Friday, 24 April 2020

Để gặp gỡ Đấng Phục Sinh

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
Cv 2,14.22-33; 1 Pr 1,17-21; Lc 24,13-35

Với Chúa Nhật III Phục Sinh, phụng vụ Lời Chúa tiếp tục trình bày với chúng ta về niềm tin vào Đấng Phục Sinh. Trong thánh lễ này, chúng ta khai triển về chủ đề này với ba điểm: 1) Biến cố phục sinh là nền tảng của niềm tin Kitô giáo; 2) Làm sao để nhận ra Đấng Phục Sinh; 3) Loan báo Đấng Phục Sinh.
1- Chúa Phục Sinh, nền tảng đức tin
Sự kiện Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết là một điều hết sức bất ngờ, không ai có thể nghĩ trước được. Bởi lẽ, đây là biến cố có một không hai trong lịch sử nhân loại. Đức Kitô là người đầu tiên chỗi dậy từ cõi chết. Đối với các môn đệ, khi chứng kiến Chúa chết trên thập giá, họ cho rằng mọi sự đã kết thúc, niềm hy vọng vào Người tan thành mây khói, họ trở về quê để kiếm kế sinh nhai như hai môn đệ Emmaus. Nhưng sau khi Chúa Giêsu đã sống lại và hiện ra nhiều lần với các môn đệ, họ được gặp gỡ Đấng Phục Sinh, được củng cố niềm tin và trở thành những người can đảm làm chứng cho Người.
Điều này được nói ở trong bài đọc I, thánh Phêrô cùng với Nhóm Mười Một lớn tiếng với dân chúng rằng: “Đức Giêsu Nadarét, là người được Thiên Chúa phái đến với anh em... Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ... Đức Giêsu ấy đã bị nộp và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi... Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2,22-32).
Những lời trên đây minh chứng rằng biến cố phục sinh là nền tảng của niềm tin Kitô giáo. Nếu trước phục sinh, trọng tâm sứ vụ rao giảng là Nước Thiên Chúa, thì sau biến cố này, trọng tâm lời rao giảng là “Đức Giêsu chịu chết, được mai táng và sau ba ngày, Người sống lại.” Bởi lẽ, biến cố này là trung tâm điểm của Kitô giáo. Nói như thánh Phaolô, nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta trở nên hảo huyền và lời rao giảng của chúng tôi sẽ trở nên trống rỗng (x. 1 Cr 15,14.17). Hay nói cách khác, nếu Chúa Kitô không sống lại, sẽ không có Kitô giáo, không có ơn cứu độ, không có Giáo Hội và không có cộng đoàn chúng ta quy tụ để cử hành thánh lễ như hôm nay. Quả là đúng như lời thánh Phêrô trong bài đọc II: “Anh em được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô... Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa” (1 Pr 1,19.21).

2- Làm sao để nhận ra Đấng Phục Sinh?


Tuy nhiên, không phải dễ dàng để nhận ra Đấng Phục Sinh, cần phải có một cặp mắt đức tin nhạy bén mới nhận ra Người. Bởi vì với biến cố này, Chúa Kitô là người đầu tiên đi vào một đời sống hoàn toàn mới; sự hiện hữu của Người hoàn toàn khác biệt; Người là Đấng hằng sống. Người vẫn là chính Người nhưng thân xác Người đã được biến đổi. Người không còn bị lệ thuộc bởi không gian và thời gian, cũng như những định luật tự nhiên chi phối. Người có thể hiện ra và xuất hiện ở bất kỳ nơi nào mà Người muốn.

