CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG
Br 5,1-9; Pl 1,4-6,8-11; Lc 3,1-6
Tin Mừng Chúa Nhật này tập trung giới thiệu dung mạo
của Gioan Tẩy Giả. Ngay từ giây phút sinh ra, Gioan Tẩy Giả được cha mình chào
đón như một ngôn sứ: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng
Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76). Với tư cách là một
người mở đường, Gioan Tẩy Giả đã làm gì để được coi là một ngôn sứ và là “một
người cao cả nhất trong các ngôn sứ” (Lc 7,28)?
1- Gioan Tẩy Giả, người mở đường
Trước hết, kế tục con đường các ngôn sứ Israel, ông đã
lớn tiếng chống lại những áp bức và bất công xã hội. Gioan Tẩy Giả xuất hiện
như là tiếng kêu trong hoang địa để thức tỉnh lương tâm con người. Trong Tin
Mừng, chúng ta nghe ông nói với dân chúng: “Ai có hai áo, thì chia cho người
không có; ai có gì ăn, thì cũng phải làm như vậy” (Lc 3,11).
Đối với những người thu thuế đã thường lạm quyền và
tham nhũng tiền của người nghèo một cách bất công, họ cũng đến hỏi ngài rằng:
“Chúng tôi phải làm gì?” Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho
các anh” (Lc 3,11-14).
Ông đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng kêu gọi
người ta chịu phép rửa, tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép
trong sách ngôn sứ Isaia rằng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn
con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 3,4-6).
2- Ngôn sứ ngày nay
Ngày hôm nay, chúng ta có thể diễn tả lại những lời đó
như thế này: “Mọi sự khác biệt, bất công xã hội giữa người giàu (núi đồi) và
người nghèo (thung lũng) phải được xóa bỏ hoặc ít ra phải được giảm bớt; những
con đường cong queo của tham nhũng, dối trá và tội ác phá hoại môi trường, của
công… phải đưa ra ánh sáng, được xét xử nghiêm minh và mọi sai trái, giả dối phải
được uốn nắn cho ngay thẳng v.v…
Theo cái nhìn này, chúng ta dễ dàng để có sự hiểu biết
đúng đắn về một ngôn sứ: đó là một người thúc đẩy sự thay đổi, người lên án
những bất công của các hệ thống và tổ chức xã hội; là người chỉ ngón tay mình
chống lại những lạm dụng của quyền lực trong mọi hình thức của nó như quyền lực
tôn giáo, chính trị, kinh tế, quân sự và là người dám tuyên bố trước mặt bạo
chúa rằng: “Ngài không được phép làm như thế” (x. Mt 14,4).
Khi phân định về ngôn sứ thật và ngôn sứ giả thời nay,
Thomas Merton, một bậc thầy tu đức nổi tiếng ở Mỹ, cho rằng: ngôn sứ giả là
người rao giảng về mình, kéo người khác đến với mình và chạy theo thị hiếu của
đám đông. Ông làm ngôn sứ để được giàu có và nổi tiếng, thích đưa ra một câu
trả lời hoặc một hướng đi dễ dàng. Còn ngôn sứ thật là người rao giảng sự thật
và hướng người khác tới chân lý, chấp nhận chịu đau khổ vì ơn gọi ngôn sứ, ông
nói cho chúng ta biết chúng ta là ai, và thách thức chúng ta hơn là làm cho
chúng ta cảm thấy hài lòng với chính mình.[1]
3- Bài học từ Gioan Tẩy Giả
Nhưng ở đây có điều gì đó hơn thế mà Gioan Tẩy Giả đã
làm: ông nói cho dân chúng biết rằng: “Người (Chúa) sẽ cứu độ là tha cho họ hết
mọi tội khiên” (Lc 1,77). Chúng ta phải tự hỏi: đâu là tính chất ngôn sứ trong
trường hợp này? Quả thế, các ngôn sứ đã loan báo ơn cứu độ trong tương lai;
nhưng Gioan Tẩy Giả không loan báo ơn cứu độ trong tương lai; ông chỉ cho thấy
ơn cứu độ lúc này và tại đây, trong hiện tại. Ông là người chỉ ngón tay mình về
phía một Người và nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”
(Ga 1,29); Đây là Đấng được trông chờ từ bao thế kỷ, là Đấng Messia! Chúng ta
hãy hình dung lời chứng này đã thật sự gây một sự chấn động khủng khiếp đối với
những người nghe Gioan nói như thế!
Các ngôn sứ truyền thống đã giúp những người đương
thời của họ biết “nhìn vượt lên” bức tường của thời gian để nhìn thấy tương
lai, nhưng Gioan giúp dân chúng biết “nhìn xuyên qua” bức tường của dáng vẻ bên
ngoài rất bình thường và trái ngược, để thấy Đấng Messia ẩn dấu bên trong dáng
vẻ của một con người giống như mọi người. Như thế, theo cách này, Gioan Tẩy Giả
đã khai mở một hình thức mới mẻ của ngôn sứ cho Kitô giáo, nó không cốt ở việc
loan báo ơn cứu độ trong tương lai, trong “thời sau hết,” nhưng mạc khải sự
hiện diện ẩn dấu của Đấng Kitô trong thế giới. Đây chính là điều làm nên sự vĩ
đại của Gioan Tẩy Giả.
Tất cả những điều này muốn nói gì với chúng ta hôm
nay? Trước hết, sứ vụ ngôn sứ của Gioan nhắc chúng ta nhớ lại sứ vụ ngôn sứ của
mỗi người Kitô hữu mà hôm nay đang có nguy cơ bị lãng quên hoặc bị lệch đường.
Chúng ta cũng phải giữ cả hai phương diện gắn liền nhau của sứ vụ ngôn sứ: một
đàng, ngôn sứ là người vì công lý xã hội và đàng khác, ngôn sứ là người loan
báo Tin Mừng. Nếu việc loan báo về Chúa Kitô mà không được gắn liền với một sự
cố gắng hướng tới sự cải thiện con người có lẽ nó sẽ mang lại điều gì đó không
thiết thực và thiếu sự khả tín.
Nếu chúng ta chỉ thi hành sứ vụ ngôn sứ vì công lý mà
không loan báo Đức Tin và không có sự gặp gỡ sống động với Lời Chúa, chúng ta
sẽ sớm gặp những giới hạn của mình và kết thúc chỉ như những người chống đối.
Từ dung mạo Gioan Tẩy Giả, chúng ta cũng học biết rằng
việc loan báo Tin Mừng và đấu tranh cho công lý cần phải gắn liền và liên kết
với nhau. Sống trong xã hội mà gian dối và lừa lọc lên ngôi, thật đáng quý trọng
nếu mỗi người chúng ta được Tin Mừng Chúa Giêsu thúc đẩy để đấu tranh cho sự
tôn trọng nhân vị và phẩm giá của con người; lên tiếng chống lại những bất công
xã hội. Nhờ sự tranh đấu này mà nhân quyền được tôn trọng, môi trường sống được
an toàn và mỗi người trong xã hội có thể “nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” Chúng
ta cũng phải noi gương Gioan Tẩy Giả đã không rao giảng và chống lại những lạm
dụng như một người gây rối xã hội nhưng như một sứ giả của Tin Mừng “để làm cho
tâm tư người ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân
sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17).
Lạy Chúa, xin cho
mỗi người chúng con biết noi gương thánh Gioan Tẩy Giả, can đảm thi hành sứ vụ
ngôn sứ của mình như là một cách thế làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hôm nay.
Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
[1]
Morgan C. Atkinson – Jonathan Montaldo, Soul
Searching. The Journey of Thomas Merton, Johngarrattpublishing, p. 91-92.
No comments:
Post a Comment