Friday, 26 April 2019

Chỉ có Lòng Thương Xót Chúa mới cứu rỗi chúng ta


Ngày 08/12/2015, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh cha Phanxicô đã long trọng khai mạc Năm Lòng Thương Xót bằng việc mở cửa Năm Thánh trong ngày đại lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Ngài cũng truyền cho các giáo hội địa phương trên toàn thế giới cử hành và mở cửa Năm Thánh tại các nhà thờ chính tòa và các nhà thờ mẹ vào Chúa Nhật III Mùa Vọng, tức là vào ngày 13/12/2015.

Khi mở Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Giáo hoàng trao cho chúng ta một cơ hội để trở về với điều chính yếu của Kitô giáo, đó là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Bởi lẽ, chỉ có Lòng Thương Xót Chúa mới cứu rỗi chúng ta.
1. Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót
Năm Thánh Lòng Thương Xót là cơ hội quý báu để chúng ta suy ngắm và tái khám phá dung mạo đích thực của Thiên Chúa. Dung mạo đó được chính Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta biết qua dòng lịch sử cứu độ. Một cách chính yếu, đó là dung mạo của vị Thiên Chúa xót thương, chứ không phải là một vị Thiên Chúa độc ác, độc tài và độc đoán như những tên bạo chúa ở trần gian. Thương xót trở thành bản tính của Thiên Chúa.
Quả thế, Cựu Ước đã nhiều lần ghi lại kinh nghiệm gặp gỡ với vị Thiên Chúa thương xót, trong đó đặc biệt là kinh nghiệm của Môsê gặp gỡ Thiên Chúa tại núi Sinai. Sách Xuất Hành kể lại cuộc đàm đạo giữa Môsê với vị Thiên Chúa mà ông chưa biết tên. Ông hỏi tên Người là gì? Thiên Chúa mạc khải cho ông biết tên Người là Giavê, là “Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Apraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp” (x. Xh 3,1-15). Trong tiếng Do Thái, “Giavê” có nghĩa là “Ta đang ở đây với ngươi để cứu vớt ngươi”, một vị Thiên Chúa sống động đang và sẽ hiện diện ở đó với các ngươi để giải phóng các ngươi; Thiên Chúa của các tổ phụ là vị Thiên Chúa liên hệ và gắn bó với con người (numen personale) chứ không phải vị thiên chúa chỉ giới hạn ở một nơi chốn (numen locale). Đó là một vị Thiên Chúa hiện diện cận kề và sẵn sàng cứu vớt con người.
Sau khi mạc khải danh của Người, Thiên Chúa mạc khải bản tính Người là “một Thiên Chúa nhân từ và đầy thương xót, chậm bất bình, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Đây chính là những phẩm tính căn bản nhất của Thiên Chúa được diễn tả dưới nhiều hình thức và cách thế khác nhau qua từng trang của Sách Thánh. Nếu những nơi khác Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa hay ghen (x. Xh 20,5), giận hờn và công bình thưởng phạt (x. St 3,16-23), thì đó là những hình thức bày tỏ lòng thương xót ở dạng tiêu cực.
Lịch sử của loài người là lịch sử bị sụp đổ bởi sa ngã và tội lỗi; lịch sử đó được viết lại những trang mới nhờ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Tổ tông loài người đã phạm tội bất tuân phục Thiên Chúa, chạy theo sự lường gạt của Satan nên đã phải chịu kiếp trầm luân. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi con người. Người vẫn tiếp tục hiện diện, đồng hành để cứu vớt con người khỏi án phạt và đưa con người tới sự sống viên mãn.
Xuyên suốt lịch sử cứu độ, tính từ bi của Người được thể hiện cụ thể nơi nhiều hành động của Người, trong đó lòng nhân từ trổi vượt trên những hình phạt và hủy diệt. Các Thánh Vịnh trình bày cách đặc biệt sự hùng vĩ của hành động đầy lòng thương xót của Người: “Người tha thứ cho tất cả tội lỗi của bạn, Người chữa lành mọi bệnh tật của bạn, Người cứu chuộc bạn khỏi hố sâu, Người trao vương miện cho bạn với tình yêu kiên định và lòng thương xót” (Tv 103,3-4). Một Thánh Vịnh khác, thậm chí còn minh nhiên hơn nữa, khi minh chứng cho những dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót của Người: “Người xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn. Chúa giải phóng những ai tù tội, Chúa mở mắt cho kẻ mù loà. Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa yêu chuộng những người công chính. Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân” (Tv 146,7-9). Còn đây là một số diễn đạt khác của Thánh Vịnh gia: “Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành... Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy” (Tv 147,3,6) (x. Misericordiae Vultus, số 6).
Tóm lại, lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể qua đó Người mạc khải tình yêu của Người như của một người cha hay một người mẹ, rung động đến tận những sâu thẳm của tình yêu dành cho con cái mình. Không cường điệu chút nào khi nói rằng đây là một tình yêu “nội tại”. Nó tuôn ra ra từ những sâu thẳm cách tự nhiên, đầy dịu dàng và từ bi, thứ tha và thương xót (x. Misericordiae Vultus, số 6).
2. Đức Giêsu, hiện thân của vị Thiên Chúa xót thương
Với sự xuất hiện của Đức Giêsu, lòng thương xót của Thiên Chúa có một dung mạo cụ thể và rõ ràng, được thể hiện một cách viên mãn nơi Đức Kitô. Bởi thế, bắt đầu Tông sắc Misericordiae vultus, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có những lời rất ý nghĩa: “Chúa Giêsu Kitô là dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha”. Những lời này có thể tổng hợp sâu sắc mầu nhiệm của đức tin Kitô giáo. Lòng Thương Xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Ðức Giêsu thành Nazareth, và đạt đến đỉnh cao nơi Người. ??(Ep 2,4) (Misericordiae Vultus, số 1).
Quả thật, ngay trong mầu nhiệm Nhập Thể của Con Chúa, Thiên Chúa đã mạc khải lòng thương xót Người., như cảm nghiệm của thánh Gioan: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 4,16-17). Khi giáng sinh, Đức Giêsu được gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (x. Mt 1,23). Vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta là vị Thiên Chúa gần gũi, là nơi chúng ta nương ẩn, là sức mạnh, là tình yêu và là ơn cứu độ của chúng ta.
Trong suốt sứ vụ công khai, Đức Giêsu xuất hiện như một một sứ giả Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha để xoa dịu nỗi đau và cứu vớt con người. Khi nhìn thấy đám đông dân chúng đã quá mệt mỏi và kiệt sức không người chăn dắt, Người chạnh lòng thương xót họ cách sâu xa (x. Mt 9,36). Khi thấy những người đau yếu bệnh hoạn tật nguyền, bị quỷ ám, Người thương xót và chữa lành cho họ (x. Mt 14,14 tt; Mc 5,19). Nhiều lần Đức Giêsu đã chủ động đến gặp gỡ những người tội lỗi và giúp họ hoán cải như trường hợp của Matthêu của Giakêu hay của Mađalêna v.v...
Ngoài ra, qua các dụ ngôn, Chúa Giêsu mạc khải bản tính Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Người đã tha thứ cho kẻ sai phạm và vượt qua sự khước từ với lòng trắc ẩn và thương xót/mệt mỏi tha thứ cho kẻ sai phạm. Chúng ta biết rõ về những dụ ngôn này, đặc biệt là 3 dụ ngôn: Con chiên lạc, Đồng tiền bị mất và Người cha có hai người con trai (Lc 15, 1-32). Trong những dụ ngôn này, Thiên Chúa luôn được mô tả là tràn đầy niềm vui, đặc biệt là khi Người tha thứ. Nơi những dụ ngôn ấy, chúng ta tìm thấy cốt lõi của Tin Mừng và đức tin của chúng ta, vì lòng thương xót được trình bày như là một lực vượt qua tất cả mọi thứ, làm đầy trái tim với tình yêu và mang lại ủi an qua sự tha thứ” (x. Misericordiae Vultus, số 9).
Như thế, chúng ta có thể nói rằng: “Các dấu chỉ Người thực hiện, đặc biệt trước những kẻ tội lỗi, người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề, người bệnh, và những người đau khổ, tất cả đều nhằm giảng dạy về lòng thương xót. Mọi thứ nơi Người nói lên lòng thương xót. Không có gì nơi Người thiếu vắng lòng từ bi” (Misericordiae Vultus, số 8).
Tuy nhiên, tất cả những nghĩa cử thương xót ấy chỉ có thể đạt tới sự tột đỉnh và viên mãn nơi biến cố Chết và Phục Sinh của Đức Kitô. Tại đây, Con Thiên Chúa đã tự hạ mình cho đến cùng, trở thành người Tôi Tớ đau khổ, chịu chết trên thập giá, đổ máu đào để cứu độ loài người. Nơi thập giá, Người mặc khải lòng thương xót Thiên Chúa một cách tuyệt vời nhất: Thiên Chúa cùng chịu đau khổ với chúng ta; Thiên Chúa chịu chết thay cho chúng ta để chúng ta được sống dồi dào. Và sự phục sinh của Đức Kitô là chiến thắng của lòng thương xót Thiên Chúa trên tội lỗi và oán thù. Chỉ có lòng thương xót Thiên Chúa mới cứu độ con người.
3. Giáo Hội, chứng nhân của Lòng Thương Xót
Qua Đức Kitô, chúng ta được biết bản tính của Thiên Chúa là thương xót. Đường lối cứu độ của Thiên Chúa cũng là thương xót. Từ nền tảng lòng thương xót Đức Giêsu đã thiết lập Giáo Hội trên trần gian như là chứng nhân của lòng thương xót: “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng giàu lòng thương xót” (Lc 6,36).
Giáo Hội hãy có Lòng Thương Xót, bởi lẽ chính Giáo Hội là đối tượng của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Giáo Hội bao gồm những tội nhân được Chúa Kitô thanh tẩy và cứu chuộc.
Giáo Hội hãy có lòng thương xót, bởi lẽ đó là con đường làm cho Giáo Hội nên giống Chúa Kitô, Hiền Phu của mình, khi Giáo Hội có trong mình những tâm tư, suy nghĩ, chọn lựa và hành động của Chúa Kitô.
Giáo Hội hãy có lòng thương xót, bởi lẽ đó là con đường hiệu quả nhất để Giáo Hội đưa con người về với Thiên Chúa.
Theo cái nhìn đó, Công Đồng Vatican II đã định nghĩa Giáo Hội như là bí tích và là dụng cụ ơn cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.[1] Nếu Giáo Hội cũng là bí tích của tình yêu Thiên Chúa, thì Giáo Hội cũng là bí tích của lòng Thiên Chúa thương xót. Khi đề cập đến sứ vụ này, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có những lời thật ý nghĩa: “Giáo Hội sống một cuộc sống đích thực khi Giáo Hội tuyên xưng và rao truyền lòng thương xót - là các thuộc tính kỳ diệu nhất của Tạo Hoá và của Ðấng Cứu Chuộc - cũng như khi Giáo Hội đem mọi người đến gần với suối nguồn lòng thương xót của Ðấng Cứu Thế, mà Giáo Hội là người được ủy thác và phân phát”.[2]
Nếu một Giáo Hội không có đức ái và lòng thương xót thì không là Giáo Hội của Chúa Kitô nữa. Nếu Giáo Hội quá khắt khe và thiếu lòng thương xót thì đó là lý do khiến nhiều người đã trách móc tại sao Giáo Hội không sống lời mình rao giảng? Tại sao Giáo Hội lại không có lòng thương xót như Thiên Chúa?
Do đó, sứ điệp thương xót phải là trung tâm điểm, là linh hồn của sứ vụ Giáo Hội. Sứ điệp đó phải được thể hiện trong toàn bộ đời sống của Giáo Hội, nhất là trong giáo huấn, sứ vụ và chương trình mục vụ. Đó là lý do tại sao khi khai mạc Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nói rằng trước hết Giáo Hội phải dùng tới thuốc thương xót. Giáo Hội làm chứng cho lòng thương xót qua ba phương thức, đó là công bố lòng thương xót, cung cấp cho mọi người lòng thương xót qua các bí tích và cuối cùng là để cho lòng thương xót hiện diện và thể hiện trong toàn bộ đời sống Giáo Hội.
Có cùng cảm thức đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô quả quyết: “Ngày nay, khi Giáo Hội đang gánh vác trọng nhiệm Tân Phúc Âm Hóa, chủ đề của lòng thương xót cần được tái đề xuất hết lần này đến lần khác với lòng nhiệt thành mới và các hoạt động mục vụ được canh tân. Tuyệt đối cần thiết cho Giáo Hội và cho sự khả tín của thông điệp Giáo Hội đưa ra là Giáo Hội phải sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và những cử chỉ của Giáo Hội phải chuyển tải lòng thương xót, để chạm vào con tim của tất cả mọi người và truyền cảm hứng cho họ một lần nữa để tìm ra con đường dẫn đến Chúa Cha” (Misericordiae Vultus, số 12).
Thay lời kết
Hơn lúc nào hết, chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự vô cảm đang lan tràn khắp thế giới. Có biết bao nhiêu những hoàn cảnh khốn khổ vì nghèo đói, thất nghiệp và chiến tranh, những tình huống bấp bênh và đau khổ vì bệnh tật chết chóc xảy ra trên thế giới. Lòng con người như băng giá vì sự oán ghét, hận thù và chia rẽ. Bởi lẽ, con người người đang thiếu vắng lòng thương xót và cần đến lòng thương xót. Chỉ có lòng thương xót mới thực sự là ngọn lửa thắp lên để sưởi ấm lòng người. Chỉ có lòng thương xót mới có thể quy tụ con người lại với nhau bên bếp lửa hồng đó. Và chỉ có lòng thương xót mới có thể vực con người đứng dậy về với Thiên Chúa sau những vấp ngã, thất vọng, đổ vỡ của cuộc đời này.
Trong bối cảnh đó, Năm Thánh Lòng Thương Xót mở ra như là cơ hội để chúng ta cảm nghiệm, sống và thực thi lòng thương xót đối với mọi người. Lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trở nên cấp thiết đối với mọi thành phần Giáo Hội hôm nay hơn bao giờ hết: “Hãy trở thành khí cụ của lòng thương xót vì chính chúng ta là những người đầu tiên nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa. Hãy rộng lượng với người khác với hiểu biết rằng Thiên Chúa tuôn đổ sự tốt lành của Người trên chúng ta với lòng quảng đại bao la” (Misericordiae Vultus, số 14).

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Tài liệu tham khảo
1. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Chiếu Misericordiae vultus, 11/4/2015
2. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Ðiệp Dives in Misericordia, 30/9/1980.
3. Công Ðồng Vatican II Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium; Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới hiện đại Gaudium et Spes.






[1] Cf. Vatican II, Ad gentes 2.
[2] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Ðiệp Dives in Misericordia (Giàu Lòng Thương Xót), 13.


No comments:

Post a Comment