CHÚA NHẬT III PHỤC
SINH
Cv 3,13-15.17-19; 1 Ga 2,1-5a; Lc 24,35-48
Chúng ta có thể
tóm tắt sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật III này bằng một câu: “Đấng Phục Sinh đã chiến thắng sự chết một
cách vinh quang.” Trong bài đọc I, chúng ta nghe thánh Phêrô tuyên bố trước
đám đông về Chúa Giêsu:
“Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3,15).
Tin Mừng tiếp
tục kể lại cho chúng ta một cuộc hiện ra nữa của Đấng Phục Sinh. Khi hai môn đệ
Emmau vội vã trở về Giêrusalem và đang kể lại những gì vừa xảy ra dọc đường thì
Chúa Giêsu hiện ra với họ và nói rằng: “Bình
an cho anh em!” Quả thật, các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma, rồi họ
ngờ vực, chưa tin và sau đó họ vui mừng vì được thấy Chúa. Sự ngờ vực và niềm
vui đi liền với nhau: “Các ông còn chưa
tin vì mừng quá và còn đang ngỡ ngàng.” Sự nghi ngờ của họ là một sự nghi
ngờ đặc biệt. Đó là thái độ của người đã tin, nhưng không hiểu lý do thế nào,
dường như họ không dám tin vào mắt mình nữa. Như người ta hay nói: quá đẹp đến
mức không thể tin nổi! Chúng ta có thể gọi đây là một sự nghịch lý, niềm tin
ngờ vực! Để làm cho họ tin, Chúa Giêsu hỏi họ có gì ăn không, bởi lẽ, không có
gì có thể củng cố và tạo nên sự hiệp thông cho bằng việc ăn uống với nhau. Tất
cả những điều trên đây muốn nói với chúng ta về điều gì đó rất quan trọng liên
quan đến sự phục sinh. Nó không phải đơn thuần là một phép lạ, một ý tưởng, hay
một chứng cớ liên quan đến chân lý về Chúa Kitô. Nó chứa đựng điều gì đó sâu xa
hơn. Phục sinh mở ra một thế giới mới mà trong đó con người đi vào nhờ đức tin
cùng với sự ngạc nhiên và niềm vui. Sự phục sinh của Đức Kitô là cuộc “sáng tạo
mới.” Bởi thế, chúng ta không chỉ đề cập đến niềm tin vào Chúa Phục Sinh, nhưng
còn là sự hiểu biết và kinh nghiệm về “Người
quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh” (Pl 3,10).
1.
Ý nghĩa sự phục sinh
Để đón nhận ý
nghĩa sâu xa nhất của biến cố phục sinh, trong lần này, chúng ta tìm hiểu về
kho tàng đức tin của những anh em Chính Thống Giáo liên quan đến mầu nhiệm phục
sinh. Đối với các Kitô hữu Chính Thống Giáo, sự phục sinh của Đức Kitô là tất
cả. Cả chúng ta, những người Công Giáo, tự bản chất chúng ta tin tất cả những
gì họ tin, nhưng mỗi Giáo Hội có đặc sủng riêng, quà tặng riêng để chia sẻ với
các Giáo Hội khác. Quà tặng riêng của Giáo Hội Chính Thống là cảm thức mãnh
liệt nhất mà họ có về Đấng Phục Sinh. Đối với người Công Giáo, chỗ trung tâm
điểm trong nhà thờ hay trong thánh đường là cây thập giá, thì đối với họ, vị
trí trung tâm luôn là hình ảnh Đấng Phục Sinh, được gọi là Pantocrator (Đấng Toàn Năng).
Trong Mùa Phục
Sinh, khi gặp nhau, họ chào nhau: “Chúa Kitô đã sống lại rồi!” và người kia trả
lời: “Người đã sống lại thật, Alleluia.” Tập tục tốt lành này được bắt rễ sâu
trong dân chúng, đến nỗi người ta kể giai thoại này xảy ra vào thời kỳ đầu cuộc
cách mạng Xô Viết. Người ta tổ chức một cuộc tranh luận công cộng về sự phục
sinh của Chúa Kitô. Người đầu tiên lên tiếng là một người vô thần, ông quả
quyết: niềm tin của các Kitô hữu vào sự phục sinh sẽ sụp đổ. Ông đi xuống, rồi
một linh mục Chính Thống lên bục phát biểu bảo vệ niềm tin. Ngài khiêm tốn nhìn
đám đông và chỉ đơn giản nói: “Chúa Kitô đã phục sinh!” Bỗng nhiên tất cả đồng
thanh đáp: “Người đã sống lại thật!” Rồi vị linh mục đi xuống trong thing lặng.
Vào thời đó, Cộng Sản Đông Âu gặp khó khăn nhất đó là niềm tin phục sinh đã ăn
sâu vào tâm khảm của tín hữu. Đại tướng Ceaucescu nước Romania đã dọn sạch
quảng trường, nhưng ông không dám đụng đến những nghi lễ và truyền thống phục
sinh. Vì ông biết rằng nếu đụng vào, cuộc chiến sẽ bùng nổ. Người Chính Thống
có truyền thống rất tốt lành. Vào chiều ngày áp lễ, tất cả tập trung xung quanh
nhà thờ Chính Tòa để nghe giám mục loan báo tin Chúa sống lại. Trong khi đó,
mỗi người cầm nến cháy trong tay và bắt đầu hát một bài thánh ca mà người ta
lặp đi lặp lại trong suốt mùa Phục Sinh: “Chúa Kitô đã sống lại rồi, Người đã
chiến thắng tử thần và ban sự sống cho mọi kẻ chết trong mồ.”
