Tuesday 12 April 2022

Tại sao Giuđa bán Chúa?

THỨ BA TUẦN THÁNH
Ga 13,21-38
Trong ngày thứ Ba Tuần Thánh, chúng ta suy niệm nhân vật Giuđa, kẻ phản bội bán Chúa. Tại sao Giuđa bán Chúa? Đó là câu hỏi mà người ta thường đặt ra từ hai ngàn năm nay. Dựa vào việc nghiên cứu Kinh Thánh, tôi đưa ra những lý do sau đây:
1. Lý do chính trị
Thời bấy giờ ở Do Thái, có những khuynh hướng chính trị ái quốc khác nhau. Trong đó có khuynh hướng của phái Nhiệt Thành (Zelot). Đây là một nhóm ái quốc muốn làm cách mạng và lật đổ đế quốc La Mã đang đô hộ. Giuđa thuộc nhóm này. Nên ông theo Chúa Giêsu và canh cánh trong lòng giấc mộng chính trị rằng Chúa sẽ làm vua và sẽ lật đổ chế độ La Mã. Ông nghĩ rằng: Có thể khi bán Chúa, Chúa quyền năng, ta sẽ dồn Chúa vào bức tường để Chúa hành động và lật đổ quân đô hộ của nước ngoài.
2. Lý do kinh tế
Lý do thứ hai là lý do đáng tin cậy nhất, được cả 4 tác giả Tin Mừng nói đến. Giuđa là người thủ quỷ trong nhóm 12, theo Chúa nhưng với một tâm địa xấu xa, ham hố tiền bạc, lại còn đạo đức giả. Gioan nói về Giuđa là một tên ăn cắp, chuyên bớt xén của chung (x. Ga 12,6). Trong lúc Maria sẵn sàng đổ lọ dầu thơm đáng giá 300 đồng trên chân Chúa, thì Giuđa, chỉ vì tham tiền mà ông bị giới lãnh đạo dụ dỗ bán Chúa với giá rẻ mạt là 30 đồng. Có lẽ khi ông làm như thế vì ông nghĩ rằng: Thầy là Đấng quyền năng, họ không làm được gì Thầy mình. Mà mình vẫn được một ít tiền.
3. Lý do tâm lý
Có một yếu tố tâm lý thúc đẩy Giuđa hành động bán Chúa: Ông muốn được thấy Chúa phải là một nhà cách mạng giống mình mong muốn. Nên ông đẩy Chúa vào con đường cách mạng mình theo đuổi, để Chúa ra tay hành động.
Trên đây là những lý do khiến Giuđa bán Chúa. Kết cục, Chúa bị bắt và bị giết chết cách đau đớn. Ông chẳng thấy Chúa ra tay gì cả, chẳng có quyền lực gì. Ông thất vọng và ném số tiền đó cho các luật sỹ và đi tự tử.
Áp dụng:
Khi suy niệm về Giuđa tôi nhớ lại câu chuyện được nghe từ nhỏ: ở xứ nọ, trong tuần Thánh, người ta diễn tuồng thương khó Chúa Giêsu, người đóng nhân vật Giuđa quá xuất sắc, nên có bà cụ ngồi nhai trầu ở hàng ghế đầu, bà đã lấy cối trầu mà ném vào đầu Giuđa và nói: “Đồ bán Chúa! Đồ bán Chúa, mày phải chết!” Việc này đã làm cho chương trình biểu diễn bị gián đoạn một lúc. 
Quả thật, tội bán Chúa là tội đáng lên án. Trong sách ngắm nói rằng: “Thằng Giuđa phải ra hoả ngục.” Nhưng huấn quyền Hội Thánh hơn 20 thế kỷ qua không có quả quyết điều đó. Bởi số phận đời đời của Giuđa không ai biết và có quyền phán xét, ngoại trừ Thiên Chúa. Biết đâu trong lúc tự tử, Giuđa gặp được ánh mắt thương xót của Chúa. Tuy nhiên, tội bán Chúa, phản Thầy là một trọng tội, đáng lên án.
Trở lại hành vi tức tối của bà kia, bà không biết rằng, cái tên Giuđa cũng có thể hiện diện trong lòng bà, trong lòng tôi và anh chị em. Khi nghe lời cảnh báo của Chúa Giêsu: “Một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” Nhưng cả 12 Tông Đồ đều băn khoăn hỏi Chúa: “Có phải con không?” Điều này làm tôi ngạc nhiên và phải tự chất vấn bản thân! Như thế, tất cả đều nguy cơ phản bội và nộp Thầy, trong đó có tôi và anh chị em.
Sự phản bội của Giuđa vẫn tiếp tục xảy ra trong lịch sử và người bị phản bội luôn luôn là Chúa Giêsu. Vợ chồng phản bội nhau là phản bội Chúa Kitô. Một linh mục, nữ tu, giáo dân không sống xứng đáng với bậc sống của mình là phản bội Chúa Giêsu. Thời nào cũng có những Giuđa như thế: ham hố tiền bạc, nội gián, giả hình, cơ hội chủ nghĩa và bằng mọi giá tìm kiếm lợi ích cho mình… Chúng ta có thể phản bội Chúa Giêsu để đổi lấy những thứ khác hơn là 30 đồng bạc. Đằng sau mọi tội lỗi của con người đều có liên quan đến tiền bạc. Đồng tiền trở thành Thần Tài (Mammon). Nó có sức mạnh và sức hút kinh khủng. Người ta vẫn thường nói: “Muốn biết rõ về ai nên nhúng người ấy nhiều lần vào tiền, cái dung dịch siêu thượng này làm trôi đi tất cả những màu mè bọc ngoài. Đạo mạo trở nên hau háu lỗ mãng. Dịu dàng trở nên chua ngoa cướp giật (x. Cơ hội của Chúa, tác giả Việt Hà). Cho nên, chúng ta hãy ý tứ, đừng để cho lòng trí mình ham mê tiền bạc.
Mặc dù được Chúa Giêsu nhắc nhở, nhưng Giuđa không thay đổi và chìm sâu trong tội, còn Phêrô dù có nhút nhát chối Thầy, nhưng ông đã sám hối vì tin tưởng vào Chúa. Đó là mầu nhiệm tự do!
Trong hai thái độ tiêu biểu trên của Giuđa và của Phêrô. Chúng ta chọn thái độ nào? Mỗi người tự trả lời với Chúa trong tuần Thánh này. Amen! 
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

No comments:

Post a Comment