Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi
Đnl 4,32-34. 39-40; Rm 14-17; Mt 28,16-20
Đnl 4,32-34. 39-40; Rm 14-17; Mt 28,16-20
Sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta long trọng cử hành lễ Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh. Qua việc
cử hành này giúp chúng ta nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa trong Ba Ngôi.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cả
trong Đạo. Giáo lý Giáo Hội cho rằng đây là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và
của mọi sinh hoạt Kitô giáo; mầu nhiệm Ba Ngôi là nội dung căn bản nhất, quan
trọng nhất của mạc khải Kitô giáo.
Tuy nhiên, mầu nhiệm này là mầu nhiệm cảo cả,
khôn dò khôn thấu, vượt trên lý trí tự nhiên của chúng ta. Vì thế, con người chỉ
có thể biết được Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ mạc khải do Chúa Kitô mang đến cho con
người. Nghĩa là nhờ việc Thiên Chúa tỏ mình ra, chính Thiên Chúa nói cho chúng
ta biết về Người qua dòng lịch cứu độ và nhất là nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên
Chúa mạc khải cho chúng ta biết.
Quả thế, mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi đã có nguồn
gốc từ Cựu Ước: Cựu Ước nói cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành mọi
sự trong vũ trụ này. Người là Cha của con người. Con người phải tôn thờ và yêu
mến Người hết lòng hết sức hết linh hồn (Đnl 6,4-5). Tuy nhiên, đây là mạc khải
về Thiên Chúa duy nhất. Nghĩa là chỉ có một Thiên Chúa thôi, không có hai, ba ngôi
vị khác… Đó là niềm tin độc thần.
Phải đợi đến mạc khải của Đức Giêsu, chúng ta mới
có sự hiểu biết đầy đủ về Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta
biết: Thiên Chúa không chỉ là một mà còn là ba. Thiên Chúa không phải là đơn độc
một mình, nhưng là một cộng đoàn, một gia đình: trong đó Thiên Chúa đó có Ba Ngôi
Vị phân biệt rõ ràng: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mỗi ngôi vị đều là
Thiên Chúa. Mỗi ngôi vị đều ngang hàng với nhau về thần tính, cấp bậc, quyền
năng, và vinh quang; mỗi ngôi vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình
dù chỉ có một nguồn sự sống thần linh duy nhất. Có ba Ngôi Vị nhưng không phải
có ba Thiên Chúa mà chỉ có một Thiên Chúa mà thôi. Bởi vì cả ba Ngôi Vị hiệp nhất
nên một với nhau trong bản tính duy nhất là Thiên Chúa. Ba Ngôi hiệp nhất và
yêu thương nhau. Bởi vì, Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,8).
Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa Ba Ngôi tỏ mình
ra cho chúng ta một các rõ ràng qua các vai trò và hoạt động của từng ngôi vị:
Chúa Cha sáng tạo hay tạo dựng, Chúa Cha sai Chúa Con đến để cứu chuộc nhân loại
và Chúa Thánh Thần nắm giữ vai trò thánh hóa và hoàn tất công trình cứu độ của
Thiên Chúa.
Như thế, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm
chính yếu được giấu kín từ ngàn xưa, nay được mạc khải cho chúng ta qua Đức
Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Mầu nhiệm này bí nhiệm, cao vời, nhưng rất gần
gũi với đời sống của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Bởi vì, qua
phép rửa nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, chúng ta trở thành nghĩa tử của Chúa
Cha (x. Rm 8,15), em của Chúa Con (x. Rm 8,29) và đền thờ của Thánh Thần (x. 1Cr
6,19), hợp thành Giáo Hội là “dân thánh được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa
Ba Ngôi” (Hiến chế GH
4).
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là khuôn mẫu cho mỗi cộng đoàn và mỗi
gia đình chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa
khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của
Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong gia đình, cha mẹ, con cái yêu thương nhau thì càng hiệp
nhất nên một với nhau. Tình yêu là dây liên kết mọi người nên một gia đình hạnh
phúc ấm êm. Gia đình là nơi sống và diễn tả huyền nhiệm Ba Ngôi rõ nét nhất.
Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là ở lại
trong tình yêu. Mỗi ngày người tín hữu chúng ta làm dấu Thánh giá nhiều lần
trên người: “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con
và Chúa Thánh Thần.” Khi đặt tay trên trán, chúng ta tuyên xưng
Thiên Chúa ở “trên” chúng ta, vượt lên trí khôn chúng ta; khi đặt tay trên ngực,
chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa ở “trong” lòng chúng ta, cư ngụ trong sâu thẳm
tâm hồn; khi chúng ta đặt tay hai vai, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa gần gũi với
chúng ta, Thiên Chúa ở “hai bên” chúng ta, Thiên Chúa ở nơi tha nhân mà ta phải
hướng về. Như thế, dấu thánh giá diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi phải được tin và
tuyên xưng từ trí đến lòng và qua những cánh tay bằng những hành động cụ thể của
chúng ta.
Ước gì mỗi người cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, sống hiệp thông
chia sẻ trong cuộc sống hàng ngày của mình. Mỗi
người kitô hữu chúng ta được mời gọi tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi trên
hết mọi sự, với tất cả trí khôn, trái tim và con người. Amen!
No comments:
Post a Comment