Có một ca khúc
khác được lặp đi lặp lại trong phụng vụ phục sinh Chính Thống làm chúng ta nghĩ
tới bản hòa tấu số 9 của Beethoven với những ca từ: “Đây là ngày phục sinh!
Chúng ta hãy chia sẻ niềm vui vì đại lễ này, chúng ta hãy yêu thương nhau.
Chúng ta hãy nói với anh chị em và những ai thù địch với chúng ta. Hãy tha thứ
cho nhau vì tình yêu Chúa Phục Sinh.”
2.
Chiến thắng của Đấng Phục Sinh
Thế giới không
chỉ cần tin vào sự phục sinh của Chúa Kitô, nhưng còn cần sống và kinh nghiệm
về sự phục sinh. Điều này là rất có thể bởi vì, nhờ Chúa Kitô, chúng ta sẽ được
sống lại, nếu thân xác chưa sống lại, thì ít ra tâm hồn sống lại trong đức tin
và hy vọng. Như thánh Phaolô viết:
“Dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta
được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã
cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi
trời” (Ep 2,5-6).
“Người đã cho
chúng ta được sống lại” và “được sống lại với Đức Kitô” (x. Cl 3,1)! Chúng ta tìm hiểu những lời này. Chúng ta cũng được
giúp đỡ từ nền tu đức của Chính Thống Giáo. Chúng ta biết truyền thống Tây
Phương trình bày về sự phục sinh. Chúng ta lấy tranh phục sinh của Piero
thành Francesca là một bức tranh có lẽ nổi tiếng nhất. Chúng ta thấy
gì nơi bức tranh này? Đó là hình ảnh Chúa Giêsu đứng dậy, tay cầm cây thập giá
với là lá cờ chiến thắng. Khuôn mặt phản chiếu một niềm tin vững vàng, chắc
chắn và chiến thắng. Đây quả là một tuyệt phẩm! Sự chiến thắng của Người trên
những kẻ thù thế gian, kẻ thù xung quanh. Người chiến thắng những thế lực đã
niêm phong mộ, còn lính gác thì đang thiếp ngủ. Con người được trình bày chỉ
như những chứng nhân trơ trọi và thụ động, không tham dự tích cực gì vào sự
phục sinh.
Giờ đây, chúng
ta trở lại với sự trình bày sự phục sinh bằng Icône của Đông Phương. Cảnh tượng
hoàn toàn khác. Chúng ta không nhìn lên trời, nhưng hướng xuống lòng đất. Khi
phục sinh, Chúa Giêsu không lên trời, nhưng xuống âm phủ. Với sức mạnh lạ
thường, Đấng Phục Sinh tới nắm lấy Ađam và Evà đang chờ đợi Người trong vương
quốc kẻ chết và Người lôi kéo họ về với mình để tiến về sự sống và sự phục
sinh. Đằng sau nguyên tổ là một đám đông vô số người đang chờ đợi ơn cứu chuộc.
Chúa Giêsu đạp đổ các cửa âm phủ và bẻ gãy hết mọi xiềng xích tội lỗi và sự
chết. Ở phần bóng tối, nơi những thần dữ hoạt động, hai thiên thần giao chiến
với Xatan. Như thế, chiến thắng của Chúa Kitô không phải là chiến thắng trên kẻ
thù hữu hình, nhưng là kẻ thù vô hình, đó là kè thù nguy hiểm nhất: cái chết,
bóng tối, đau khổ và quỷ dữ.
3.
Niềm vui của tôi là Chúa Phục Sinh
Chúng ta thực sự
say mê với sự trình bày này. Sự phục sinh của Đức Giêsu cũng là sự phục sinh
của chúng ta. Mỗi người chúng ta có liên hệ và được mời gọi giống như Ađam và
Evà, là hãy chìa tay ra để cho Chúa Kitô lôi kéo và đưa ra khỏi âm phủ. Đó là
một cuộc xuất hành mới mang tính hoàn vũ nhờ sự phục sinh. Nghĩa là chúng ta
được Chúa Phục Sinh giải thoát khỏi mọi tội lỗi khi ban ơn bình an, ơn tha tội
và Thánh Thần cho chúng ta. Bởi thế, chúng ta được mời gọi đừng phạm tội, nhưng
nếu lỡ phạm tội, hãy chạy đến với Đức Kitô, Đấng Bảo Trợ của chúng ta (bài đọc
II) để được tha tội.
Qua Đức Kitô,
Thiên Chúa đã đưa “cánh tay quyền lực” để giải thoát dân Người khỏi sự nô lệ
tội lỗi, cái chết nguy hiểm và lớn lao hơn sự nô lệ Ai Cập. Khi chiêm ngắm và
cầu nguyện bằng Icône này, chúng ta hãy để cho mầu nhiệm đức tin in vào trong
tâm trí, như đã gợi hứng cho họa sĩ. Bức icône như là cửa sổ mở ra với thế giới
vô hình.
Chúng ta cảm ơn anh em Chính Thống đã giúp chúng ta đón nhận điều gì đó rất ý nghĩa từ biến cố Chúa phục sinh và chúng ta hãy chào nhau như vị thánh của họ đã dạy, thánh Serafino thành Sarov: “Niềm vui của tôi là Chúa Phục Sinh!” Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment