Wednesday 6 December 2017

Đức Maria trong Mầu nhiệm của Đức Kitô và Giáo hội


1- Thánh Mẫu học trong Lumen Gentium

Chủ đề cuối của bài suy niệm Mùa Vọng này là chương VIII trong Lumen Gentium, được gọi là “Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm của Đức Kitô và Giáo hội.” Chúng ta hãy nghe điều Công đồng nói về vấn đề này:

“Được tiền định từ muôn đời để làm Mẹ Thiên Chúa qua sự liên kết với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, theo ý định của Chúa Quan phòng, Đức Trinh Nữ đã nên người Mẹ cao trọng của Đấng Cứu Chuộc thần linh trên trần gian, là cộng sự viên quảng đại đặc biệt hơn mọi người và là nữ tỳ khiêm hạ của Chúa. Khi cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Đức Kitô, khi dâng Người lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên Thập Giá, Mẹ đã cộng tác vào công trình của Đấng Cứu Thế một cách hoàn toàn riêng biệt, nhờ sự vâng phục, với đức tin, đức cậy và đức ái nồng nàn, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Chính vì thế, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ của chúng ta.”[1]

Bên cạnh tước hiệu Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của tín hữu, Công đồng dùng một phạm trù nền tảng khác để nói về vai trò của Đức Maria như là một mẫu gương hay như một kiểu mẫu.

“Nhờ ân huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, điều đã làm cho Đức Trinh Nữ được kết hiệp với Con là Đấng Cứu Chuộc, đồng thời nhờ các ân sủng và nhiệm vụ riêng biệt khác, ngài cũng liên kết mật thiết với Giáo hội, như thánh Ambrôsiô đã dạy: Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo hội trên bình diện đức tin, đức ái và sự kết hiệp hoàn hảo với Đức Kitô.”[2]

Như chúng ta biết, sự mới mẻ thú vị nhất trong thái độ của Công đồng về Đức Maria một cách chính xác là vị trí mà Đức Mẹ được đặt trong Hiến chế về Giáo hội. Khi làm như thế, không có những căng thẳng và khó khăn, Công đồng đã hoàn thành một sự canh tân sâu sắc về Thánh Mẫu học so với nền Thánh Mẫu của những thế kỷ gần đây. Khảo luận về Đức Maria không còn độc lập, nhưng được đưa vào phần cuối của tài liệu này. Mẹ giữ một vị trí trung gian giữa Chúa Kitô và Giáo hội, như đã có trong thời đại của các giáo phụ. Theo thánh Augustinô, Đức Maria được xem như là thành phần tuyệt hảo nhất của Giáo hội, nhưng vẫn là một thành phần của Giáo hội, Mẹ không ở ngoài hoặc ở trên Giáo hội:

“Đức Maria là thánh thiện, Đức Maria được chúc phúc, nhưng Giáo hội thì quan trọng hơn Đức Trinh Nữ Maria. Tại sao? Bởi vì Đức Maria là một phần của Giáo hội, một thành viên thánh thiện, tuyệt vời, vượt trên tất cả những thành viên khác, tuy nhiên, là một thành viên của toàn bộ Thân thể. Nếu là một thành viên của toàn thể Thân thể thì không nghi ngờ rằng Thân thể quan trọng hơn một thành viên.”[3]

Hai thực tại soi sáng cho nhau ở đây. Nếu quả thật tranh luận về Giáo hội làm sáng tỏ Đức Maria là ai, thì tranh luận về Đức Maria cũng làm sáng tỏ Giáo hội, “Thân thể Đức Kitô”, là gì, và như thế, Giáo hội “dường như là sự kéo dài việc nhập thể của Ngôi Lời.” Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh tính hỗ tương này trong Thông điệp Redemptoris Mater của ngài:

“Khi giới thiệu Đức Maria trong mầu nhiệm của Giáo hội, Công đồng Vatican II cũng tìm thấy con đường cho việc hiểu sâu hơn về mầu nhiệm của Giáo hội.”[4]

Một sự mới mẻ khác đến từ Công đồng về Thánh Mẫu học là sự nhấn mạnh về đức tin của Đức Maria. Đây cũng là chủ đề được bàn thảo và phát triển đầy đủ hơn bởi thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khi ngài coi đó là chủ đề trung tâm của Thông điệp về Đức Maria. Nó trình bày sự trở về với Thánh Mẫu học của các giáo phụ là những người đã nhấn mạnh tới đức tin của Đức Trinh Nữ hơn là những đặc ân, như là sự đóng góp cá nhân của Mẹ cho mầu nhiệm cứu độ. Ở đây, chúng ta có thể nhìn nhận sự ảnh hưởng của thánh Augustinô:

“Nhờ đức tin chính Đức Maria mang thai Đấng mà Người sinh ra nhờ đức tin… Khi thiên thần truyền tin, Mẹ đã tràn đầy đức tin (fide plena) rằng Mẹ cưu mang Chúa Kitô trong tâm trí Mẹ trước khi cưu mang Người trong lòng Mẹ và Mẹ thưa: “Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy làm cho tôi như lời sứ thần nói.”[5]

2- Viễn tượng đại kết về Đức Maria như là Mẹ của các tín hữu

Điều tôi muốn làm là nhấn mạnh tầm quan trọng đại kết của Thánh Mẫu học Công đồng, nghĩa là, Công đồng có thể đã đóng góp như thế nào – và đang đóng góp – cho việc đưa Công Giáo và Tin Lành xích lại gần nhau hơn về những vấn đề nhạy cảm và tranh cãi chung quanh lòng sùng kính đối với Đức Trinh Nữ rất thánh.

Trước hết, tôi muốn làm sáng tỏ nguyên lý nền tảng cho những suy tư tiếp theo. Về cơ bản, nếu Đức Maria được xem như là một phần của Giáo hội thì có thể dùng những phạm trù Kinh thánh và những khẳng định từ đó để bắt đầu giải thích về Mẹ, sau đó, dùng những gì liên quan đến những con người làm nên Giáo hội và áp dụng cho Mẹ “theo phương pháp gia tăng - a fortiori”, thay vì những gì liên quan đến những ngôi vị thần linh, áp dụng cho Mẹ “theo phương pháp giảm xuống – a by reduction.”

Chẳng hạn, để hiểu vấn đề nhạy cảm về trung gian của Đức Maria trong công trình cứu độ một cách đúng đắn, sẽ có ích hơn nếu chúng ta bắt đầu với vai trò trung gian của Mẹ như một thụ tạo, hay khởi đi từ dưới lên, như trường hợp về vai trò trung gian của Abraham, các thánh Tông đồ và các bí tích của chính Giáo hội, hơn là từ trung gian thần linh – nhân loại của Chúa Kitô. Quả thế, khoảng cách lớn nhất không phải là những gì hiện hữu giữa Đức Maria và những phần tử còn lại của Giáo hội, nhưng là những gì hiện hữu giữa một bên là Đức Maria và Giáo hội; bên kia là Chúa Kitô và Chúa Ba Ngôi, nghĩa là giữa thụ tạo và Đấng Tạo Thành.

Bây giờ, chúng ta hãy rút ra kết luận từ đó. Nếu trong Kinh thánh, nhờ những gì mình làm, Abraham xứng đáng với tên gọi “cha của những người tin” (Rm 4,16; x. Lc 16,24), có nghĩa là cha của mọi kẻ tin, chúng ta có thể hiểu rõ hơn tại sao Giáo hội không ngần ngại gọi Đức Maria là “Mẹ của mọi người”, “Mẹ của các tín hữu.”

Khi so sánh giữa Abraham và Đức Maria, chúng ta có thể có được một sự hiểu biết tốt hơn liên quan không chỉ đến tước hiệu đơn sơ này mà còn liên quan đến nội dung và ý nghĩa của nó. Phải chăng “mẹ của các tín hữu” là một tước hiệu đơn sơ của danh dự, hay nó còn có nghĩa gì hơn nữa? Ở đây chúng ta có thể nhận thấy khả thể của những tranh luận đại kết về Đức Maria. Gioan Calvin giải thích bản văn mà trong đó Thiên Chúa nói với Abraham: “Nhờ ngươi mà mọi gia đình trên trái đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3) để nói rằng “Abraham sẽ không chỉ trở thành một mẫu gương nhưng còn là nguyên nhân của sự chúc phúc.” Một nhà chú giải hiện đại nổi tiếng của Tin Lành giải thích tương tự:

“Vấn đề nổi lên (liên quan đến St 12,3): ‘Nhờ ngươi mà mọi gia đình trên trái đất sẽ được chúc phúc’ có ý khẳng định rằng Abraham không chỉ sẽ trở thành một thể thức cho sự chúc phúc, mà còn nói rằng sự chúc phúc của ông được mọi người biết đến… Vì thế, phải trở về với chú giải truyền thống cho rằng những lời này của Thiên Chúa “giống như một lệnh truyền (bởi Chúa) cho lịch sử” (x. B. Jacop). Abraham được xem như là trung gian của phúc lành trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa cho “mọi gia đình trên trái đất.”[6]

Tất cả điều này giúp chúng ta hiểu ý nghĩa mà truyền thống từ thánh Irênêô nói về Đức Maria: Mẹ không chỉ là mẫu gương của ân sủng, nhưng trong cách thức mà Mẹ lệ thuộc hoàn toàn vào ơn sủng và vào ý muốn của Thiên Chúa, Mẹ còn là nguyên nhân của ơn cứu độ. Thánh Irênêô viết: “Như Evà vì bất tuân, trở thành nguyên nhân của sự chết cho mình và cho tất cả loài người, cũng vậy Đức Maria… nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân của ơn cứu độ cho mình và tất cả loài người.” Những lời của Đức Maria: “Mọi thế hệ sẽ khen tôi có phúc” (Lc 1,48) được coi như là “một lệnh truyền được ban từ Thiên Chúa cho lịch sử.”[7]

Đây là một sự kiện giúp chúng ta khám phá ra rằng các nhà khởi xướng Cải Cách đã nhìn nhận tước hiệu và đặc ân “làm mẹ” đối với Đức Maria có nghĩa là mẹ chúng ta và mẹ của ơn cứu độ. Trong một bài giảng lễ Giáng sinh, Martin Luther nói rằng:

“Đây là sự nâng đỡ và thiện ích tuyệt hảo của Thiên Chúa (cho mỗi người) đó là... Đức Maria là mẹ thật của họ, Chúa Kitô là anh của họ và Thiên Chúa là cha của họ… Đây là trường hợp nếu bạn tin, khi bạn sẽ phó thác trong sự che chở của Đức Maria và con yêu dấu của Mẹ.”[8]

Trong một bài giảng vào năm 1524, Ulrich Zwingli gọi:

“Đức Maria trọn đời đồng trinh, Mẹ của ơn cứu độ chúng ta” và ông nói rằng đối với Đức Maria, ông “không bao giờ suy nghĩ, lại càng không dạy, hay tuyên bố cách công khai điều gì… mà có thể bị coi là vô lễ, vô đạo, bất xứng hay tội lỗi.”[9]

Vậy, chúng ta đã làm thế nào để giải quyết tình hình hiện nay có nhiều khó chịu từ phía những anh chị em Tin Lành liên quan đến Đức Maria, mà trong một số phạm vi họ thấy cần phải giảm nhẹ vị trí Đức Maria, và tiếp tục tấn công người Công Giáo về điểm này và trong mọi trường hợp về việc lơ là những gì mà Kinh thánh nói về Mẹ?

Đây không phải là nơi để nhìn lại lịch sử; tôi chỉ muốn chỉ ra một con đường mà theo tôi là con đường để thoát khỏi tình hình không hay liên quan đến Đức Maria. Đó là con đường ngang qua sự nhận biết chân thành từ phía chúng ta, những người Công Giáo, luôn luôn và đặc biệt những thế kỷ gần đây, đã góp phần trong việc làm cho người Tin Lành không đón nhận Đức Maria. Bởi lẽ, chúng ta tôn kính Đức Mẹ theo những cách thức thường thái quá, nhẹ dạ và nhất là bởi vì chúng ta không thực hành việc sùng kính Mẹ một cách rõ ràng theo khuôn khổ Kinh thánh vốn cho thấy rằng Mẹ có vai trò khiêm tốn hơn so với Ngôi Lời Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần và cả Chúa Giêsu. Thánh Mẫu học trong những thế kỷ gần đây đã trở thành một nhà máy không ngừng sản xuất nhiều tên gọi mới, nhiều sự sùng kính mới, thường là nhằm luận chiến chống người Tin Lành, đôi khi dùng Đức Maria, người Mẹ chung của chúng ta như là vũ khí để chống đối họ!

Công đồng Vatican II phản ứng lại khuynh hướng này một cách đặc biệt bằng sự tái xác nhận rằng:

“Các tín hữu phải cẩn thận tránh xa những lối diễn tả hay hành động có thể làm cho các anh em ly khai hay bất cứ ai khác hiểu sai giáo lý đích thực của Giáo hội. Phần các tín hữu, hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại ở tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại ở sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật.”[10]

Về phía những người Tin Lành, tôi tin rằng có một nơi để nhận biết những ảnh hưởng tiêu cực này không chỉ do những luận chiến chống Công Giáo nhưng còn do chủ nghĩa duy lý đã có thái độ của họ đối với Đức Maria. Đức Maria không phải là một ý tưởng nhưng là một con người cụ thể, một người phụ nữ, và như thế Người không được dùng để lý thuyết hóa hay giảm thiểu cho một nguyên tắc trừu tượng. Người là icon đích thực về sự giản dị của Thiên Chúa. Vì lý do này, trong môi trường được thống trị bởi chủ nghĩa duy lý cực đoan, Mẹ phải được rút ra khỏi khung cảnh thần học.

Một người phụ nữ Tin Lành qua đời cách đây ít năm, mẹ Basilea Schlink, đã thành lập một cộng đoàn nữ tu trong Giáo hội Luther gọi là “Những Nữ Tu của Đức Maria”, mà nay cộng đoàn này đã lan tỏa đến nhiều quốc gia trên thế giới. Sau khi xem lại những bản văn khác nhau của Luther về Đức Maria, bà đã viết trong những cuốn sách nhỏ của mình:

“Khi đọc những lời này của Martin Luther, người tôn kính Mẹ Maria cho đến suốt đời của ông, giữ các ngày lễ về Đức Maria và hằng ngày hát kinh Magnificat, chúng ta có thể hiểu làm sao phần lớn chúng ta đi đã trệch hướng từ những thái độ của mình đối với Mẹ… Bởi vì chủ nghĩa duy lý đã chấp nhận chỉ những điều có thể được diễn tả theo lý trí, những ngày lễ mà Giáo hội dành để tôn kính Đức Maria và mọi thứ tưởng nhớ khác về Mẹ không còn thực hiện nữa trong Giáo hội Tin Lành. Tất cả tương quan Kinh thánh đối với Mẹ Maria đã bị đánh mất và chúng ta chỉ còn chịu đựng từ gia tài này. Martin Luther mời gọi chúng ta ca ngợi Mẹ Maria khi ông tuyên xưng rằng Người không bao giờ được ca ngợi cho đủ như là người nữ cao cả nhất, sau Chúa Kitô, là viên ngọc quý nhất trong Kitô giáo, tôi phải thú nhận rằng nhiều năm tôi là một trong số những người đã không làm như thế, mặc dầu Kinh thánh nói rằng từ nay muôn thế hệ sẽ khen Đức Maria là người có phúc (Lc 1,48). Tôi đã không làm bổn phận mình giữa những thế hệ này.”[11]

Tất cả những cơ sở này cho phép chúng ta bày tỏ một hy vọng chân thành là một ngày trong tương lai gần, người Công Giáo và Tin Lành không còn bị chia rẽ nhưng hiệp nhất với nhau liên quan đến một lòng tôn kính Đức Maria, có thể khác biệt trong hình thức nhưng giống nhau trong việc nhìn nhận Mẹ như là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của những người tin. Tôi có niềm vui cá nhân khi thấy vài dấu chỉ về sự thay đổi này tiếp tục xảy ra. Nhiều lần tôi đã có thể nói về Đức Maria cho cử tọa Tin Lành, tôi nhận thấy rằng những người hiện diện không chỉ có sự đón nhận mà còn, ít nhất trong một ít trường hợp, họ có xúc động sâu sắc nơi tâm hồn khi họ tái khám phá về điều gì đó quý giá và trong sự chữa lành ký ức. 

3- Đức Maria, Mẹ và Nữ tử của Lòng thương xót Chúa

Chúng ta để một bên những tranh luận đại kết và hãy cố gắng nhìn nếu Năm lòng Thương xót giúp chúng ta khám phá điều gì mới về Mẹ Thiên Chúa. Đức Maria được khẩn cầu trong kinh rất cổ Salve Regina như là “Mater misericordiae”, Mẹ của lòng thương xót. Cũng trong kinh đó, lời khẩn cầu được gửi tới Mẹ: “Illos tuos misericordes oculus ad nos converte”: Nguyện đưa mắt nhân từ, phía đoàn con ngoái lại.” Tại thánh lễ khai mạc Năm Thánh ở quảng trường thánh Phêrô vào ngày mồng 8 tháng 12, một Icon cổ về Mẹ Thiên Chúa được trình bày tại một bên bàn thờ. Icon này được thờ kính bởi những người Công Giáo Hy Lạp - Ucraina trong một nhà thờ ở Jaroslaw, Ba Lan, được xem như là “Những Cánh cửa của Lòng Thương Xót.”

Đức Maria là Mẹ và là cửa của lòng thương xót theo hai nghĩa. Người là cửa qua đó lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu bước vào thế giới và Người bây giờ là cửa qua đó mà chúng ta bước vào Lòng Thương Xót Chúa để hiện diện trước “ngai tòa của lòng thương xót” là Thiên Chúa Ba Ngôi. Tất cả điều này là rất thật, nhưng chỉ là một phương diện về tương quan giữa Đức Maria và lòng thương xót Chúa. Quả thật, Mẹ không chỉ là một kênh và trung gian của lòng thương xót Chúa mà còn là đối tượng và là người đón nhận nó đầu tiên. Mẹ không chỉ là người đã giữ lòng thương xót cho chúng ta nhưng cũng là người đầu tiên đã giữ lòng thương xót và là người được thương xót hơn bất kỳ ai.

Lòng thương xót đồng nghĩa với ân sủng. Chỉ trong Ba Ngôi tình yêu là bản tính và không phải là ân sủng; đó là tình yêu chứ không phải ân sủng. Chúa Cha yêu Chúa Con không phải là một ân sủng hay một sự nhượng bộ; nghĩa là một sự cần thiết theo một nghĩa nào đó. Chúa Cha cần yêu để hiện hữu như là Cha. Chúa Con yêu Chúa Cha không phải là một nhượng bộ hay một ân sủng; đó là một sự cần thiết nội tại, dẫu điều đó thực hiện với sự tự do hoàn toàn. Chúa Con cần được yêu và yêu để là Con. Khi Thiên Chúa tạo dựng thế giới và các thụ tạo tự do, điều này có nghĩa là tình yêu của Người trở thành một quà tặng nhưng không và tự do, đó là ân sủng và lòng thương xót. Điều này có trước cả khi có tội lỗi. Tội lỗi chỉ làm cho lòng thương xót của Thiên Chúa từ quà tặng trở thành ơn tha thứ.

Tước hiệu “đầy ân sủng” như thế là đồng nghĩa với “đầy ơn thương xót.” Chính Đức Maria đã tuyên xưng trong kinh Magnificat: “Người đã nhìn đến sự thấp hèn của người tôi tớ”, “Vì Người nhớ lại lòng thương xót ”, “Lòng thương xót Người trải qua đời nọ tới đời kia.” Đức Maria ý thức rằng mình là người tận hưởng lòng thương xót, một chứng nhân của lòng thương xót cách đặc biệt. Trong trường hợp của ngài, lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ mang lại ơn tha thứ tội lỗi nhưng còn gìn giữ khỏi tội lỗi.

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu nói rằng, điều mà Thiên Chúa làm cho Đức Maria là điều mà một bác sĩ giỏi đã làm trong một trận dịch. Ông đi từ nhà này sang nhà nọ để chữa lành những người đã bị nhiễm phải bệnh dịch. Nhưng nếu ở đây có người nào đó mà ông rất yêu mến như là vợ ông, hay mẹ của ông, ông sẽ cố gắng chữa, nếu có thể ông sẽ phòng ngừa họ khỏi sự lây nhiễm. Một cách chính xác đây là điều mà Thiên Chúa đã làm trong khi gìn giữ Đức Maria khỏi tội tổ tông truyền nhờ công trạng của cuộc khổ nạn của Con Mẹ.

Khi luận về nhân tính của Chúa Giêsu, thánh Augustinô nói rằng:

“Dựa trên điều phát sinh công trạng… phải chăng nhân tính của Chúa Giêsu đã xứng đáng được đảm nhận từ Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha để hiệp nhất trong một con người? Đâu là những điều tốt đẹp của Người, của tất cả mọi thứ khác làm phát sinh sự hiệp nhất này? Chúa đã làm gì trước giây phút này, đã tin điều gì, hay hỏi điều gì, để đạt tới sự tuyệt vời không thể diễn tả như vậy?”

Và nơi khác ngài thêm:

“Bạn hãy tìm kiếm sự xứng đáng, hãy tìm kiếm sự công chính, hãy suy nghĩ, và bạn sẽ thấy không phải là gì ngoài ân sủng.”[12]

Những lời này cũng soi sáng cách đặc biệt cho chúng ta về Đức Maria. Trên tất cả chúng ta phải hỏi rằng: “Đức Maria đã làm gì để xứng đáng được đặc ân là ban tặng nhân tính mình cho Ngôi Lời? Mẹ đã tin điều gì, xin gì, hy vọng gì, để đến với thế giới thánh thiện và vô nhiễm như vậy? Ở đây, hãy tìm kiếm công trạng, hãy tìm kiếm công bình, hãy tìm kiếm điều bạn muốn, và bạn sẽ thấy nơi Người ngay từ đầu không gì khác hơn là ân sủng, tức là lòng thương xót!

Thánh Phaolô qua cuộc sống của mình cũng không ngừng nhìn nhận mình là hoa trái và chiến lợi phẩm của lòng thương xót Chúa. Ngài mô tả về chính mình “như một người đã đón nhận lòng thương xót từ Chúa” (x. 1Cr 7,25). Ngài không giới hạn mình để phát biểu giáo huấn về lòng thương xót nhưng ngài trở nên một chứng nhân sống động về lòng thương xót: “Tôi xúc phạm nặng nề, bách hại, và sỉ nhục Người; nhưng tôi đã nhận được lòng thương xót” (1Tm 1,13).

Đức Maria và các Tông Đồ dạy chúng ta rằng con đường tốt nhất để rao giảng lòng thương xót là trở nên chứng tá cho lòng thương xót mà Chúa đã làm cho chúng ta. Họ cũng dạy chúng ta xem mình như là hoa quả của lòng thương xót trong Chúa Kitô Giêsu và nay đang sống chỉ nhờ lòng thương xót. Một ngày kia Chúa Giêsu chữa lành một người bất hạnh bị thần ô uế ám. Anh muốn theo Chúa và nhập vào nhóm các môn đệ. Chúa Giêsu không cho anh theo và nói với anh rằng: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết những điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào” (Mc 5,19).

Đức Maria đã ca tụng và tạ ơn Thiên Chúa trong kinh Magnificat vì lòng thương xót dành cho Mẹ. Người cũng mời gọi chúng ta làm như thế trong Năm lòng Thương xót. Người mời gọi chúng ta hãy làm cho bài thánh ca được vang lên trong Giáo hội mỗi ngày như là ca đoàn lặp lại một bài hát sau khi người đơn ca xướng. Vì thế, tôi cũng mời gọi anh chị em đứng lên và cùng nhau tuyên xưng phần cuối của bài thánh ca về Đức Maria, một bài thánh ca về lòng thương xót Chúa, đó là kinh Magnificat : “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”…

Xin chúc mừng Giáng Sinh vui tươi và năm mới Lòng Thương Xót hạnh phúc tới Đức Thánh Cha, quý cha và anh chị em![13]


[1] LG 61.
[2] LG 63.
[3] Saint Augustine, “Sermon 72 A,” 7, in The Works of Saint Augustine, Part 3, vol. 3, trans. Edmund Hill, ed. John Rotelle (Brooklyn, NY: New City Press, 1991), p. 228.
[4] John Paul II, Redemptoris Mater, 5.
[5] St. Augustine, “Sermon 215,” 4, in The Works of Saint Augustine, Part 3, vol. 6, trans. Edmund Hill, ed. John Rotelle (New Rochelle, NY: New City Press, 1993), p. 160.
[6] Gerhard von Rad, Genesis: A Commentary, trans. John H. Marks (Philadelphia: Westminster, 1961), pp. 155-156.
[7] Saint Irenaeus, The Writings of St. Irenaeus: Irenaeus Against the Heresies, III, 22, 4 (London: T & T Clark, 1884), p. 361.
[8] Martin Luther, “Christmas Sermon” (1522), Wartburg Church Postil, in Through the Years with Martin Luther: A Selection of Sermons Celebrating the Feasts and Seasons of the Year (Peabody, MA: Hendrickson, 2007), p. 104.
[9] Ulrich Zwingli, “Mary, Ever Virgin, Mother of God” (1524), quoted in Max Thurian, Mary: Mother of All Christians (New York: Herder and Herder, 1963), p. 76.
[10] LG 67.
[11] Mother Basilea Schlink, Mary, the Mother of Jesus (London: Marshall Pickering, 1986), pp. 114-115.
[12] Saint Augustine, “Sermon 185,” 3, in Sermons for Christmas and Epiphany, trans. Thomas Comerford Lawler, vol. 15, Ancient Christian Writers (New York: Paulist Press, 1952), p. 79. Cf. also PL 38, p. 999.
[13] Chuyển dịch nguồn: http://www.zenit.org/en/articles/fr-cantalamessa-s-3rd-advent-sermon

No comments:

Post a Comment