Gr 1,4-5.17-19; 1Cr 12,31 – 13,13; Lc 4,21-30
1- Từ chuyện con bọ cạp
Chuyện kể, có một thiền sư ngắm nhìn dòng suối hiền hòa,
bỗng nhiên trông thấy một con bọ cạp rớt xuống suối. Thầy đưa tay vớt nó và nhẹ
nhàng để nó lên mặt đất. Con bọ cạp theo phản ứng tự nhiên: cong đuôi chích bất
cứ ai đụng đến nó. Mặc dù bị nó chích rất đau, nhưng thầy không hề tức giận.
Sau đó, thầy đứng lên, đi được vài bước và quay lại nhìn
con bọ cạp, thấy nó lại té xuống suối. Thiền sư vội vàng chạy lại cứu nó, rồi
cẩn thận đưa nó lên mặt đất. Lần này, nó cũng chích thầy phát nữa.
Một người đi ngang qua, thấy vậy bực mình lớn tiếng: “Con
bọ cạp vô ơn bạc nghĩa như vậy, cứu nó làm gì cho mệt. Kệ xác nó.”
Thiền sư nghe vậy thản nhiên trả lời: “Chích người là bản
năng của con bọ cạp, còn lương thiện là bản năng của ta, sao ta có thể vì bản
năng của nó, mà vứt bỏ bản năng của ta?”
Câu chuyện trên diễn tả lòng từ bi và cao thượng của vị
thiền sư đối với con bọ cạp. Lòng từ bi khiến vị thiền sư sẵn sàng cứu vớt con bọ
cạp chết đuối dẫu biết rằng rất có thể bị nó quay lại chích vào tay. Một cách
nào đó, câu chuyện này giúp chúng ta hiểu hơn câu chuyện Tin Mừng hôm nay.
2- Đến câu chuyện Tin Mừng
Tiếp nối câu chuyện Tin Mừng Chúa Nhật vừa rồi,
Chúa Giêsu trở về Nadarét. Đây là lần đầu tiên Người trở về thăm quê sau khi bắt
đầu sứ vụ công khai. Chúa Giêsu vào hội đường, đọc và giải thích Sách Thánh.
Dân chúng ngạc nhiên và thán phục những lời của Người. Nhưng sau đó, những
người đồng hương của Chúa thắc mắc: “Ông này không phải là con ông Giuse đó
sao? Họ thách thức Chúa làm phép lạ như đã làm tại Caphanaum để họ tin. Trước
sự khước từ của người đồng hương, Chúa Giêsu nói rằng: “Không một tiên tri nào
được tôn trọng ở chính quê hương mình” (Lc 4,24). Nghe vậy, mọi người trong hội
đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy và lôi Người ra khỏi thành, rồi đưa Người lên
núi để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi (Lc 4,21-30).
Khi tường thuật lại sự kiện này, thánh sử
Luca muốn cho chúng ta thấy rằng, những gì Kinh Thánh báo trước nay đã ứng
nghiệm; những gì đã được hứa trong Cựu Ước nay được thực hiện nơi Đức Giêsu.
Người đến khai mở một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cứu độ. Và cả những lời tiên báo
của ông già Simêon về sự chống đối Đức Giêsu hôm nay cũng ứng nghiệm. Thánh Máccô
còn cho thấy rằng sự chống đối này bắt nguồn từ ngay trong gia đình họ hàng của
Người, khi họ nghĩ rằng Chúa Giêsu “bị mất trí và đi bắt Người về.” Còn thánh
Luca liên hệ đến số phận của các tiên tri trong Cựu Ước, những người bị từ
chối, bách hại, tù đày và bị giết chết. Đây cũng là số phận của Đấng Cứu Thế
phải trải qua khi thực thi sứ mạng cứu độ.
Nguyên nhân của sự khước từ này là do sự
thành kiến của những người đồng hương của Chúa. Họ bị giới hạn tầm nhìn của
mình nơi sự hiểu biết hẹp hòi về lý lịch gia đình của Người. Họ chỉ nhìn nhận
Đức Giêsu là một con người chứ không nhận ra Người là Con Thiên Chúa, Đấng
Thiên Sai. Nên họ không tin vào Người và không nhận ra căn tính đích thực của
Người.
Vì thế, Đức Giêsu không làm một phép lạ nào
tại chính quê hương mình. Điều đó không có nghĩa là vì Người đã bị tước đoạt quyền
năng làm phép lạ, nhưng vì sự cứng lòng, thành kiến và thiếu niềm tin của người
đồng hương. Những thái độ đó ngăn cản Chúa không muốn thực hiện những dấu lạ
cho họ. Bởi lẽ, dẫu Thiên Chúa quyền năng, phán một lời liền có trời đất, nhưng
Người phải dừng bước trước thái độ cứng lòng và thiếu cộng tác của con người. Chúa
Giêsu không bao giờ làm phép lạ để lòe mắt thiên hạ, hay ra oai quyền phép thần
thánh của mình. Phép lạ Người thực hiện như là kết quả và phần thưởng cho những
ai đã tin. Như Chúa thường nói: “Đức Tin con cứu chữa con.”
Như thế, khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa
Giêsu phải đối diện với sự khước từ và chống đối. Điều đó cho thấy mầu nhiệm
thập giá luôn xuất hiện trong cuộc đời và sứ vụ của Người. Đỉnh cao của sự
chống đối và khước từ đó chính là thập giá. Nơi đó, sự phản trắc, tệ bạc và độc
ác của con người được phơi bày đến mức tột đỉnh. Nhưng nơi đó, lòng từ bi, nhân
hậu và tình yêu của Thiên Chúa cũng đạt tới sự viên mãn vô biên. Một Thiên Chúa
bị con người từ chối và đóng đinh vào thập giá. Một Thiên Chúa đón nhận tất cả
sự bạc nhược vô ân đó bằng một tình yêu không bờ bến, nhờ đó để chữa lành và
cứu độ con người.
3- Thái độ của người Kitô hữu
Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta
có thể mắc phải thái độ thành kiến, hẹp hòi và vô ơn đối với Thiên Chúa và tha
nhân như người Do Thái trong Tin Mừng hôm nay. Thái độ thành kiến là một hàng
rào ngăn cản con người tới việc khám phá chân lý và những gì mới mẻ của cuộc
sống do Chúa Thánh Thần mang lại. Thành kiến nhốt con người trong tầm nhìn hạn
hẹp của mình, như cóc ngồi ở đáy giếng chỉ nhìn trời bằng cái vung. Nên nó làm
cho con người không nhận ra những điều kỳ diệu và tốt đẹp nơi người khác. Vì
thế, chúng ta loại bỏ nơi mình thành kiến khi tiếp cận cuộc sống bằng cách biết
mở rộng tầm nhìn, cởi mở và tôn trọng người khác, biết đón nhận và học hỏi
những điều mới mẻ từ người khác, cũng như biết bao dung và chấp nhận những khác
biệt của họ mà không hề có thái độ loại trừ. Cuộc sống này đáng ngưỡng mộ và có
nhiều điều mới mẻ đối với ai biết sống tích cực và ngạc nhiên.
Đối với Thiên Chúa, mỗi ngày chúng ta được
mời gọi luôn có thái độ ngoan ngùy trước những tác động của Chúa Thánh Thần,
trở nên dễ bảo và sẵn sàng để được Người hướng dẫn. Bởi lẽ, Người không thể làm
gì trước sự chai lì của chúng ta và phép lạ không thể xảy ra với những người
không có niềm tin như Tin Mừng hôm nay minh chứng.
Nguyện
xin Chúa biến đổi lòng trí chúng ta theo thánh ý của Người. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment