CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH
Yêu như Thầy đã yêu
Cv 10,25-27.34-35.44-48; 1 Ga 4,7-10; Ga 15,9-17
“Yêu như Thầy đã yêu” là thông điệp xuyên suốt các bài đọc phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Trong bài đọc I, sách Công Vụ Tông Đồ kể lại sự kiện Thánh Phêrô vào nhà ông Conêliô và gặp gỡ mọi người ở đó, họ không phải thành phần thuộc dân Do Thái, nhưng họ vẫn được đón nhận Chúa Thánh Thần. Thánh Phêrô nhận thấy rằng Thiên Chúa yêu hết mọi người và ban ơn cứu độ cho hết thảy chư dân. Tình yêu đó đã khiến Phêrô không ngần ngại đến với dân ngoại, rao giảng và làm phép rửa cho họ.
Ở bài đọc II, Thánh Gioan quả quyết rằng: “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,7b). Thiên Chúa là Tình Yêu. Nên nguồn gốc sâu xa nhất của mọi tình yêu đến từ Thiên Chúa.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9). Đây là “bảng gia phả” về tình yêu. Theo đó, Chúa Cha yêu mến Chúa Con, Chúa Con yêu mến chúng ta và giờ đây, chúng ta hãy yêu thương nhau. Nên Chúa Giêsu mời gọi: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Thật vậy, những người sáng lập tôn giáo khác chỉ dạy người ta yêu thương nhau, còn Đức Giêsu không chỉ dạy, mà làm. Điều Người nói và làm là một. Nên Người thực sự trở thành mẫu gương tuyệt hảo của mọi tình yêu: “Yêu như Thầy đã yêu.”
“Yêu như Thầy đã yêu” có nghĩa là yêu thương hết mọi người, không loại trừ một ai, cả những người tội lỗi và thù địch của mình.
“Yêu như Thầy đã yêu” có nghĩa là không coi tha nhân là thù địch hay nô lệ, nhưng đối xử với họ như bạn hữu, là con cái Thiên Chúa và là anh em một nhà với thái độ tôn trọng và quý mến họ như họ là.
“Yêu như Thầy đã yêu” là hiến thân phục vụ tha nhân như Chúa đã làm. Điều này có nghĩa là yêu không phải bằng lời nói mà bằng việc làm cụ thể. Chúa mời gọi chúng ta ra khỏi ước muốn kiểm soát và chiếm hữu người khác, nhưng hãy mở lòng ra để trao ban chính mình cho họ.
Sống một xã hội đang bị sa mạc hóa về tình yêu, chúng ta được mời gọi phải phục hồi gốc rễ tình yêu của chúng ta bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Tình yêu ấy phổ quát dành cho hết mọi người. Chúa Giêsu đã yêu thương và hiến mình vì chúng ta. Nên giờ đây, chúng ta được mời gọi kiến tạo và làm phát sinh tình yêu ấy đối với tha nhân. Nhờ đó, chúng ta xây dựng “nền văn minh tình thương” và biến xã hội này trở thành một đại gia đình mà trong đó, con người đối xử với nhau bằng sự thật, công lý và bác ái của Tin Mừng. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment