LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23
Mừng đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, phụng vụ Lời Chúa nói nhiều đến Chúa Thánh Thần. Có lẽ trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa
Thánh Thần là Đấng thường bị quên lãng, ít được biết đến hơn cả. Và nói về Chúa
Thánh Thần là một điều rất khó khăn. Bởi lẽ, Người là Đấng thiêng liêng sáng
láng vô cùng, một khuôn mặt bí nhiệm và ẩn dấu nhất trong Thiên Chúa. Để giúp
chúng ta hiểu điều gì đó về Thánh Thần, tôi mượn ba hình ảnh rất gần gũi và cần
thiết trong cuộc sống, được Kinh Thánh dùng để nói về Người. Đó là không
khí, ánh sáng và nước.
1- Khí
Trước hết, không khí là yếu tố cần thiết nhất
cho sự sống con người. Nếu lúc này, ở đây thiếu không khí trong 15 phút, chúng
ta đều chết ngạt. Không khí cần thiết như thế, chúng ta hít vào thở ra, nhưng cả
ngày chúng ta không có để ý gì đến không khí.
Khi nói về Thánh Thần, Kinh Thánh dùng hạn từ Ruah trong tiếng Do Thái, có nghĩa là không
khí, hơi thở để nói về Người như nguồn gốc sự sống. Quả thế, khi sáng tạo con
người, Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi con người và con người có sự sống (x. St
2,17). Thổi hơi là ban Thần Khí, nhờ đó con người được sống. Chúa Giêsu trong
Tin Mừng cũng nói: “Chúa Thánh Thần như gió, muốn thổi đâu thì thổi” (x. Ga
3,8). Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, Người thổi hơi và ban
Thánh Thần. Trong ngày lễ Hiện Xuống, Đấng Phục Sinh đổ tràn đầy Thánh Thần cho
các môn đệ nhờ đó họ có sức sống, sức mạnh và can đảm để ra đi loan báo Tin
Mừng. Cho nên, khi nói đến Thánh Thần là muốn nói đến sự sống, sức mạnh được
ban cho Giáo Hội và cho chúng ta. Nếu không có không khí, chúng ta sẽ chết
ngạt. Cũng vậy, nếu không có Chúa Thánh Thần, chúng ta không có sự sống, sức
mạnh thần linh để sống. Bởi thế, Công Đồng Constantinople (381) đã định tín về
Chúa Thánh Thần là Đức Chúa và là Đấng ban sự sống. Nghĩa là Người là Thiên
Chúa và là Đấng ban sự sống thần linh cho mỗi người chúng ta.
2- Ánh sáng
Tiếp đến là ánh sáng. Nếu không có ánh sáng,
chúng ta sẽ không thấy gì cả. Chúng ta cần ánh sáng của mặt trời, mặt trăng,
ánh sáng của đèn điện... Ánh sáng làm cho chúng ta thấy rõ mọi sự để hiểu cho
đúng, đi cho ngay và làm tốt công việc cần làm.
Kinh Thánh cũng dùng hình ảnh ánh sáng để nói
về vai trò hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đối với mỗi người chúng ta.
Chẳng hạn sách Xuất Hành cho thấy ánh sáng của
Cột Lửa đã soi sáng và hướng dẫn dân Do Thái trên đường tiến về Đất Hứa (Xh
12,17-22 tt).
Trong Tin Mừng Gioan, chúng ta có một mạc khải
hết sức quan trọng về Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu hứa với các môn đệ: “Thầy sẽ
xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em
luôn mãi” (Ga 14,16). Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ khác, nghĩa là Đấng được sai
đến để thay thế cho Chúa Kitô, Người sẽ hướng dẫn, bảo vệ, an ủi và đồng hành
với các môn đệ và mỗi người chúng ta mỗi ngày.
Chúa Thánh Thần không thực hiện một chương
trình cứu độ khác, nhưng Người tiếp tục và hoàn tất công trình cứu độ mà Chúa
Kitô đã thực hiện.
Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay cho chúng
ta biết những việc cụ thể Người làm: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em,
nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người
sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,12-13). Quả thật, trước đó, dầu các
môn đệ sống gẫn gũi bên Chúa Giêsu, nhưng họ chưa có thể nhận biết Người cách
rõ ràng, phải đợi khi họ được tràn đầy Thánh Thần, bức màn che khuất đã biến
mất khỏi mắt họ.
Thánh Thần nhắc lại cho họ những gì Chúa dạy,
soi sáng cho họ hiểu lời nói và việc làm của Chúa Kitô. Người hướng dẫn họ đến
với Chúa Kitô là đường, là sự thật và là sự sống. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta
hiểu biết tất cả những điều này. Nếu không có Chúa Thánh Thần thì không ai có
thể nói rằng “Đức Giêsu là Chúa” (1 Cr 12,3).
Vì thế, các giáo phụ gọi Chúa Thánh Thần là “sự
thông hiểu các mầu nhiệm Thiên Chúa.” Thánh Basiliô Cả có một tóm tắt rất ý
nghĩa: “Con đường để hiểu biết Thiên Chúa đi lên từ Ngôi Thánh Thần qua Ngôi
Con tới Ngôi Cha. Ngược lại, sự tốt lành, sự thánh thiện và sự cao trọng thần
linh đến từ Chúa Cha, qua Con Một yêu dấu tới Chúa Thánh Thần.”
Như thế, nếu không có Chúa Thánh Thần, chúng ta
không thể hiểu biết về Đức Kitô.
3- Nước
Chúng ta chuyển sang hình ảnh thứ ba, đó là
Nước. Nước cần thiết cho cuộc sống. Ở đâu có nước, ở đó có sự sống. Nước để ăn
uống, trồng trọt, tắm rửa và thanh tẩy.
Nước cũng được dùng để áp chỉ cho Chúa Thánh
Thần. Thánh Thần và nước, trời và đất, Đức Kitô và Hội Thánh lệ thuộc vào nhau.
Chúa Giêsu hứa ban nước, là hứa ban nguồn suối
đem lại sự sống đời đời cho ai uống (Ga 4,14); ai uống sẽ không bao giờ khát
nữa. Nước đây chính là nguồn ơn thánh sủng của Thánh Thần, biểu trưng cho sự
sống đích thực và tuôn trào từ bên trong, sẽ làm thỏa mãn cơn khát sâu xa của
con người.
Vì thế, trong bí tích Rửa Tội, nước được dùng
như là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta được tái sinh,
Đấng thanh tẩy chúng ta khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, Đấng ban lại cho chúng ta sự
sống mới và địa vị làm con cái Thiên Chúa.
Kết luận
Chúa Thánh Thần là quà tặng của Đấng Phục Sinh
ban cho mỗi người chúng ta, như là Đấng Bảo Trợ. Người không phải là Thiên Chúa
ở trên, nhưng là Thiên Chúa ở trong tầm hồn chúng ta. Để được Người hướng dẫn,
tôi mời gọi chúng ta thực hành ba việc sau đây:
1) Mỗi sáng thức dậy, chúng ta hãy nhớ ngay đến
Chúa Thánh Thần và cầu nguyện với Người, xin Người hãy đến ngự trong tâm
hồn con.
2) Trước khi làm bất cứu việc gì, hãy cầu
nguyện xin Người hướng dẫn và soi sáng để chúng ta chu toàn tốt công việc của
mình.
3) Hãy luôn ý thức và nhạy bén về hoạt động của
Thánh Thần, và tập thái độ ngoan ngùy với Người, trong ước muốn, suy nghĩ, lời
nói và hành động của chúng ta, và hãy để cho Người hướng dẫn, như Người đã
hướng dẫn các môn đệ trong ngày lễ Hiện Xuống xưa.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment