Phong cách mục tử Giêsu (x. Ga 10,1-10)
Phụng vụ mùa Phục Sinh rất ý nghĩa và thú vị! Chúa Nhật I trình bày Đấng Phục Sinh là Đấng Cứu Độ; Chúa Nhật II trình bày Chúa Phục Sinh là Đấng Thương Xót; Chúa Nhật III trình bày Người là Bánh hằng sống; Chúa Nhật IV trình bày Chúa là Mục Tử nhân lành.
Hình ảnh người mục tử và đoàn chiên rất quen thuộc đối với người Do Thái vì họ làm nghề chăn chiên, được áp dụng cho chính Thiên Chúa: Tv 23 diễn tả: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.” Một cách mở rộng, người Do Thái áp dụng hình ảnh người mục tử cho các vua, các tư tế và những người lãnh đạo dân.
Nhưng đó chỉ là hình ảnh, chưa phải là thực tại. Phải đợi đến thời Tân Ước, hình ảnh trở thành thực tại với sự xuất hiện của Đức Giêsu: chính Người tự giới thiệu mình: “Tôi chính là mục tử nhân lành” (Ga 10,11). Người mục tử ấy yêu thương, chăm lo, bảo vệ đoàn chiên, nhất là Người đã hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. Người rất khác biệt với kẻ chăn thuê không quan tâm đến đoàn chiên, mà chỉ lo tìm kiếm lợi lộc cho mình, khi chiên gặp khó khăn, thì kẻ chăn thuê bỏ trốn.
Đức Giêsu cũng chia sẻ sứ vụ mục tử này với Đức Giáo hoàng, các Giám mục và các Linh mục trong Hội Thánh. Các vị mục tử được mời gọi sống và thi hành sứ vụ của mình theo phong cách của Vị Mục Tử Tối Cao. Được gợi hứng từ mẫu gương vị Mục Tử tối cao, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói đến 3 phẩm chất mà người mục tử hôm nay cần có: mục tử là người đi trước đoàn chiên, có khi phải đi giữa đoàn chiên và cũng có khi phải đi sau đoàn chiên. Xin được giải thích: “Đi trước” có nghĩa là mục tử trước hết phải có có khả năng hướng dẫn, có tầm nhìn, có sự hiểu biết và cũng có nghĩa là có đời sống gương mẫu cho đoàn chiên. “Đi giữa” có nghĩa là người mục tử cũng là người sống gần gũi, thân thiện, cởi mở, dễ gần, dễ tiếp xúc, bình đẳng với mọi người, không đặt mình trên người khác với thái độ kênh kiệu, tinh tướng, cha chú và độc tài. Còn “đi sau” là người biết quan tâm đến những ai đau ốm, yếu kém để nâng đỡ chăm sóc, đồng thời cũng có nghĩa là biết quên mình vì đoàn chiên. Tất cả chúng ta đều được mời gọi sống 3 năng động này để nên giống Đức Giêsu, vị mục tử Tối Cao khi phục vụ người khác.
Có một quan niệm mà tôi cho là rất sai khi nói rằng: “Các Cha giáo ở Chủng viện không có chiên để chăn!” Xin mượn lời của Thánh Augustinô để trả lời cho vấn đề này khi ngài có lần nói với mọi người rằng: “Đối với anh chị em, chúng tôi là những mục tử, nhưng đối với Mục tử Tối cao, chúng tôi cũng là chiên giống như anh chị em.” Tôi xin nói với các chủng sinh rằng: “Đối với anh em, các Cha giáo là những mục tử của anh em và anh em là đoàn chiên của các ngài.” Nếu hiểu sai hoặc từ chối tư cách ấy, cung cách của nhà đào tạo bị hiểu sai và nhiều khi thiếu sót trong trách nhiệm hướng dẫn của mình; về phía người thụ huấn, thái độ đón nhận cũng bị giảm thiểu hoặc méo mó. Tuy nhiên, dù là tư cách nào, tất cả chúng ta đều phải đi qua Cửa Chính là Chúa Kitô và mỗi ngày hình thành nơi mình phong cách mục tử nhân lành của Chúa Giêsu qua cung cách sống và thi hành sứ vụ của mình. Sứ vụ ấy cao cả lắm nhưng mỗi chúng ta, dù là mục tử cũng chỉ là những thân phận mỏng giòn, nên xin mọi người cầu nguyện cho nhau và xin cho được như vậy. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment