Is 6,1-8; 1 Cr 15,1-11; Lc 5,1-11
Chủ đề chính yếu của Chúa Nhật này là ơn gọi, được diễn tả qua ơn gọi
của Isaia (bài đọc I), ơn gọi của Phaolô (bài đọc II) và ơn gọi của bốn môn đệ
đầu tiên của Chúa Giêsu (bài Tin Mừng).
1- Ơn thiên triệu là gì?
Thông thường khi nói tới ơn gọi hay ơn thiên triệu, chúng ta nghĩ
ngay tới ơn Chúa gọi ai đó đi tu làm linh mục, thầy dòng, hoặc nữ tu,
còn giáo dân không đi tu, họ ở giữa thế gian, nên không có ơn thiên
triệu. Chúng ta cần phải xét lại cách hiểu đó.
Một cách căn bản, chúng ta có thể định nghĩa: Ơn gọi là lời mời gọi của
Thiên Chúa dành cho người được gọi để bước theo Người và thực thi một sứ mạng
được giao phó, đồng thời cũng là sự đáp trả của con người trước lời mời gọi và
sứ mạng đó. Theo định nghĩa này, để có một ơn gọi, phải có hai yếu tố: yếu tố
ân sủng của Thiên Chúa và yếu tố đáp trả của con người. Nếu thiếu một trong hai
yếu tố thì không thể có một ơn gọi.
2- Ơn gọi của Isaia, Phaolô và các Tông Đồ
Trong bài đọc I, tiên tri Isaia tường thuật lại ơn gọi của mình
qua một thị kiến. Ông thấy mình đang ở trong đền thờ uy nghi rực rỡ,
có Đức Chúa ngự ở đó. Khi đứng trước nhan Đức Chúa, ông thấy mình
quá tội lỗi, quá bất xứng, đến nỗi ông phải thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất vì tôi là
một người môi miệng ô uế” (Is 6,4). Nhưng khi thần Xêraphim lấy
than hồng đặt trên bàn thờ chạm vào miệng ông, thì ông đã được thanh
tẩy: “Đây cái này đã chạm đến
môi ngươi, ngươi đã được tha tội” (Is 6,7). Để rồi khi nghe Thiên
Chúa muốn tìm một vị ngôn sứ: “Ta
sẽ sai ai đây, ai sẽ đi cho chúng ta?” (Is 6,8a) thì ông đã mạnh
dạn lên tiếng: “Dạ, con đây, xin sai
con đi!” (Is 6, 8b).
Mỗi người được Thiên Chúa kêu gọi một cách khác nhau. Trong bài đọc II,
khi trả lời cho những người cho rằng mình không xứng với ơn gọi Tông Đồ, thánh
Phaolô đã cho họ biết rằng chính Đấng Phục Sinh đã chọn ngài như là
một đứa trẻ sinh non. Có nghĩa là ngài cũng nhìn nhận mình bất xứng,
chỉ “là một người hèn mọn nhất
trong các tông đồ” (1Cr 15, 9) nhưng vì được Chúa thương nên chọn
ngay lúc ngài đang bách hại Hội Thánh Chúa. Quyền năng Chúa biến Phaolô thành Tông
Đồ nhiệt thành cho dân ngoại. Quả thực, Phaolô đã thực sự trở thành một Tông Đồ
trụ cột của Kitô giáo cùng với Phêrô. Điều quan trọng là đức tin mà ngài
đã rao giảng và làm chứng cho dân chúng là tinh tuyền vì ngài đã làm
theo những gì Chúa chỉ dạy, và các Tông Đồ khác cũng rao giảng như
vậy.
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn
đệ đầu tiên theo Người sau mẻ cá kỳ diệu: đó là anh em Simon và Anrê, Giacôbê
và Gioan. Họ là ai? Họ là những người đánh cá, bình dân, quê mùa,
không có học vấn cao hay bằng cấp, không có địa vị… nhưng Chúa vẫn chọn
họ và mời gọi họ: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (x. Lc
5,1-11). Các môn đệ đã đáp trả lời mời gọi đó một cách hăng hái và mau mắn. Họ
từ bỏ hết mọi sự mà theo Người. Họ đã được Chúa biến đổi và làm cho trở
thành những “kẻ lưới người như lưới cá.”
Như thế, trong ba tường thuật về ơn gọi của Isaia, Phaolô và các Tông Đồ
cho thấy tiến trình của một ơn gọi với ba giai đoạn: 1) Thiên Chúa kêu gọi, tác
động; 2) Con người ngạc nhiên, lo lắng, cảm thấy bất xứng trước lời mời gọi đó;
3) Từ bỏ và dấn thân cho một sứ vụ cụ thể.
Qua những câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng ơn gọi thật huyền nhiệm và
lạ lùng! Bởi lẽ, Thiên Chúa kêu gọi người nào, lúc nào và nơi nào là tùy ý
Người (x. Mc 3,13). Thiên Chúa chọn và kêu gọi ai, thì Người ban ơn và biến đổi
họ. Đồng thời, ơn gọi cũng là kết quả của sự chọn lựa và đáp trả dứt khoát của
những ai được gọi qua việc từ bỏ và dấn thân hoàn toàn cho Thiên Chúa.
3- Ơn gọi của chúng ta
Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa kêu gọi và mỗi người đều có một ơn
gọi riêng. Với tư cách là một con người, Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở thành
một người tốt. Với tư cách là một người Kitô hữu, Thiên Chúa mời gọi chúng ta
trở nên thánh thiện, trở thành người môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Đây là ơn
gọi Đức Tin, ơn gọi nên thánh. Bởi thế, Công Đồng Vaticanô II quả quyết: Mọi Kitô
hữu được mời gọi nên thánh (x. LG 39-42). Mục đích của đời sống Kitô hữu là trở
thành những vị thánh.
Để trở nên thánh thiện trong đời sống và xây dựng Nước Chúa ở trần gian,
Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống theo từng bậc sống riêng biệt hay theo đặc
sủng riêng của mình như: bậc sống linh mục, tu sĩ và giáo dân. Mỗi bậc sống là
một cách thế hay là một con đường để dẫn tới sự thánh thiện trong đời sống. Mỗi
người chúng ta được Chúa mời gọi sống theo bậc sống riêng biệt của mình. Thế
nên, không ai có thể nói rằng tôi không có ơn gọi. Nếu là giáo dân, hãy sống ơn
gọi giáo dân thật tốt và thánh thiện. Nếu là tu sĩ, hãy sống ơn gọi này thật
tốt và thánh thiện. Nếu là linh mục, hãy sống ơn gọi này thật tốt và thánh
thiện.
Cũng như Isaia, Phaolô và các môn đệ đầu tiên hôm nay, chúng ta được mời
gọi biết sống từ bỏ một cách dứt khoát và đáp trả một cách mau mắn trước lời
mời gọi của Chúa. Theo Chúa Kitô không cho phép chúng ta hối tiếc, lưu luyến,
hay có những thoả hiệp. Theo Chúa phải biết từ bỏ những gì cản trở ơn gọi chúng
ta: kể cả gia đình, bạn bè, nghề nghiệp và sở thích...
Vì được kêu gọi, nên mỗi người có một sứ vụ. Đó là sứ vụ xây dựng Nước
Chúa ở trần gian, là loan báo Tin Mừng cho mọi người. Ngõ hầu chúng ta giúp tha
nhân nhận biết chân lý và được cứu độ.
Nguyện xin Thiên Chúa giúp mỗi người
chúng ta biết khám phá ơn gọi của mình, biết quảng đại đáp trả lời mời gọi của
Chúa và biết nhiệt tâm phục vụ Nước Trời. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment