Gs 5,9a.10-12; 2
Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32
Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay là trang
Tin Mừng đẹp nhất của Kinh Thánh. Dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” đã khiến cho mọi
con tim phải xúc động. Nó có một sức mạnh đến ngạc nhiên, bởi con người không
bao giờ hình dung được một vị Thiên Chúa có những cách hành xử đầy lòng thương
xót như thế! Vì sự độc đáo đó, câu chuyện khiến chúng ta không thể nào quên
được.
Dụ ngôn này đề cập đến ba nhân vật
chính, thu hút sự chú ý của chúng ta. Mỗi nhân vật là tấm gương giúp chúng ta
soi mình, để khám phá bản thân ở trong đó. Bởi thế, chúng ta cần tìm hiểu từng
nhân vật của dụ ngôn:
1- Một
người cha nhân hậu
Dụ ngôn trước hết tập trung vào dung
mạo người cha. Có thể nói ông là nhân vật chính của dụ ngôn. Ông không phải là
một người cha nghiêm khắc, gia trưởng, quyền hành và độc đoán. Nhưng là một
người cha rất giàu lòng nhân hậu, khoan dung, và thương xót đối với con cái của
mình. Ông có hai người con trai. Người con thứ xin chia gia
tài. Ông sẵn sàng chia gia tài cho nó. Vì yêu thương và tôn trọng tự do của
con, người cha đã để cho người con thứ rời bỏ gia đình ra đi.
Khi người con thứ đi xa, ông ở nhà thương nhớ, mòn mỏi và trông chờ nó trở
về. Sau khi đã phung phí hết tài sản, người con thứ trở về trong tư thế thân
tàn ma dại, hai bàn tay trắng, người cha vui mừng, ra đón, ôm lấy nó, hôn lấy
hôn để, rồi truyền cho đầy tớ mang giày, mặc áo đẹp cho cậu, và còn mở tiệc
mừng.
Người cha trong dụ ngôn chính là hiện thân Thiên Chúa của Kitô giáo, một vị
Thiên Chúa được Chúa Giêsu Mạc khải cho chúng ta với danh Người là Đấng giàu
lòng thương xót. Người là vị Thiên Chúa nhân hậu, chậm bất bình và rất mực
khoan dung. Người không phải là một vị Thiên Chúa nghiêm khắc như một ông chủ,
một tên cai ngục, hay một tên hung thần như một số người quan niệm.
Đó là dung mạo đích thực của Thiên Chúa. Bởi lẽ, bản chất của Thiên Chúa là
thương xót. Thiên Chúa cứu độ con người nhờ lòng thương xót. Quyền năng của
Thiên Chúa thể hiện lúc Người xót thương, hơn là lúc Người luận phạt. Lòng
thương xót Chúa từ đời nọ tới đời kia, lớn hơn tội lỗi và vượt thắng mọi sự dữ.
Dung mạo Thiên Chúa thương xót là niềm hy vọng và nguồn an ủi cho mọi tội nhân
tìm về.
2- Một
người con hoang đàng
Nhân vật thứ hai trong dụ ngôn phải kể đến người con thứ. Anh ở với cha,
sung sướng có, hạnh phúc có, nhưng anh không nhận ra tình thương của cha. Anh
cũng không ý thức mình là con của cha và chỉ nghĩ mình là một người làm công
trong nhà. Nơi anh, ẩn chứa một quan niệm méo mó về người cha như một viên cai
ngục làm mất tự do của mình. Anh đã quyết định bỏ nhà, trẩy đi phương xa, tìm
kiếm cuộc sống mới.
Ở đó, anh phung phí hết tài sản với bọn đàng điếm, thân tàn ma dại, tiền
mất tật mang. Anh phải xin đi chăn heo, ở với heo, ăn thức ăn của heo. Theo
Kinh Thánh, heo là một loài ô uế. Chi tiết này cho thấy anh đã đánh mất nhân
phẩm, ngang hàng với một loài súc vật. Đó là sự vong thân nền tảng của một
người khi bỏ nhà, xa cha.
Tuy nhiên, nơi con người này vẫn còn le lói một chút gì đó hướng thiện,
đáng trân quý. Anh hồi tưởng lại cuộc sống sung túc ở nhà với cha và từ đó, anh
quyết tâm chỗi dậy trở về với cha và thưa: “Con đã đắc tội với Trời và với cha,
con không đáng gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm
công.” Đó là hành vi sám hối và là cuộc trở về của anh.
Người con thứ là hiện thân của tất cả những ai trong Giáo Hội đã được đón
nhận phép Rửa, ở trong Giáo Hội, nhưng nay, đã bỏ Chúa, bỏ Giáo Hội; họ không
sống đúng với tư cách là con cái Chúa, không thực hành niềm tin tôn giáo, không
còn sống đạo nữa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ được ơn hoán cải và trở về với
Chúa qua việc thực hành niềm tin của mình.
Người con thứ là hiện thân của tất cả những ai đã đi hoang và chìm đắm
trong những con đường tội lỗi như rượu chè, cờ bạc, trai gái dâm đãng… Họ đánh
mất nhân phẩm con người và phẩm giá làm con Chúa. Những người này được mời gọi
hoán cải và trở về với Chúa, nếu không sẽ phải vong thân. Thiên Chúa là Cha
nhân hậu luôn chờ đợi người con hoang trở về. Hãy quay trở về với Cha.
3- Một
người anh ganh tỵ
Có lẽ chúng ta thường ít để ý đến người
con cả. Nhưng anh cũng là đại diện cho rất nhiều người trong Giáo Hội. Anh ở
bên cha, chu toàn mọi công việc được cha giao phó, nhưng lại là một người thiếu
lòng thương xót, phê phán và ganh tỵ với người em của mình. Vì thế, anh cũng
phàn nàn và trách móc người cha, anh không cảm nhận tình thương của cha. Anh ở
gần cha về thể lý nhưng lại xa cha và một cách nào đó hoang đàng về tinh thần.
Người con cả là hiện thân của rất nhiều
người trong chúng ta, những người không chối bỏ Chúa, không rời xa Giáo Hội,
những người xưng tội, rước lễ, tham dự thánh lễ đầy đủ, nhưng lại thiếu lòng
yêu mến Chúa và lòng thương xót đối với tha nhân.
Anh là hiện thân của những người quanh
năm suốt tháng ở trong cộng đoàn, trong giáo xứ, trong gia đình, làm tốt các
bổn phận với Chúa nhưng hay chỉ trích, phàn nàn, ganh tỵ và gây chia rẽ với anh
chị em mình. Những người này cũng cần sám hối và trở về với Cha.
Như vậy, trong dụ ngôn, hình ảnh người
cha chính là dung mạo của Thiên Chúa chúng ta, hình ảnh người con thứ và con cả
là mỗi người chúng ta. Chúng ta cần sám hối, cần khám phá lòng thương xót Chúa
để sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa.
Lạy Thiên Chúa giàu
lòng thương xót, xin dũ lòng thương xót, tha thứ mọi tội lỗi và bất xứng của
chúng con. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
No comments:
Post a Comment