không đưa vào khả năng mình đi xa hơn sẽ tự đặt giới hạn mình trên lý trí và hạ thấp nó. Nhưng điều này không phải là điều mà các tín hữu làm khi họ mở ra với khả năng siêu việt.

Điều mà tôi giải thích lý do tại sao, sau Nietzche, tư tưởng hiện đại không còn giá trị “chân lý,” nhưng đúng hơn đó là “sự theo đuổi chân lý và sự thành thật,” nó đã thay thế chân lý. Đôi lúc thái độ này được dùng để trở thành một người khiêm nhường – khi hài lòng với điều mà các triết gia nói giống như Gianni Vattimo gọi là “tư tưởng yếu đuối” – nhưng đây là một loại “phán đoán theo bề mặt.”

Chừng nào con người kiếm tìm chân lý và và coi mình là nhân vật chính, khi đó họ sẽ từ bỏ. Nhưng khi chân lý được tìm thấy, đó là lúc chân lý lên ngôi, người tìm kiếm phải cúi đầu trước chân lý và khi đây là một vấn nạn của chân lý siêu việt, điều này đòi hỏi cần phải hy sinh cả lý trí nữa.

Lời tuyên bố của Chúa Giêsu trong Tin Mừng thánh Gioan: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống; Không ai đến với Chúa Cha mà không qua thầy” (Ga14,6); “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Đây là những lời thách thức nền văn hóa đương thời của chúng ta. Nhưng đây cũng là những lời mời gọi chứ không phải lời khiển trách, chúng cũng được gửi tới những ai mỏi mệt tìm kiếm mà không tìm thấy gì, tới những ai đã đi qua cuộc đời khi muốn bật tung chống lại “tảng đá của mầu nhiệm.”

Nhà tâm lý học C.G Jung, trong một cuốn sách của ông, nói rằng tất cả các bệnh nhân ở các lứa tuổi đến với ông là những người phải chịu đau khổ từ một điều gì đó có thể gọi là “một sự vắng bóng của đức khiêm tốn,” và không thể chữa lành được cho đến khi họ thủ đắc được một thái độ tôn trọng khi đối diện với một thực tại tốt đẹp hơn họ, nghĩa là thái độ khiêm tốn.

Chúa Giêsu cũng đã lặp lại với những thông minh và khôn ngoan của thời đại hôm nay lời mời gọi đầy tình yêu của Người: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Amen!

No comments:

Post a Comment