2
V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15
Trong suốt cuộc
đời rao giảng của mình, Chúa Giêsu đã thực hiện rất nhiều kỳ diệu cả thể khiến
những ai chứng kiến không thể nào quên. Trong số đó, phép lạ hóa bánh ra nhiều là
biến cố được cộng đoàn tín hữu sơ khai nhớ đến cách đặc biệt nhất. Đây là phép
lạ do Chúa Giêsu thực hiện bên kia biển hồ Galiêa khi rất đông dân chúng đến
với Người để nghe giảng, họ không có gì ăn, vì họ đang ở trong một nơi hoang
vắng. Đây cũng là câu chuyện duy nhất được tất cả bốn Tin Mừng thuật lại.
1- Hơn cả một phép lạ
Bài Tin Mừng hôm
nay là trình thuật của thánh Gioan (Ga 6,1-6). Nội dung trình thuật này chứa
đựng nhiều ý nghĩa rất phong phú. Theo cách nhìn riêng, thánh Gioan không gọi
đây là một “phép lạ” nhưng đúng hơn là một “dấu chỉ.” Bởi lẽ, phép lạ thường
được hiểu là những gì được xảy ra một cách ngoại thường, vượt ra khỏi định luật
tự nhiên, do một bàn tay nào đó tác động. Chẳng hạn, một người leo lên nhà cao
tầng, rồi nhảy xuống, đến mức nào đó, anh dừng lại trong không gian. Người ta gọi
đó là phép lạ! Nó đi ngược với luật tự nhiên là phải rơi xuống đất. Hay một ai
đó bị bệnh ung thư, không thể nào chữa khỏi, nhưng nhờ cầu nguyện, người đó
được ơn chữa lành và sống thêm được một thời gian. Đó là phép lạ!
Nhưng theo cách
nhìn của thánh Gioan, những việc kỳ điệu do Chúa Giêsu thực hiện là những “dấu
chỉ” của Thiên Chúa. Vì dấu chỉ hướng chúng ta tới khám phá những ý nghĩa và
thực tại bên trong mà những sự kiện xảy ra bên ngoài mách bảo. Đó là lý do tại
sao thánh Gioan mời gọi chúng ta không có dừng lại ở những sự kiện bên ngoài
được kể, nhưng cần khám phá ý nghĩa bên trong, sâu hơn của nó từ viễn tượng đức
tin.
Trong trình
thuật này, Chúa Giêsu là trung tâm điểm của câu chuyện. Trước một hoàn cảnh
người thì đông, thức ăn không có, chợ thì xa, các môn đệ lo lắng: “Ta mua đâu được
bánh cho những người này ăn? Không ai chạy đến xin Chúa Giêsu can thiệp. Nhưng chính
Người đi bước trước, Người thấy dân chúng đang chịu đói khát, nên Người đề nghị
các môn đệ phải chăm sóc họ. Điều rất thú vị ở đây khi biết rằng Chúa Giêsu
không chỉ nuôi dưỡng dân chúng bằng Lời, Tin Mừng của Thiên Chúa, nhưng Người còn
quan tâm đến cả cái đói, cái khát mà con cái Thiên Chúa đang trải qua.
Trước một đám
đông khoảng năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con, các môn đệ thắc
mắc. Trong nơi hoang vắng, làm sao kiếm thức ăn mà nuôi chừng đó người được? Philiphê
nói: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút.” Các môn đệ
không tìm ra giải pháp, bởi vì họ không có đủ tiền. Ông Anrê nghĩ rằng họ có
thể chia sẻ với nhau khi nói: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch
và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người.”
2- Chúa không làm gì một mình
Một em bé vô
danh, không rõ lai lịch đã đóng góp phần mình cho một điều xem chừng như không
thể trở thành điều có thể. Sự sẵn sàng của em bé là giải pháp để có thức ăn cho
đám đông.
Đối với Chúa Giêsu
như thế là đủ rồi. Người sẽ làm điều còn lại: Người cầm lấy bánh và cá của em
bé, rồi tạ ơn Thiên Chúa, và bắt đầu phân phát cho họ ăn, ai cũng được no nên. Ở
đây, Chúa Giêsu không muốn làm gì một mình dẫu Người có thể làm. Người muốn con
người cộng tác để thực hiện điều xem ra không thể thành có thể. Sự đóng góp của
em bé trở thành điều kiện để phép lạ được xảy ra.
Quả là một cảnh
tượng thật ý nghĩa. Đám đông đang ngồi trên thảm cỏ xanh và chia sẻ một bữa ăn không
rượu cũng không thịt, nhưng đầy ắp tình huynh đệ, với những thức ăn đơn giản của dân
làng sống xung quanh biển hồ Galiêa: đó là thứ bánh từ lúa mạch và cá muối; một
bữa ăn huynh đệ mà Chúa Giêsu dọn ra cho mọi người, nhờ sự đóng góp quảng đại
của em bé.
Sự quảng đại của
em bé là lý tưởng mời gọi mọi tín hữu phải noi gương bắt chước. Bởi thế, ngay
từ lúc ban đầu Giáo Hội, các tín hữu coi những gì mình có là của chung và mỗi
người là anh chị em. Đây là mô hình lý tưởng của một xã hội mới do Chúa Giêsu
thiết lập để xây dựng một nhân loại mới mà trong đó con người đối xử với nhau
với tình tương thân tương ái, chia sẻ và đoàn kết.
Đồng thời qua
dấu chỉ bữa ăn này, thánh Gioan ám chỉ về bí tích Thánh Thể mà người kitô hữu
cử hành trong ngày của Đức Chúa. Nơi đó, chính Chúa Giêsu đi bước trước và
chuẩn bị cho Dân Chúa một bữa tiệc để nuôi dưỡng chúng ta nhờ Thần Khí và sức
mạnh của Chúa Giêsu, Bánh Hằng Sống đến từ Thiên Chúa. Nhờ bí tích Thánh Thể,
chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa; nhờ Bí Tích Thánh Thể, chúng ta được trở nên
một với nhau là Nhiệm Thể Chúa Kitô như thánh Phaolô nói trong bài đọc II: “Chỉ
có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một
niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa
là Cha hết mọi người, Đấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và
ở trong mọi người” (Ep 4,5-6).
3- Cần sự đóng góp của chúng ta
Nhưng chúng ta
không bao giờ quên sự đóng góp của em bé. Sự đóng góp của mỗi người nhiều lúc
nhỏ bé, nhưng với ơn Chúa đã làm nên điều kỳ diệu trong cuộc sống chúng ta. Chúng
ta có thể kiểm chứng điều này khi quan sát những sự kiện xảy ra xung quanh
chúng ta: chẳng hạn từ những đợt bão lụt xảy ra ở Miền Trung Việt Nam, có nhiều
người không còn nhà cửa, mất hết của cải. Nhưng nhờ tinh thần tương thân tương ái
của người Việt trong và ngoài nước giúp đỡ mỗi người một chút, nhiều ngôi nhà
được xây dựng lại, nhiều người có đủ cơm ăn áo mặc... đó là phép lạ của sự đoàn
kết!
Liên quan đến
điều kỳ diệu này, cha Anthony de Mello kể câu chuyện về nồi cháo kỳ diệu: “Một
ngày nọ, có một vị thiền sư tới một ngôi làng quê nghèo khổ, ai cũng không có
gì ăn. Ông liền lấy một cái nồi, rồi đưa ra giữa ngã ba đường, múc nước, nhặt
một hòn đá bỏ vào nồi và bắt đầu nấu. Ông vừa nấu vừa thiền. Thỉnh thoảng ông
cúi xuống nếm thử và nói: “Giá mà có thêm ít gạo nữa thì ngon biết mấy.” Thế là
có người dân làng mang đến cho ông một bịch gạo, ông đổ vào và tiếp tục nấu. Một
lúc, ông lại nói: “Giá mà có thêm ít thịt nữa thì ngon biết mấy.” Thế là có một
cụ bà đưa đến mấy con gà. Ông làm thịt và cho vào nồi, tiếp tục nấu. Sau đó,
ông lại nếm và nói: “Giá mà có thêm ít rau, ít củ hành, củ tỏi, và ít gia vị
nữa... thì ngon biết mấy.” Những người xung quang mang đến cho ông tất cả những
thứ đó, ông nấu. Sau khi cháo chín, ông mời mọi người trong làng đến ăn. Ai
cũng được ăn cháo gà no nê. Đó là phép lạ của sự chia sẻ.
Nếu trong thế
giới này còn sự đói khát, đó không phải do thiếu thực phẩm, nhưng là do thiếu sự
đoàn kết và tình tương thân tương ái. Của ăn luôn có đủ cho mọi người; nhưng sự
quảng đại chia sẻ thì đang thiếu. Nhiều người hôm nay phải chết vì đói, vì khát
chỉ vì sự vô cảm và ích kỷ của chúng ta. Nên thông điệp mà Lời Chúa hôm nay mời
gọi chúng ta góp phần nhỏ bé của mình để cho những gì xem ra như không thể lại
trở thành có thể một cách bất ngờ. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment