Thursday, 7 November 2024

Niềm vui của Thiên Chúa

THỨ NĂM TUẦN 31 NĂM B

Thiên Chúa của niềm vui

Ngày hôm qua, truyền thông công bố Trump đã đắc cử tổng thống Mỹ lần này. Việc ông đắc cử mang lại nhiều niềm vui cho những người ủng hộ ông, nhưng cũng là nỗi buồn của nhiều người khác ủng hộ bà Harris. Như thế, niềm vui của người này lại là nỗi buồn của người kia. Thế gian là thế! Lời Chúa hôm nay nói đến niềm vui khác, niềm vui của Thiên Chúa khi một người tội lỗi hoán cải.

Chúng ta biết rằng người Hy Lạp đã có trực giác sâu sắc về Thiên Chúa như là một hữu thể hoàn hảo tuyệt đối, bất biến và bất khả thụ, nhưng vị Thiên Chúa đó tĩnh tại, xa cách, không biết gì đến đau khổ và niềm vui với con người.

Trong khi đó, Kinh Thánh mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa hoàn toàn khác, theo đó, Thiên Chúa là Tình yêu. Trong Ba Ngôi đối với nhau, Thiên Chúa là tình yêu như là tất yếu mà không có thương xót. Tình yêu đó trở thành lòng thương xót đối với thụ tạo. Vì yêu, nên Thiên Chúa thương xót, Thiên Chúa đau khổ, khi thấy con người gặp cảnh khốn cùng, tội lỗi, nhất là khi tình yêu của Người bị khước từ. 

Trong ý nghĩa ấy, Tin Mừng Luca 15, 1-10 nói tới một vị Thiên Chúa vui mừng biết bao khi một người tội lỗi hoán cải. Chúa Giêsu dùng 2 dụ ngôn để diễn tả điều này: dụ ngôn người chăn chiên bỏ 99 con chiên lại để đi tìm 1 con chiên lạc, khi tìm được rồi ông vui mừng vác chiên về, tổ chức tiệc mừng và mời mọi người đến chung vui. Chúa quả quyết: Trên trời cũng vui mừng như thế khi một người tội lỗi hoán cải hơn là 99 người công chính không cần hoán cải. 

Dụ ngôn thứ hai là một người đàn bà có 10 đồng tiền, nhưng mất 1 đồng, bà đốt đèn quét nhà tìm cho bằng được, tìm được rồi, bà mời bà con lại chung vui với bà vì đã tìm được.

Chúa Giêsu kết luận: Các thiên thần của Thiên Chúa vui mừng vì một người tội lỗi hoán cải (x. Lc 15,1-10).

Cả hai dụ ngôn diễn tả rất hay rằng, một mặt, Thiên Chúa của Đức Giêsu là vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Người vui với người vui, khóc với người khóc, nhất là với người tội lỗi. Và Đức Kitô là hiện thân của vị Thiên Chúa ấy. Đàng khác, cả hai đều diễn tả rằng dẫu là người tội lỗi, mỗi con người là duy nhất, là quý giá và đáng được yêu trong cặp mắt của Thiên Chúa. Nên Vịnh Gia đã thốt lên: “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,4).

Trong bài đọc I, Thánh Phaolô kể lại lý lịch rất thế giá và đáng tự hào của ngài, nhưng sau khi được biết Đức Kitô, ngài thổ lộ: “Tôi coi mọi thứ là rác rưởi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô. Vì Người mà tôi đành mất mọi sự” (Pl 3,8). Ở đây, theo Thánh Phaolô, hoán cải không phải là giữ lề luật thật tốt, nhưng chính là bước theo và gắn bó với Đức Giêsu Kitô. Vì Người là chính Tin Mừng lớn lao nhất cho nhân loại (theo ngôn ngữ của Irênê). Những ai gặp gỡ Người là gặp gỡ niềm vui và kho báu quý giá nhất trong cuộc đời.

Như thế, Lời Chúa hôm nay nói về niềm vui của Thiên Chúa khi một người tội lỗi trở lại. Niềm vui đó cùng là Tin Mừng lớn nhất cho chúng ta hôm nay. Niềm vui ấy trở thành niềm vui của chúng ta, nhất là cho những tội nhân vì nhờ đó mà chúng ta được cứu độ. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

 

No comments:

Post a Comment