Bài Tin Mừng hôm nay minh chứng điều đó. Sau khi chứng kiến Chúa chết trên thập giá, hai môn đệ Emmaus thất vọng trở về quê, trên đường về, Đấng Phục Sinh đồng hành, nói chuyện với họ như một người bộ hành, nhưng họ không nhận ra Người. Đấng Phục Sinh đã dùng Kinh Thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước để giải thích cho họ hiểu về Đấng Kitô và những gì đang xảy ra. Sau đó, họ mời Người dùng bữa. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất (x. Lc 24,25-31).
Có thể nói diễn tiến của trình thuật này là diễn tiến của một thánh lễ đầu tiên được cử hành dọc đường do Đấng Phục Sinh. Theo đó, nó có hai phần: phần thứ nhất là phần Lời Chúa. Chúa Giêsu đã dùng lời Chúa để giải thích cho họ hiểu về mầu nhiệm liên quan đến Chúa Kitô. Nơi Người, các lời Kinh Thánh được ứng nghiệm. Đây cũng là phần đầu của thánh lễ mà chúng ta cử hành, được gọi là bàn tiệc Lời Chúa. Đối với chúng ta, Lời Chúa là lương thực hằng ngày cho chúng ta. Lời Chúa là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng dẫn đường chúng ta đi. Lời Chúa giúp chúng ta nhận ra Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ. Như thánh Giêrônimô đã từng nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô.” Nên chúng ta cần phải siêng năng học hỏi Kinh Thánh, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.
Phần thứ hai đó là phần bẻ bánh: Đấng Phục Sinh cầm bánh, chúc tụng và bẻ ra cho các ông. Mắt họ liền sáng ra vì thấy Người bẻ bánh. Họ đã nhận ra Đấng Phục Sinh khi cùng tham dự bẻ bánh với Người. Đây cũng chính là phần thứ hai của thánh lễ, đó là bàn tiệc Thánh Thể. Sau khi nghe Lời Chúa, chúng ta cùng cử hành Thánh Thể. Chính lúc truyền phép, bánh và rượu trở thành Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu. Đấng Phục Sinh hiện diện với chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Bởi vì Chúa Phục Sinh và Chúa Giêsu Thánh Thể là một. Người trở thành lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta. Người trở thành người bạn đồng hành với chúng ta trong mọi nẻo đường cuộc sống. Người trở thành sức mạnh cho chúng ta khi gặp những gian nan thử thách. Người làm cho chúng ta sáng mắt và cháy bỏng lòng yêu mến khi chúng ta tham dự bàn tiệc với Người.
Như thế, nhờ Lời Chúa và việc bẻ bánh, hai môn đệ Emmaus đã nhận ra Đấng Phục Sinh. Cũng thế, ngày hôm nay, Đấng Phục Sinh tiếp tục hiện diện và đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường cuộc sống. Chúng ta nhận ra Người nhờ việc đọc, suy gẫm Lời Chúa và tham dự thánh lễ. Kinh Thánh và Thánh Thể là hai con đường tuyệt hảo để gặp gỡ Đấng Phục Sinh.

3- Làm chứng cho Đấng Phục Sinh


Những ai đã gặp gỡ Đấng Phục Sinh đều cảm thấy có nhu cầu cần phải loan báo cho người khác biết. Hai môn đệ Emmaus sau khi đã gặp gỡ và nhận ra Đấng Phục Sinh, họ đã quay trở lại Giêrusalem và loan báo cho các bạn hữu biết Chúa đã trỗi dậy rồi. Những người phụ nữ ra mồ để viếng xác Chúa, nhưng bất ngờ được gặp Đấng Phục Sinh, họ đã vội vã trở về báo tin cho các Tông Đồ biết là Chúa đã sống lại. Trong ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô đã hùng hồn rao giảng về Đấng Phục Sinh. Kết quả là có khoảng 3000 người theo đạo. Những Tông Đồ khác, sau khi Chúa Phục Sinh, đã theo lệnh truyền của Chúa và đã đi khắp tứ phương thiên hạ để truyền giáo và làm chứng cho Đấng Phục Sinh.

Đến lượt chúng ta, với tư cách là những người Kitô hữu, sau khi đã được lắng nghe Lời Chúa và Bẻ Bánh, chúng ta được mời gọi ra đi rao giảng Tin Mừng Phục Sinh cho những người xung quanh. Đó là sứ vụ của Giáo Hội. Đó là sứ vụ của mỗi người Kitô hữu. Bởi vì, chúng ta không chỉ là những người tin vào Chúa mà còn là những người loan báo Chúa cho người khác.
Nguyện xin Đấng Phục Sinh luôn đồng hành, soi sáng và làm cho chúng ta được bừng cháy lòng mến và lòng nhiệt thành để chúng ta làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Amen!





No comments:

Post a Comment